Đất Nghệ
Bức tranh nông thôn xứ Nghệ thời Lê Trung hưng qua các đề tài chạm khắc ở đình làng
Cảnh chèo thuyền
Đình làng được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng của nền văn minh lúa nước Việt Nam, là nơi hội họp, bàn việc của dân làng, sau này còn gắn thêm chức năng thờ Thành hoàng làng. Đình ở Nghệ An phát triển mạnh vào thời Lê Trung hưng (1533 - 1789),gần như các làng đều có một đình làng, trong đó nhiềucông trình kiến trúc tiêu biểu, chạm khắc đẹp mắt như đình Hoành Sơn - ngôi đình được đánh giá là đẹp nhất miền Trung, đình Trung Cần, đình Đông Viên (Nam Đàn), đình Lương Sơn (Đô Lương), đình Trụ Pháp (Yên Thành)... Các đề tài chạm khắclà một phần không tách rời với công trình kiến trúc, ngoài mục đích trang trí, tô điểm cho kiến trúc, chạm khắc gỗ còn thể hiện tính thiêng, là “ngôn ngữ của thần linh”. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình làng Nghệ Anngoài việc chạm khắc các hình tượng tín ngưỡng, vật linhthì nó còn phản ánh khá toàn diện và sâu sắc đời sống của xã hội nông thôn ở Nghệ An thời Lê Trung hưng.
Bức tranh nông thôn xứ Nghệ được phản ánh qua kiến trúc chạm khắc ở các đình làng ở Nghệ An thời Lê Trung hưng như sau:
1. Các hoạt động sản xuất, học hành, thi cử, vui chơi giải trí của dân làng
Về sản xuất, sinh hoạt, đó là hình ảnh đi cấy, đi cày, bắt cátại ván gió, cốn của đình Hoành Sơn: kẻ cấy, người cày, người đang trong tư thế úp nơm, tạo nên một khung cảnh hết sức nhộn nhịp của ngày mùa. Hay hình ảnh thổi cơm bên bếp lửa: vừa quạt, vừa thổi, tay cầm đĩa thức ăn rất sinh động và chân thực. Trong bức chạm ở đình Đông Viên còn có hình ảnh “mục đồng” đang ngồi vắt vẻo trên lưng trâu. Hình ảnh Trâu đang quay đầu lại ngậm chân trái sau rất độc đáo. Một đứa trẻ khác tay cầm 2 giỏ cua. Đây là những hoạt động rất đỗi đời thường, dân giã của những đứa trẻ ở nông thôn Nghệ An nói riêng và nông thôn cả nước nói chung.
Cảnh Vinh quy bái tổ
Nghệ An là vùng đất nổi tiếng về truyền thống hiếu học, ham học và luôn khát khao với hoài bão “phải có danh gì với núi sông”. Bởi vậy, tại nhiều đình làng Nghệ An như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên..., các đề tài “vinh quy bái tổ”, “xem điểm thi” khá phổ biến.
Cốn hồi bên trái của đình Đông Viên chạm khắc đề tài xem điểm thi của các sĩ tử. Phía trong nhà có một vị quan ngồi nhìn, phía ngoài có 3 sĩ tử đang ngước xem bảng xếp thứ hạng của mình. Tất cả hướng về bảng treo có chạm khắc các dòng chữ Hán:
Phiên âm:
Thông tri hữu bảng, thứ trúng, trung hạng, ưu trúng.
Dịch:
Bảng thông tri: trúng loại thứ, trúng hạng loại vừa, trúng loại ưu[i]
Vì nách của đình Hoành Sơn thì mô tả hoạt cảnh thi ngạch quan võ: Ở trong nhà là vị quan chủ khảo đang ngồi, có người đánh trống, phía ngoài là hình ảnh mỗi người một tư thế võ, lại có người đang cưỡi ngựa, giương cung bắn… Tiếp theo là hình ảnh các sỹ tử xem điểm thi ở vì nách hồi góc phía ngoài được chạm khắc ở nhiều tư thế khác nhau: kẻ đứng, người ngồi, chen chúc nhau chỉ trỏ vào tấm bảng được dán, không khí vô cùng phấn khởi, náo nhiệt.
Thậm chí, trong một ngôi đình, có hình ảnh được lặp đi lặp lại như ở đình Hoành Sơn, đề tài “vinh quy bái tổ” lặp lại 2 lần: đó là hình ảnh quan Nghè vinh quy bái tổ được chạm ở ván nong của bộ vì nách góc phía trong: đi đầu là đội hình cờ, trống rộn ràng, phía sau là quan Nghè ngồi trong kiệu, hai bên có người cưỡi ngựa tháp tùng; ở con rường cụt cuối cùng chạm khắc hình ảnh voi đang di chuyển với chiếc lõng trên lưng, theo sau là đám binh lính, tay vác kiếm với dáng điệu hối hả.
Về các hoạt động vui chơi, giải trí: Hoạt động này được chạm khắc khá phong phú với nhiều hoạt cảnhnhư chèo thuyền, đánh cờ, múa hát... Ở đình Hoành Sơn khắc họa 2 lần hình ảnh “chèo thuyền” khá đặc sắc. Hình ảnh thứ nhất khắc tại ván dong: các tay chèo ngả người về phía trước, dồn hết sức vào các mái chèo, phía dưới là những cuộn sóng dâng lên dưới tác động của các mái chèo. Hình ảnh thứ hai khắc tại vì nách phía ngoài là hình ảnh chèo thuyền, nhưng điều đặc biệt là chỉ có mái chèo mà không có người. Trò chơi này thường diễn ra tại đình Hoành Sơn vào lễ Kỳ phúc (tháng 2 âm lịch) và được học giả người Pháp Hippolyte Le Bretonmô tả khá tỷ mỉ trong cuốn “An Tĩnh Cổ lục” như sau“mỗi lần đua chỉ hai thuyền, một thuyền 12 nam, một thuyền 12 nữ. Mỗi thuyền chịu lệnh của một ông “trưởng”, ngồi đầu mũi, quay mặt về phía người chèo vung tay từ phải sang trái và ngược lại, để bắt nhịp vào động tác các tay chèo theo giọng “khoan, hò khoan” mỗi lần tay chèo chạm nước”[ii]. Ngoài ra, tại đình Hoành Sơn còn nhiều mảng chạm khắc thể hiện các trò chơi dân gian như đánh trống, múa... mỗi người một tư thế, một dáng vẻ hết sức sinh động.
2. Các hình ảnh phản ánh ước mơ, khát vọng của dân làng
Nông thôn Nghệ An lúc bấy giờ cũng như nhiều làng quê khác, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vì chưa chế ngự được tự nhiên nên họ tôn sùng các lực lượng siêu nhiên, xem đó như những vị thần tối cao có quyền năng siêu phàm như thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió... và họ gửi gắm niềm tin vào các vị thần ấy bằng những biểu tượng phong phú.
Cảnh Hồ Phù ọe mặt trăng
Đó là hình tượng Hổ Phù ngậm mặt trăng hay nói đúng hơn là “ọe mặt trăng” là một biểu tượng cầu mùa, cầu no đủ, ấm no. Bởi vì, theo điển tích về Hổ Phù, nếu con Hổ Phù nuốt hết mặt trăng thì năm đó sẽ mất mùa to hoặc có chiến tranh nhưng nếu Hổ Phù không nuốt nổi mặt trăng mà phải “ọe ra” thì năm đó dân được mùa lớn, cuộc sống sung túc, ấm no. Hình ảnh này xuất hiện ở khá nhiều đình làng như đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên, đình Cháy, đình Trụ Pháp...
Hay là hình tượng “Phượng hàm thư”. Phượngvốn làlinh vậtnằm trong nhóm “Tứ linh” (Long, Ly, Quy, Phượng)theoquan niệm truyền thốngcủa người phương Đông. Với đặc điểm mỏ diều hâu, mắt giọt lệ, tóc trĩ, cổ rắn, vẩy cá chép, mình chim, đuôi công, chân hạc, móng chim ưng… Phượng được coi là loài chim tiên. Đầu đội đức hạnh, vai mang công lý, cánh là gió, lông là cây cỏ, đuôi là tinh tú, chân là đất nên Phượng là biểu tượng cho vũ trụ. Về mặt nhận thức dân gian thì Phượng là tượng trưng cho cõi tiên, cho thánh nhân, cho trí tuệ, cho sự khoan dung.Hình ảnh “Phượng hàm thư”muốn nói lên khát vọng chinh phục tri thức, học hành, khoa cử, với hàm ý “phi trí bất hưng”. Vì thế, hình tượng “Phượng hàm thư” như một biểu tượng vềđức trí của người quân tử, đồng thời giáo dục, khích lệ con em chăm lo đèn sách. Hình tượng này xuất hiện rất nhiều ở các đình làng như đình Đông Viên, đình Hoành Sơn, đình Cháy, đình Trụ Pháp...
Ngoài những mong ước về mùa màng bội thu, về con đường công danh, sự nghiệp, nông dân Nghệ An còn có những mong ước hết sức đời thường, giản dị. Ở nhiều ngôi đình khắc họa đề tài “tiên đánh cờ” như đình Hoành Sơn, đình Đông Viên: bàn cờ được chia làm hai quân rõ ràng, có hình ảnh ba người xoay quanh bàn cờ (đình Đông Viên), có hình ảnh hai người ở bàn cờ và nhiều người ở phía dưới nhìn lên xem (đình Hoành Sơn). Đánh cờ là trò chơi dân gian khá phổ biến trong các dịp hội làng với nhiều hình thức như cờ người, cờ tướng... Tuy nhiên, trò chơi dân gian của những người “chân đất, mắt toét” này khi khắc họa tại các đình làng lại được nâng tầm lên thành “tiên đánh cờ”. Đó là ước mơ của những người nông dân về một cuộc sống an lành, nhàn tản nhưng cũng rất đỗi thanh tao.
Cũng thể hiện mơ ước đó, mặt trước của cốn phải của đình Đông Viên chạm hình đôi ngựa đang phi trong mây. Đôi ngựa được chạm trổ khá tinh tế với dáng vẻ uyển chuyển, mềm mại, bay bổng và tình tứ. Ngựa là con vật có thật trong thực tế, gắn bó với người dân nhưng nó đã được dân gian linh thiêng hóa, tạo cho nó một quyền năng nhất định. Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng “Hươu và Ngựa vốn ở đồng cỏ, trong tâm thức cổ truyền, khi con vật có bộ lông màu lửa này lướt chạy, người ta nghĩ nó như biểu tượng của ánh sáng, dần dần nó được coi như con vật cõng mặt trời chuyển động”[iii]. Kẻ phía ngoài ở gian thứ 4 ở đình Hoành Sơn lại khắc họa hình ảnh những con thú nằm nhởn nhơ, vui đùa. Thú được tạo hình rất sống động, vừa thực vừa ảo. Những con thú ấy trở thành biểu tượng, đại diện cho những linh vật ở tầng trời.
Đặc biệt, ở vì nách của đình Hoành Sơn khắc họa một điển tích khá thú vị là “Đại Thánh phá trời”. Đó là hình ảnh Tôn Ngộ Không một mình cưỡi mây đánh nhau với các tướng ở Thiên đình. Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến khát vọng chinh phục tự nhiên của những người nông dân cần cù, chân chất nhưng cũng rất quả cảm, kiên cường.
Có thể thấy, mỗi đề tài chạm khắc là một câu chuyện khá thú vị về đời sống xã hội của nông thôn Nghệ An dưới thời Lê Trung hưng - thời kỳ được coi là nhiều biến động, nhiễu nhương. Nhưng dường như, sự biến động ấy không hoặc ít làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân bên trong lũy tre làng. Họ vẫn lao động, sản xuất, vẫn vui chơi, giải trí và vẫn ươm mầm cho những ước mơ về công danh, sự nghiệp.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511017
216
2359
21391
217890
121356
114511017