Ngày 17/4/2018, báo Washington Post (WP) đưa tin ông Mike Pompeo, Giám đốc CIA đã đến Bắc Triều Tiên bí mật gặp Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên kể từ năm 2000. Theo tờ báo, Giám đốc CIA Pompeo đã tới Bình Nhưỡng thực hiện chuyến thăm bí mật, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử ông vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Reuters cũng đưa nội dung tương tự và chỉ một ngày sau, ông Trump xác nhận trên Twitter. Theo lời của Tổng thống Donald Trump, Giám đốc CIA Pompeo đã xây dựng được "quan hệ tốt" với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un khi hai người gặp nhau tuần trước. Còn tờ WP thì bình luận tiếp: “Cuộc gặp bí mật giữa một trong những sứ giả đáng tin cậy nhất của ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là một nỗ lực để đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Trump và ông Kim Jong un về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên". Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lại từ chối khẳng định, nhưng cũng không hoàn toàn bác bỏ thông tin trên đây của WP. "Chính quyền Mỹ không bình luận gì về chuyến đi của Giám đốc CIA," bà nói trong một tuyên bố. Ngoài ra, bản thân CIA cũng từ chối bình luận về chuyến đi của sếp. Trước đó hôm 16/4, Tổng thống Donald Trump nói: "Tôi sẽ có một cuộc trò chuyện với Kim Jong-un rất sớm”.
Cơ hội lịch sử đã tới
Cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên sao gần 20 năm có thể diễn ra ra vào đầu tháng 6 hoặc thậm chí sớm hơn, tùy thuộc vào các sự kiện sẽ diễn tiến như thế nào. Tổng thống Trump cũng chỉ ra "5 địa điểm" đang được xem xét, nơi mà hai nhà lãnh đạo có thể đàm phán mặt đối mặt. Sau cuộc tiếp và đàm phán với Giám đốc CIA, Chủ tịch Kim Jong-un ngày 18/4 đã quyết định triệu tập hội nghị Trung ương 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên từ ngày 20/4, để bàn các chính sách quan trọng cần thiết, do "thời cơ lịch sử cách mạng Triều Tiên" đã tới. Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Munhwa Ilbo dẫn lời quan chức giấu tên của Hàn Quốc cho biết Nam và Bắc Triều Tiên đang thảo luận kế hoạch để tuyên bố chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước kéo dài gần 70 năm qua. Theo nguồn tin trên, tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tuần tới, hai bên có thể sẽ ra tuyên bố chung nói rằng họ sẽ có những nỗ lực để xoa dịu căng thẳng quân sự và chấm dứt đối đầu. Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953. Hai bên hiện mới chỉ ký hiệp định đình chiến mà chưa có bất cứ thỏa thuận hòa bình nào.
Donald Trump cũng nói đến cơ hội ‘‘giải quyết một vấn đề toàn cầu’’. Sau khi dùng giọng điệu đầy đe dọa và đặc biệt nhắm vào lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, với biệt hiệu ‘‘chú nhóc ghì hỏa tiễn’’, giờ đây tổng thống Mỹ hy vọng dùng ngoại giao hơn là bạo lực để đạt được mục tiêu của mình. Một cuộc thượng đỉnh với lãnh đạo Bình Nhưỡng, điều không thể tưởng tượng nổi cách nay vài tháng, nay đang được ráo riết chuẩn bị, cho dù Donald Trump vẫn còn tỏ ra thận trọng. Tổng thống Mỹ khẳng định là cuộc hội kiến ‘‘có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 hoặc trước đó một chút, nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp. Nhưng cũng có thể là mọi chuyện diễn ra không tốt và sẽ không có thượng đỉnh. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn như trước đây. Để xem điều gì sẽ đến’’. Wahsington và Bình Nhưỡng có thể đã thảo luận về năm địa điểm, dự kiến sẽ được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh. Từ đây đến đó, hai miền Nam Bắc Triều Tiên cũng sẽ phải tiến hành một sự xích lại gần nhau ngoạn mục, bởi cuộc gặp của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In theo dự kiến diễn ra ngày 27/4 sắp tới.
Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể ký một hiệp định hòa bình với Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ dứt khoát tham vọng hạt nhân. Đó là tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia phủ tổng thống Hàn Quốc Trịnh Nghĩa Dũng (Chung Eui Yong) với báo chí ngày 18/4/2018, theo tường thuật của Yonhap và AFP. Theo cố vấn tổng thống Hàn Quốc, Washington và Seoul đang thảo luận về phương án thay thế thỏa ước đình chiến có hiệu lực từ năm 1953 bằng một quy chế khác «chính thức tuyên cáo chiến tranh chấm dứt ». Tuy nhiên, đây là một vấn đề quan trọng, không chỉ tùy thuộc vào Hoa Kỳ và Hàn Quốc, mà còn phải thương lượng gay go với Bắc Triều Tiên. Sáng kiến trên được cố vấn an ninh hai nước Chung Eui Yong và Jonhn Bolton bàn thảo. Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ việc tổng thống Hàn Quốc đề cập đến hiệp ước hòa bình, nhân thượng đỉnh Hàn-Triều ngày 27/4. Mỹ-Hàn dự kiến đề nghị nhiều biện pháp bù đắp cho Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng chấp nhận giã từ vũ khí hạt nhân. Cụ thể là sẽ “thiết lập tình trạng hòa bình vĩnh cửu, đánh tan mối lo ngại an ninh của Bắc Triều Tiên, bảo đảm một tương lai tươi sáng”, một khi Bình Nhưỡng “lựa chọn quyết định đúng đắn”. AFP, dường như Bắc Triều Tiên sẽ đòi Hoa Kỳ triệt thoái lực lượng ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.
Sau khi gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 6/3/2018, một đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc thông báo là hai nước Triều Tiên đã thỏa thuận thời gian và địa điểm họp thượng đỉnh vào cuối tháng tại biên giới hai miền, đồng thời mở một đường dây liên lạc khẩn cấp giữa hai lãnh đạo. Cụ thể, thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bàn Môn Điếm, nằm trong khu phi quân sự giữa hai miền. Trước khi họp thượng đỉnh, hai ông Kim Jong Un và Moon Jae In sẽ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Theo lời ông Chung Eui Yong, cố vấn về an ninh của tổng thống Moon Jae In, Bình Nhưỡng đã hứa sẽ tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian đối thoại liên Triều. Ông nói thêm là Bắc Triều Tiên đã bày tỏ quyết tâm sẽ phi hạt nhân hóa, với điều kiện là an ninh của nước này được bảo đảm. Hôm 5/3, tại Bình Nhưỡng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã tiếp và thảo luận với các đặc sứ của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In về khả năng tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh liên Triều. Hãng tin chính thức KCNA của Bắc Triều Tiên cho biết : “Sau khi nghe đặc sứ Hàn Quốc trình bày ý định của tổng thống Moon Jae In về họp thượng đỉnh, lãnh đạo Kim Jong-Un đã trao đổi ý kiến với họ và đã đồng ý với đề nghị đó”.
Hóa giải trận đồ bát quái
Tổng thống Mỹ đã ‘‘cầu chúc’’ cho thành công của thượng đỉnh giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Ông Trump nhiều lần khẳng định công lao của mình đối với những tiến bộ tích cực trong quan hệ Nam Bắc Triều Tiên. Ông Trump vẫn điều hành công việc bình thường và ra các quyết định quan trọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, vấn đề thương mại Trung - Mỹ mà không có Ngoại trưởng, còn Cố vấn An ninh quốc gia thì mới chân ướt chân ráo nhậm chức. Như vậy có thể thấy nhà lãnh đạo này không chỉ có khả năng đàm phán, mà ông Donald Trump còn có thể “hóa giải trận đồ bát quái”, ra các quyết định độc lập sau khi tham khảo các báo cáo khác nhau từ các bộ phận giúp việc. Chính phong cách này khiến cho các đồng minh, đối tác lẫn đối thủ "không biết đâu mà lần", nếu vẫn tiếp cận Nhà Trắng theo tư duy cũ. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: Công chúng không ý thức được là chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc. Trên thực tế, kể từ thỏa thuận đình chiến 1953, chưa có bất cứ một hiệp định hòa bình nào được ký kết giữa hai nước và sẽ là một chiến thắng rực rỡ đối với Donald Trump nếu như chiến lược của ông, lúc đầu rất hung hăng, lại đạt được một giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng nguy hiểm này. Về phần mình, trước viễn cảnh thượng đỉnh với Hoa Kỳ mở ra khả năng giải quyết hòa bình khủng hoảng hạt nhân, Bắc Triều Tiên tỏ ra rất thận trọng tránh làm tổn thương cho quan hệ đang trên đà cải thiện.
Ngày họp thượng đỉnh song phương đầu tiên từ hơn một thập kỷ nay đã cận kề, đại diện Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên khẩn trương thương thuyết về các chi tiết cuối cùng của hội nghị và hy vọng hoàn tất công việc ngay trong tuần này, nhân cuộc họp cấp bộ trưởng, dự trù vào ngày 18/4 sắp tới. Hôm 15/4/2018, hãng tin Hàn Quốc Yonhap cho biết, quan chức cao cấp hai bên sẽ tiến hành thêm một cuộc họp cấp chuyên viên ngày 18/4 tại Tongilgak, tòa nhà của Bắc Triều tại Bàn Môn Điếm để đúc kết các chi tiết liên quan đến an ninh, thủ tục lễ tân, báo chí cùng nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Sau cuộc họp, các cuộc thảo luận cấp cao sẽ diễn ra giữa bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon và ông Ri Son Gwon, chủ tịch cơ quan Bắc Triều Tiên đặc trách quan hệ Liên Triều. Hôm 14/4, Seoul loan báo, khẩu hiệu chính thức của Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Triều 2018 sẽ là “Hòa Bình—Sự khởi đầu mới”. Theo ông Kim Eui Kyeom, phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, khẩu hiệu này nêu bật sự khởi đầu của hòa bình thế giới thông qua cuộc họp Liên Triều đầu tiên từ 11 năm nay, được nối tiếp bằng hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
Tại Hoa Kỳ, ngay từ đầu, nhiều nhà bình luận vẫn không tin một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức. Thời điểm chính xác và địa điểm chưa được thông báo. Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump tỏ ra nôn nóng gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Ngay từ ngày 10/3/2018, trong khuôn khổ cuộc mít-tinh hỗ trợ cho một ứng cử viên đảng Cộng Hòa ở bang Pennsylvania, tổng thống Mỹ cho rằng “đã đến lúc Bình Nhưỡng muốn hòa bình”. Khi thông báo quyết tâm sắp tới đây ông sẽ gặp lãnh đạo Bắc Tiều Tiên Kim Jong Un, tổng thống Donald Trump làm mọi người chới với. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ đã chuẩn bị mọi việc cần thiết. Và ngay khi vừa nhắc tên Kim Jong Un, tổng thống Trump phải vội vã giải thích để cử tọa bớt huýt sáo: «Không, chuyện này rất tích cực… Sau cuộc gặp, quý vị có thể lên tiếng phản đối, nhưng bây giờ chúng ta phải tỏ ra tử tế, bởi vì phải chờ xem thực tế sẽ ra sao… ».
Sau khi nhiều lần đe dọa «hủy diệt Bắc Triều Tiên», giờ đây, tổng thống Trump tỏ ra muốn làm hòa. Không có gì bảo đảm là sẽ đạt được kết quả, nhưng Donald Trump tin tưởng vào tài năng thương lượng của một doanh nhân. Ông cũng muốn tin rằng Bình Nhưỡng sẽ tôn trọng ít ra là lời cam kết ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, để một cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra. Ông vẫn nói nước đôi: “Thành công hay không… ai mà biết được? Tôi có thể ngưng ngay tức khắc hoặc là hai bên cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận quan trọng nhất thế giới, cho mọi nước, trong đó có Bắc Triều Tiên. Tôi hy vọng câu chuyện sẽ diễn ra như thế”. Tinh thần hưng phấn, Donald Trump chê trách các vị tổng thống tiền nhiệm đã để cho tình hình mục rữa như thế, mà theo ông, lẽ ra có thể giải quyết một cách dễ dàng. Ông cũng bực mình vì có nhiều người vẫn hoài nghi khả năng hiện thực của một giải pháp lâu dài với Bình Nhưỡng./.