PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn(Giảng viên, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV Hà Nội): Cần trả việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS về cho các trường đại học!
Việc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) công bố danh sách 1226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và Phó giáo sư (PGS) năm 2017 làm xôn xao dư luận đến mức Thủ tướng chính phủ có ý kiến chỉ đạo phải rà soát lại. Đây là việc chưa từng có.
Vì sao như vậy?
Nguyên nhân trực tiếp, dễ nhìn thấy là số lượng 1226 ứng viên được công nhận lần này, bị coi là nhiều. Nhưng nếu lấy 1226 ứng viên được công nhận đạt chuẩn GS (85) và PGS (1141) lần này chia đều cho khoảng 350 trường đại học ở Việt Nam thì thực ra trung bình mỗi trường lần này chỉ có 4-5 giảng viên được công nhận là GS hoặc PGS. Trong bối cảnh tỷ lệ GS & PGS của các trường đại học ở Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 15-16% số giảng viên, thì số lượng đó không phải là nhiều, nếu không nói là ít.
Vấn đề làm ồn ào dư luận xã hội là ở chỗ, số lượng các ứng viên được công nhận năm nay tăng đột biến so với năm trước (hơn 60%). Trong bối cảnh các tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS sẽ được thắt chặt hơn trong năm tới, trong đó có những tiêu chuẩn bất khả thi với nhiều người (công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCOPUS, ISI), sự gia tăng đột biến về số lượng này làm cho dư luận nghi ngờ rằng nhiều ứng viên đã tranh thủ lên chuyến tàu vét, và có thể có HĐ đã xuê xoa cho lọt nhiều ứng viên chưa đủ chuẩn. Thủ tướng chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, HĐCDGSNN và các HĐ ngành đang xem xét rà soát và chắc chắn phải có câu trả lời trước công luận. Chúng ta hãy bình tâm chờ xem.
Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân dễ thấy trên, tôi cho rằng còn hai nguyên nhân nữa dễ làm nóng dư luận xã hội. Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến việc xác định nội hàm các chức danh Giáo sư (GS), Phó giáo sư (PGS). Ở hầu hết các trường đại học trên thế giới, Professor (Giáo sư), Associate Professor (Phó Giáo sư) và Assistant Professor (chưa biết nên dịch thế nào, tạm gọi là Trợ Giáo sư) là 3 chức danh khoa học đồng thời cũng là 3 chức danh nghề nghiệp chính (để hưởng lương) của các giảng viên đại học.
Ở Việt Nam thì khác, GS và PGS được coi là chức danh khoa học (trước đây hay gọi là học hàm) của giảng viên đại học chứ không phải là chức danh nghề nghiệp. Hệ thống chức danh nghề nghiệp chính thức của giảng viên đại học Việt Nam là giảng viên (hạng III), giảng viên chính (hạng II) và giảng viên cao cấp (hạng I), chứ không phải là GS, PGS. Để xếp bậc lương cho các GS, PGS (nhằm tránh cái danh hão GS, PGS mà chả được gì), trước đây PGS được xếp ngang với giảng viên chính, GS ngang với giảng viên cao cấp, nhưng từ năm 2016 cả PGS và GS đều thuộc bậc giảng viên cao cấp.
Cái quan niệm coi GS, PGS chỉ là chức danh khoa học mà không phải là chức danh nghề nghiệp như vậy làm cho cái danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam có vẻ "oai hơn", và vì vậy cũng làm cho xã hội dễ 'dị ứng" hơn. Nếu quan niệm GS, PGS cũng là chức danh nghề nghiệp, thậm chí đơn giản chỉ gọi là giảng viên hạng I, giảng viên hạng II, giảng viên hạng III đúng như hệ thống chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học Việt Nam (mặc dù so với thế giới thì chả giống ai), chắc xã hội sẽ ít "ồn ào" hơn!
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến cách thức đánh giá và công nhận các chức danh GS, PGS. Ở nước ngoài, đây đơn giản chỉ là các hoạt động tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp cho các giảng viên đại học, diễn ra hàng năm, hoàn toàn do các trường đại học quyết định (thông báo chỉ tiêu, nhận hồ sơ ứng viên, thành lập hội đồng tuyển dụng hoặc nâng bậc, với thành viên chủ yếu là các giáo sư, các nhà khoa học cùng ngành/chuyên ngành), ít ai quan tâm.
Còn ở Việt Nam, như chúng ta biết, nó diễn ra tới 3 vòng: vòng HĐ cơ sở (xem xét, đánh giá các tiêu chuẩn cứng nói chung), vòng HĐ ngành (xem xét, đánh giá chủ yếu các tiêu chuẩn liên quan đến chuyên môn), vòng HĐ nhà nước (xem xét, bỏ phiếu quyết định). Điều tôi không hiểu ở đây là vai trò của HĐCDGSNN? Hội đồng này có 28 vị thuộc 28 ngành hoặc chuyên ngành khác nhau làm sao lại có thể có đủ năng lực đánh giá để bỏ phiếu đồng ý/ không đồng ý cho các ứng viên là GS hay PGS không cùng ngành/chuyên ngành của mình !? Điều đáng nói nữa là sau khi kết thúc vòng 3, HĐCDGSNN tổ chức trọng thể lễ công bố cấp quốc gia các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS với cờ, kèn đèn, trống rất rình rang, vô tình biến việc tuyển dụng hoặc nâng ngạch nghề nghiệp bình thường của giảng viên thành một sự kiện vinh danh, tác động đến toàn xã hội theo hướng tiêu cực nhiều hơn là tích cực.
Để cho việc bổ nhiệm các GS, PGS của các trường đại học đi đúng hướng và hoà nhập cùng thế giới, ngoài việc xây dựng bộ tiêu chí GS, PGS khoa học, hợp lý và nâng cao dần theo chuẩn mực quốc tế, theo ông cần làm những gì?
Đây là công việc chủ yếu của Bộ Giáo dục đào tạo. Tôi nghĩ, Bộ Giáo dục, Đào tạo:
1. Cần đưa các chức danh GS, PGS vào hệ thống chức danh nghề nghiệp của giảng viên đại học, theo chuẩn mực chung của các trường đại học thế giới.
2. Cần trả việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS về cho các trường đại học, theo một lộ trình thích hợp.
3. Cần xây dựng lại quy chế xét duyệt, công nhận và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS theo hướng bỏ HĐCDGSNN, chỉ cần HĐCDGS của Trường đại học và HĐCDGS của ngành (trợ giúp về mặt chuyên môn cho HĐ Trường, danh sách HĐ có thể thay đổi hàng năm, tuỳ theo yêu cầu chuyên môn).
4. Cần tăng cường các hoạt động thanh tra, hậu kiểm (việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm PGS, GS của các trường) của Bộ GDĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng (Đại học Liege, Vương quốc Bỉ): Nên gấp rút thành lập một ban thẩm định khác có tinh thần khoa học và tính độc lập cao
Quan niệm và thực hành việc phong GS, PGS ở Việt Nam có gì khác so với thông lệ quốc tế?
Có nhiều chỗ khác lắm!
Quốc tế chức danh GS, PGS dành cho việc giảng dạy đại học, gắn liền với số tiết dạy. Ở ta ngoài việc này nó lại là một học hàm cho quan chức chẳng liên quan đến nghiên cứu khoa học và giảng dạy! Nó chỉ thoả mãn tính háo danh của một bộ phận thành phần tự cho trí thức!
Chúng tôi đã góp ý nên loại bỏ chức năng này mà 20 năm nay chưa được!
Ông có bình luận gì về hiện tượng tăng đột biến về số lượng đã được Hội đồng Nhà nước về học hàm chuẩn y chuẩn bị trình chính phủ trong bối cảnh đã có chủ trương thắt chặt hơn chất lượng các ứng viên đăng ký dự phong hàm kể từ năm 2018?
Ngày càng đông đảo các nhà khoa học chân chính nhất là các bạn trẻ được đào tạo tại Âu-Mỹ lên tiếng cải tiến tiêu chuẩn thẩm định của Hội Đồng chức danh nhà nước, một văn bản mới được soạn thảo trong đó nhiều đỏi hỏi cần thiết theo chuẩn quốc tế được nêu ra!
Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng nhiều điều kiện nghiêm túc có tính quốc tế như phải có công bố khoa học quốc tế tối thiểu đã được đề đạt và trên nguyên tắc chuẩn mới sẽ áp dụng cho 2018!
Điều làm cho những kẻ hám danh nhưng thiếu trình độ lo ngại! Và họ không ngần ngại chạy nước rút cho qua được đợt tuyển chọn 2017! Có lẽ đây là lý do chính cho việc tăng đột biến danh sách mà Hội đồng học hàm đang trình với chính phủ...
Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Giáo dục đào tạo, hội đồng học hàm nhà nước rà soát và báo cáo giải trình về vấn đề này. Theo ông, giải pháp nào khả dĩ giải quyết được sự cố này?
Can thiệp Thủ Tướng là rất đáng hoan nghênh nhưng theo tôi việc rà soát và giải trình không dễ! Trước nhất, tôi nghĩ Hội đồng học hàm đã bị việt vị rồi! Không đơn giản mà có kết quả xét duyệt như vậy. Cả năm nay họ làm việc rồi mà để cho những người yếu kém như vậy lên được , thậm chí leo lên cương vị cao nhất của hội đồng thì còn đâu uy tín để giới học thuật tin được!
Theo tôi nếu chính phủ muốn thật sự làm ra lẽ thì nên gấp rút thành lập một ban thẩm định khác có tinh thần khoa học và tính độc lập cao! Nên thâu nhận các nhà khoa học quốc tế hay Việt kiều như GSTS Nguyễn Tiến Dzũng tại Toulouse tham gia!
Có ban thẩm định quốc tế ta sẽ thấy danh sách sẽ không còn bao nhiêu!
Ngoài ra vì quá nhiều tai tiếng không hay, thậm chí, tôi nghĩ có những người nên từ chứcnếu không hoàn thành chức trách và làm tổn hại đến uy tín của Nhà nước!
Vĩnh Khánh thực hiện