Văn hoá học đường

Chạnh lòng

Tám mươi lăm tuổi, sáu mươi  năm đứng trên bục giảng, nhiều năm gần đây, mỗi dịp 20/11 về, tôi vui ít hơn buồn!

Đọc báo Tuổi Trẻ , số ra ngày 3/10/2017, thấy hình ảnh học sinh Trường THPT  Nhân Việt, quận Tân Phú, TpHCM, ra vào trường đều  cúi đầu chào Chú Bảo vệ. Tờ báo cũng cho biết, ở trường chuyên Lê Hồng Phong( quận 5 tp HCM), Trường THPT chuyên Quang Trung (thị xã Đồng xoài tỉnh Bình Phước), học sinh ra vào trường cũng đều mỉm cười, cúi đầu chào Bác Bảo vệ.. Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở GDDT  TPHCM  cho biết, thời điểm này, khách đến các trường PT ở Quận I, chắc chắn nhiều học sinh sẽ cúi đầu chào khách mà không đợi ai nhắc nhủ. Không chỉ một số trường phổ thông của ta, sáng sáng, chiều chiều, đi ngang qua Trường Esuhai, dạy tiếng Nhật , tôi thấy các bạn học viên đến lớp, đều cúi rạp người chào Ông Bảo vệ già: “Ohayo”- buổi sáng…”Konichiwa”-buổi chiều,  rất đẹp và rất nề nếp… Được biết thêm, không chỉ được học sinh cúi chào, mà lãnh đạo các trường cũng rất quan tâm tri ân các Bác Bảo vệ và các Cô Bảo Mẫu, người Lao công… : Ngày thành lập trườngTHPT Gia định, Bác Bảo vệ trường được mời lên sân khấu để  lãnh đạo thành phố tặng hoa. Ngày khai giảng năm học 2017-2018, tại trườngTiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I, các Cô Bảo mẫu, Lao công … được mời lên sân khấu  nhận hoa từ hội cha mẹ học sinh…

Những hình ảnh “Cúi đầu chào Bác Bảo vệ và Tri ân  những người Lao công  trên đây, chắc chắn cũng hiện diện nhiều nơi trên cả nước. Tôi vui mừng, và như trút đi được  đôi phần nỗi trĩu lòng về hiện thưc của ngành GD  nước ta hiện nay….

Theo dõi thông tin qua các báo chí, tôi lại được biết nhiều về một sự thật khác, ở một bộ phận học sinh, đã xử sự hết sức tệ hại, thậm chí vô nhân tính, rất đáng lo ngại: đó là ĐÁNH NHAU!...

 Đánh nhau! Nam đánh Nam. Nam đánh Nữ. Nữ đánh  Nam. Nữ đánh Nữ…  Đánh  nhau có bè có phe. Đánh hội đồng, nhiều em đánh một em. Đánh nhau không chỉ chân đá, tay đấm, mà đôi vụ có cả dao, kiếm, súng tự chế… gây thương tích chết người. Có vụ đánh nhau kinh hoàng như phim hành động của Mỹ! Trớ trêu thay, đa phần các vụ đánh nhau lại là Nữ đánh Nữ! Đánh nhau tàn bạo, dã man: Rạch mặt, cắt tóc, lột quần áo , nội y của bạn,  trần trụi giữa  đường. Lại càng đau xót, khi các bạn đánh nhau, các bạn Học Trò mặc đồng phục, đứng xung quanh lại vỗ tay, reo hò, cổ vũ và quay phim!...

Theo số liệu của Bộ GDĐT, mà chắc chắn là chưa đầy đủ, năm 2015, toàn quốc đã xảy ra  khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau, trung bình mỗi ngày xẩy ra 5 vụ. Từ năm 2010-2014 trong vòng 4 năm, toàn quốc đã có 8.000 vụ học sinh đánh nhau. Kết quả kiểm tra tại 12 tỉnh thành, do Bộ GD&ĐT thưc hiện, từ cuối tháng 3 năm 2012, đến giữa tháng 4/2012 có 5.000 vụ đánh nhau. Trong đó, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều vụ nhất ( 169 vụ), tiếp đến là Tây Ninh (126 vụ), Lạng Sơn (64 vụ)…. Việt Nam đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia châu Á, được khảo sát về tình trạng bạo lực học đường..  Học trò đánh nhau ngày càng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng, đã và đang trở thành nỗi lo lắng của nhiều gia đình, phụ  huynh, nhà trường và toàn xã hội.

Xa mái trường đã hai chục năm, lòng tôi vẫn luôn hướng về nhà trường. Mỗi dịp 20/11- Ngày Nhà Giáo, ký ức hiện về, bao kỷ niêm đẹp về những Mái trường tôi đã đi qua, về những lứa Học Trò mà tôi hằng yêu quý. Tôi vui mừng nhận thấy qua mấy chục năm Đất Nước đổi mới, ngành GD&ĐT đã thu đươc  những thành quả to lớn, giáo dục con trẻ thành những công dân tốt cho Đất Nước. Tôi thầm cám ơn  những ai, đã dạy bảo con em chúng ta biết kính cẩn cúi đầu chào Bác Bảo vệ.  Việc giáo dục  lễ nghĩa, đạo đức ,lối sống cho học sinh cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó nhà trường đóng vai trò quan trọng. Thiển nghĩ: Các nhà trường hãy bỏ đi những khẩu hiệu kêu gọi chung chung : “Tri thức là của để dành”. “Học để làm người cho dân giàu nước mạnh”…. Thậm chí ở một trường Mầm Non có khẩu hiệu “ Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Trong nhà trường chỉ cần hai khẩu hiệu, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của trường học. Đó là: “ Thi đua dạy tốt học tốt” và “Tiên học lễ hậu học văn”.  Có những hoạt động cụ thể, qua việc làm và lời nói hàng ngày, biến hai khẩu hiệu này thành hiện thực… Và, nên chăng,  Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường, trên toàn quốc, phong trào: “Cúi đầu chào Bác Bảo Vệ”. Việc bình thường nhưng có ý nghĩa sâu sắc.

Tuổi Học Trò thật trong sáng, đẹp đẽ.

Đau lòng thay! Đã và đang còn có những trò bị nhiễm bẩn những thói hư tật xấu; Bạo lực đã tràn vào học đường!

……………………………………..

Tài liệu tham khảo: Báo Tuổi Trẻ ngày 3/10/201; Tuổi Trẻ Oline  ngày 2/10/2016. Báo Người Lao động ngày  06/04/2017, ngày 25/04/2017, ngày 28/10/2017. Báo Vietnamnet.vn ngày 09/11/2017.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441458

Hôm nay

2175

Hôm qua

2283

Tuần này

21362

Tháng này

216632

Tháng qua

112676

Tất cả

114441458