Chiến lược an ninh quốc gia mới của ông Trump, theo truyền thông Mỹ, gồm 70 trang, dày gấp đôi bản chiến lược an ninh quốc gia được công bố dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama năm 2015. Nhưng theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tướng H.R. McMaster, cả chiến lược dài hới ấy có thể tóm gọn trong vòng 3 chữ, bằng khẩu hiệu nổi tiếng của cố tổng thống Ronald Reagan năm 1987: "Peace through Strength" (tạm dịch: Hòa bình thông qua sức mạnh). Chiến lược an ninh quốc gia có vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách tương lai của nước Mỹ. Nó được xem như kim chỉ nam cho mỗi quá trình ra quyết định chính sách, từ việc dính líu vào các cuộc chiến đến luật quốc gia. Theo một số nhà quan sát, chiến lược mới cho thấy quan điểm thiên về chủ nghĩa hiện thực của ông Trump khi cho rằng quyền lực và ảnh hưởng là sự cạnh tranh, rằng nước Mỹ phải "duy trì hòa bình bằng sức mạnh" và bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ. Việc chọn tòa nhà được đặt theo tên của cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan để công bố chiến lược an ninh quốc gia mới rõ ràng là một thông điệp đầy ý nghĩa của chính quyền Trump.
Các ưu tiên và thách thức
Có bốn ưu tiên trong chiến lược mới của ông Trump: bảo vệ lãnh thổ Mỹ thông qua siết chặt các quy định nhập cư; thúc đẩy và bảo vệ sự thịnh vượng của nước Mỹ bằng cách gây sức ép, đòi thương mại công bằng với Trung Quốc và các nước khác; duy trì hòa bình thông qua sức mạnh quân sự và tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Chiến lược an ninh quốc gia có vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách tương lai của nước Mỹ. Nó được xem như kim chỉ nam cho mỗi quá trình ra quyết định chính sách, từ việc dính líu vào các cuộc chiến đến luật quốc gia. Trước ngày công bố chính thức, hôm 12/12, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, khi hé lộ một số nội dung của chiến lược, đã giải thích các cụm từ này như sau: "Các cường quốc đang xét đổi vị thế - Trung Quốc và Nga - đang lật đổ trật tự chính trị, kinh tế và an ninh thế giới sau Thế chiến thứ hai nhằm thúc đẩy lợi ích của họ và hủy hoại lợi ích của chúng ta cùng các đồng minh của chúng ta. Các chế độ côn đồ Iran và Bắc Hàn đang vi phạm chủ quyền của lân quốc của họ, theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt và xuất khẩu khủng bố sang các quốc gia khác". Cần nhớ, thuật ngữ "chế độ côn đồ", cũng như hai thực thể được nêu danh là Iran và Triều Tiên, không mới, đã được tổng thống G.W. Bush nêu ra lần đầu năm 2001 để gọi ba nước trong "Trục ác ôn" là Iran, Iraq và Triều Tiên, và vẫn còn đang được sử dụng. Riêng cụm từ thứ nhất ("cường quốc đang xét đổi vị thế") là mới được sử dụng. Cụm từ này là một thuật ngữ chính trị, được A.F.K. Organski "sáng chế" ra từ năm 1958 và trình bày trong quyển sách giáo khoa Chính trị học thế giới để chỉ những quốc gia hùng mạnh nổi lên thách thức các cường quốc thống trị trước đó.
Thách thức tới đây đối với nước Mỹ có thể là quân sự, cố vấn an ninh McMaster nêu ví dụ: "Chúng ta đã rõ ràng về mối đe dọa ngày càng hiển hiện hơn từ việc Triều Tiên phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Tổng thống cam kết phi hạt nhân hóa toàn thể bán đảo Triều Tiên. Ông không có ảo tưởng gì về các ý định của nhà độc tài Triều Tiên và nhận ra nguy cơ mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Kỷ nguyên của sự kiên nhẫn chiến lược đã qua, và chúng tôi sẽ không lặp lại những nỗ lực thất bại của quá khứ". Thách thức còn có thể là kinh tế, cố vấn McMaster nhắc lại: "Trong chuyến đi châu Á gần đây, tổng thống đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại các chính sách kinh tế và thương mại không công bằng, gây thiệt thòi cho các công nhân và công ty Mỹ. Trong một thời gian quá lâu, Washington đã nhắm mắt trước những hành vi lừa dối và bóc lột ở nước ngoài. Chúng ta đã bỏ trống không gian kinh tế cạnh tranh, và người dân Mỹ đã phải trả giá". Thế nhưng, phân loại các thách thức như thế không có nghĩa là sẽ tìm đến chiến tranh. "Chúng ta phải thừa nhận rằng hệ thống quốc tế trước hết được tiêu biểu bởi sự cạnh tranh, tương tác và thay đổi... Hoa Kỳ muốn tất cả các nước lớn mạnh, tự hào và độc lập, và chúng tôi muốn tất cả mọi người đều có cơ hội để vươn lên. Chúng ta sẽ cạnh tranh, nhưng sự cạnh tranh phải công bằng. Chúng ta sẽ tôn trọng chủ quyền của các đối tác về số phận kinh tế của họ, đồng thời đảm bảo rằng các công nhân Mỹ và các công ty Mỹ không bị thiệt thòi một cách bất công" - ông McMaster nhấn mạnh.
Trong ngày công bố “Chiến lược an ninh quốc gia”, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng nhận xét Trung Quốc về thái độ "xâm lấn kinh tế" khi công bố chiến lược an ninh quốc gia. Lời nhận định này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chuyện thâm hụt thương mại với Trung Quốc là cái gai mà vị tổng thống tỉ phú rất muốn nhổ hoặc ít nhất phải làm được gì đó cho công chúng Mỹ thấy. Báo Financial Times cho rằng dù mới thăm Bắc Kinh dài ngày (cách đây 1 tháng) và sau chuyến thăm Mỹ đầy rình rang của Chủ tịch Tập Cận Bình (cách đây 8 tháng), Tổng thống Trump vẫn thấy không hài lòng với cách Bắc Kinh đáp ứng mối ưu tư dài lâu của Mỹ về quan hệ thương mại song phương. Chiến lược an ninh quốc gia là tài liệu chính thức mà mọi tổng thống Mỹ, từ thời Ronald Reagan, đã phải công bố để dân chúng hiểu về chính sách dài hơi trong nhiệm kỳ của mình. Theo Financial Times, ông Trump đã đưa ra một chính sách mạnh mẽ hơn bất kỳ các chính quyền tiền nhiệm nào của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong thời gian vận động tranh cử năm 2016, tỉ phú Trump đã không ít lần nói về sự bất công trong thương mại với Trung Quốc mà Mỹ là bên bị thiệt thòi. Đến khi lên nắm quyền, ông cũng từng đặt bút ký yêu cầu điều tra về các giao thương với Trung Quốc. Cũng không ít lần, khi xảy ra các sự vụ liên quan, Bắc Kinh đều nói cứng rằng khi "chiến tranh thương mại nổ ra thì cả hai bên đều thiệt" và Bắc Kinh không ngán đối đầu với Mỹ trong việc làm ăn. Sau mỗi lần như thế, người ta đều thấy có những điều chỉnh nho nhỏ từ Bắc Kinh. Nhưng đối với ông Trump, như thế vẫn không đủ.
Khơi dậy sự tự tin chiến lược
Dường như vì là một doanh nhân và lại tuyên bố vì "nước Mỹ trước tiên" nên Tổng thống Trump đã lấy quyết định khá nhanh đối với những điều mà các tiền nhiệm trước đây của ông thường phải nâng lên đặt xuống. Ông rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong 30 giây dù phải khó khăn lắm các nhà đàm phán mới đạt được đến một bộ khung khổng lồ; ông cho đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) một cách cương quyết bất chấp những tiếng la ó từ đồng minh sát sườn Canada và Mexico. "Đến lúc phải nhìn nhận hiện tượng là một chính trị gia cũng có thể làm đảo lộn cả một khuynh hướng đã định hình trong nhiều thập niên" - Laurence Chandy và Brina Seidel, hai chuyên gia của Viện học giả Brookings, từng phải thừa nhận. Nhiều chuyên gia thậm chí dự báo rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể xảy ra trong năm sau và với tính cách của mình, ông Trump chẳng ngại làm việc đó. Ông cũng đã chỉ cho người Mỹ thấy rằng những thiệt thòi kinh tế của Mỹ trong nhiều năm qua không phải do các ngành công nghiệp Mỹ thiếu tính cạnh tranh mà do những kiểu làm ăn "không đàng hoàng" của các đối tác như bán phá giá, bảo hộ thị trường trong nước... Ông cũng đã đưa được chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp lên đường ray để kéo doanh nghiệp và cùng với đó là công việc trở về lại nước Mỹ. Chẳng khác ông đã "đổ bêtông nền" cho nước Mỹ để chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc trên thương trường mà ông biết sẽ rất khốc liệt, thậm chí cho thế giới.
Dưới thời ông Obama, mối đe dọa đối với Mỹ đến từ nhóm "4+1" gồm bốn nước Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Iran và chủ nghĩa khủng bố. Tháng 9/2016, ông Obama tuyên bố biến đổi khí hậu cũng là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Tất cả những điều này đã thay đổi dưới thời ông Trump. Trái ngược với quan điểm "cùng chia sẻ và lan tỏa các giá trị kinh tế Mỹ" của ông Obama, "bảo vệ lợi ích kinh tế của nước Mỹ" sẽ là trọng tâm trong chiến lược mới. "An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia. Đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, mang tính sống còn đối với sức mạnh của nước Mỹ", ông Trump từng tuyên bố như vậy khi đến Việt Nam tham dự APEC cách đây 1 tháng. Gọi Trung Quốc là "kẻ đầy tham vọng về kinh tế", tướng McMaster nói Bắc Kinh là một mối đe dọa đang thách thức "trật tự kinh tế dựa trên quy tắc, thứ đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo". Theo trang Washington Examiner, nước Mỹ sẽ không cho không ai điều gì, kể cả đối với các đồng minh. Đó sẽ là mối quan hệ hai chiều, với việc cùng chia sẻ gánh nặng chi phí và đừng bao giờ cũng lệ thuộc vào Mỹ, kêu gọi Mỹ làm phần việc nặng nhất. Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên được công bố vào năm 1987, dưới thời Tổng thống Reagan, người đã "đưa nước Mỹ bước vào kỷ nguyên của sự tự tin", theo lời tướng McMaster. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Trump, một lần nữa sẽ "khơi dậy sự tự tin chiến lược đó"./.