Khách mời văn hóa

Đối mặt với dối trá

Lời tòa soạn:Trung thực hay dối trá đề là thể hiện phẩm chất đạo đức và văn hóa của mỗi người và mỗi cộng đồng, mặt khác, cũng thể hiện các lực trọng trường và dây dọi khác nhau của mỗi nền văn hoá. Các phẩm Người có thể thay đổi tùy theo môi trường gia đình và xã hội. Một xã hội bình yên, luật pháp nghiêm minh, chính quyền lành mạnh, phẩm giá được tôn trọng thì cái tốt nảy nở và lan tỏa. Ngược lại một xã hội có nhiều điều bất ổn thì các tính xấu của mỗi con người và của cả dân tộc lại trỗi lên tàn phá hệ giá trị truyền thống đặc sắc và bền vững của cả một cộng đồng. Dối trá hay trung thực là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn với bất cứ ai, đặc biệt trong những môi trường thiếu lành mạnh, bất trắc và nhiều cám dỗ. Mong manh vô cùng cái ranh giới giữa xấu và tốt. Chỉ có những giá trị văn hoá đạo đức bắt rễ sâu trong tâm thức văn hoá cộng đồng và vươn tới những tầm cao khoa học của nhân loại mới có thể soi đường cho những quyết định chọn lựa thường là hết sức ma mị của những toan tính, đúng hơn là những cám dỗ và những món lợi sù sì, trần tục, thân quen. Một người cũng thế, cả một quốc gia dân tộc hầu như cũng thế thôi! Từ ngàn xưa, nhân loại đã có tập tính quay lưng với dối trá, vì khinh bỉ hay lảng tránh. Giờ đây, ta hãy thử đối mặt với dối trá từ các điểm nhìn khác nhau xem sao?

Với nhận thức đó, VHNA đã có cuộc trao đổi trực diện và trung thực về dối trá với Nhà văn Phạm lưu Vũ, Nhà thơ - Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và Tiến sỹ triết học Nguyễn Văn Vịnh.

***

Phan Văn Thắng: Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ khái niệm “Dối trá:Dối trá là gì?

Phạm Lưu Vũ: Là từ kép, ghép âm Nôm (dối) với âm Hán Việt (trá), có nghĩa là nói dối. Làm dối… không ghép với chữ “trá”.

Nguyễn Văn Vịnh:  Có 3 mục tiêu lớn chi phối tất cả các hoạt động của loài  trong suốt lich sử đó là: Chân- Thiện-Mỹ. Trong đó “mỹ” là câu chuyện của các nghệ thuât; “thiện” là vấn đề của tôn giáo và đạo đức; “chân” là vấn đề của khoa học và nhận thức; như vậy Dối trá là khái niệm của khoa học và nhận thức, nó đối lập với sự thật( chân lý), trong nhiều trường hợp nó đồng nghĩa với khái niệm sai lầm, nhưng là sự sai lầm cố ý vì vậy dễ bị coi là khái niệm của lĩnh vực đạo đức.

Đỗ Minh Tuấn: Dối trá là những lời nói, hành vi, thái độ và thông điệp gian lận hay đánh tráo về logic nhân quả, về kích thước và quy mô, về hình dáng và cấu trúc nhằm che giấu tội lỗi, trách nhiệm, trục lợi về vật chất và danh tiếng. Đúng là về cấu trúc bề nổi thì dối trá thuộc lĩnh vực nhận thức như TS Vịnh đã nói. Nhưng trong thực tế lịch sử văn hoá và tâm linh thì dối trá là vấn đề đạo đức nền tảng hệ trọng nhất trong mối quan hệ Tôn giáo và cái Ác. Cựu ƯớcTân Ước của Kinh Thánh đều chứa tuyên bố rằng Đức Chúa Trời không thể nói dối và sự dối trá đó là vô đạo đức. Trong Ngày Phán quyết, kẻ nói dối không ăn năn sẽ bị trừng phạt trong hồ lửa. (Khải huyền 21: 8; 21:27). Theo nhà thần kinh học Sam Harris (Lying, 2013)hầu hết các hình thức của cái ác được duy trì bởi những lời nói dối. Hành vi ngoại tình và phản bội cá nhân khác, như gian lận tài chính, tham nhũng của chính phủ — thậm chí giết người và diệt chủng — thường đòi hỏi một tâm thế sẵn sàng lừa dối.

Phan Văn Thắng: Dối trá có từ lúc nào?

Phạm Lưu Vũ:Dối có trước dối trá. Dối có từ trước khi xuất hiện ngôn ngữ. Dối trá có từ khi chữ Hán xâm nhập vào nước ta (thời Sĩ Nhiếp chăng?)

Nguyễn Văn Vịnh:  Từ khi có các hoạt động của nhận thức lý tính thì cái đúng(chân lý) và cái sai suất hiện, khi có sự đánh tráo giữa cái sai và cái đúng thì sự dối trá sinh ra. Nói theo logic nhà phật thì sự dối trá có nguyên nhân từ Tham-Sân- Si.

Phan Văn Thắng: Các hình thức, hay là dạng thức biểu hiện chủ yếu của dối trá từ xưa đến nay?

Phạm Lưu Vũ:Muôn hình vạn trạng, càng ngày càng phong phú, nhất là từ miệng các quan ngày nay.

Nguyễn Văn Vịnh:Dạng thức duy nhất của sự dối trá từ trước đến nay đó là tất cả những gì trái với sự thật(chân lý).

Đỗ Minh Tuấn:Các hình thức của  dối trá là đánh tráo sự vật và logic giống như thao tác trong ảo thuật, hay như nhân chứng giả trong vụ án; đánh tráo về quy mô, hình dáng và kích thước giống như kính màu, kính lúp, hiện trường giả, biên bản giả. Tuy nhiên, hư cấu tức thời như ảo thuật hay các hư cấu đóng gói theo các định dạng thể loại như trong văn học, nghệ thuật, điện ảnh…không được coi là dối trá theo nghĩa, vì nó nhắm đến sự thức dậy những giá trị chân thực, siêu thực, sâu sắc, kỳ diệu, thiêng liêng.

Phan Văn Thắng: Có dối trá nào có lợi, có ích không?

Nguyễn Văn Vịnh:Chỉ duy nhất sự dối trá về những điều Dối trá là có ích.

Phạm Lưu Vũ: Có. Ví dụ ngoại tình thì buộc phải dối trá để “bảo vệ” hạnh phúc gia đình. Đức Phật cũng nói dối, nhưng vì lợi ích của chúng sinh. Ví dụ ẩn dụ  “Ngôi nhà lửa” trong kinh Pháp Hoa…

Đỗ Minh Tuấn: Đúng. Việc nói dối như trong ẩn dụ “Ngôi nhà cháy”(Hỏa trạch dụ) ở Kinh Pháp Hoa mà anh Phạm Lưu Vũ nói đến kể về việc một trưởng giả đi xa về, thấy ngôi nhà mình đang cháy mà các con vẫn đang hồn nhiên chơi đùa ở bên trong. Ông vội xông vào nhà để cứu thoát bầy con, nhưng dù trưởng giả giải thích và đốc thúc thế nào lũ con cũng vẫn ham chơi, không chạy ra ngoài ngôi nhà cháy. Trưởng giả buộc phải dùng mưu chước. Biết đứa nào cũng thích xe và đồ chơi, ông bảo “Các con ơi! Cha có 3 xe đầy đồ chơi ở ngoài kia, các con ra mà lấy ngay đi! Thế là lũ trẻ thích thú tranh nhau chạy ra và thoát chết cháy”. Việc nói dối để cứu người mê lầm, chưa giác ngộ kiểu đó, Phật gọi là Thiện xảo. Sau này Nguyễn Trãi và Lê Lợi cũng dùng Thiện xảo kiểu này để thu phục lòng dân bằng cách cho viết chữ bằng mỡ lên lá cây “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” mà  ai cũng biết.

Phan Văn ThắngTrong thế giới hiện đại này, còn môi trường tâm lý và văn hoá cho Thiện xảo kiểu đó không?

 Đỗ Minh Tuấn: Còn chứ! Nhiều nữa là đằng khác. Vấn đề lời nói dối ngọt ngào, hay sự dối trá thiêng liêng cũng đã ám ảnh tâm trí nhân loại từ nhiều thế kỷ. Socrates đã biện minh cho việc sử dụng những lời nói cao quý trong “Cộng hòa Plato”, được gọi là giả thuyết chiến lược - một điều thường bị coi là lừa dối, sẽ gây ra bất hòa, nếu bị phát hiện ra, nhưng lại cung cấp một số lợi ích cho kẻ nói dối và hỗ trợ cho xã hội duy trì luật pháp, an toàn và trật tự, do đó, nó có khả năng mang lại lợi ích cho người khác. Một giai thoại về Edison cho biết nhờ mẹ nói dối ông mà ông đã tự tin phấn đấu trở thành nhà bác học thiên tài. Một hôm, cậu bé Thomas Edison từ trường về nhà và đưa cho mẹ bức thư: "Mẹ ơi, thầy giáo của con đưa tờ giấy này cho con và nói với con chỉ có mẹ mới đọc nó. Thầy nói gì vậy?" Người mẹ đọc to bức thư cho con mình nghe, đôi mắt đẫm lệ: “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này quá nhỏ đối với anh ta và không có đủ giáo viên để đào tạo cậu ấy. Xin bà hãy tự mình dạy cho anh ta.” Sau này, Edison trở thành một nhà phát minh vĩ đại bậc nhất của thế kỷ này. Khi ấy mẹ ông đã mất. Một hôm, Edison tình cờ thấy lại lá thư mà thầy giáo cũ của anh đã gửi cho mẹ mình. Thật không ngờ, trong thư thầy giáo viết: “Con trai của bà bị thiểu năng trí tuệ. Chúng tôi không thể để tiếp tục dạy anh ta được nữa. Cậu ấy bị đuổi học.” Edison vô cùng xúc động. Ông đã viết trong nhật ký của mình: “Thomas A. Edison là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ  vậy mà mẹ anh ta đã biến anh ta thành thiên tài của thế kỷ.” Bản thân tôi cũng nói dối bố mẹ hai lần đầu thập kỷ 70 vì thương bố mẹ. Một lần bị mất xe nói dối là người bạn mượn đánh mất, mua đền cái khác. Thực ra là tôi vay tiền thầy Nguyễn Lộc mua cái xe khác mang về, sau đó dịch sách cho Viện thông tin trả nợ. Lần thứ hai mất xe tại đám cưới nhà cô bạn tên Ngọc(sau này là vợ Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn), lại nói dối là cho bạn mượn về quê, trong lúc đó tích cực điều tra. Nhờ quẻ độn Mai Hoa ứng nghiệm kết hợp với dò hỏi về hướng nhà của một vị khách dự cưới đã phát hiện ra kẻ cắp và lấy lại.

Phan Văn Thắng: Hình như dối trá cũng thay đổi theo sự vận động của xã hội, từ “thô phác” đến tinh vi?

Phạm Lưu Vũ:Đúng vậy. Cả thô phác lẫn tinh vi.

Nguyễn Văn Vịnh:Đương nhiên là như vậy khi con người càng khôn ngoan thì sự dối trá càng tinh vi, càng khó phát hiện. Những biến động lớn trong khoa học và trong đời sống xã hội thường có hệ quả xấu kèm theo là sự dối trá cũng đồng thời xuất hiện. Anbe  Axtanh có nói: “Sau một thiên tài bạo chúa bao giờ cũng là một lũ khốn kiếp”.

Phan Văn Thắng:Chuyện dối trá thời nay ở nước ta hình như là phổ biến nếu không nói là đã được cô đặc như là một biểu hiện về bản chất của xã hội!?

Nguyễn Văn Vịnh:Nên nói thế này thì cụ thể hơn “Ở nước ta hiện nay sự thật là kẻ thù số một và nguy hiểm nhất”. Thật ra, người Việt chúng ta chưa bao giờ có cơ hội được nói thật, nghĩ thật cho nên cũng chưa bao giờ có sự dối trá. Chúng ta đang ở giai đoạn “tiền nhân loại”(cười).

Phan Văn Thắng:Hình như anh hơi cực đoan và bi quan quá.

Phạm Lưu Vũ:Dối trá tràn ngập từ chợ búa đến nghị trường, từ giảng đường đến hội nghị, từ cửa chuồng lợn đến cửa nhà quan… đâu đâu cũng có dối trá. Riêng tôi nghĩ, đó có thể coi là bản chất của xã hội ngày nay. Đáng buồn là ở chỗ đó.

Đỗ Minh Tuấn - Tôi không nghĩ người Việt “chưa bao giờ có cơ hội nói thật” như nhận định của TS Vịnh. Có lẽ TS Vịnh đang tư duy trong không gian chính trường. Nhưng người Việt có nhiều không gian sống tách biệt hay giao thoa với nhau. Vấn đề của người Việt nằm ở chỗ: Không gian nào dành cho nói thật, không gian nào dành cho nói dối. Vì gia đình Việt vốn là nơi con người thành thật nhất với nhau trong văn hoá Việt. Thuận vợ thuận chồng biển Đông tát cạn. Nhưng đến thời nay, gia đình có nguy cơ ngày càng trở thành cái ổ dối trá, nhất là các gia đình quan chức, đại gia. Họ nói dối nhau để che dấu đồng tiền trộm cắp hay các quan hệ bồ bịch cơ quan, xã hội. Trong khi đó, ở quán bia hầu như người Việt toàn nói thật. Cả dân cả quan đều nói thật, hành động thật. Các quan  sàm sỡ thật lòng với bồ bịch, cave, dân chúng thì thật lòng về tâm tư, tình cảm, quan điểm với bạn bè, đồng nghiệp, dưới các dạng bức xúc hay đùa cợt, nhiều khi thực lòng hơn cả với người thân ở gia đình. Có thể trong Hội nghị, trong Báo cáo hay trên báo chí các nhóm lợi ích người Việt thường dối trá dưới nhiều hình thức. Nhưng có ai nói thật với nhau như các nhóm lợi ích trong các cơ quan công quyền đâu?Về nhà có thể họ nói dối vợ chồng về thu nhập hay bồ bịch, nhưng với nhau thì họ thẳng thừng bàn mưu tính kế, phân vai trách nhiệm trong nhóm lợi ích dối trá về tài chính và quy mô công việc, tỷ lệ tiền ghi trong sổ  sách và và tỷ lệ ăn cắp của công. Thậm chí họ thẳng thắn bàn nhau cặp bồ với sếp nữ, sếp nam để kết nhóm lợi ích phục vụ cho cả hội.

Phan Văn Thắng: Vậy thì có thể nói làNgười người, nhà nhà dối trá”.  Hãy nhận diện dối trá thời nay. Tầng lớp nào dối trá nhiều nhất?

Phạm Lưu Vũ: Tầng lớp quan lại ngày nay, có vẻ như càng chức quyền to càng dối trá(cười).

Nguyễn Văn Vịnh:Càng dối trá thì càng nhanh thăng quan tiến chức nhanh, càng vinh thân phì gia vậy thì tại sao(?) mọi người lại không phát huy tối đa sự dối trá?(Cười).

Đỗ Minh Tuấn: Anh Phạm Lưu Vũ nói đúng một hiện tượng xã hội, nhưng cách nói vu khoát, chưa cụ thể, dễ bị cho là vơ đũa cả nắm. Theo tôi, phải nói là tầng lớp lãnh đạo tha hoá, “tự diễn biên” dán nhãn cộng sản, là những người dối trá nhất. Cái mô hình dối trá tổng quát của họ là dán tem nhãn cộng sản vào các nhóm lợi ích có tính chất tư bản thân hữu, tư bản vay nợ và tư bản chui.

Phan Văn Thắng: Loại dối trá nào nguy hiểm nhất, để lại hậu họa tai hại nhất?

NV Phạm Lưu Vũ: Chính trị. Xưa nay vẫn vậy.

Nguyễn Văn Vịnh:Những lý thuyết xã hội xuất phát từ những tiền đề sai lầm và dối trá nhưng có tầm ảnh hưởng sâu rộng là lâu dài là nguy hiểm nhất. Thí dụ: Nho giáo quan niệm “Nhân chi sơ tính bản thiện”; nhưng trong thực tế con người còn có một nửa khác là tính Ác, như vậy đây là thứ lý thuyết theo kiểu “tốt khoe xấu che”, mới chỉ có một nửa sự thật. Vì vậy lý thuyết này đi đến một nền giáo dục và chính trị “Nêu gương”, không cần pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Việc quan trọng của các xã hội chia sẻ lý thuyết Nho giáo là “chế tạo” ra các Tấm gương cho mọi người noi theo, học theo…Một lý thuyết xã hội hoang đường như vậy mà hơn hai ngàn năm nay vẫn được xưng tụng. Có lẽ(?) loài người thích sự dối trá hơn là sự thật.

Đỗ Minh Tuấn: Nhất trí với TS Vịnh rằng dối trá nguy hiểm nhất là dối trá về lý tưởng, về chủ thuyết, về giáo lý và thần tượng. Nhiều quan chức miệng nói lý thuyết cộng sản rất hay, nhưng tâm địa và hành vi lại hoàn toàn Tư bản, thậm chí là Tư bản chui, Tư bản rừng rú. Nhiều người lên giọng Cộng sản miệng hô hào học tập tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh như sống thì xa hoa, dâm đãng, trộm cắp công quỹ, kèn cựa và ích kỷ… hoàn toàn ngược lại với đạo đức Hồ Chí Minh. Nhiều người bản chất thờ đồng tiền như giai cấp Tư sản mà K.Marx đã nói (có lợi đến mức nào thì sẵn sàng giết cả cha mẹ), nhưng  họ lại được dán nhãn cộng sản trong thể chế hiện nay. Họ là những kẻ dối trá lớn nhất, đáng ghê tởm nhất.Trong tất cả sự dối trá thì dối trá về Đức tin, về Đấng Tối cao, về sự Thiêng liêng là sự dối trá đáng ghê tởm nhất.

Phan Văn Thắng: Hình như xã hội càng hiện đại thì các dối trá chính trị tầm quốc tế ngày càng nhiều, lợi ích càng lớn, và phía bên kia, người bị lừa dối, hậu quả cũng ngày càng lớn?

Phạm Lưu Vũ:Còn phải bàn gì nữa!

Đỗ Minh Tuấn: Hậu quả của dối trá còn tuỳ thuộc vào khoảng cách và sự khác biệt giá trị, thông điệp giữa hai nền văn hoá gốc của  hai đối tác, dẫn đến sự hiểu lầm hay bị lừa dối có chủ ý.

Phan Văn Thắng: Dối trá có thể trở thành truyền thống, là “gen” văn hóa của các cộng đồng hay chỉ là hiện tượng nhất thời?

Phạm Lưu Vũ: Nó tạo nghiệp, chiếm tới 4 trong số 10 nghiệp nặng. Làm người chỉ có cơ hội dối trá trong 1 kiếp mà thôi. Kiếp sau sẽ làm súc sinh hoặc ngạ quỷ… vì thế không dối trá nữa.

Đỗ Minh Tuấn – Cũng có thể là gen văn hoá. Như tôi dã viết trong bài “Bản lĩnh phớt đời của Thị Kính” trên báo An ninh văn hoá cuối tháng năm 2009,trong văn hoá Việt có vấn đề niềm tin văn hoá trong sâu thẳm tâm hồn mạnh đến mức con người tự tin không chấp hình tướng, tự tin cao độ vào đạo lý của mình ngay cả khi giả trang, lừa dối.[1]

Phan Văn Thắng:Vậy nó ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa, đến phẩm chất, nhân cách của các cá nhân và các cộng đồng xã hội?

Phạm Lưu Vũ: Nó gây ức chế. Nặng thì bầm gan tím ruột, vừa vừa thì tức muốn chửi đổng, nhẹ thì cười khẩy, coi khinh…

Phan Văn Thắng: Điều kiện nào thường nảy sinh dối trá?Trong xã hội hiện đại thì môi trường nào dễ phát sinh dối trá nhất?

Phạm Lưu Vũ:Xưa đến nay, trên toàn thế giới, bất tài mà làm quan. Nghị trường cũng  là môi trường phát sinh nhiều bịp bợm.

Đỗ Minh Tuấn: Điều kiện làm nảy sinh dối trá phụ thuộc vào môi trường làm việc và các điều kiện nền tảng cho ứng xử. Tiến sỹ Timothy R. Levinevà  đồng sự ở Michigan Hoa Kỳ (2010)đã tiến hành một nghiên cứu về căn nguyên dối trá. Kết quả cho thấy động cơ gây ra lừa dối thường cũng chính là động cơ chi phối sự trung thực. Mọi người thường không nói dối khi mục tiêu có thể đạt được thông qua các biện pháp trung thực.[2]

Phan Văn Thắng: Dối trá trong thời đại này có đặc điểm gì khác trước?

Phạm Lưu Vũ: Nó có mùi khó chịu. Nặng thì thối hoắc, nhẹ thì thum thủm…

Đỗ Minh Tuấn: Dối trá trong thời đại ngày nay ngày càng tinh vi hơn với sự hỗ trợ của công nghệ  cao, của các nhóm lợi ích và của tư duy phức hợp ngày càng phát triển ở quy mô toàn cầu. Nhưng mặt khác, dối trá cũng trắng trợn hơn, khó nhận diện hơn hơn do bảng giá trị của nhân loại ngày càng phân hoá, hệ quả của sự tồn tại nhiều định dạng văn hoá, nhiều phương thức giải cấu trúc và tái cấu trúc khác nhau.

Phan Văn Thắng: Nói dối, dối trá là một biểu hiện của nhân cách nhưng liên quan đến người khác, thậm chí cả toàn xã hội. Để hạn chế dối trá thì phải làm gì?

NV Phạm Lưu Vũ: Khi người cầm cán cân công lý đã dối trá thì ai hạn chế, hạn chế cái gì?!Người cầm đầu giáo dục đã dối trá thì còn giáo dục ai?!

Phan Văn Thắng:Vai trò của môi trường gia đình trong vấn đề này như thế nào?

Phạm Lưu Vũ: Cố được chừng nào hay chừng nấy.

Phan Văn Thắng: Xã hội trong sạch thì bệnh nói dối của các cá nhân cũng ít đi. Vậy làm gì về phương diện tổ chức và quản trị để xã hội có thể khống chế, hạn chế dối trá?

Phạm Lưu Vũ: Chỉ có cách tẩy uế đi làm lại.

Đỗ Minh Tuấn: Một cái cây ra quả độc thì phải chữa từ gốc, phải trồng cây khác, chứ không thể bón phân hay dùng thuốc trừ sâu mà mong cây sẽ ra quả lành quả ngọt. Vấn đề dối trá của một thời đại không chỉ là tập tính cả các cá nhân, mà là cấu trúc văn hoá, bậc thang giá trị và  tiêu chuẩn hành vi  của cả một xã hội sống trong thời đại đó. Vì thế, đây là vấn đề siêu vĩ mô, liên quan đến định dạng, đẳng cấp khoa học, các chuẩn mực văn hoá và đạo  đức của thể chế chính trị, không thể dùng các nguyên tắc đạo đức thông thường, nhỏ lẻ để chữa chạy, giống như bôi thuốc đỏ vào mụn nhọt để chữa bệnh tâm thần được!

NB Phan Văn Thắng: Vâng! Đây là vấn đề khoa học phức tạp, chúng ta chỉ cày xới lên một số khía cạnh, mở ra một số lối vào. Mong rằng sẽ có dịp được tiếp tục bàn thảo sâu hơn, kỹ hơn với các nhà khoa học, các nhà văn hoá và các văn nghệ sỹ. Xin cám ơn sự tham gia của các anh!



[1]http://antgct.cand.com.vn/Nhan-dam/Ban-linh-phot-doi-cua-Thi-Kinh-311515/

[2]Timothy R. Levine , Rachel K. Kim &Lauren M. Hamel- People Lie for a Reason: Three Experiments Documenting the Principle of Veracity- Communication Research Reports- Pages 271-285 | Published online: 29 Oct 2010

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511947

Hôm nay

2273

Hôm qua

2337

Tuần này

22321

Tháng này

218820

Tháng qua

121356

Tất cả

114511947