Nhìn ra thế giới

Mật đàm Henry Kissinger & Chu Ân Lai

Lời người dịch: Đây là trích đoạn biên bản những cuộc gặp kín của Trung Quốc và Mỹ năm 1972, thuộc Tài liệu mật của Hoa Kỳ đã được giải mật gần đây[2]. Biên bản cho thấy Bắc Kinh dấn bước trong bày tỏ sự bất đồng về phương diện lợi ích chiến lược với cả Moscow và Hà Nội.

Đoạn trích dưới đây gồm các trao đổi của hai bên về vai trò tác dụng của Liên Bang Xô Viết tại thời điểm bản lề của quan hệ Trung - Mỹ, năm 1972. Trong đó có đoạn cho thấy Mỹ tiết lộ sẵn sàng trở thành đồng minh quân sự của Trung Quốc, cùng tham chiến nếu Bắc Kinh đưa quân vào Đông Pakistan. Nhưng Trung Quốc không tiến hành can thiệp quân sự vì cho rằng đã muộn.

 

Biên bản ghi nhớ     

 

BIÊN BẢN HỘI ĐÀM

 

NHỮNG NGƯỜI THAM DỰ:    Phía Trung quốc:Thủ tướng Chu Ân Lai; Kiều Quán Hoa, thứ trưởng ngoại giao; Chiang Wen - Chin, trợ lý Bộ trưởng ngoại giao (dự phần hai); Tang When-sheng và Chi Chao-chu

                                                                  Hai người tốc ký

 

Phía Hoa kỳ: Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ; Winston Lord, John Negroponte,  các chuyên viên an ninh quốc gia

 

THỜI GIAN:                                             Thứ ba, 20 tháng Sáu, 1972, 14 - 18 h

ĐỊA ĐIỂM:                                                Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh

 

… Tiến sĩ Kissinger: Chúng ta sẽ thảo luận chủ đề nào đây? Liên Xô chăng?

Chu Thủ tướng: Vâng.

Tiến sĩ Kissinger: Lĩnh vực nào được Thủ tướng quan tâm nhất?

Chu Thủ tướng: Bởi vì ông cho biết ông muốn tới để thông báo cho chúng tôi về chuyến thăm Moscow  vừa qua, ông có thể làm việc này nếu ông thấy thích hợp. Chúng tôi không có yêu cầu gì đặc biệt. Thông báo vắn tắt mà ông Lord vừa trao cho Đại sứ Hoàng Hoa cũng đã đến tay chúng tôi.

Tiến sĩ Kissinger: Hẳn là điều có ích nhất cho Thủ tướng mà tôi cần làm là mô tả chính sách chung của chúng tôi đối với Liên Xô, những gì chúng tôi muốn đạt tới. Sau đó là chuyến thăm của tôi cuối tháng Tư, chuyến thăm của Tổng thống, và một số cảm tưởng chung. Tôi chắc rằng Thủ tướng biết rõ chúng tôi không làm những chuyện có đi có lại (reciprocal) ở Moscow. Nguyên nhân chúng tôi làm chuyện này với Ngài là do chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ của hai nước đồng minh cộng sản.

Chu Thủ tướng: Nhưng liên minh này đã chỉ còn trên giấy.

Tiến sĩ Kissinger: Rõ ràng một trong những kết quả của chuyến thăm của tôi sang Bắc Kinh năm ngoái, như ngài Thủ tướng đã dự báo, đã đẩy mạnh đáng kể quan hệ của chúng tôi với Liên Xô. Đây không phải là một tình huống chúng tôi đã hết sức tìm kiếm. Trên thực tế chúng tôi đã cho rằng còn một khả năng là sau chuyến thăm Bắc Kinh của tôi, chúng tôi sẽ phải đương đầu với một thời kỳ đặc biệt thù địch. Và khi chúng tôi thông báo với đại sứ quán Liên Xô một giờ trước Thông cáo chính thức, chúng tôi đã chuẩn bị để đương đầu với tất cả mọi hậu quả.

Chu Thủ tướng: Vậy đó là những gì các ngài đã dự trù sẵn.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, tôi nhớ chuyện này rất rõ. Nhưng hoá ra chúng tôi lại không đúng.

Chu Thủ tướng: Điều này chứng tỏ chúng ta đã không có một thái độ tiểu nhân trước những sự việc như thế. Chúng tôi đã từng nghĩ nên để cho ngài Tống thống sang thăm Liên Xô trước thì mọi sự có lẽ sẽ hoàn hảo hơn. Và điều đó đã xảy ra ... Điều đó đã ứng nghiệm bởi vì sau khi các ngài ra Thông cáo về quyết định sẽ đi thăm Trung Hoa của Tổng thống Hoa Kỳ ... Sau Thông cáo này họ đã tỏ ra cực kỳ lo lắng. Và trong thời gian Tổng thống các ngài thăm Trung Hoa, báo chí ở Moscow đăng đủ thứ chuyện.

Tiến sĩ Kissinger: Các ngài đã thư dãn hơn nhiều khi chúng tôi ở Moscow.

Chu Thủ tướng: Chúng tôi đã thực sự thư dãn. Chúng tôi chuyển hướng quan tâm sang chuyện khác.

Tiến sĩ Kissinger: Đã không có gì khác lạ bởi vì chúng tôi nay đã ở Moscow về. Và khi tôi thông báo về chuyến thăm này của chúng tôi (sang Trung Hoa), tôi liên tục tiếp nhận những cuộc gặp gỡ với Đại sứ Liên Xô mỗi khi xảy ra một sự kiện gì. Thưa Thủ tướng, như tôi đã nhận thấy trên thực tế, mỗi lần tôi muốn gặp Đại sứ Liên Xô mà không cần phải vời ông ta, tôi chỉ cần viết trên báo một chuyện gì đó về Trung Hoa, thế là ông ta xuất hiện ngay.

Gì thì gì, và bất chấp do lý do nào, quan hệ của chúng tôi với Liên Xô đã đạt được gia tốc đáng kể sau Thông cáo, và do sáng kiến của phía Liên Xô, không phải do chúng tôi. Nhưng như tôi đã nói với ngài khi tôi ở đây vào tháng Bảy, chúng tôi đã dự kiến một cuộc gặp cấp cao với Liên Xô, nhưng do nhiều lý do, chúng tôi cảm thấy rằng có một số vấn đề cụ thể cần được giải quyết, bởi vì chúng tôi ở một vị trí khách quan trong quan hệ với Liên Xô, khác với vị trí của chúng tôi trong quan hệ với nước Cộng Hoà nhân dân TH. Chúng tôi nghĩ rằng với Trung Hoa, Hoa Kỳ ở giai đoạn đầu của một tiến trình hệ trọng, vì thế điều quan trọng là phải bắt đầu mọi chuyện với các nhân vật đứng đầu. Với Liên Xô, chúng tôi đã dính líu vào một loạt vấn đề nghiêm trọng, vì thế những nhân vật hàng đầu không dính vào làm gì, cho đến khi có thể đạt tới một giải pháp.

Các vấn để cụ thể nói trên không xa lạ với các ngài, vì chúng tôi đã thường xuyên thông báo chi tiết cho các ngài kể từ cuộc gặp đầu tiên của chúng ta. Nhưng tất cả những vấn đề này đã trở nên cấp thiết hơn kể từ tiếp xúc đầu tiên của chúng ta, chẳng hạn như Hoà ước Berlin, và chúng đã choán một phạm vi rộng hơn là chúng tôi dự trù ban đầu. Sau khi hoàn thành Hoà ước Berlin, và những tiến bộ trong hội đàm về hạn chế vũ khí chiến lược, chúng tôi đồng ý tiến tới họp cấp cao. Thông cáo ra vào tháng Mười, nhưng trên thực tế chúng tôi đã đạt nhất trí ngay từ tháng Tám, như tôi đã nói với Đại sứ của các ngài ở Paris ngay lúc đó.

Cũng vào lúc đó, chúng tôi nhận thấy Liên Xô theo đuổi cùng lúc hai chính sách. Hai chính sách này cứ chốc chốc lại trái giò nhau. Cho dù những chuyện như thế chẳng phải phi thường gì ở Moscow. Một mặt, họ muốn đạt tiến bộ trong quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Mặt khác, họ lại muốn làm bộc lộ, muốn phơi bày sự bất lực của các ngài, mà sự bất lực này có phối kết hợp với chúng tôi, vì thế mà họ theo đuổi chính sách trên tiểu lục địa Ấn Độ. Thứ nữa là, họ tăng cường mạnh mẽ (vận chuyển) vũ khí của họ vào Đông Dương kể từ sau chuyến thăm đầu tiên của Podgorny. Trên đây là phân tích của chúng tôi -- cách hiểu của các ngài có thể khác. Trên thực tế thì những gì xảy ra ở Đông Dương không thể hiện sự bất lực của các ngài, mà sẽ tạo ra một nhà nước (state) Xô viết độc lập nữa, bao quanh lãnh thổ của các ngài. Chuyện này chúng ta đã thảo luận -- tôi chỉ vừa khái quát lại.

Và tôi tin rằng họ (người Liên Xô) đã rất muốn cuộc Tiến công (Xuân 1972. ND) bắt đầu trước chuyến thăm Bắc Kinh, bởi vì nó sẽ tạo được cực điểm rắc rối trong quan hệ giữa chúng ta. Tôi vừa thông báo với ngài đánh giá của phía chúng tôi. Tôi biết rằng ngài sẽ không đồng ý với từng điểm trong phân tích cuối cùng mà chúng tôi vừa nêu.

Như các ngài vẫn biết, chúng tôi đã phản ứng cực kỳ nhanh với tình hình ở Nam Á. Và một buổi sáng khi chúng tôi nhận được tin các ngài vừa gửi một bức điện cho chúng tôi. Chúng tôi cứ tưởng các ngài đã đưa quân vào. Chúng tôi dự kiến rằng nếu các ngài vì thế mà bị Liên Xô tiến công, chúng tôi sẽ ủng hộ các ngài bằng cách tiến hành biện pháp quân sự, nếu cần thiết, để ngăn chặn đòn tiến công này (của Liên Xô). Chúng tôi đã nhận được bức điện này đầu tháng 12, tôi nghĩ là ngày 11 tháng 12[3], buổi sáng, theo giờ Hoa Kỳ. Vì chúng tôi nhận được điện còn mã hoá, nên vào buổi chiều chúng tôi mới có bản dịch, và nó mang một nội dung khác hẳn. Chúng tôi, như các ngài đã biết, đã đe doạ ... (Liên Xô ND),

Chu Thủ tướng: Vào lúc đó, Đông Pakistan đã không còn cứu vãn được.

Tiến sĩ Kissinger: Thật vậy, không cứu được. Các ngài đã quyết định đúng. Lúc ấy đã quá muộn rồi, nhưng tôi vẫn cố nói với Đại sứ của các ngài.

 

Trong khoảng 3 trang rưỡi (giữa trang 5 đến cuối trang 8 của nguyên bản), đôi bên trao đổi tính hình chủ yếu là ở Đông, Tây Pakistan, và một chút về Đông Belgan nơi các bên Mỹ và Trung đụng chạm quyền lợi với Liên Xô.

 

Tiến sĩ Kissinger: ... Sau cuộc chiến tranh ở Nam Á và trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh, Liên Xô bắt đầu trở nên hoà hoãn hơn với chúng tôi, nhưng vẫn thù địch với các ngài. Nhưng họ đã không dấn thêm một bước đáng kể nào trong không gian (quan hệ quốc tế) cho tới khi chúng tôi (và Nixon) ở Bắc Kinh về. Sau khi chúng tôi ở Bắc Kinh về, mọi cuộc hội đàm được đẩy nhanh, tương đương với hồi tháng Tám, trên mọi lĩnh vực mà chúng tôi đã thông báo với các ngài ở New York.

Vào tháng Chạp tôi được mời bí mật thăm Moscow. Chúng tôi đã từ chối. Lấy cớ rằng đã có đủ các tiếp xúc ngoại giao để có thể xem việc này là cần thiết. Lời mời này được lặp lại sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Bắc Kinh, và chúng tôi lại cự tuyệt lần nữa. Tôi tin rằng tôi đã thông báo cho các ngài một số chi tiết về việc này trong chuyến thăm của Tổng thống và tôi sang đây. (Chu Thủ tướng gật đầu).

 

Rồi Kissinger tìm cách làm rõ vai trò, lợi ích của Trung Quốc, Liên Xô trong khởi phát  cuộc tiến công chiến lược ở Việt Nam ((Xuân 72) ... Sau đó chuyển sang bàn về những hiệp ước Liên Xô và Mỹ sẽ ký.

 

Chu Thủ tướng: Các ngài cũng muốn thảo luận gì đó tương tự với Phó chủ tịch Hội đồng Quân sự và trợ lý của ông ta. Nhưng đây là phía các ngài đơn phương muốn nói thôi. Tôi muốn hỏi một câu. Dĩ nhiên, ông đã hiểu những chuyện tôi nói đến công khai.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, tôi hiểu ý ngài muốn coi đó là đơn phương thôi.

Chu Thủ tướng: Không, tôi đã nói rằng đây là vấn đề song phương và sau đó tôi nói “nhưng nó không giải quyết được vấn đề”. Bởi vì các ngài không thể cắt giảm ngân sách. Dĩ nhiên, nếu tiếp tục không có hạn chế nào thì ngân sách sẽ tăng lên thôi. Dĩ nhiên, nay khi các ngài đã có một khả năng của năm năm (tới), hẳn các ngài sẽ có thể hạn chế ngân sách của các ngài theo cách nhất định. Vào điều này cũng sẽ giúp cho người ta cảm thấy một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ khó xảy ra trong vòng năm năm tới.

Tiến sĩ Kissinger:Nó sẽ làm việc tăng ngân sách dừng lại. Bộ trưởng quốc phòng của chúng tôi đã tạo ra cảm tưởng rằng chúng tôi sẽ tăng ngân sách đột ngột, nhưng vì ông ấy đã được nghe những thông báo đột ngột, như Thủ tướng đã biết.

Chu Thủ tướng: Vâng, và đúng vào lúc các ông ký những hiệp ước ấy, ông ta nghĩ về cái gì sẽ diễn ra trong năm năm sau, về những tàu ngầm mới mà lúc đó sẽ được chế tạo xong.

Tiến sĩ Kissinger: Nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu anh không lập kế hoạch bây giờ, thì năm năm sau ... Tôi không cho rằng có ai đó sẽ có lợi khi Liên Xô có khả năng làm việc năm năm liền, còn chúng tôi thì không làm gì. Cho nên ông ấy đã không lầm khi nói về điều đó -- ông ấy đã không lầm khi nghĩ về điều đó, ông ấy đã lầm khi nói.

Chu Thủ tướng: Vâng, nhưng tôi cảm kích ông này vì ông ta có nói vài lời thực lòng. Chẳng hạn, khi ông (Tiến sĩ Kissinger) còn ở đây vào tháng bảy năm ngoái, để đảm nhiệm những cuộc hội đàm bí mật , ông ấy đưa ra những phát biểu công khai ở Nhật; rồi vào lúc Tổng thống của các ông đưa ra tuyên bố tại Kansat City vào hôm mồng 6 tháng Bảy, Bộ trưởng Laid cũng phát biểu ở Nhật, cả hai ông đều xuất hiện cùng lúc, điều mà tôi thực sự cảm kích vì nó làm cho mọi sự rõ ràng. Phải chăng đây là một phần tính cách của người Mỹ.

Tiến sĩ Kissinger: Điều ấy làm rõ các lực lượng (được biểu dương) ra sao, chứ không làm rõ chính sách của chúng tôi thế nào.

Chu Thủ tướng: Không nhất thiết. Tôi nghĩ rằng ông nhìn sự vật từ phía ông lại. Liên Xô là những kẻ gớm ghiếc, sẽ phải nhận thức được những gì họ làm. Thông thường, con người ta biết mình đang làm gì. Cái mà người ta có thể không biết chính là khối lượng của những gì họ làm. Do vậy nếu nói là Hiệp ước vũ khí chiến lược đạt được tiến bộ nào đó, thì có thể hiểu điều đó là trong năm năm tới mối đe dọa bùng nổ cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ giảm đi, nhưng cuộc chạy đua đâu có giảm.

Tiến sĩ Kissinger: Chạy đua về con số sẽ ngừng; chạy đua về kỹ thuật sẽ không ngừng.

Chu Thủ tướng: Bởi vì thay cũ đổi mới là điều cho phép.

Tiến sĩ Kissinger: Với điều kiện là tính chất không đổi. Xét về giữ bí mật, chúng ta đã đạt được bí mật bằng cách nói thật nhiều làm cho không ai hiểu điều gì là sự thật.

Chu Thủ tướng: Nhưng người ta vẫn nhận thấy xu thế.

Tiến sĩ Kissinger: Những người thâm trầm nhận thấy (xu thế), những kẻ phàm tục chỉ nhìn thấy từ ngữ, và đòi hỏi được giải thích.

Chu Thủ tướng: Chính vì vậy khi tôi gặp năm gia đình Mỹ là bạn tôi, tôi hỏi họ về chuyện thượng nghị sĩ Mc Govern nói rằng, nếu ông ta trúng cử, ông ta sẽ cắt một phần ba ngân sách quân sự. Tôi hỏi họ có nghĩ điều đó sẽ xảy ra không, vậy mà họ chịu không trả lời được.

Tiến sĩ Kissinger: Ngài thủ tướng, tôi thật sự nghĩ rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với ngài chính là nếu một điều như thế lại xảy ra.

 

Hai người trao đổi một số câu về thượng nghị sĩ Mc Govern, người được cả năm gia đình Mỹ bạn của Chu Ân Lai ủng hộ. Kissinger cho rằng Mc Govern rất có vẻ kinh viện (professorial).

 

Chu Thủ tướng: Ông ta trước đây là giáo sư (professor) ư?

Tiến sĩ Kissinger: Ông ta từng là giáo sư một thời. Nhưng ông ta có vẻ như cố làm cái điều ông ta nói, và cố gắng này sẽ đem lại một hậu quả rất nghiêm trọng cho mọi người.

Chu Thủ tướng: Tôi không tin.

Tiến sĩ Kissinger: Rằng ông ta sẽ làm điều đó?

Chu Thủ tướng: Nếu ông ta trúng cử, ông ta sẽ không thể làm được điều đó. Hoặc giả, ông ta phải sẽ thay đổi tuyên ngôn tranh cử của mình.

Tiến sĩ Kissinger: Cũng có thể về mặt khách quan, ông ta không thể làm được việc đó, nhưng quá trình để làm rõ điều này sẽ gây ra thiệt hại.

Chu Thủ tướng: Lầu Năm góc sẽ không chịu đâu, sẽ không thông qua cái mà ông ta muốn làm.

Tiến sĩ Kissinger: Đấy không phải là vấn đề chính. Tác động lên trường quốc tế, gây bởi một nỗ lực bi thảm của việc Hợp chúng quốc tự làm yếu mình, sẽ dẫn đến tình hình hỗn loạn với một khả năng lớn là sẽ tạo ra chiến tranh, vì tôi chẳng tin rằng láng giềng phương Bắc của ngài (ý nói Liên Xô – ND) sẽ chống lại sự cám dỗ này.

Chu Thủ tướng: Bằng mọi cách, họ luôn cố vượt lên các ngài.

Tiến sĩ Kissinger: Nhưng không phải khi chúng tôi tụt dốc. Họ sẽ không thi đua với chúng tôi trên hướng suy giảm đâu.

Chu Thủ tướng: Không bao giờ, không bao giờ.

Tiến sĩ Kissinger: Chính xác. Còn một vấn đề nữa. Ngoài việc có hay không thể cắt giảm ngân sách, loại chính sách mà như tôi đã miêu tả ở Nam Á chẳng hạn, là hoàn toàn không thể (tiến hành).

Chu Thủ tướng: Với từ “không bao giờ” ở trên, tôi muốn thêm một điều kiện. Đó là, với kiểu cầm quyền hiện nay ở Liên Xô còn được tiếp tục, thì đúng là không bao giờ. Chính sách mà họ đang theo đuổi hiện nay, nếu được tiếp tục, sẽ quá đà so với chính sách của Sa Hoàng ở nước Nga cũ. Tôi tin rằng chính Harrison Salisbury[4] là người đã nhận định rằng mô tả của chúng tôi về ban lãnh đạo Xô viết mới như những Sa Hoàng mới là hoàn toàn chính xác. Các nhà lãnh đạo Liên xô không bằng lòng với mô tả này.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, họ tỏ ra ngại ngùng đối với CHND Trung Hoa.

Chu Thủ tướng: Đau đầu nhất cho họ là khi thuật ngữ “những Sa Hoàng mới” được đưa vào sử dụng, mà chúng tôi là những người đi tiên phong. Còn thuật ngữ “đế quốc xã hội” thì Lênin dùng trước, rồi chúng tôi kế tục.

Tiến sĩ Kissinger: Tôi không nghĩ rằng Thủ tướng được bầu vào Bộ Chính trị nhờ những điều tôi vừa được nghe (Chu Thủ tướng cười).

Chu Thủ tướng: Hẳn là họ căm thù chúng tôi đến chết. Dĩ nhiên, đối tượng số một của lòng căm thù phải là Mao Chủ tịch, còn tôi là người thực thi chính sách của Người ...

Tiến sĩ Kissinger: Ngài Thủ tướng (Quốc vụ viện) hiện đang vươn lên ở mặt này. Ngài hiện đang đứng thứ hai, nhưng đang vươn lên.

Chu Thủ tướng: Rất hạnh phúc khi nghe thấy điều này. Bởi vì nếu không còn ai chống lại một nhân vật thì (nhân vật ấy) sẽ ra sao?

Tiến sĩ Kissinger: Khi tôi ở Thượng Hải, tôi gặp một thành viên của Hội đồng nhân dân cách mạng sở tại, và ông ta chúc mừng tôi về bản Thông cáo chung. Tôi nói tôi sẽ gặp khó khăn ghê gớm với những địch thủ của tôi khi tôi về Hoa Kỳ. Ông ta bảo Mao Chủ tịch dạy rằng anh chỉ nên lo lắng một khi kẻ thù ngừng công kích anh.

Chu Thủ tướng: Điều đó đúng.

Tiến sĩ Kissinger: Trở về với chuyến thăm cuối tháng Tư của tôi. Tôi sẽ không đi vào các Hiệp ước, vì đã có các bản thuyết minh -- chúng tôi có mang cho ngài văn bản theo đây, và chúng tôi có thể trao cho ngài -- ngoại trừ Các cuộc Hội đàm về hạn chế vũ khí chiến lược mà ông phó Chủ tịch sẽ đặt câu hỏi cho tôi, và tôi sẽ giải thích cho ông ấy.

Ở đây có một số khía cạnh mà tôi muốn lưu ý Thủ tướng. Thứ nhất, chiến lược của Liên Xô rõ ràng là tạo ra ấn tượng và thực tiễn, rằng ai đó có thể sang Bắc Kinh dự tiệc và sang Moscow để đạt Hiệp ước. Vì thế họ đã nỗ lực để tạo ra càng nhiều Hiệp định càng tốt. Và chúng tôi nhận thấy nhất trí với họ quả là dễ dàng hơn nhiều so với ngài Thứ trưởng Ngoại giao (TQ) làm được trong vấn đề biên giới.

Thứ hai, trong Tuyên bố chung và nhất là trong Tuyên cáo về nguyên tắc (declaration of principles), có một số khía cạnh mà chúng tôi lờ đi vì chúng tôi nghĩ rằng về ngữ nghĩa, chúng nhắm vào các ngài -- cũng có thể cả Anh và Pháp nữa, nhưng tôi nghĩ thực tế là nhằm vào các ngài. Chẳng hạn, có một lời kêu gọi chung với các nước có vũ khí hạt nhân khác cùng tham gia vào hiệp ước chiến tranh tao ngộ (accidental war)... Họ (Liên Xô) muốn làm một hiệp định chung giữa các quốc gia sản xuất vũ khí hạt nhân chống chiến tranh tao ngộ. Họ muốn cùng chúng tôi làm một lời kêu gọi chung để các nước khác cùng tham gia Hiệp định không gia tăng (vũ khí hạt nhân) (Non - proliferation Treaty). Và họ muốn phục hồi đề nghị của họ về một hội nghị giữa các nước có vũ khí hạt nhân mà họ đã nêu ra hè năm ngoái. Rồi họ muốn chúng tôi làm một lời kêu gọi chung đối với các nước Hội đồng bảo an về một loạt vấn đề mà chúng tôi từng từ chối. Đây thuộc về lập trường chung của chúng ta, đó là chúng tôi sẽ không tham gia với các nước khác trong những công chuyện (dealing) mà chúng tôi đã có với các ngài. Nếu chúng tôi có thỉnh cầu, chúng tôi sẽ trình bày nó rõ ràng.

Cũng tại cuộc gặp Thượng đỉnh, cũng như tại cuộc hội kiến ở Moscow của tôi, họ đưa ra hai đề nghị. Thứ nhất là cần có hiệp thương đặc biệt (special consultations) giữa Hoa Kỳ và Liên Xô về năng lực hạt nhân của các nước nào không tham dự hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân, lại có năng lực này tăng trưởng. Họ còn một đề xuất nữa mà chúng tôi vẫn chưa nói với nước nào khác, cũng như hầu hết những điều tôi đang nói với ngài đây (chưa hề nói với ai) -- dĩ nhiên, đây là một điều rất mật. Đề xuất này là chúng tôi (hai nước Liên Xô và Hoa Kỳ) sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chống nhau. Chúng tôi nói rằng chúng tôi coi trọng điều này nếu như có đảm bảo nào đó rằng sẽ không có ... rằng họ sẽ không thể tuỳ tiện tiến công đồng minh của chúng tôi hoặc các nước khác bằng vũ khí hạt nhân. Bởi vì điều này không bị cấm. Trong đề nghị ấy điều này không bị cấm.

Chu Thủ tướng:Có phải điều ấy ngụ ý rằng tất cả các nước sẽ đảm bảo mình không sử dụng vũ khí hạt nhân trước?

Tiến sĩ Kissinger: Tôi biết đây là đề nghị của các ngài. Vấn đề của chúng tôi là, chúng tôi phải bảo lưu quyền của mình trong trường hợp có một cuộc tiến công ồ ạt vào một đồng minh chính yếu như châu Âu, hay vào một nước mà nền độc lập của nó được chúng tôi xem là sống còn, (trong những trường hợp đó) chúng tôi phải bảo lưu quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, có một số vùng trên thế giới tại đó chúng tôi không thể cho phép chúng (các vùng này) bị xâm chiếm bởi kẻ thù thông thường (conventional armies - kẻ thù làm chiến tranh thông thường, phi hạt nhân). Chúng tôi không cổ suý sử dụng vũ lực, nhưng chúng tôi gặp khó khăn lớn khi ký kết một hiệp định theo đó một nước có thể tuỳ ý tiến công một khu vực mà an ninh ở đó được chúng tôi xem là sống còn đối với hoà bình thế giới và chính Hoa Kỳ. Nếu các biện pháp thông thường (phi hạt nhân) trở nên không đủ, chúng tôi không thể từ chối sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không thể chấp nhận (có thêm trường hợp như) Tiệp Khắc ở bất cứ vùng nào trên thế giới.

Chu Thủ tướng: Dĩ nhiên, trong ngữ cảnh nhất định, chỉ có rất ít khả năng cho những sự kiện như thế xảy ra.

Tiến sĩ Kissinger: Đúng như vậy. Nhưng đó chính là những khả năng làm chúng tôi lo nhất. Trong đa số những trường hợp có thể dự liệu được, chúng tôi không phải lo ngại về vũ khí hạt nhân, nhưng có hai điều có thể phải coi là đáng chú trọng.

Chu Thủ tướng: Hai điều nào?

Tiến sĩ Kissinger: Thứ nhất là một cuộc tiến công châu Âu, thứ hai là cuộc tiến công đặt toàn châu Á dưới một trung tâm kiểm soát ở châu Âu.

Chu Thủ tướng: Có khả năng cho một tham vọng như thế tồn tại, nhưng câu hỏi đặt ra là có biến nó thành hiện thực được hay không.

Tiến sĩ Kissinger: Đó chính là vấn đề. Nhưng bàn đến nó trong phạm vi hẹp này, tôi không loại trừ rằng một dự định như thế có thể tồn tại. Tôi không nói nó đang tồn tại, nhưng nó có thể.

Chu Thủ tướng: Tham vọng ấy dĩ nhiên là đang tồn tại. Vấn đề là nó sẽ bộc lộ ra sao, có bộc lộ không, và dĩ nhiên là chúng ta cần xem xét kỹ càng diễn biến sự kiện.

Vậy là họ đề nghị hai nước các ông sẽ nhất trí không dùng vũ khí hạt nhân chống lẫn nhau, nhưng lại không nói gì về những hiệp thương trên quy mô toàn cầu nhằm đi tới cấm và huỷ vũ khí hạt nhân?

Tiến sĩ Kissinger: Không, không hề. Nhưng hiện điều chưa được mọi người biết đến, và thưa Thủ tướng, đây là một biểu hiện của sự tin cậy đặc biệt của chúng tôi đối với ngài.

Chu Thủ tướng: Dĩ nhiên, không phải bàn. Chúng ta chỉ ... điều chúng ta nói đến là những nguyên tắc mà chúng ta nhắc đi nhắc lại rằng chúng ta đang tiến hành một thử nghiệm. Ông hẳn đã ghi nhớ chúng (những nguyên tắc).

Tiến sĩ Kissinger: Chúng ta chưa từng có khó khăn nào. Nếu còn có những thảo luận tiếp nối, chúng tôi sẽ kể cho ngài. Hiện nay chưa có thương thảo tiếp tục, nhưng kinh nghiệm của tôi mách bảo rằng đồng minh của các ngài rất chì ( persistent), nên thương thảo đó rồi sẽ được tái khởi động. Và nếu thương thảo lại tiếp tục, tôi sẽ bàn bạc với Đại sứ của ngài ở New York, và chúng tôi sẽ không thực hiện bất cứ tiến triển nào mà không thảo luận với ngài. Nếu trong bữa cơm tối vào thứ sáu vừa rồi Thủ tướng hỏi những người bạn Mỹ của mình liệu họ có ủng hộ một Dự án như thế, tôi nghĩ rằng họ sẽ nhiệt liệt ủng hộ, cả năm người bạn (Mỹ) của Thủ tướng, trừ Fairbank mà thôi. Họ sẽ ủng hộ Dự án này vì quan hệ song phương giữa Liên Xô và Hoa Kỳ; và họ không nhất thiết nhận thấy những tương tác của nó với các nước khác đâu. Tuy nhiên, ngài có thể tự thử nghiệm điều này.

Chu Thủ tướng: Tôi sẽ không thử nghiệm gì đâu, một khi những vấn đề như thế còn đang được thảo luận, những người nhất định cần thoát khỏi những áo tưởng ngây thơ.

Tiến sĩ Kissinger: Chính xác, và vì điều này quá ư nhạy cảm.

Lại nói về cuộc gặp Thượng đỉnh. Nó đã diễn ra theo đúng cách thức của các cuộc gặp của tôi, và chúng tôi thảo luận chủ yếu vẫn là những vấn đề đó, không kể việc các lãnh đạo Xô viết lại đề nghị Tổng thống những gì họ đã đề nghị tôi vào tháng Tư, và họ lại nhận được những câu trả lời như cũ.

Thứ nhất, chúng tôi đạt được thoả thuận trên ba lĩnh vực, là các lĩnh vực khoa học kỹ thuật mà chúng tôi và Liên Xô, như những cường quốc công nghiệp, có cùng lợi ích --- môi trường, khoảng không vũ trụ (space), sức khỏe. Thứ hai, chúng tôi dành nhiều thời gian cho hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược - một vấn đề công nghệ vô cùng phức tạp. Và như Thủ tướng đã chỉ ra, nó kéo theo các tương tác về chất mà nay chưa lộ rõ, nhưng sẽ trở nên quan trọng ghê gớm trong năm năm kể từ nay. Thứ ba, chúng tôi nhất trí về những nguyên tắc mà Thông cáo chung trở thành một thuyết minh. Thứ tư, có một số thương thảo về thương mại. Chúng tôi đã lập ra một uỷ ban thương mại, và Lãnh đạo xô viết rất quan tâm đến việc nhận tín dụng và quy chế tối huệ quốc.

Chu Thủ tướng: Nhưng họ đâu chịu trả nợ.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, nhưng họ sẵn lòng làm thủ tục nhận được tín dụng.

Chu Thủ tướng: Đúng, nhưng họ có một tầm nhìn xa, có vẻ như quan điểm của họ trong việc này ... có một khoảng cách giữa quan điểm của họ và quan điểm của các ngài.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, nhưng chuyện đó có thể giải quyết, bởi vì những gì họ muốn trong (vấn đề) tín dụng nhiều hơn là món nợ của họ mà thực tế chúng tôi đang phải trả cho họ để họ còn trả nợ tín dụng. (Cả cười). Nhưng tôi sẽ cộng chúng lại...

Chu Thủ tướng: Nhưng họ sẽ phải mua thiết bị của các ông từ chính tín dụng mà họ vay của các ông, phần lớn trong khoản đó.

Tiến sĩ Kissinger:Có lẽ. Nhưng tôi coi đó là không quan trọng bởi vì những gì họ muốn chắc họ sẽ nhận được từ chúng tôi. Và còn điều này nữa, cũng chưa công khai, hoặc chưa công khai lắm. Đó là họ cực kỳ quan tâm đến việc làm cho chúng tôi dính vào sự phát triển tổng thể cho toàn miền Siberia. Tiếp cận của chúng tôi là ... số tiền rất lớn, những 8 tỷ $. Họ muốn chúng tôi làm cùng với Nhật Bản, hoặc một mình; thế nào cũng được. Họ sẽ nhận cả gói này từ phía Hoa Kỳ thôi, nếu chúng tôi sẵn lòng thực hiện.

Bây giờ, trước khi tôi truyền đạt phản ứng của chúng tôi về cái chuyện kinh tế này, cho phép tôi... vâng, cho phép tôi truyền đạt phản ứng chính thức của chúng tôi về cái chuyện kinh tế này. Tôi biết một số đồng liêu của ngài cho rằng chúng tôi bị lôi cuốn mạnh bởi những toan tính về kinh tế. Điều này không đúng, ít nhất là với chính quyền này (Nixon). Chúng ta đã ... tôi còn nhớ rất rõ cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng khoảng một năm về trước rằng chúng tôi cụ thể chế tác những gì theo (chương trình) hỗ trợ kinh tế. Về bình diện kinh tế thuần tuý, bỏ tiền vào một nước không khó. Nhưng rất khó lấy tiền về. Tôi thì tôi coi trọng trật tự thứ hai. Câu hỏi quan trọng hơn là thực tế anh sẽ tạo ra cái gì khi anh mở mang một vùng; thường sẽ không phải là cái mà người ta nói với anh rằng họ dự kiến làm; đúng như Thủ tướng vẫn bảo tôi mỗi khi nói về Nhật Bản.

Chu Thủ tướng: Thật thế ư?

Tiến sĩ Kissinger: Vâng,

Chu Thủ tướng: Bất chấp viễn cảnh các ông nhập cuộc đàm phán ra sao ư?

Tiến sĩ Kissinger: Thủ tướng sắp tới sẽ có cơ hội được gặp một số nguyên thủ các nước đứng đầu Âu châu, và ngài sẽ có dịp được nhận thấy mức độ chính xác của tư duy mà họ đặc trưng cho. Theo những gì tôi hiểu về các nhà lãnh đạo châu Âu, là đa số họ không nổi bật bởi khả năng nhìn xa trông rộng, có một nghịch lý là ban đầu họ sẽ cổ suý cho một hội nghị về tài giảm lực lượng chung có cân nhắc (mutual balanced force reduction) bởi vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ buộc Hoa Kỳ phải duy trì lực lượng ở đó cho tới khi hội nghị ấy nhóm họp. Họ đề nghị cùng tài giảm để ngăn ngừa việc đơn phương tài giảm. Vì vậy, khi dự án của riêng họ sắp thành hiện thực, họ sẽ chấp nhận ý tưởng về một Hội nghị an ninh châu Âu để ngăn chặn sự tài giảm lực lượng chung có cân nhắc.

Vậy là họ tạo ra hai hội nghị họ không muốn để tránh khỏi điều mà họ cần phải ngăn chặn chỉ cần bằng cách nói “không”, nhưng lại không muốn do những lý do nội địa. Tôi sợ rằng đa số các lãnh đạo châu Âu không thích hợp cho công cuộc Vạn lý trường chinh. (Cả cười)

Chiến lược của chúng tôi đối với cả hai hội nghị trên là trả lời câu hỏi mà Thủ tướng đã hỏi tôi -- đơn giản là, chúng tôi sẽ đi, nhưng chúng tôi sẽ đòi hỏi phải có chương trình nghị sự và chuẩn mực rõ ràng cho phép chúng ta đánh giá thành công hay thất bại. Cho dù thỉnh thoảng chúng tôi có nói ậm ờ (dilatory), nhưng trong mọi sự kiện chúng tôi sẽ rất cụ thể, và chúng tôi sẽ nêu bật những nhân tố nào của Hội nghị an ninh Châu Âu đề cao được chủ quyền của các thành viên, dù Đông hay Tây Âu.

Để tổng kết những đánh giá tình hình của chúng tôi, cần nêu ba khả năng của chính sách của Liên Xô. Thứ nhất là một tiến hoá hoà dịu hơn. Nếu quả sẽ có được một tiến hoá hoà dịu hơn, thì những hiệp ước chúng tôi vừa ký sẽ thúc đẩy một khả năng cho các chính sách mang tính xây dựng. và chúng tôi cố gắng kiến tạo mọi thời cơ cho các bên chung sống với những nguyên tắc mà chúng tôi đã chấp thuận.   

Nhưng cũng có khả năng đây là ý đồ của họ trung tập hoá châu Âu và tập trung vào châu Á, để làm cho hậu phương của họ tạo thuận lợi cho việc đối phó với chỉ một vấn đề trong một thời kỳ. Điều này cũng không thể loại trừ.

Và không phải là không thể có chuyện chiến lược của họ là cô lập từng kẻ thù chính, hay địch thủ của họ để tiêu diệt từng đối tượng, kể cả khi những đối thủ của họ không có quan hệ chính thức với nhau.

Đánh giá của chúng tôi như sau. Chúng tôi không có lợi lộc gì trong việc các ngài cãi nhau với Liên Xô, như tôi đã nói với ngài, và đã nói công khai. Chúng tôi chưa từng yêu cầu các ngài làm bất cứ điều gì chống lại Liên Xô, và sẽ không bao giờ yêu cầu. Và các ngài cũng chưa hề yêu cầu chúng tôi làm gì chống lại Liên Xô -- trên thực tế các ngài động viên chúng tôi giao dịch với Liên Xô, Nhưng ước định của chúng tôi là chúng tôi sẽ mong muốn Liên Xô bắt đầu lập trường thứ nhât - thay đổi chính sách của họ theo hướng hoà bình, và chúng tôi sẽ tạo mọi động cơ cho việc này. Còn nếu họ chuyển động theo hướng thứ hai, chúng tôi sẽ theo đuổi một chính sách hơn những gì đã làm tháng Mười năm ngoái.

Về quan hệ giữa chúng ta, điều quan trọng có tính nguyên tắc mà tôi nhận thấy trong bất kỳ điều gì rõ ràng mà ta chúng ta từng thực hiện song phương đều không được hoàn thành đúng tiến độ, nhưng tạo ra được tiền đề khách quan cho phép ra quyết định một cách nhanh chóng nếu yêu cầu như thế trở nên cần thiết nhằm chống lại ý chí hoặc ý định của bất cứ ai. Xếp lại một bên khía cạnh đặc biệt này, vốn chỉ có ý nghĩa chiến thuật và không quyết định, chúng ta cần tiến lên theo đường lối chúng ta đã vạch ra, và chúng ta cần tiếp tục nó chừng nào Liên Xô còn theo đuổi một chính sách hoà bình. Nếu Liên Xô tiến theo đường hướng hiếu chiến hơn, cho dù không chống lại các ông nhưng chống lại những nước nào mà nền độc lập của họ được chúng tôi xem là quan trọng, tới đó chúng tôi sẽ rút ra những kết luận tương thích và chúng tôi sẽ không bị ngăn cản bởi bất kỳ thoả thuận nào chúng tôi từng làm. Đó sẽ là chính sách của Chính quyền này trong nhiệm kỳ tiếp theo, nó sẽ còn mạnh hơn bây giờ.

Tôi cần nói thêm rằng trong cuộc gặp thượng đỉnh còn có một thương thảo dài về Việt Nam, nhưng tôi để dành nó cho một cuộc thảo luận khác. Tôi xin lỗi đã nói rất dài.

Chu Thủ tướng: Cảm ơn. Tôi xin hỏi Hội nghị an ninh châu Âu sẽ diễn ra như gặp gỡ của hai khối (block), hay giữa các nước riêng rẽ, hay cả hai.

Tiến sĩ Kissinger: Vâng, nó sẽ không diễn ra trước năm 1973 là lúc chúng tôi sẽ tự do hơn nhiều trong hành động. Thứ hai, nó sẽ diễn ra như một cuộc gặp của các nước, cho dù tôi có cảm tưởng rằng với phía Liên Xô cuộc gặp này được gán cho đặc tính khối (block). Mối quan tâm của chúng tôi, tức là của Mỹ, là nhấn mạnh chủ quyền của các thành viên. Điều bất ngờ chúng tôi có thể nói nhận thấy như một thuận lợi là Trung Hoa không chú trọng gì lắm đến cộng đồng châu Âu.

Chu Thủ tướng: Đồng thời họ có những bất hoà bên trong.

Tiến sĩ Kissinger: Người châu Âu ư?

Chu Thủ tướng: Đúng thế.

Tiến sĩ Kissinger: Đây không phải là thời hào hùng của họ.

Chu Thủ tướng: Và họ tin rằng một cách tập thể, họ sẽ có được sức mạnh, nhưng lãnh đạo sức mạnh ấy là cả một vấn đề. (Số lượng những người có) mong muốn giành quyền lãnh đạo sức mạnh ấy cũng không phải là ít ỏi.

Tiến sĩ Kissinger:Nhưng không ai muốn có những hy sinh phải có để giành quyền lãnh đạo ấy.

Chu Thủ tướng: Đấy chính là gốc rễ của vấn đề. Ông sẽ đánh giá ra sao về chiều hướng phát triển của chính sách tại nước quê hương ông, nơi ông từng sinh ra?

 

Hai vị trao đổi về các chính sách của nước Đức từ thời Bismark đến nay. Sau đó hai bên nghỉ 13 phút từ 4.30 chiều. Sau đó họp lại, có thêm Chiang Wen - Chin, trợ lý Bộ trưởng).      

 

Chu Thủ tướng: Cảm ơn ông đã thông báo những vấn đề về hội đàm Mỹ - Xô. Ở đây không có nhiều câu hỏi phải đặt ra, vì nói chung đã có đủ tài liệu. Chỉ có trong Tuyên cáo về nguyên tắc có một điểm mà thế giới thứ ba không ưa, họ nói, lại chuyện “siêu cường”, ông có biết không?

Tiến sĩ Kissinger: Không.

Chu Thủ tướng: Bất bình chủ yếu là với nguyên tác thứ ba (đọc): “Hoa Kỳ và Liên Xô có trách nhiệm đặc biệt ... trong các công việc quốc nội của họ”.

Tiến sĩ Kissinger: Bất bình với điều gì?

Chu Thủ tướng: Điều toát lên từ nguyên tắc này là cứ như công việc quốc tế chỉ do hai cường quốc lớn này độc quyền. Có gây cảm tưởng như vậy. Tôi nhận thấy trên báo chí.

Tiến sĩ Kissinger: Tôi chưa có dịp để ý đến điều này ... hoặc nó đã không làm tôi chú ý. Phía chúng tôi không có ý gì. Nó xuất phát từ một câu mà chúng tôi cho rằng định nhắm vào các ngài. Dự định của phía chúng tôi là ngăn ngừa những tình thế như vấn đề Nam Á. Khi đưa điều này ra, chúng tôi dự kiến sử dụng nó để ngăn ngừa tình thế một khi căng thằng dâng cao, một nước lớn sẽ không bị làm rầy rà thêm bởi việc cung cấp về quân sự và/hay bởi sức ép ngoại giao.

Chu Thủ tướng: Ấn Độ có vẻ không phấn khởi với điều này. Ông có cảm nghĩ gì không?

Tiến sĩ Kissinger: Về việc Ấn Độ xem ra không phấn khởi với điều này ư? (Chu Thủ tướng gật).

Kể từ tháng Mười Hai Ấn Độ đã có nhiều chuyện để không phấn khởi với chúng tôi, vì thế khó nói đây là một trường hợp đặc biệt hay vẫn phản ảnh tình trạng chung.

Chu Thủ tướng: Nhưng họ khó chịu không phải với một mình Hoa Kỳ, mà với cả Liên Xô và Mỹ. Họ cho là Hoa Kỳ và Liên Xô muốn thao túng tình hình. Họ có cảm tưởng như thế -- tôi không biết rõ nguyên nhân.

Tiến sĩ Kissinger: Đây không phải do chúng tôi cố tình. Chúng tôi không có ý định tạo ra một chế độ cộng quản (codominium) -- phải là một tình huống đặc biệt chúng tôi mới thiết lập chế độ này. Chúng tôi không có ý đồ tạo ra một chế độ cộng quản. Chúng tôi có ý đồ xây dựng một bức tường ngăn chủ nghĩa bành trướng, cả chủ nghĩa bành trướng về chính trị lẫn về thực thể. Nỗi lo ngại chính của chúng tôi đối với các cuộc xung đột khu vực là những mưu toan của một siêu cường khai thác các xung đột ấy nhằm phục vụ cho mục tiêu của nó.

Chu Thủ tướng: Trong sự phản kháng của Liên Xô đối với Thông cáo chung Trung  - Mỹ, họ đặc biệt phản đối nguyên tắc chung: “ Không bên nào tìm kiếm bá quyền ...”. Liệu họ có nghĩ rằng câu ấy nhằm vào họ?

Tiến sĩ Kissinger: Họ không nói, nhưng có vẻ như họ nghĩ rằng câu ấy nhằm vào họ. Lập trường của chúng tôi là câu ấy chỉ nhằm chống những nước nào muốn xác lập bá quyền, thẳng thắn. Tôi có nhận được một thắc mắc từ phía Ấn Độ -- tôi không rõ ngài có nhận được không. Họ nói rằng vì vùng châu Á - Thái Bình Dương không bao gồm Ấn Độ, điều mà chúng tôi đang nói chứng tỏ chúng tôi đồng loã với bá quyền của Trung Hoa áp đặt lên Ấn Độ (Cả cười).

Tôi trả lời điều ấy không đúng. Tôi hy vọng các ngài không bị chỉ trích.

Chu Thủ tướng: Ấn Độ là một nước đáng ngờ lắm (highly suspicous). Đó là một nước lớn. Đôi khi họ ra vẻ như một nước lớn, nhưng thỉnh thoàng họ có những mặc cảm tự ti…

 

                                                                  Lê Đỗ Huy (trích dịch)

 

 

 



[3]Tháng 12/1971. Đôi bên nói về cuộc chiến tranh tại Đông Pakistan năm 1971, một bên là các lực lượng giải phóng Đông Pakistan và Ẫn Độ, được Liên Xô hỗ trợ, bên kia là Pakistan được Mỹ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… ủng hộ. 16/12/1971, chiến tranh kết thúc, nước Cộng hòa Nhân dân Banladesh chính thức thiết lập.

[4] Harrison Evans Salisbury (1908 - 1993), ký giả nổi tiếng người Mỹ. Hai lần được giải thướng George Polk. Đã viết nhiều sách về chiến tranh Xô Đức, về Trung Hoa và nhất là về chiến tranh Việt Nam. Sang Việt Nam năm 1966 khi là phóng viên The New York Times, Salisbury đã viết về những trận mưa bom Mỹ dội trên các làng quê ven Hà Nội. Lầu Năm góc từng gọi ông là Hồ Chí Salisbury của “báo Hà Nội Times”.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511826

Hôm nay

2152

Hôm qua

2337

Tuần này

22200

Tháng này

218699

Tháng qua

121356

Tất cả

114511826