Nhìn ra thế giới

Vấn đề “đê đoan nhân khẩu” ở Trung Quốc

Hai tháng nay, đương cục thành phố Bắc Kinh tiến hành thanh lý triệt để dân ngoại tỉnh, nông dân công, người làm các nghề dịch vụ tạp vụ, không có hộ khẩu thành phố, v.v… ra khỏi thành phố, chính quyền Bắc Kinh dùng từ “đê đoan nhân khẩu” (nghĩa đen từng chữ: Đê là thấp, Đoan là đầu mút, tức là nhân khẩu đầu mút thấp.Theo tiếng Anh là :Low-end population) để chỉ những người này, đã gây tranh cãi về nội hàm từ này là không khoa học, có ý miệt thị tầng lớp người này. Tranh cãi sâu hơn là, thực chất tầng lớp này là ai ? được hình thành như thế nào ở Trung Quốc, trên thế giới ? Vai trò của họ đối với sự phát triển của xã hội thế nào ? Trung Quốc và thế giới đã nhìn nhận và đối xử với tầng lớp này như thế nào ? Vân vân …

Bài trước chỉ mới là phần nửa, phần nổi, phần bột phát nổ ra của câu chuyện, bài này sẽ giới thiệu nửa phần còn lại, phần chìm, phần cốt dài dài của câu chuyện để cùng suy ngẫm.

Vậy “đê đoan nhân khẩu”, “nhân khẩu đầu thấp”, họ là những ai ? được sinh ra như thế nào ? “Nhân khẩu đầu thấp” này được định nghĩa như thế nào ? Nhìn bề ngoài là khái niệm một giai tầng, nhưng phân tích tỷ mỷ lại không phải thế. Trước tiên “nhân kẩu đầu thấp” ở Trung Quốc, không ngoại lệ là chỉ người nơi khác đến, mà trước hết còn là một thứ thân phận hộ khẩu căn cứ vào thể chế trao cho, chứ không phải giai tầng (class) do thị trường hình thành. Dân nghèo bản địa thành phố hoặc nhân khẩu thu nhập thấp nông thôn có kinh tế, địa vị xã hội tương tự như vậy nhưng lại không thuộc “nhân khẩu đầu thấp”, vì họ có hộ khẩu nơi mình ở của mình. Thứ nữa, “nhân khẩu đầu thấp” còn có phân biệt về ngành nghề, như “Nhân dân nhật báo” bản hải ngoại, ngày 01/8/2016 ghi “nhân khẩu đầu thấp” là chỉ “những người chuyên làm hoặc việc làm trong các sản nghiệp đầu giữa và thấp, làm tại thị trường bán buôn không phù hợp với định vị của thành phố siêu lớn”.

Có ý kiến nhận xét, một thời trước đây xuất hiện cụm từ “quần thể thế yếu”. “Quần thể thế yếu” là so với “quần thể thế mạnh” trong xã hội chủ yếu từ các mặt thế, lực, uy quyền về chính trị, về kinh tế, về sức mạnh cơ bắp, đấm đá, bạo lực để chèn ép, cạnh tranh, bức hại ‘thế yếu’. “Quần thể thế yếu” không gắn với ngành nghề, việc làm để xác định. Trong xã hội Trung Quốc trước đây rất ghét kẻ mạnh ức hiếp kẻ  yếu, nên “thế yếu” rất được cộng đồng xã hội đồng cảm, ủng hộ, bảo vệ. Tất nhiên trong từng trường hợp con người cụ thể là có người thuộc “nhân khẩu đầu thấp” trong đó. Hoặc ngược lại trong “nhân khẩu đầu thấp” cũng có “quần thể thế yếu” trong đó. “Nhân khẩu đầu thấp” lúc ban đầu là gắn với “nghề, việc làm đầu thấp”. Những người làm những “nghề, việc làm đầu thấp” nhất định là “nhân khẩu đầu thấp”. Hơn nữa, thể hiện thân phận bị khinh rẻ, sỉ nhục, chứ không phải có sự đồng cảm, bảo vệ như đối với “quần thể thế yêu”. Chính vì vậy, một thời trước đây ai ai cũng đều tự nhận mình là “thế yếu” để chiếm lĩnh điểm cao đạo đức, tựa hồ ai là thế yếu kẻ đó vinh quang.

Cũng có phát hiện nguồn gốc sử dụng từ “nhân khẩu đầu thấp” thường là dùng để hình dung loại sản nghiệp, mà ở đó “nhân khẩu đầu thấp” là quần thể chuyên lao động thể lực, trình độ văn hóa thấp, thu nhập thấp, như “nông dân công” làm trong ngành chế tạo, gia công chế biến, xây dựng.

Ngược lại loại lao động giản đơn như chăm sóc trẻ, nhân viên cửa hàng ăn uống, dọn dẹp vệ sinh, xử lý rác thải, chuyển phát nhanh lại không thuộc “nhân khẩu đầu thấp”, bởi vì nghề phục vụ này gắn chặt với đời sống tiện lợi của “nhân khẩu đầu cao”. Nếu tách rời quần thể này thì sự vận hành của toàn thành phố sẽ gặp ách tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của “nhân khẩu đầu cao”.

Vậy “nhân khẩu đầu cao” là ai ? ở Bắc Kinh, cái gọi là “nhân khẩu đầu cao” đầu tiên và chủ yếu là chỉ người trong chính quyền Trung Cộng, hoặc là nói giai tầng đặc quyền trong thể chế, là tầng lớp quyền quí nhiều quyền nhiều tiền, nhiều thế, cũng chính vì vậy trong hành động thanh lý lần này, một số báo chí cơ quan trung ương cũng nhảy ra có tiếng nói “thành phố không chỉ có áo cổ trắng”, cơ sở lập luận cũng chỉ vì  nhu cầu tự thân “nhân khẩu đầu cao” cần có quần thể phục vụ này mà thôi, chứ không phải vì quần thể “nhân khẩu đầu thấp”.

Nhưng thực ra gọi là “nhân khẩu đầu cao” chỉ là cái vỏ, cái áo khoác bên ngoài mà thôi, nếu xét về phẩm cách con người thi có bộ phận không nhỏ trong đó lại là “nhân khẩu đầu thấp” về phẩm cách con người, về đạo đức làm người, mà như thực tế  đã phơi bày không có quan nào là không tham. Cái vỏ, cái áo khoác bên ngoài này vừa là phương tiện thực hiện vừa là phương tiện che đậy cái ruột bên trong ngày càng tha hóa không có điểm dừng mà mọi người đã và đang chứng kiến. Cho nên trong dư luận dân chúng nói “đầu thấp nhân khẩu” (với ý là tầng lớp thấp là con người), “đầu trung khuyển Nho” (với ý là tầng lớp giữa là loại chó Nho), “đầu cao cầm thú” (với ý là tầng lớp cao là loài cầm thú).

Cũng có loại địa vị kinh tế không phải thấp, nhưng cũng có thể là “đầu thấp”. Như chủ vựa chợ bán buôn, bởi vì phần lớn những hàng hóa bán buôn của họ là phục vụ cho “nhân khẩu đầu thấp”, không phải cho nhu cầu của “nhân khẩu đầu cao”. Chủ vựa tuy địa vị kinh tế còn cao hơn trung sản, nhưng vẫn liệt vào “nhân khẩu đầu thấp”. Như vừa rồi mấy vạn quầy bán buôn phục trang ở khu chợ vườn thú nổi tiếng Bắc Kinh bị dẹp, phải chuyển đi.

Cũng có quần thể trình độ văn hóa không phải thấp, như kỹ sư, tiến sĩ vừa ra trường, đang tìm công việc làm hoặc công việc không phù hợp, chưa ổn định, thu nhập thấp, chỗ ở không ổn định, phải thuê ở khu nhà giá rẻ, cũng thuộc loại “nhân khẩu đầu thấp”.

Như vậy, ở Trung Quốc, cái gì là “nhân khẩu đầu thấp” hoàn toàn là căn cứ vào nhu cầu cuả “nhân khẩu đầu cao” hoặc của giai tầng đặc quyền trong từng thời kỳ nhất định để định. Chính vì vậy, qua cuộc thanh trừ này, đã có tâm lý cho rằng, dưới thể chế chuyên trị của Trung Cộng, thì không ai là không thể trở thành “nhân khẩu đầu thấp” chỉ sau một đêm, kể cả những người hiện là “nhân khẩu đầu cao hay trung”.

Thời cải cách ruộng đất, tầng lớp nghèo đói, văn hóa kém ở nông thôn là bấn cố nông, ở thành phố là dân nghèo thành thị, ở các khu mỏ, nhà máy là công nhân, v.v…, Trung Cộng đã từng coi họ là “giai cấp vô sản” đúng như định nghĩa của Mác, nhưng không coi là “nhân khẩu đầu thấp” mà là “giai cấp tiên tiến nhất”, là “giai cấp lãnh đạo”, là loại “nhân khẩu đầu cao”. Như vậy có phải trước đây là đã lừa bịp họ hoặc nay lại phản lại họ ? Đồng thời lại định ra cái gọi là “4 loại phần tử” gồm địa chủ, phú nông, phản cách mạng, kẻ xấu coi là “nhân khẩu đầu thấp” về chính trị, trở thành giai tầng “tiện dân” (dân hèn mọn) trong xã hội Trung Quốc với hàng triệu người bị bức hại tàn độc. Đến thời “Đại cách mạng văn hóa” lại thêm một phần tử nữa là “phái hữu” thành 5 loại, về sau tăng lên 7 loại (thêm phần tử lạc hậu, phần tử nhàn rỗi), 9 loại rồi 21 loại(thêm các phần tử đuôi chủ nghĩa tư bản). Khi mới bắt đầu cuộc Cách mạng văn hóa, chỉ riêng thành phố Bắc Kinh đã có đến trên 85.000 người bị chụp cho “các loại mũ” này và bị đuổi ra khỏi Bắc Kinh.

Vậy tại sao vấn đề “nhân khẩu đầu thấp” lại nghiêm trọng dai giẳng như vậy ? Chủ nghĩa Nazi của Hitler Đức kỳ thị, đàn áp người Do thái, nhưng đó là kỳ thị chủng tộc, loại bỏ người ngoại chủng, chứ không kỳ thị, loại bỏ người Đức cùng chủng tộc, mặc dầu trong cộng đồng người Đức cũng tồn tại bộ phận người giống như những người mà Trung Quốc liệt vào quần thể “nhân khẩu đầu thấp”. Còn Trung Quốc kỳ thị, thanh trừ người cùng huyết thống Trung Hoa của mình một cách tàn bạo không ghê tay và với qui mô lớn gấp nhiều lần và lâu dài hơn qui mô, mức độ, thời gian Hitler kỳ thị loại trừ người Do Thái. Đó Là vì :

Một là, về lý luận mà nói, đó là sự kỳ thị chủng tộc, hoặc nói đúng hơn là kỳ thị giai cấp. Tại sao lại nói kỳ thị giai cấp ? Chẳng phải đảng Cộng sản nói mình là chính đảng của giai cấp vô sản, sao lại kỳ thị giai cấp vô sản, mà còn coi họ là “nhân khẩu đầu thấp” ? Vậy ai là “nhân khẩu đầu cao” ? Nhìn lên, đó là giai cấp tư sản quan liêu nắm chính quyền, ở vị trí có quyền có thế và bám dựa theo họ là những kẻ gọi là nhóm lợi ích có ngay của tầng lớp trung sản. Họ tự cảm thấy mình là tầng lớp “tinh anh”, có tư cách coi thường người khác. Ý thức “tinh anh” này là từ quan niệm đẳng cấp của xã hội phong kiến vẫn tiếp tục phát huy. Có số người do số nguyên nhân nào đó chiếm được vị trí ưu thế (như CÔCC (con ông cháu cha),5C (con cháu các cụ cả),Thái tử đảng thế hệ I, thế hệ II, III, v.v…) họ cảm thấy trời sinh hoặc hậu sinh cho họ có được huyết thống cao quí hơn người khác, có tư cách coi khinh người khác. Tư tưởng Bôn-sê-vích (phe đa số) ưu thế hơn Men- sê- vích (phe thiểu số) từ Liên Xô trước đây truyền đến Trung Quốc, cũng là một thứ tư tưởng của chủ nghĩa chủng tộc. Đảng CSTQ đúng là không có quan hệ huyết thống, không có quan hệ tiền của gì với tiên tổ chủ nghĩa cộng sản, mà là ý thức đẳng cấp phong kiến thuần chủng. Từ đó đẻ ra ý thức coi con người là công cụ, ý thức coi thường người khác là đương nhiên, là bình thường. Nhưng họ tìm được mỹ từ gọi là  “tinh anh trị quốc”, để có được tâm an lý đắc, kỳ thị cũng được danh chính ngôn thuận.

Còn các nước dân chủ, không phải không lấy “tinh anh trị quốc”, nhưng “tinh anh” của họ không phải được sản sinh ra từ ý thức đẳng cấp phong kiến, mà là từ ý thức dân chủ, bình đẳng, tôn trọng con người. Quan chức, từ Tổng thống với dân thường, từ đại phú hào với người nghèo khổ cùng đinh, từ người bản địa với người các dân tộc khác, các nước khác đến, v.v… đều bình đẳng, tôn trọng, hòa hợp, bảo vệ về thân phận về quyền của con người trong xã hội. Có thể nói trong con người họ không nang theo ý thức phong kiến, ý thức đẳng cấp, ý thức coi con người là công cụ, ý thức kỳ thị miệt thị chà đạp con người như ở Trung Quốc. (Ở đây không cần nêu lên rất nhiều ví dụ cụ thể trong đời sống thường nhật của các nước dân chủ để nói lên điều này.)

Hai là, có ý kiến phân tích cho rằngchủ nghĩa Mác là một thứ chủ nghĩa Đác-Uyn xã hội là căn nguyên lý luận, tư tưởng của vấn đề “nhân khẩu đầu thấp” nẩy sinh, tồn tại và phát triển tại các nước cộng sản. Năm giai đoạn phát triển xã hội của chủ nghĩa Mác, là sự phân tích điển hình về tiến hóa luận xã hội. Qua phân tích cho thấy tiến hóa luận xã hội tất dẫn đến chính trị của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội. Kết quả chính trị của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, ở trong chủ nghĩa Lênin, đã trở thành rửa máu đối với “nhân khẩu giai cấp đầu thấp”; trong chủ nghĩa Nazi đã trở thành tuyệt diệt “nhân khẩu chủng tộc đầu thấp”; ở trong chủ nghĩa Đặng Tiểu Bình đã trở thành xua đuổi “nhân khẩu kinh tế đầu thấp”. Căn bệnh chung của những hành vi này không phải do Pháp gia, mà là do thuyết phát triển xã hội theo giai đoạn của chủ nghĩa Mác.

Vấn đề lớn nhất của chủ nghĩa Đác–uyn xã hội là ở dùng kết quả để khẳng định quá trình, là dùng bạo lực, lừa gạt, bóp nghẹt, giết chết, dựa trên sự bất bình đẳng và bảo vệ sự bất bình đẳng này về phân phối quyền lợi và tài nguyên.

Một quốc độ thịnh hành chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, nhất định là một xã hội không những xa lạ, mà còn hoài nghi và dè bỉu đối với quan niệm “con người vốn sinh ra là tự do bình đẳng”. Vấn đề ở Trung Quốc là, đối với “nhân khẩu đầu thấp”, một từ nhạy cảm có tính xã hội ngang nhiên kỳ thị này, phía đương cục đáng ra nên kịp thời làm rõ, ngăn cản truyền bá, phân rõ giới hạn chính sách đối với sự lạm dụng với tốc độ nhanh chóng và rộng khắp từ nhạy cảm có tính chính trị này, mà không nên vô cảm, không làm gì, từ đó trên thực tế đã để mặc chính quyền cơ sở ngang ngược trong quán triệt chính sách.

Ở các quốc gia khác trên thế giới nghe thấy “nhân khẩu đầu thấp”, coi đó là cách dùng trắng trợn nhất chủ nghĩa Đác- uyn xã hội trong lịch sử cận hiện đại, đối với người nhạy cảm đặc biệt, thậm chí không chịu nổi dẫn đến một số liên tưởng đáng sợ. Từ “nhân khẩu đầu thấp” nhanh chóng lưu hành rộng khắp đã chạm đến thần kinh của biết bao nhiêu người, cho dù đã bị phủ định về mặt ý nghĩa, cũng là một dấu hiệu không đẹp đẽ gì về quan niệm chủ nghĩa Đác-uyn xã hội đang nẩy nở tại Trung Quốc hiện nay, việc xua đuổi tàn bạo đối với những người lao động tầng đáy ngoại tỉnh đến đã chứng minh điều nhận xét này. Với con mắt người nước ngoài thì, một Trung Quốc lớn mạnh đang trổi dậy tựa hồ bất chấp cả nguyên tắc chủ nghĩa nhân đạo tối thiểu, muốn làm gì thì làm đối với quần thể thế yếu tầng đáy, gọi thì đến ngay, đuổi thì chạy ngay. Cho nên việc lưu hành cách gọi “nhân khẩu đầu thấp” đã vượt qua phạm vi chính sách quản lý thành phố riêng định. (Thực tế trên thế giới xưa nay không có một chính phủ nước nào sử dụng con chữ này, ngoại trừ Trung Quốc). Cho nên cần phân tích bối cảnh lịch sử dài lâu và hiện thực Trung Quốc đằng sau cụm từ “nhân khẩu đầu thấp” này, để giải đáp vấn đề tại sao nó lại được sử dụng sâu rộng như hiện nay ?

Hứa Kỷ Lâm, một học giả Thượng Hải từ mấy năm trước đây đã có phân tích mối liên hệ giữa chủ nghĩa Đác-uyn xã hội với lịch sử chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và thuyết Tiếng nói nước lớn là thống nhất với nhau trong lịch sử cận hiện đại. Lúc đó có số người cho rằng những người làm lịch sử tư tưởng nghĩ nhiều, nghĩ xa quá, chứ thực tế không đến nỗi thế. Nhưng nay nhìn lại, thật không may, những phân tích của ông ta chỉ coi đó chẳng qua là một dự báo, mà không được ngăn chặn sự phát triển của nó đã làm buốt tim biết bao nhiêu người.

Vấn đề lớn nhất của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội là đã đưa qui luật trung tính của giới tự nhiên để che đậy quan hệ quyền lực trong quá trình ra quyết định, dùng kết quả khẳng định quá trình, dùng bạo lực, lường gạt, bóp nghẹt, giết chết dựa trên sự bất bình đẳng và bảo vệ sự bất bình đẳng về phân phối quyền lợi và nguồn lực. Cụm từ “nhân khẩu đầu thấp” đã trở thành chủ đề, với ý nghĩa nhất định đã nói rõ sự biến chủng, thậm chí luật lệ như rừng muôn màu muôn vẻ của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội là động lực khuấy động nội tại vượt qua mọi thứ ý thức hệ và quan điểm chính trị trong lịch sử cận hiện đại Trung Quốc. Chủ nghĩa từ phương tây truyền đến này đã cung cấp chỗ đứng “khoa học” cho lôgích đế vương “được làm vua thua làm giặc” ở Trung Quốc, cho nên khi gặp truyền thống này là kết với nhau ngay.

Trong ngôn ngữ màu hồng cái gọi là “lịch sử đã lựa chọn chúng tôi” là mệnh đề điển hình của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội về chính trị : kẻ thích ứng sinh tồn. Khôn thì sống, vống thì chết, đạp lên đầu người khác mà nhảy lên. Chúng tôi thắng rồi, kết quả cuối cùng này đã nói rõ chúng tôi nên thắng. Chỉ cần chúng tôi hôm nay vẫn nắm quyền lực, là chúng tôi thành công, thành công là nói rõ có tính tất yếu của lịch sử. Chủ nghĩa Đác-uyn xã hội đã chính trị hóa này chỉ chấp nhận thành công, bản thân nó đã loại trừ hai câu truy vấn : một là để thành công anh đã dùng thủ đoạn gì ? hai là để thành công của anh nhân dân đã phải trả giá những gì ? Ngày nay có rất nhiều người hoài nghi về cái chủ nghĩa lý tưởng của thập kỷ 80 thế kỷ trước đã thất bại có tính bi kịch cuối cùng. Họ sẽ nói : sự trổi dậy của Trung Quốc hôm nay đã nói lên là may mắn lúc đó đã không theo đuổi cái chính trị của chủ nghĩa lý tưởng này. Thậm chí có người, họ không tranh biện với anh, mà còn chê cười tất cả những người hoài niệm và kiên trì cái chủ nghĩa lý tưởng đó là loser (kẻ thất bại, thua thiệt) : sự ra đi, lặng lẹ, biên duyên hóa và bị quên lãng của các anh đã nói lên “lịch sử lạnh lùng” đào thải tự nhiên các anh.

Chủ nghĩa Đác-uyn xã hội về chính trị thậm chí bỏ qua luận chứng, trực tiếp nói với anh rằng hiện trạng là luận chứng, cho nên về bản chất của nó là lôgích biện hộ cho hiện thực quan hệ quyền lực. Trong hiện thực anh là bản thân của cái hiện thực thất bại và lâm vào tầng đáy này, đã nói lên anh là loser. Nó loại trừ cái nghi vấn thế này : có hay không có một xã hội bất công nào đó khiến anh trở thành loser, là bối cảnh gia đình, hộ khẩu sở tại, thậm chí khác nhau giới tính của anh như thế nào làm cho tiên thiên của anh lâm vào địa vị khó cạnh tranh bình đẳng với người khác.

“Nhân khẩu đầu thấp” mới nghe qua có vẻ khoa học và thống kê học, nhưng lại làm mọi người lạnh xương sống. Chủ nghĩa Đác-uyn xã hội với chính trị chuyên chế là bạn đồng minh tự nhiên với nhau, bởi vì nó không quan tâm quá trình, chỉ xem kết quả, cho nên ở địa phương nào hễ nó thịnh hành là ở đó sẽ có sùng bái quyền lực chuyên chế và tâm phục khẩu phục đối với cường quyền, say sưa ca tụng đối với chính trị cường nhân. Rất nhiều người đối với vấn đề xã hội cụ thể đầy bụng ấm ức, nhưng nói đến bản thân quyền lực và đại diện của quyền lực lại nghiễm nhiên tôn kính. Rất nhiều người trong họ không phải vì sợ hãi, mà là tận đáy lòng kính phục, thuần phục đối với quyền lực. Từ mặt phản diện mà nói, điều này cũng dẫn đến sự nhìn nhận đối với địa vị của mình, bởi vì bản thân mình chẳng qua cũng chỉ là một loser. Không chỉ có thế, chủ nghĩa Đác-uyn xã hội và chủ nghĩa Khuyển Nho đạo đức cũng là một thể gắn liền, bởi vì đều dùng thành công bản thân để giải thích mọi cái : hễ thủ đoạn nào giúp cho thành công đều là thiên kinh địa nghĩa, còn đạo đức làm cho anh có cái kiêng kỵ, điều này đã trói chặt chân tay anh lại.

Một vấn đề lớn nhất khác của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội là coi thường thậm chí phủ định giá trị và tôn nghiêm của con người, bởi vì mục đích của sinh tồn là thông qua cạnh tranh để giành được các thứ ý nghĩa và thành công về trình độ. Nếu như cuộc sống con người là không thành công về ý nghĩa cạnh tranh, vậy là không chỉ là thất bại, mà còn là không đáng được người khác chú ý đến, thậm chí tự mình tiếc nuối. Cho nên, một quốc độ thịnh hành chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, nhất định có rất nhiều người tự khinh rẻ mình, cái mạng người khác không có trong con mắt họ, họ cũng không coi cái mạng của mình là gì cả. Đây là nền tảng tâm lý của một xã hội tự hại lẫn nhau. Cho đến cái quan niệm tự do bình đẳng như thế này với chủ nghĩa Đác-uyn xã hội là ở vào hai thế giới khác nhau, hoàn toàn không cân bằng. Một quốc độ thịnh hành chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, nhất định là một xã hội không những xa lạ mà còn hoài nghi và chế nhạo đối với quan niệm nhân sinh vốn là tự do bình đẳng. Nó cho rằng những quan niệm này không là giả thì cũng là ngụy tạo, những xã hội vừa khuyến khích thành công cá nhân lại đề cao quan niệm tự do bình đẳng này, nhất định là dùng chúng làm khẩu hiệu đánh lừa sự thành công của nhân tài, nếu tin là thật là phạm ngốc nghếch, cho nên xã hội của mình là càng thành thực, càng cầu thực, vụ thực.

Với ý nghĩa càng rộng lớn hơn, cái  khái  niệm “nhân khẩu đầu thấp” này và các giải pháp tương quan có thể làm cho rất nhiều người vốn có thể nghĩ đến chính trị chủ nghĩa Đác-uyn xã hội hữu thực vô danh trong thời gian dài lâu nay. Cái chính trị này định kỳ thông qua “sự chọn lựa tự nhiên”- tức căn cứ vào tiêu chuẩn khác nhau để phân chia nhân quần, chọn ra “phần tử” (cũng là loser) muôn màu muôn vẻ làm vật hy sinh, đồng thời làm cho những “phần tử” chưa bị hy sinh, cảm thấy may mắn, thậm chí cảm thấy ưu việt, không những đối với đồng loại mặc nhiên chấp nhận trở thành loser, thậm chí còn đẩy thêm hòn đá vào đầu người đã rơi xuống giếng. Tai nạn được nói thành học phí, người chết được nói thành trả giá, với họ mọi thứ đều là đệm lót cho “thành công”. Vì cái thành công này, còn có càng nhiều “phần tử” đầu thấp phải được hy sinh hoặc thanh trừ sạch. Hôm nay họ tiêu mất, ngày mai họ sẽ bị bỏ quên. Thông qua bố trí của chế độ và ngầm thay đổi về ý thức, quan niệm chủ nghĩa Đác-uyn xã hội đã bào mòn mọi phương diện xã hội Trung Quốc, đã sớm không còn giới hạn ở chính trị nghĩa hẹp. Quan niệm đẳng cấp của người Trung Quốc hiện nay và từ đó sinh ra sự phân chia ưu liệt, không chỉ quan hệ đến quyền lực và kim tiền, còn có hộ khẩu, công việc, nhà ở, ô tô, diện mão và tuổi tác, đã đến mức độ hết sức tự nhiên không còn ngần ngại. Trong một xã hội như thế này, xuất hiện khái niệm “nhân khẩu đầu thấp” là không có gì là kỳ quặc, sự bình đẳng về ý nghĩa xã hội và dân chủ về ý nghĩa chính trị tất sẽ đối mặt với trở ngại to lớn về tâm lý xã hội.

Từ những phân tích trên để thấy chủ nghĩa Mác là một thứ chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, đã làm cơ sở lý luận, tư tưởng có vẻ là “khoa học” cho vấn đề “nhân khẩu đầu thấp” nẩy sinh, tồn tại và phát triển thời gian dài ở Trung Quốc.

Ba là, quan niệm giản đơn về đô thị hóa, về công nghiệp hóa, về xây dựng nông thôn mới, về xây dựng thành phố hiện đại.

Về đô thị hóa giản đơn lệch lạc trên các phương diện :

      - Tách rời quá trình thành thị hóa nông thôn, chỉ tập trung mọi nguồn lực vào xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội đô thị ở phạm vi thành phố ngày càng đi lên hiện đại, phồn vinh, sầm uất, chứ không phải kết hợp với đô thị hóa ngay tại nông thôn, đã tách nông thôn ra ngoài chiến lược, ra ngoài quá trình đô thị hóa, đã để lại một nông thôn ngày càng tiêu điều xơ xác, lạc hậu, càng làm cho sự cách biệt thành thị với nông thôn trên mọi phương diện ngày càng nghiêm trọng hơn. Hơn nữa quá chú trọng vào mở rộng phát triển thành phố quá nhanh, dẫn đến không đủ lực để phối hợp phát triển đồng bộ các mặt tương ứng khác, làm cho thành phố mãi mãi nằm trong tình trạng què quặt, chắp vá, bổ sung, không thực sự đi vào định hình, ổn định.

      - Quá trình mở rộng xây dựng phát triển thành phố không đi kèm theo xây dựng các cơ chế, thể chế, chế độ quản lý cụ thể tương ứng trong quá trinh xây dựng mở  rộng, phát triển của mỗi công trình, mỗi khu phố. Cũng là nguyên nhân ban đầu cho các hiện tượng “không sạch, không ổn định, không chỉnh tề” nẩy sinh.

      (Như thành phố LosAngeles và các thành phố khác của Mỹ là trải qua quá trình bố trí phát triển đồng bộ các mặt, các yếu tố liên quan không gian thị trường, như bãi để xe, không gian cho trường học, bệnh viện, cho các loại công trình kèm theo khác, và các qui định về quản lý tương ứng mỗi khi xây dựng mở rộng phát triển thành phố trong suốt cả 100 năm. Mỗi khu lớn trong thành phố hầu như đều tự túc tương đối, giữa các khu hầu như đồng đều như nhau. không hình thành khu hạt nhân trung tâm, không ưu tiên cho khu nào cả, mỗi khu cũng không thể mở rộng không gian vô hạn độ, hoặc không gian kiến trúc không thể ở được để cho người khác thuê ở. Chính vì vậy mà khu Nhà Trắng, hoặc Lầu 5 góc, hoặc New York không hề bị sức ép đến từ xung quanh như Bắc Kinh, nhất là khu hạt nhân trung tâm của Bắc Kinh. Những điều này là được qui định trong chế độ khu phố trong thành phố của Mỹ. Chứ không phải như Trung Quốc, cứ mở rộng phạm vi không gian cho xây dựng nhà cửa cao tầng mọc lên như nấm, còn các mặt khác không quan tâm, nên không thể trở thành một thành phố có đủ mọi điều kiện cơ sở tiện lợi đồng bộ cùng lúc đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống thường nhật của cư dân ngay trong quá trình phát triển, mở rộng, nhất là trước khi đưa vào sử dụng).

      - Tách rời đô thị hóa vật chất với đô thị hóa về con người, về văn hóa xã hội. Thể hiện rõ nhất là chế độ hai hộ khẩu nông thôn và thành phố với các chính sách kinh tế, xã hội khác nhau tương ứng, là lực cản lớn nhất của thực hiện đô thị hóa con người. Quan niệm về nhân văn nhân quyền cũng không được thể hiện đầy đủ trong đô thị hóa về cơ sở vật chất. Như chỉ tập trung nguồn lực và cả không gian đất đai vào xây dựng các khu nhà cao tầng, không giành cho xây dựng đồng bộ các công trình dân sinh phục vụ cho dân cư mới trong các tòa nhà cao tầng, như vườn trẻ, trường học, khu vui chơi, trạm y tế, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, làm đầu, cắt tóc, sửa chữa gia dụng các loại, v.v…

      - Các công trình bất động sản là do nhà nước độc quyền xây dựng để phát triển thành phố (thực chất là để các nhóm lợi ích quyền quí lũng đoạn), không phải do người dân tự xây dựng để ở như các nước Âu Mỹ, dẫn đến chức năng các công trình bất động sản không còn như vốn có của nó là để ở, mà biến thành một loại ngân hàng được vật chất hóa, để không ngừng quay vòng đồng tiền, đẩy giá lên cao chóng mặt, (người cần mua nhà để ở không thể mua được), trở thành “quả bom nổ chậm” về bong bóng bất động sản và hệ thống kim dung, mà gốc của vấn đề là chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. (Cho nên ở TQ có lý sự là 1m2 đất nông dân trồng lúa không thu lợi bằng tôi trồng nhà cao tầng thu lợi gấp nhiều lần, cho nên chuyển đất nông nghiệp cho tôi tfrồng nhà là hợp lý, hợp qui luật kinh tế !)

      - Coi đô thị hóa, là sự nghiệp của chính quyền thành phố, không phải của cư dân thành phố, cho cư dân thành phố, càng không phải là của toàn xã hội, cho toàn xã hội, càng không phải là của “nhân khẩu đầu thấp”, cho “nhân khẩu đầu thấp”, nên người dân không hề được tham gia ý kiến vào qui hoạch, kế hoạch và triển khai xây dựng, nhất là đối với các công trình dân sinh liên quan quyền ích thiết thân của cư dân tại chỗ, đã dẫn đến sự phân bổ mọi nguồn lực của xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy đảng cầm quyền bị thiên lệch, dẫn đến các thành phố đi lên rất nhanh gần như ngang tầm thế giới thế kỷ 21. Ngược lại nông thôn lại thụt lùi về những thập kỷ đầu thế kỷ 20.

      - Trong bản thân thành phố lại phân ra khu trung tâm làm hạt nhân, tiếp theo là các khu xoay quanh khu hạt nhân theo thứ tự các đường vành đai 1, 2, 3, 4, 5, 6, n (tựa như một tấm bánh tròn lớn không ngừng mở rộng ra xung quanh, thời Đặng Tiểu Bình chỉ đến vành đai 3, đến Giang Trạch Dân mở ra vành 4 để đón Olimpích 2008, đến Hồ Cẩm Đào mở tiếp vành 5, 6) với cấp độ ưu tiên các mặt thấp dần từ vành trong ra vành ngoài, thiếu sự bình đẳng, cân bằng giữa các vành với nhau. Dẫn đến mỗi khi đều dồn vào vành trong, vào khu trung tâm là bị ách tắc, khó thoát ra ngoài. (Bắc Kinh năm 2.000 có gần 14 triệu dân với hơn chục vạn xe động cơ các loại, đến năm 2016 tăng vọt lên gần 22 triệu người với gần 6 triệu xe. Từ đó xe, người, vật lại chỉ lưu thông đơn hướng vào ra khu trung tâm, dẫn đến khu trung tâm ngày càng quá tải.) Như Tết Trung thu năm 2009, vì mời khách dự tiệc Trung thu và các đoàn vào trung tâm tặng quà cấp cao, các xe cộ của Trung Nam Hải cũng như xe các đoàn bên ngoài vào bị kẹt, không thể ra vào. Từ thực tế này, thời đó Hồ Cẩm Đào chỉ thị “khổng chế dân số, cải thiện giao thông”, Bắc Kinh mở màn câu chuyện đại qui mô khổng chế nhân khẩu bắt đầu từ đây. 

Cũng giống với tư duy Mao Trạch Đông trước đây, tư duy đẳng cấp vua quan với thần dân, với tiện dân phong kiến trước đây, với vai trò là cơ quan chính quyền Trung Cộng của trung tâm (coi như là khu Hoàng thành của vua chúa) là không thể di dời đi nơi khác được, ngược lại “cần tăng cường bảo đảm an toàn không gian của trung tâm chính trị”, “bảo vệ an toàn ổn định, bảo đảm cơ quan lãnh đạo trung ương đảng, quân, chính, triển khai công tác hiệu quả cao”, chứ không phải vì người dân là trên hết, trước hết, nên chỉ có thể giảm thiểu dòng người, dòng xe, dòng vật đơn hướng vào khu vực hạt nhân. Để thực hiện, nếu chỉ giảm thiểu ở vành 1, vành 2 trở vào, cũng không thể giải quyết được vấn đề. Vì thế là phải khổng chế dòng người, dòng xe, dòng vật ở tất cả các vành mới có thể giải vây cho khu vực hạt nhân được. Đây cũng là lôgích cơ bản nhất của Bắc Kinh phải giải tỏa các cơ sở phi công năng thủ đô. Chính vì vậy vừa qua hầu như tất cả các khu của thành phố đều thực hiện xua đuổi “nhân khẩu đầu thấp”, phá dỡ các công trình không phù hợp với yêu cầu “tăng cường bảo đảm không gian an toàn của trung tâm chính trị” không chỉ về ý nghĩa vật lý mà càng quan trọng hơn là về ý nghĩa chính trị.

Đây là vấn đề không thể thực hiện trọn vẹn theo mục đích yêu cầu của tầng cao lãnh đạo TC đề ra. Bởi vì đây là tồn tại lớn trong quá trình lịch sử hình thành, phát triển thành phố Bắc Kinh qua nhiều triều đại để lại không dễ phá bỏ. Vấn đề là ở chỗ tư duy, quan niệm, thái độ ứng xử đối với con người nói chung, đối với cái gọi là “nhân khẩu đầu thấp” nói riêng. Hay nói cách khác đang đẳng cấp hóa chính trị vào bố trí đẳng cấp xây dựng các khu, các công trình kiến trúc của thành phố.

Về công nghiệp hóa giản đơn lệch lạc trên các phương diện :

      - Chỉ tập trung xây dựng các nhà máy công nghiệp đồ sộ, các khu công nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước ở quanh thành phố, ở những nơi có điều kiện thuận lợi nhất, tuy là cần thiết, nhưng đã tách rời với “công nghiệp hóa nông nghiệp tại địa bàn nông nghiệp”, với “công nghiệp hóa nông thôn gắn với đô thị hóa nông thôn”.

      - Thiếu đa dạng về qui mô, chủng loại, tính chất sở hữu, mô hình về cơ cở công nghiệp, khu công nghiệp nên đã hạn chế việc thực hiện “công nghiệp hóa tại nông nghiệp, nông thôn”.

      - Công nghiệp hóa tách rời “công nhân hóa, thị dân hóa nông dân”, mặc dầu những nông dân vào nhà máy, vào thành phố làm việc, với tên gọi mới là “nông dân công” nhưng thực chất họ vẫn là nông dân.

Về xây dựng nông thôn mới, nhiều vùngnông thôn Trung Quốc hiện nay đang tồn tại tình trạng què quặt nhiều mặt về cơ cấu dân số, lao động, về cơ sở kinh tế, về cơ sở hạ tầng, v.v… là những hạn chế lớn về quan niệm, nội hàm, mô thức, nguồn lực, động lực về xây dựng nông thôn mới. Cái hạn chế lớn nhất là quá trình dài đã tách rời sự nghiệp đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa chung với công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa tam nông đã để lại những hậu quả nặng nề, không thể nhanh chóng khắc phục.

Những vấn đề trong ba mặt trên đã tạo tiền đề kinh tế xã hội cho nhân khẩu, lao động nông thôn đổ về thành phố mưu sinh, nhất là ở các thành phố lớn, thành phố thủ đô, là những nơi tập trung nhiều đặc quyền, đặc lợi, càng có nhiều cơ hội tìm kiếm “việc làm đầu thấp” và “nguồn lợi đầu thấp” (thu gom phế liệu, đồng nát), ngày càng tăng, càng tạo sức ép về dân số thành phố ngày càng căng thẳng. Như thành phố Bắc Kinh, theo con số thống kê, trong 20 triệu dân số Bắc Kinh hiện nay có 1/3, tức 7 triệu người chủ yếu là từ nông thôn các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông đến. Hoặc dân thường trú Bắc Kinh năm 2.000 chỉ trên 13,8 triệu người thì đến cuối năm 2016 đã tăng vọt lên trên 21,7 triệu người.

Về xây dựng thành phố hiện đại, quan niệm về mô hình và biện pháp hình thành thành phố hiện đại vừa giản đơn, kỳ quặc vừa duy ý chí.

1. Thời kỳ đầu mới nắm chính quyền, đương cục Bắc Kinh đã đề ra xây dựng Bắc Kinh thành “thành phố thủy tinh” (với ý là sạch trong suốt như thủy tinh, pha lê) với nội dung “sạch sẽ, ổn định, chỉnh tề”. Sau khi xây dựng chính quyền, Trung Cộng đã nhiều lần chủ yếu bằng biện pháp xua đuổi, xóa bỏ những nhân tố không sạch, gây mất ổn định, không chỉnh tề, nham nhở theo quan niệm của Trung Cộng, để thực hiện nội dung này.

Tháng 5/1949, đương cục Bắc Kinh đề ra chính sách yêu cầu các tiểu thương toàn thành phố đăng ký với chính quyền thành phố làm thủ tục cấp thẻ chứng nhận , đến kinh doanh ở khu vực chỉ định.

Cuối năm 1949 Bắc Kinh bắt đầu “kêu gọi và giới thiệu một cách có kế hoạch” với các thị dân bản địa thất nghiệp đến các vùng Đông Bắc, Shahar, Tuy Viễn làm nông nghiệp.

Năm 1950, Cục Thương nghiệp Bắc Kinh kiến nghị thực hiện nguyên tắc trả về nguyên quán đối với dân nghèo khó các nơi đến Bắc Kinh, không phê chuẩn các tiểu thương nói chung kinh doanh.

Tháng 6/1953, đương cục Bắc Kinh quyết định đối với nông dân ngoại tỉnh làm buôn bán mưu sinh toàn bộ phải rời khỏi thành phố.

Năm 1955, các bộ ngành Bắc Kinh liên hợp hành động, ngoài việc kiên quyết đưa nông dân ngoại tỉnh ra ngoài thành phố ra, đối với thanh niên trẻ khỏe bản địa thành phố không phục tùng thì kiên quyết cắt hẳn cung cấp lương thực, bằng liệu pháp cho đói buộc họ phải yêu lao động, nếu không chịu thì “cưỡng bức tham gia lao động”.

Năm 1957, nạn đói lớn đang đến, cấp cứu lương thực cho nông thôn hết sức căng thẳng, nông dân dồn vào thành phố, Bắc Kinh đánh vào dân ngoại tỉnh càng khốc liệt, 3 lần ra chỉ thị nghiêm khắc cấm nông dân vào thành phố ăn xin.

Tháng 12/1956, một số nhà máy, hầm mỏ, đường sắt, giao thông, xây dựng đành phải tự chiêu dụng lao động nông thôn.

Tháng 01/1958 lại ban hành “Điều lệ hộ khẩu” xác lập hộ tịch nhị nguyên thành thị nông thôn, thực hiện chế độ giấy chứng nhận tạm trú.

Năm 1962, khổng chế chặt chẽ dân nông thôn vào thành phố lập hộ tịch, dân thành phố di chuyển giữa các thành phố với nhau là thực hiện ngay người thành phố lập hộ nông thôn.

Từ đây đã xác lập chính sách tà ác về chế độ hộ tịch, chế độ nhị nguyên thành thị nông thôn Trung Quốc.

2. Những năm tiếp theo và hiện nay, Trung Cộng vẫn luôn lấy lý do bảo đảm “ổn định” và bộ mặt thành phố để xua đuổi những người được qui vào “nhân khẩu đầu thấp” ra khỏi thành phố, nhất là nhân dịp những ngày lễ hội lớn trong nước, những Hội nghị lớn quốc tế tổ chức tại Trung Quốc.

Còn hiện nay, mới vừa rồi, Thái Kỳ, Bí thư thành phố Bắc Kinh đã áp dụng : Trước tiên, đóng cửa toàn bộ các chợ, các thị trường mậu dịch loại lớn, để nhân khẩu ngoại tỉnh không còn đường sống. Thứ hai, để giá thuê nhà Bắc Kinh cao vọt lên, tiến hành phá dỡ lượng lớn diện tích nhà cho thuê, ngừng cho thuê nhà, v.v… để nhân khẩu ngoại tỉnh không còn chỗ ở, buộc phải đi khỏi Bắc Kinh.

Vụ hỏa hoạn lớn lần này, đã tạo cho Bắc Kinh cái cớ lớn là để bảo đảm an toàn phải xua đuổi “nhân khẩu đầu thấp” ra khỏi thành phố. Đây là việc làm mà trong lịch sử Trung Quốc từ thời Bắc Tống cho đến Tần Thủy Hoàng trước đây cũng chưa hề làm.

Trên thế giới, hầu như tất cả các thành phố siêu lớn đều tồn tại lượng lớn những người mà Trung Cộng định nghĩa là “nhân khẩu đầu thấp”. Nhưng ở các nước văn minh chưa hề lấy pháp luật hoặc dùng mệnh lệnh hành chính để xua đuổi họ ra khỏi thành phố. Như ở NewYork có vô số nhân khẩu ngoại lai, người gốc Phi, gốc Á, gốc Ả rập, gốc Nam Mỹ, v.v…, họ đều kinh doanh xe hàng ăn, giặt quần áo, tạp hóa, sửa chữa các loại, v.v…dọc các đường phố, còn có nhân viên dọn vệ sinh, công nhân xây dựng, nhân viên bán hàng bên ngoài, nghĩa là đủ loại, nhưng xưa nay họ chưa hề bị khủng bố, chà đạp xua đuổi ra khỏi NewYork. Luân đôn, Pa-ris, Tokyo, ngay cả BăngKok cũng thế cả.

Tại sao vậy ? Chính là ở cách ứng xử của các nhà nước khác nhau đối với vấn đề “nhân khẩu đầu thấp” cũng khác nhau.

Tầng lớp dân nghèo từ nông thôn vào thành phố, mưu sinh và tồn tại ở thành phố là hiện tượng bình thường trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, trong quá trình phát triển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, thương nghiệp ở tất cả các nước thế giới.

Các nước Âu Mỹ khởi đầu công nghiệp hóa sớm nhất, trong quá trình kinh tế tiểu nông bị tiêu dần, đông đảo nông dân đổ vào thành phố mưu sinh. Các nước Anh, Pháp, Mỹ đều đã từng trải qua hiện tượng “ổ dân nghèo”. Khu Đông nước Anh, ổ dân nghèo New York đã từng nổi tiếng thế giới. Với đà năng lực nhà nước của hai nước Anh, Mỹ tăng lên, ổ dân nghèo với ý nghĩa truyền thống đã tiêu tan, nhưng vẫn tồn tại khu nhà giàu với khu người nghèo khác biệt. Những nước phát triển sau ở Mỹ La tinh, Nam Á, năng lực nhà nước chưa đủ mạnh để giải quyết tốt vấn đề chỗ ở dân nghèo nước mình, vì thế, ổ dân nghèo vẫn là vấn đề xã hội nghiêm trọng nhất ở các nước này. Nguyên nhân sản sinh ổ dân nghèo ở các nước này cũng gần như các nước Âu Mỹ : hàng loạt nông dân mất ruộng đất, kinh tế tiểu nông phá sản, đành phải chạy vào thành phố, nhưng đô thị lại không thể cung cấp đủ không gian việc làm cho những nông dân này, dưới tác dụng phản diện của hai chiều “nông thôn hóa đô thị” và “đô thị hóa nông thôn”, lượng lớn nông dân mất đất tụ lại bên lề thành phố, đã hình thành ổ dân nghèo của người nghèo tụ tập lại. Ổ dân nghèo ở thủ đô Kenia, thủ đô Vênêzuêla, Bombay khu trung tâm kim dung Ấn Độ, thủ đô Indonesia đều nổi tiếng thế giới.

Ổ dân nghèo (Slum) chung là chỉ nơi ở của dân nghèo, với định nghĩa là “khu tụ cư nhân khẩu mật độ cao với đặc trưng cơ bản là tiêu chuẩn thấp và nghèo nàn”. Tháng 10/2003, Vụ Nhân cư Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo quan trọng -  “Thách thức của ổ dân nghèo” (The Challenge of Slums), chỉ rõ ổ dân nghèo phân bố khắp toàn cầu. Trong “Báo cáo tình trạng nhân khẩu thế giới năm 2007”  “ổ dân nghèo” dùng để chỉ thay cho nhà ở đủ kiểu loại, bao gồm nhà ở có thể cải tạo, nó thường được dùng qua lại với “khu lều bạt”, “khu ở phi chính qui”, “nhà ở lều bạt” và “khu xóm thu nhập thấp”. Theo truyền thống, ổ dân nghèo đã từng một thời có danh tiếng nhưng đã suy tàn với đà những cư dân thế hệ trước đã chuyển vào khu ở mới tốt hơn trong thành phố. Đến nay, cái từ này còn bao gồm lượng lớn chỗ ở tạm thời trong khu phát triển trong thành phố. Năm 2008, số lượng nhân khẩu sống trong thành phố trên toàn cầu lần đầu tiên vượt qua số dân cư nông thôn. Nhưng trong đó 1/3 cư dân thành phố (khoảng 1 tỷ người) sinh sống trong ổ dân nghèo. Lúc đó, Liên Hợp Quốc dự báo, trong vòng 25 năm tới cư dân ổ dân nghèo sẽ tăng gấp đôi.

Còn ở Trung Quốc có cư dân ổ dân nghèo không ? Nếu có là bao nhiêu ? Đương cục Trung Quốc không đưa ra con số thống kê. Trong “Báo cáo tình trạng thành phố thế giới năm 2010 -2011” (The State of the World’s Cities Report 2010/2911) đưa ra từ năm 2.000 đến năm 2.010 tỷ lệ nhân khẩu sống trong ổ dân nghèo của Trung Quốc từ 37,3% giảm còn 28,2%; của Ấn Độ từ năm 1990 là 41,5% giảm còn 28,1%. Báo cáo này kết luận, Trung Quốc tự cao ngạo nói rằng Trung Quốc không có ổ dân nghèo là không có cơ sở. Nếu tính theo con số tuyệt đối thì Trung Quốc có 384 triệu người sống trong ổ dân nghèo, nhiều hơn Ấn Độ 41 triệu người; Ấn Độ chỉ 343 triệu người. Nói thành phố Trung Quốc không có ổ dân nghèo là không đúng với sự thật các thành phố Trung Quốc. Cứ theo định nghĩa của LHQ về ổ dân nghèo, nếu theo tiêu chuẩn  hiện đại hóa nhà cửa của 4 thành phố  Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu để đánh giá toàn Trung Quốc, thì thành phố tuyến 3, 4 phải là rất nhiều ổ dân nghèo. Sự thực như  Lý Thiết, Chủ nhiệm Trung tâm Phát triển thành phố và thị trấn thuộc Ủy ban Phát triển Cải cách Trung Quốc trả lời thắc mắc một đại biểu Malaysia  là tại sao thành phố Trung Quốc sạch thế, không có ổ dân nghèo tại cuộc hội thảo về “trao đổi và hợp tác” giữa Trung Quốc – Asean ngày 12/4/2011 rằng : “Với sự tính toán của chính phủ, không mong muốn hiện tượng ‘ổ dân nghèo’ xuất hiện ở các thành phố siêu lớn như các nước Braxin, Ấn Độ”, và chỉ ra “nhân khẩu nông thôn không thể tự do vào lập hộ khẩu ở thành phố thị trấn, với ý nghĩa là họ chỉ có thể làm việc, sống trôi nổi tại thành phố, nhưng không được hưởng dịch vụ công như cư dân thành phố” và thừa nhận “chính sách hạn chế này cũng đã kìm hãm sự phát triển kinh tế Trung Quốc, cũng cản trở sự phát triển nông thôn Trung Quốc”. Như vậy đã ẩn chứa một sự thật tồi tệ tàn bạo của nhà nước Trung Quốc đối với người dân Trung Quốc để có được lớp son bôi phết bề ngoài bộ mặt thành phố Trung Quốc trong câu trả lời của Lý Thiết.

Tại các nước văn minh, dân chủ, đều tôn trọng và bảo đảm quyền tự do cư trú, tôn trọng và phát huy vai trò, sự cống hiến của quần thể này đối với sự phát triển của thành phố. Chính quyền thành phố có trách nhiệm tạo mọi điều kiện để họ sinh sống làm ăn bình thường như mọi người khác.

Từ nhận thức, quan niệm cho rằng thành phố không phải là sở hữu riêng của cư dân thành phố; thủ đô cũng vậy, không phải là thủ đô của riêng cư dân thủ đô, mà là của mọi con người trong cả nước, thậm chí của cư dân các nơi trên thế giới đến sinh sống, làm việc, mưu sinh.

Từ New York, London, Paris đến Tokyo, Bangkok đều cho rằng quần thể ngoại lai này từ mọi miền quê đất nước và đủ loại màu da, đủ loại văn hóa khắp mọi miền trái đất, họ mang theo giấc mộng và dòng máu mới của họ đến các thành phố siêu lớn, ngày lại ngày miệt mài lao động đã đem lại phồn vinh và sức sống cho miền đất mới, cho quê hương mới. Họ luôn nhận được sự đồng tình, hoan nghênh, giúp đỡ của dân bản địa, được sự bảo hộ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương. 

Hoặc như Singapor có chính sách hỗ trợ “nhân khẩu đầu thấp” hòa nhập với xã hội bản địa. Kỳ thực người ngoại lai khi bước qua quốc môn Singapor, Bộ Nhân lực đã mở cửa đón tiếp họ và chia thành 3 loại “cao, trung, thấp” về trình độ năng lực làm việc, chứ không phải đẳng cấp chính trị, xã hội. Như người Hồng Kông đến Sing làm những việc  có trình độ Đại học trở lên và có kinh nghiệm chuyên môn cao được nhận thẻ EP (Employment Pass) lương tháng tối thiểu 3.600 đồng tiền Sing; loại thấp hơn một ít, có văn bằng Đại học trở lên lương 2.200 đồng tiền Sing gọi là SPass. Còn có loại không qui định cụ thể về học lực và thu nhập gọi là Wp (Worl Permit) thường là công nhân xây dựng, bốc vác, nhân viên phục vụ v.v… Loại này coi là “nhân khẩu đầu thấp”. Điều kiện khi ký làm visa đã ghi rõ : “thành phố chúng tôi cần sức lao động của quí vị, nhưng chúng tôi không muốn quí vị là một thành viên.” Bộ Nhân lực còn hướng dẫn những kênh cần liên hệ khi gặp khó khăn. Họ hết sức giúp đỡ không phải vì nhân quyền, nhân đạo gì cả, mà là hiểu rõ “nhân khẩu đầu thấp” có vai trò hết sức quan trọng như là trụ đá giữa dòng của Singapor. Ngoài ra, trình độ giáo dục của người dân Singapor vào loại nhất nhì châu Á, phúc lợi xã hội sung túc, chi phí cho cuộc sống cơ bản không cao, phần lớn người bản địa không muốn làm công việc “đầu thấp”. Trong con mắt người dân Singapor, đại loại như người lái xe bus chẳng hạn nhất định là người nơi khác đến. Người bản địa mong muốn tối thiểu cũng phải là đốc công. Rất nhiều công việc khác, như dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng, nơi làm việc, các tiệm phục vụ ăn sáng, bảo vệ cơ quan, và các loại nhân viên phục vụ khác đều cần đến “nhân khẩu đầu thấp”. Ở Singapor xưa nay chưa hề có kỳ thị và xua đuổi “nhân khẩu đầu thấp”. ngược lại rất được tôn trọng.

Mặt khác, quần thể ngoại lai này đều có đặc điểm chung lớn nhất là tính lưu động rất cao, nay đây mai đó. Các thành phố, nhất là các thành phố lớn đối với họ như là một bến cảng, bến thuyền, có người đến làm ăn một thời gian lại chuyển đi nơi khác, rồi có thể lại quay lại; có người đến sinh cơ lập nghiệp lâu dài, sinh con đẻ cái ở đó, nhưng đến một lúc nào đó, có thể họ về lại quê hương cũ, hoặc đến một nơi mới khác, để thế hệ con cái ở lại, v.v…

Chỉ có các nước chuyên chế, mới ngăn chặn người vùng miền khác đến làm ăn sinh sống ở thành phố, thủ đô. Như thời Stalin độc tài, thực hiện “chủ nghĩa Đại Nga” đã cưỡng bức người dân tộc ít người về nơi ở cũ. Hoặc Khơ-Me đỏ, ngày 17/4/1975, chiếm được Pnông Pênh, chỉ trong 3 ngày đã xua đuổi hai triệu dân ra khỏi thành phố, chỉ còn lại không đến 3 vạn dân và một cửa hàng.

Và hiện nay là Bắc Kinh đang thực hiện xua đuổi dân ngoại lai ra khỏi thành phố. Không chỉ Bắc Kinh, mà các thành phố có số dân trên hai triệu người của Trung Quốc cũng sẽ lần lượt thực hiện đuổi dân ngoại lai ra khỏi thành phố.

Phải chăng dân số Trung Quốc quá đông, quá nhiều, lại thêm với quan điểm coi con người là công cụ, nên coi mạng sống của người dân quá rẻ rúng, nếu cần để đạt được mục tiêu lợi ích chính trị, kinh tế, sức mạnh, v.v… nào đó của người lãnh đạo cao nhất, họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của hàng triệu, thậm chí trăm triệu người dân của mình.

Như trong cuộc cải cách ruộng đất, thời kỳ đầu mới nắm chính quyền đã giết hại khoảng 2 triệu “phần tử địa chủ” và khoảng 4,5 triệu người liên quan.

Hoặc như ngày 22/1/1951, Mao đã phê ý kiến cho Thành ủy Thượng Hải về việc trấn áp phản cách mạng : “Ở Thượng Hải, năm nay cần xử tử một vài ngàn người, mùa xuân xử tử dăm ba trăm người; Nam Kinh tranh thủ xử tử một vài trăm người”; ngày 22/1/1951 Mao lại gọi điện cho người phụ trách Phân cục Hoa Nam Quảng Đông : “Các anh đã giết 3.700 người, rất tốt, giết tiếp ba bốn ngàn người nữa … năm nay có thể đạt mục tiêu giết tám, chín ngàn người !”. Hoặc năm 1957, Mao đi thăm Liên Xô, đã phát biểu công khai tại Hội nghị các đảng Cộng sản tại Liên Xô : “chiến tranh hạt nhân chẳng có gì là ghê gớm cả, cả thế giới có 2,7 tỷ người, chết ½ vẫn còn ½, Trung Quốc 600 triệu dân, chết ½ vẫn còn 300 triệu !” Hoặc trong 10 năm “Đại cách mạng văn hóa” do Mao phát động, đã giết chết cả triệu người (Theo tính toán của Andrew G. Walder, giáo sư Đại học Stanford Mỹ từ năm 1966 đến 1971 có gần 1,6 triệu người bị giết hại, 30 triệu người bị bức hại về chính trị). Hoặc đến thời Đặng Tiểu Bình, chỉ riêng vụ “lục tứ”năm 1989 cũng đã sát hại hàng vạn sinh viên, học sinh và dân thường tại quảng trường Thiên An môn. Hoặc đến thời Giang Trạch Dân đã bức hại, cắt tạng sống của cả triệu người dân luyện pháp luân công. Đây mới chỉ kể các vụ điển hình, chưa kể bao người bị hại trong đấu đá nội bộ đảng CSTQ qua các thời kỳ và qua hàng chục phong trào từ cải cách ruộng đất, tam phản, ngũ phản, chống phái hữu, chống tứ cựu, phê Khổng,… Tiếp nối đến nay là “đả hổ diệt ruồi”, “chống tham nhũng có lựa chọn” của Tập, rồi “xua đuổi nhân khẩu đầu thấp” của Thái Kỳ đại diện cho Tập.

Phải chăng đây là đặc điểm nổi bật về “phương thức cầm quyền đặc sắc Trung Quốc” là cầm quyền bằng bạo lực của đảng cầm quyền Trung Quốc, về thực chất vẫn theo kiểu “chuyên chính vô sản”, kiểu “đấu tranh giai cấp”, tuy bề ngoài không còn dùng các cụm từ này nữa ?

Việc xử lý vấn đề “nhân khẩu đầu thấp” hiện nay của Bắc Kinh càng làm phong phú thêm cơ sở về nhận xét này.

Một số nhà bình luận thời sự về Trung Quốc cũng cho rằng, với sự kiện mới này sau Đại hội 19 và với phương thức cầm quyền này càng bộc lộ rõ đảng CSTQ đang hướng tới chủ nghĩa cực quyền mới Tập Cận Bình, thậm chí đã bước đầu dẫn đảng CSTQ tiến tới lưu manh hóa toàn diện.

Tại sao lại nhận định như vậy ? Bởi vì Thời đại mới của Tập Cận Bình phù hợp với lôgích nội tại và đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cực quyền ở chỗ :

Ý thức hệ ảo tưởng, sùng bái lãnh tụ;

Đảng với quốc nhất thể với nhau, khổng chế toàn diện;

Khủng bố;

Tiến hành liên tục các phong trào chính trị;

Phản văn minh, phản pháp chế, phản nhân tính.

Chủ nghĩa cực quyền mới của Tập tuy giống với chủ nghĩa cực quyền của Mao là đều muốn cứu vớt đảng CSTQ, đều có tham vọng lớn dẫn dắt thế giới, nhưng của Tập không phải muốn tiêu diệt chế độ tư hữu, cũng không muốn đập nát chế độ quan liêu hiện có, càng không dám động viên quần chúng tầng đáy tạo phản như Mao, mà là thông qua danh nghĩa chống tham nhũng, lấy phương thức Stalin tẩy sạch trong đảng để thanh trừ kẻ khác với mình, đối thủ của mình.

Chủ nghĩa cực quyền mới của Tập Cận Bình tất sẽ dẫn đến kết cục lưu manh hóa toàn diện Trung Cộng, thể hiện ở các đặc trưng: Thứ nhất, chủ nghĩa cực quyền phản pháp trị, phản văn minh, phản nhân tính. Thứ hai, quan chức tuyệt đối phục tùng chế độ chủ nghĩa cực quyền; để được thăng chức là phải trung thành và phục tùng tuyệt đối cấp trên. Chủ nghĩa cực quyền đã lũng đoạn nguồn lực chính trị, kinh tế, văn hóa quốc gia. Thứ ba, lãnh tụ của chế độ chủ nghĩa cực quyền cuồng vọng, ngang ngược. Chế độ chủ nghĩa cực quyền tất dẫn đến sùng bái lãnh tụ, chọn quan vì thân, trong môi trường a dua nịnh bợ để tiến thân của quan chức, tất dẫn đến lãnh tụ cuồng vọng, ngang ngược.

Tính cách và quá trình trưởng thành của Tập Cận Bình liên quan với nhau, là từ cơ sở đi lên dần; là thế hệ đỏ thứ hai, có tâm thế đặc quyền của con em cán bộ cao cấp. Trong nội tâm Tập Cận Bình rất ghét ràng buộc của pháp luật, qui tắc, tôn sùng hành động và kết quả. Tức là để đạt kết quả tốt, có thể bất chấp mọi thủ đoạn trong quá trình. Thời đại chủ nghĩa cực quyền mới Tập Cận Bình, phản pháp trị, phản văn minh, phản nhân tính đã quyết định tính lưu manh của Trung cộng; quá trình trưởng thành và đặc trưng tính cách Tập Cận Bình đã tăng nhanh tiến trình lưu manh hóa Trung Cộng; hiếu trung và phục tùng tuyệt đối của quan chức đã quyết định sự lan tràn lưu manh hóa Trung Cộng.

Đó là hậu quả nặng nề của phương thức cầm quyền bằng bạo lực của Trung Cộng để lại, mà thể hiện trước mắt là mô thức trị lý xã hội, trị lý đất nước của Tập Cận Bình coi như đã phá sản; uy tín của đảng cầm quyền, của lãnh tụ Tập vĩ đại đối với thiên hạ trong và ngoài Trung Quốc bị sứt mẻ nặng nề, nếu không nói là bị đánh mất; tình trạng mất kiểm soát sự ổn định chính trị, an ninh chính trị trong đảng, trong xã hội đang có chiều hướng tăng lên; các lĩnh vực nợ công, kim dung, quĩ bảo hiểm, bất động sản đều đang nóng; các vấn đề Bắc Triều Tiên, biên giới Trung Ấn, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, v.v…đang diễn biến từng ngày. Tất cả đều là những vấn đề nóng, không sáng sủa gì đối với Tập Cận Bình vào thời điểm kết thúc năm cũ “con Gà” đón chào năm mới “con Chó” ./.

                                                                                     Hà Nội, Nôel 2017.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511872

Hôm nay

2198

Hôm qua

2337

Tuần này

22246

Tháng này

218745

Tháng qua

121356

Tất cả

114511872