Ngay trước Tết con Khỉ (2016), ta phải giật mình thấy truyền thông phương Tây trong dăm ngày đưa hai tin liền, căng như đạn, nhằm đích danh con người thường trú oanh liệt tại Điện Cẩm linh. Đó là BBC chính thức đưa tin (hôm 25/1) rằng một quan chức Bộ tài chính Mỹ cáo buộc Putin tham nhũng. Ngay trước đó, 21/1, BBC đưa tin tổng thống Putin “chắc là đã duyệt” (The Guardian dùng chữ “đặt hàng”) vụ ám sát cựu nhân viên KGB lưu vong tại London, ông Alexandr Litvinenko.
Nhân dịp này, Thành Lê tôi lục lại một ghi chép (nhan đề Cái chết của “Bố già điện Kremli”, viết năm 2013), có liên quan đến một cựu mật vụ xô viết nữa, đình đám hơn người quá cố Litvinenko nhiều. Đó là cố đại gia Berezovsky, người mà các nguồn thóc mách ở Nga cho rằng đã mang mật danh “Moskovsky”, dưới trướng tướng xô viết Trofimov. Berezovsky những năm cuối thế kỷ trước từng là Tổng thư ký khối SNG, trên sề tất cả những vị hiện nay đang cầm quyền ở xứ Bạch Dương.
Xin đưa ghi chép ra đây để cùng nhớ về một số vị gốc Xô đã khuất bóng trong sương mù ảm đạm xứ Luân Đôn đầu thế kỷ 21, và điểm lại tin sương đã có lúc làm xôn xao Nga, Anh quốc, và hơn thế, kể từ cuối thế kỷ 19.
Nhân 49 ngày mất của Berezovsky – người buôn vua…
Vừa qua có một vụ án mạng hẳn đã có thể làm cho Conan Doyle hay Agatha Cristhie muốn đội mồ sống dậy, vồ lấy bút: một tay buôn vua vừa sạt nghiệp được tìm thấy đã chết trong ngôi biệt thự ngoại ô. Mặc dù cái nhà ông Berezovsky này thuê gạc đờ co (vệ sĩ) từ cơ quan phản gián Mossad của Israel, quá ư nổi tiếng (từ nay hẳn bị “giảm giá” vì vụ này).
Dù cũng phải “dạt vòm” đi ra ngoài nước ở giao điểm hai thiên niên kỷ, nhưng với tư cách tị nạn chánh trị hẳn hoi, chứ không phải chịu lưu vong chỉ vì các án kinh tế trong nước. Sang đến Anh, ông nhanh chóng lu mờ: dường như tài kinh bang tế thế của ông phương Tây đã không thèm cần đến. Lẽ ra ông nên chịu cam phận “cóc vàng” ẩn núp trong khe núi, như các đại gia khác, mà năng khiếu về thương mại hậu xô viết không đã phát tài được ở châu Âu: các soái cựu trào Smolensky, Gusinsky, rồi Mikhail Chernoi, gần đây là Andrei Borodin, Sergei Polonsky (đại gia này vừa bị bắt ở Campuchia, giam ba tháng, rồi được tạm tha sau khi nộp tiền bảo lãnh), Leodid Nevzlin (“đồng đội” của Khordovsky), Baturina (vợ cựu thị trưởng ô. Moscow Lujkov)... Dù đã “tài trợ cho tất cả nhà chính trị nào ra hồn người ở Nga”, và Liên Xô cũ, theo lời của ông (hồ sơ và các hồi ký cho thấy Berezovsky đã bảo trợ, không chỉ về tài chính, cho hai tổng thống đầu của nước Nga mới; và một cả tổng thống Ucraina…). Nhưng, những chính khách, thương gia từng được ông hào hiệp tiến cử, nâng đỡ (như Abramovich), hầu như đều quay mũi giáo đánh ông, thay vì hàm ơn hay trả công bảo kê về chính trị (thuật ngữ kryshevat’ của đại gia thân Kremli ô. Abramovich), thậm chí còn biến thành những con kền kền rỉa tài sản của ông mắc lại ở Nga, vào lúc ông sa cơ lỡ vận, phải dạt vòm.
Sinh thời Berezovsky từng bị gọi là cục nam châm hút những chuyện scandal. Từ Luân Đôn yên hàn, ông thò tay chọc ngoáy cách mạng màu ở Ucraina khoảng giữa thập niên trước (2004), rồi ông đi xa đến mức đòi lật đổ ông chủ ở Kremlin (2006), người, theo ông và một số thành viên của Hoàng gia (nhóm Semja) tiết lộ, đã được ông đưa lên ngai vàng. Liệu có phải vì thế mà nay ông thuộc về một danh sách khác, mang tên hãi hùng là danh mục những án mạng đầy uẩn khúc, của các vị từng thân cận hoặc quen biết với chính Berezovsky, đột tử gần đây ở xứ sương mù: Litvinenko, cựu nhân viên KGB chết do bị đầu độc phóng xạ năm 2006; Patarkatsishvili, bạn làm ăn của Berezovsky từ thời Liên Xô, chết do cơn đau tim bất thình lình; Stephen Curtis, luật sư Anh thân cận với giới đại gia Liên Xô cũ, trước khi tử nạn năm 2004; rồi thương gia Alexandr Perepilichnyi – từng giúp Thụy Sĩ “bẻ khóa” sơ đồ chuyển tiền lậu của tham quan Nga, vào năm 2012 được tìm thấy đã chết gần căn nhà ở Anh quốc của ông…
Một kẻ đang tâm tư nhân hóa cả tài sản công lẫn nền chính trị, Berezovsky đã cố trở thành người giật dây các con “bù nhìn chính trị” ở cấp cao nhất của nước Nga. Nhưng cung cách chơi ngửa bài của ông đã khiến ván cờ chính khách của ông không thể kéo dài. Cuộc sống và cái chết của Berezovsky làm liên tưởng đến “dị nhân” Grigory Rasputin, kẻ từng làm suy đồi đế chế Nga cho tới khi bị ám sát chỉ một năm, trước khi cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Trước Berezovsky, phù thủy Rasputin từng là kẻ điều khiển “rối chính trị” ở tầm cỡ ngai vàng nổi nhất trong lịch sử Nga.
Theo báo Anh, Berezovsky từng “yêu chuộng và khâm phục” hệ thống pháp trị Anh: “Anh là nước cai trị bằng luật pháp. Nga là nước trị vì bằng quan hệ”, Berezovsky từng tuyên bố. Vậy nếu Berezovsky tự tử, có thể do ông đã mất hy vọng vào nền dân chủ kiểu phương Tây? Kết vụ Berezovsky kiện Abramovich, năm 2012, Tòa án tối cao Vương quốc Anh đã xử cho Abramovich – kẻ “lừa thày phản bạn” chỉ vì tiền, theo Berezovsky, thắng kiện, và thậm chí tòa án Anh còn không thừa nhận sở hữu đối với Hãng Sibneft của Berezovsky, theo các giấy tờ từng là cổ đông sáng lập Sibneft! Nhưng họ hàng và bạn bè khăng khăng cho rằng con người như Berezovsky khó có thể đi tới một quyết định tự sát.
Nếu ông bị giết? Người ta dễ suy đoán thủ phạm là một số vị trên Quảng trường Đỏ, vốn dĩ là nguyên nhân khiến Berezovsky từng phải bỏ của chạy người khỏi Nga hơn một thập kỷ về trước. Tuy nhiên, V. Jirynovsky, thủ lĩnh Đảng Dân chủ tự do Nga (được thành lập năm 1990 do sáng kiến của Gorbachov và thủ lĩnh KGB thời đó – những người muốn tạo tác một Đảng đối lập bù nhìn, theo Hồi ký của A. Yakovlev, cựu ủy viên BCT Liên Xô), và đang là VIP trên chính trường Nga, thì đưa ra một phương án khác. Được gặp Berezovsky trước khi ông này chết, V. Jirynovsky cho rằng chính tình báo Anh đã hạ thủ Berezovsky, do gần đây ông này “dở quẻ”, muốn hoàn lương, cụ thể là muốn quay về Nga, điều này làm phương hại lợi ích của Anh (!) Phương án khá trật trẹo này gợi nhớ một điển tích (cũng khá trật trẹo) của chính BBC, là chính tình báo Anh đầu thế kỷ XX từng hạ sát người điều khiển rối vĩ đại Grigory Rasputin, vì sợ ông ta lái Nga hoàng ngả sang phía Phổ (Đức)! [hết trích bài viết về Berezovsky năm 2013].