Diễn đàn

Thi đua, khen thưởng: Cốt nhất ở hiệu quả; Tránh hình thức

Phong trào thi đua yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trước đây sở dĩ đạt được hiệu quả là bởi nó thiết thực, thực chất, chú trọng đến hiệu quả công việc.Ngay từ lời kêu gọi đầu tiên vào ngày 1/5/1948, Bác đã chỉ cho đồng bào thấy thi đua yêu nước không gì khác tức là “tăng gia sản xuất.” Nội dung thi đua luôn được Người đưa ra rất cụ thể, rõ ràng, phù hợp với từng thời kỳ, từng đối tượng; không trừu tượng, chung chung. Ví như trong lời kêu gọi viết vào 11/6/1948 đăng trên báo Cứu quốc, Người chỉ rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt,Diệt giặc ngoại xâm.” Kết quả phong trào thi đua được Người đưa ra một cách cụ thể đó là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm, Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.”

Ngày nay, phong trào thi đua của chúng ta chưa thực hiện được những điều trên mà phần nhiều còn mang tính hình thức, nhiều nơi đang là áp lực thành tích của đơn vị, tính tự nguyện  và phấn đấu vì mục tiêu chung đang là một vấn đề cần bàn.

Cứ đến tháng 11 hàng năm, lịch làm việc các cơ quan, đơn vị lại dành phải một phần khá lớn thời gian cho công tác thi đua, khen thưởng. Từ xếp loại thi đua từng cá nhân trong cơ quan đến đánh giá thi đua tập thể rồi lại thi đua cụm, khối ngành…

Hàng năm, các cá nhân, đơn vị đăng kí danh hiệu thi đua và cuối năm tổ chức xét duyệt, bình bầu với một loạt những mục, tiêu chí được quy ra thành điểm rất trừu tượng, chung chung vô cùng khó để việc cho điểm khả dĩ phản ánh đúng thực chất. Một số cá nhân, đơn vị không quan tâm nhiều đến nội dung đánh giá ở từng mục mà chỉ cốt cộng lại sẽ có tổng điểm ở mức đạt danh hiệu họ muốn. Không ít cá nhân, đơn vị tự nhận điểm cao hơn so với thực chất, tức là khai khống thành tích, né tránh khuyết điểm của mình. Chưa kể đến tâm lý xét thi đua hiện nay thường là cào bằng hay luân phiên nhau hoặc tập trung ưu tiên cho một số cá nhân lãnh đạo. Nói cách khác là chia phần danh hiệu thi đua.Cuối cùng, dù nhìn qua có vẻ công việc đánh giá danh hiệu thi đua được tiến hành rất cụ thể, tỉ mỉ song vẫn chỉ là một việc làm đầy hình thức.

Mặt khác, nếu như trước đây chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phong trào thi đua phải được thực hiện trong toàn dân, phải lâu dài và rộng khắp thì nay việc áp đặt, giới hạn vể số lượng, tỷ lệ danh hiệu thi đua hình như đang đi ngược lại điều đó. Có thể dẫn ra đây một ví dụ về cái quy định trớ trêu này. Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sỹ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, Chiến sĩ thi đua cơ sở có ghi: “Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu "Lao động tiên tiến" hoặc danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến".” Một số ý kiến cho rằng việc này là hợp lý vì nó gắn với danh hiệu. Nếu không khống chế, giới hạn về số lượng thì dễ dẫn đến tràn lan, không đủ quỹ để khen thưởng (!?),v..v…Vậy trong trường hợp một đơn vị mà các cá nhân đều xuất sắc, làm việc hiệu quả, đóng góp lớn cho sự phát triển chung thì chúng ta phải xử lí ra sao? Chúng ta bắt buộc chỉ chọn ra một vài người trong số đó? Với những đơn vị hiệu quả công việc kém sao vẫn cố chọn cho ra một vài danh hiệu thi đua? Điều này luôn làm đau đầu việc xét duyệt mỗi năm ở các đơn vị vì không thể để có quá nhiều người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ hay phải tìm cho ra người không hoàn thành tốt lắm việc của mình. Trong khi đó, cách làm đúng phải là không cào bằng, không phân tỷ lệ, áp đặt số lượng về cho từng đơn vị mà xét vào hiệu quả làm việc của cá nhân/tập thể. Khen thưởng đúng người, đúng việc mới mong có được hiệu quả, mới mong huy động một cách tối đa nội lực, là tạo nên không khí hăng say, phấn khởi, ra sức làm việc trong dân.

Một tình trạng khác cũng khiến cho thi đua, khen thưởng không mang lại hiệu quả là việc gắn quá nhiều lợi ích cá nhân với danh hiệu thi đua. Việc căn cứ vào danh hiệu chiến sĩ thi đua,lao động tiên tiến, giấy khen, bằng khen, huân huy chương để nâng lương trước thời hạn hay ưu tiên trong việc bổ nhiệm vào các vị trí đang tạo ra một phong trào chạy danh hiệu. Cùng với việc chạy cho được danh hiệu này không ít nơi còn dẫn đến tranh giành, tỵ nạnh, xin xỏ danh hiệu, gây tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”, thậm chí mất đoàn kết. Cuối cùng phong trào thi đua lại biến tướng thành một cuộc chạy đua, cạnh tranh không lành mạnh, làm trỗi dậy không ít tính hư tật xấu.

Tất cả những thực trạng trên đang khiến cho công tác thi đua, khen thưởng trên toàn quốc nói chung, Nghệ An nói riêng chưa mang lại hiệu quả như ý muốn. Mặc dù hàng năm chúng ta phải bỏ ra rất nhiều tiền của, thời gian; chúng ta phải thiết lập hẳn một bộ máy hành chính với đầy đủ ban bệ cho việc này nhưng rút cục hiệu quả, tác động xã hội thì không nhiều. Xin hãy nhìn lại, chỉ trên địa bàn Nghệ An thôi, mỗi năm chúng ta có bao nhiêu lao động tiên tiến, bao nhiêu chiến sỹ thi đua, bao nhiêu tập thể xuất sắc nhận bằng khen, huy chương, huân chương? Và, có bao nhiêu người trong số đó có thể chỉ ra một cách cụ thể những kết quả, hiệu quả mà họ mang lại cho cuộc sống?

Đã đến lúc, mỗi dịp tổng kết thi đua, khen thưởng, thay vì nêu lên những con số bao nhiêu cá nhân, đơn vị được nhận các danh hiệu mà hãy cùng nhau chỉ ra những việc làm có ích, thiết thực, hiệu quả, tác động tích cực đối với cộng đồng và xã hội mà nó mang lại ra sao, lợi ích cho nhân dân như thế nào. Đừng để căn bệnh hình thức tiếp tục tầm thường hóa hoạt động thi đua khen thưởng và các danh hiệu thi đua khi xem nó tiền đề của thăng tiến và những lợi ích vật chất nhỏ nhoi!

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512340

Hôm nay

2277

Hôm qua

2389

Tuần này

2277

Tháng này

219213

Tháng qua

121356

Tất cả

114512340