Đất Nghệ
Đình Phụng Luật - Một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc
Đình Phụng Luật
Đình Phụng Luật là nơi thờ thành hoàng làng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Ông là người thông minh, có chí khí. Năm Kỷ Mão (1039), ông được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế ở vùng đất Nghệ An. Đến năm Tân Tỵ (1041), ông được vua Lý Thái Tông xuống chiếu cử làm Tri châu Nghệ An với tước phong Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Từ đây, sự nghiệp của Lý Nhật Quang thực sự gắn bó với mảnh đất và con người xứ Nghệ, vùng đất phên dậu và là trọng trấn phía Nam của Tổ quốc lúc bấy giờ. Trong suốt 16 năm làm Tri châu Nghệ An (1041-1057), với tài kinh bang tế thế, với tầm nhìn có tính chiến lược và những chủ trương đúng đắn, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi. Từng bước xây dựng Nghệ An thành một châu phên dậu vững mạnh, một hậu phương chiến lược trọng yếu của quốc gia Đại Việt thời Lý.
Đình Phụng Luật được nhân dân xây dựng trên vùng đất cao ráo giữa trung tâm làng Phụng Luật xưa, nay thuộc xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đình được khởi dựng năm 1837, niên hiệu Minh Mệnh thứ 18, đến năm Quý Mùi, niên hiệu Tự Đức năm thứ 36 (1883) Đình được tôn tạo lại với quy mô đồ sộ, gồm 5 gian, 2 hồi, diện tích xây dựng: 157,8m2 (dài:16,7 m; rộng: 9,45m) thường được gọi là đại đình. Hiện nay tại đình vẫn còn lạc khoản ghi lại thời gian tu tạo di tích ‘‘Tự Đức tam thập lục niên, Quý Mùi thu tu tác, mạnh Đông nguyệt hoàn thành’’ nghĩa là: Tự Đức năm thứ 36, Tu sửa vào mùa Thu năm Quý Mùi(1883),hoàn thành vào tháng đầu mùa Đông.
Đình Phụng Luật là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ở cả kiến trúc vôi vữa và kiến trúc gỗ.Trên mái đình, các nghệ nhân trang trí các con giống bằng vôi vữa với mục đích vừa làm giảm sự thô nặng của mái đình, đồng thời thông qua đó thể hiện ước vọng cầu mùa, cầu sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp. Mái đình tượng trưng cho tầng trờivới chính tâm là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” thể hiện âmdương trong thế đối đãi,hai đầu bờ nóc là hình tượng hai con lân đang nhả ra những cuộn vân xoắnnhư biểu hiện nghệ thuật hóa của sấm chớp.Hai đầu đốc phía ngoài xây gạch, trát vôi vữa trang trí theo đề tài “hổ phù ngậm chữ thọ” và “phượng hàm thọ ”trông rất sinh động và sắc nét. Kiến trúc chạm khắc trên gỗ được thể hiện qua các cấu kiện củanhững bộ vì, đại đình với 6 bộ vì được thiết kế theo 2 kiểu vì ván mê và vì giá chiêng kẻ chuyền. Trên các cấu kiện gỗ, nhiều đề tài như: “hổ phù”, “lưỡng long chầu nguyệt”, “long mã”, “phượng hàm thư”, “độc long”,… được các nghệ nhân xưa chạm khắc rất tinh xảo. Đặc biệt, ở hai vì ván mê đã được các nghệ nhân thể hiện đề tài trang trí ‘‘hổ phù ngậm chữ thọ’’, ‘‘phượng hàm thọ’’đây là thông điệp cầu cho mùa màng bội thu, thể hiện ước vọng ngàn đời của người nông dân Việt Nam. Mặt hổ phù được các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật chạm bong kênh làm nổi bật từng chi tiết như: mũi hếch, mắt lồi, trán dô, bờm dựng ngược, răng nhọn, miệng ngậm chữ thọ, râu rồng vuốt ngược sang hai bên, chân khuỳnh ra bám chặt hai bên với các móng vuốt sắc nhọn trông rất dữ tợn. Hình tượng ‘‘Phượng hàm thọ’’được các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật chạm nổi để tạo dáng chim Phượng như đang tung cánh lấy đà bay lên, với hai cánh xòe rộng, đuôi cong vút lên cao, miệng ngẩng lên ngậm chữ Thọ.
Mảng chạm đề tài ‘‘hổ phù ngậm chữ thọ”(phía trên) và “lưỡng long chầu nguyệt”ở phía dưới.
Mảng chạm đề tài ‘‘Phượng hàm thọ’’
Tại các ‘‘cốn mê’’được các nghệ nhân chạm hình long mã trong tư thế chạy xô trên sóng nước, phần đầu đã biến thành đầu rồng, đuôi chim phượng, thân và chân của ngựa, trên thân còn có vảy của cá chép. Nghệ nhân xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong kênh làm nổi rõ từng chi tiết tạo dáng cho long mã trông rất dũng mãnh. Hình tượng Long mã thể hiện sự hòa hợp âm dương, đây cũng là mong ước của người dân Việt Nam, âm dương hòa hợp mọi vật sẽ sinh sôi nảy nở.
Hình tượng Long mã trên các cốn mê tại các bộ vì
Khoảng không gian giữa câu đầu và xà được tạo khung, trong khung trang trí hình tượng ‘‘lưỡng long chầu nguyệt”‘‘hổ phù”cách điệu bằng dạng hoa dây lá. Tất cả đều được bàn tay tài hoa của nghệ nhân xưa chạm khắc tinh xảo, tạo nên những đường nét uyển chuyển mềm mại tinh tế như thổi hồn vào các linh vật trông thật sống động và đẹp mắt.
Đình Phụng Luật là công trình kiến trúc cổ, có quy mô bề thế, còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc gỗ cổ thời Nguyễn. Giá trị về mặt điêu khắc nghệ thuật chủ yếu tập trung vào các bộ phận kết cấu gỗ, phản ánh được ý tưởng thẩm mỹ, phong cách sáng tạo của một thời đại. Đình được trang trí rất công phu, hầu hết trên các xà, cốn, ván nong, kẻ, bẩy, đuôi nghé cho đến các con rường, con đấu v.v… đều được các nghệ nhân sử dụng để sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao với kỹ thuật điêu luyện thể hiện được tài năng điêu khắc cũng như thẩm mỹ của các nghệ nhân xưa. Với kỹ thuật chạm bong kênh, chạm lộng với những đường nét khi tỉ mỉ công phu, khi hào phóng,…. Các nghệ nhân xưa đã sáng tạo nên những hình tượng thật mềm mại, uyển chuyển. Mỗi hình tượng mỗi vẻ riêng nhưng tất cả đều rất có thần và đầy sức hấp dẫn.
Hàng năm, tại đình Phụng Luật diễn ra nhiều kỳ lễ trọng như: lễ Khai Hạ ngày 7/1 Âm lịch, lễ Thượng Nguyên vào ngày 15/1 Âm lịch, lễ Cầu Phúc vào 15/6 Âm lịch,.... nhưng lớn nhất là lễ Thượng Nguyên. Lễ Thượng Nguyên được xem là lễ hội của làng với phần lễ được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống bao gồm các bước tiến hành như: lễ rước, lễ yết cáo, lễ đại tế, lễ tạ, còn phần hội bao gồm các trò chơi dân gian truyền thống như: thi trống tế, cờ thẻ, chọi gà, bóng chuyền …. Đây là những hoạt động văn hóa tâm linh có ý nghĩa thể hiện lòng tri ân của nhân dân với thành hoàng làng Lý Nhật Quang. Ngoài chức năng tín ngưỡng, đình Phụng Luật còn phát huy rất tốt chức năng hành chính và văn hóa với việc sử dụng di tích làm nhà văn hóa của xóm Đình Phụng, xã Hợp Thành. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa của xóm với các hoạt động hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao của nhân dân xóm Đình Phụng.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đình Phụng Luật đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là di tích Lịch sử và Kiến trúc Nghệ thuật vào năm 2016.
Trải qua gần 200 trăm năm tồn tại, đình Phụng Luật đã trở thành biểu tượng linh thiêng, niềm tự hào của nhân dân làng Phụng Luật. Cụ Nguyễn Hữu Châu, 74 tuổi ở xóm Lý Nhân, xã Hợp Thành cho biết: “Từ khi tôi lớn lên đã thấy ngôi đình sừng sững ở trung tâm làng. Theo cha ông chúng tôi kể lại: Để xây dựng được ngôi đình này toàn dân xã đã phải đóng góp mấy năm mới đủ tiền mua gỗ, thuê thợ dựng đình. Chính vì vậy, ngôi đình là tài sản vô cùng quý giá mà cha ông xưa đã để lại cho hậu thế chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di tích ngày càng tốt hơn”.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511017
216
2359
21391
217890
121356
114511017