Văn hoá học đường

Hãy đón chào Năm Mới bằng những đổi thay…

Năm cũ đã qua đi; nhưng, có lẽ, một của những điều vấn vương đang níu giữ suy tư từ mùa đông xa xăm là trăn trở về những chiếc lá vàng lẩn khuất trong rừng chồi non tươi mới đang bừng nở để đón xuân về… Đã và sẽ ám ảnh dài lâu những bàn luận, tranh cãi mãi hoài về “triết lý”, “mục tiêu”, “động lực” của giáo dục - trớ trêu thay, đó lại là điều mà loài người đã giải mã xong từ rất lâu rồi!

Đôi khi, dẫu không muốn, cũng buộc phải nghĩ rằng, phải chăng chúng ta đang mượn danh cái cao xa để vụng về vá víu những lẫn lầm không đáng có đểbắt đầu từ những điều giản dị nhất của đổi thay?...

Cô trò trường Mầm non xã Diễn Thành (Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh Kiều Nga

      Trước tiên, xin kể một câu chuyện rất nhỏ - nhỏ đến mức nó có thể bị bỏ quên trong những lo toan chật vật đời thường.

      Tôi có cháu ngoại học lớp 4. Theo “phong trào”, mẹ nó cho đi học thêm mỗi tuần 3 buổi tối. Mỗi tuần 3 lần mất 3 giờ đồng hồ (tính cả đi và về), sau 10 giờ học liên tục ở trường (trưa ăn cơm nội trú ở trường), quả là cái “logic” phi giáo dục khó chấp nhận. Thi thoảng, cháu dặn tôi: “Ông ơi, cô nói là khi đi đón cháu, ông đừng đứng tập trung trước cửa nhà cô”; “Cô dặn là nếu ai hỏi thì không được nói là đi học thêm”; “Cô dặn không được mang vở học thêm tới trường”(?!)…

      Vì thương cháu lúc đêm hôm lỡ cô giáo cho về sớm nên tôi thường đến sớm trước 21 giờ (theo quy ước) để đón cháu. Nhờ vậy, tôi “được” nghe cô giáo giảng bài. Với kinh nghiệm của 40 năm dạy học có chất lượng tạm ổn, tôi phát hiện ra rằng những gì cô giáo đang “thêm” gần như là… vô ích. Quyết định của gia đình đưa ra là không học thêm nữa.

      Kỳ thi học kỳ vừa qua, lớp của cháu có 35 bạn trên tổng số 40 đạt điểm 10, cháu tôi 7 điểm môn toán - cho dù tôi biết chắc cháu tôi không “tệ” đến mức như thế… Vậy là, học kỳ này, sau khi nhà trường mở thêm các lớp buổi tối có tên là “câu lạc bộ văn, toán”, cháu tôi lại… đi học thêm!

      Theo một ẩn nghĩa nào đó, có thể hiểu phải học thêm để “hơn” những bạn bè không có tiền học thêm là cách nuôi dưỡng, ủ chứa lòng tham không lành mạnh ngay từ tuổi dại khờ. Lòng tham đó bị nhiễm nặng từ thầy, cô đến học trò: Trường học phải đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh khá giỏi phải đạt “chỉ tiêu”, tỷ lệ lưu ban bắt buộc phải thấp nhất có thể, bổ sung giáo án(?!) ngày nào cũng phải có… Trời hỡi trời, lấy gì để giáo viên bổ sung khi chương trình chỉ có chừng ấy, lo toan nhiều thế kia, thì giờ đọc sách, xem TV để mở mang kiến thức là gần như bằng không?

      Đó là chưa nói chuyện nếu chúng ta nghĩ xa hơn sẽ thấy rằng cách mà cô thầy, học trò “đồng hành” tiến bước trên “quy trình” học thêm, dạy thêm là cách “bồi dưỡng” cách sống đi đêm, theo đuổi sự cạnh tranh không công bằng nhằm hơn người khác một cách kém đạo đức!

      Chẳng cần suy tư, hầu như ai cũng biết câu chuyện “nhỏ” trên là một… “triết lý” buồn về sự vần vụ của rất, rất nhiều day dứt.

      Rõ ràng, cái mà chúng ta “quên” là ngay từ bước khởi đầu luyện rèn kiến thức, nhân cách, trẻ đã được gián tiếp “hướng dẫn” rằng dối trá là chuyện… bình thường; rằng, thậm chí, đó còn là “nguyên tắc” để tồn tại(!?)

      Nhưng, chắc chắn, cái GỐC của dạy thêm hay không chẳng hề luẩn quẩn ở lẽ cấm hay không mà là ở chỗ, đồng lương của cô, thầy thời buổi này (nhất là các thành phố lớn) gần như không đủ để sống. “Người ta” quên mất là con cô, thầy cũng phải học thêm theo những lớp tương tự; quên luôn rằng mải lo vá víu sự minh triết lơ lửng trên trời nhưng lại chẳng hề thấy lỗ hổng toác toang, thực tế của đời thường. Bạn có thể quy kết tôi quá lời nếu tôi nói rằng cô giáo X nào đó, lỡ tát học trò là bởi vì từ vô thức, cô giáo ấy đang bị ám ảnh từ những lo toan chồng chất, vật vã, mỗi ngày… Tiếc thay, đó lại là sự thật.

      Cũng tương tự, ngành giáo dục tổ chức thi - rồi bị phê phán về chuyện vì thi dạy giỏi nên “gợi ý” cho học sinh yếu kém “nên” nghỉ học, ở nhà. Dư luận thi nhau chĩa mũi dùi vào trường ấy, giáo viên ấy đã… sai(?) Không một ai tự hỏi rằng buổi thi sẽ ra sao nếu 5-10 phút kiểm tra bài cũ, học sinh kém không giải nổi bài thì sẽ mất thêm bao nhiêu thời gian để khỏi “cháy” giáo án trong 45 phút nghiệt ngã của quy định là phải dạy đủ, đúng chương trình?

      Xem ra, các cô, thầy phải đối phó thường trực với đủ thứ trói buộc trong khi luôn hiểu rõ rằng cái nghiệp trồng người chẳng thể nở hoa, kết trái nếu tâm và trí không thể yêu thương nghiệp nghề bằng tấm lòng nhiệt huyết chân thành…

      Cái đèn cù của giáo dục bấy nay là Bộ cứ cấm dạy thêm, cứ buộc phải thi này, thi kia nhưng, Bộ thì ở trên mây, còn các hiệu trưởng luôn ở sát mặt đất - chính họ hiểu rõ (và đúng) rằng nếu cứ thắt kỹ và chặt cái ống thực quản mưu sinh thì giáo viên toàn trường sẽ bị suy… dinh dưỡng.

      Bộ GD-ĐT đã bao giờ tự hỏi rằng cả sự nghiệp trồng người áp đặt, nặng nề đã và đang biến lũ trẻ thành những cụ non ngay trước khi lũ trẻ nhận biết hương vị ngọt ngào của tuổi thơ ngọt lành?

      Làm sao cô, thầy, phụ huynh lại có thể “muốn” lũ trẻ phải giỏi đều tất cả các môn học? Thiên tài hay đa tài là “chuyện riêng” của tạo hóa, chẳng có nền giáo dục nào lại tự hào vì “học sinh chúng tôi” môn nào cũng giỏi.

      Tôi đã nhiều lần không thể hiểu nổi vì sao kỹ sư tin học (mẹ của cháu, đang làm cho Silicon Design của Hoa Kỳ), giáo viên Hóa THPT (bà ngoại của cháu) lại gặp khó khăn khi giải các bài toán… lớp 4?! Chẳng lẽ cơ quan chủ quản tin rằng trẻ lên 10 sẽ tiến rất nhanh nếu sớm trang bị cho chúng những chiếc cặp sách nặng hơn cả tuổi xanh, nhọc nhằn hơn cả gánh nặng chúng sẽ mang theo suốt cuộc đời? Tại sao không thử nhìn xem trẻ em nhiều nước khác nhí nhảnh và ngây thơ biết bao và, đất nước của chúng chẳng nghèo khó tẹo nào?...

      Đến đây thì chúng ta đã GẶP mẫu số chung về tình trạng stress thường trực của cả cô, thầy, phụ huynh lẫn học trò: Cô, thầy vất vả không đủ sống, áp lực thường xuyên đe dọa, bức bách; học trò thì bị hết môn học quá sức này đọa đến môn học quá tải kia đày - cả hai phía đều bức xúc, đều muốn tìm… lối thoát từ vô thức!

      Vậy là, bạo lực cứ gia tăng, tiêu cực cứ nảy nòi, các quan chức lại cứ loay hoay để “điều chỉnh”, “cải cách”!

      Cái mớ bòng bong của tâm lý, nhận thức, hành xử hỗn loạn đó, ít thì gặm nhấm, xói mòn đạo đức, văn hóa; nhiều thì phá vỡ, tai họa, bất chấp mọi tiếng thở dài và bất lực. Xem ra, chúng ta luôn quên chân lý hiển nhiên: môi trường sống bị đảo lộn các giá trị; áp lực trong mỗi gia đình, mỗi môn học, mỗi cách thức truyền dẫn, hấp thụ đã làm cho văn hóa học đường trượt dài theo bước chạy vô lý, phi khoa học của toàn xã hội. Làm sao văn hóa học đường không trượt dài khi cái gì cũng phải chạy theo một cái gì đó?

      Trường học, lẽ tất nhiên, là nơi mở đầu, cũng là nơi tinh kết các nguyên tắc sống. Không thể có chuyện văn hóa học đường lành trong, tươi sáng khi người lớn bắt lũ trẻ phải gánh những điều chúng không thể, phải chịu những điều chúng không muốn.

      Bây giờ thì chúng ta đã có thể hình dung về sự thay đổi nhất thiết phải có. Sự đổi thay tất yếu phải đến như Mùa Xuân Mới.

      Một khi những tầng lá úa vàng vì những khó khăn, áp lực được rũ bỏ thì đương nhiên, những mầm xanh, nụ hoa sẽ bừng nở.

      Còn gì sung sướng hơn khi hàng chục triệu phụ huynh ít bị gầy còm, mỏi mòn vì những gánh nặng lo toan, bớt đi rất nhiều những bực bội trút lên đầu con cái dẫu chúng không hề có lỗi?

      Còn gì vui hơn khi thầy cô giáo bước lên bục giảng với ánh mắt ít muộn phiền, khắc khoải bởi bụi trần?

Hoạt động dã ngoại của lớp mầm non ở huyện Diễn Châu (Nghệ An)  Ảnh: Kiều Nga

      Còn gì hạnh phúc hơn khi lũ trẻ được vui chơi đúng như tạo hóa đã hằng định về tuổi thơ thần tiên trong lành, tươi sáng và, chúng tự hiểu rõ rằng, cố gắng hết sức mình là bổn phận, còn kết quả chưa cao chẳng bao giờ là tội lỗi?...

      Bạn hãy tin rằng, lúc ấy, sân trường sẽ rộn rã tiếng cười và, chắc hẳn mỗi chúng ta đều thấy mình dường như đang trẻ lại, như mùa xuân…

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515353

Hôm nay

231

Hôm qua

2367

Tuần này

2954

Tháng này

213292

Tháng qua

121009

Tất cả

114515353