Đất Nghệ

Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu: Còn nhiều vấn đề nan giải

     

Lễ hội đón Tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu

Dân tộc Ơ Đu là dân tộc có dân số ít nhất nhì của Việt Nam và chỉ cư trú tại huyện Tương Dương. Dân số quá ít nên tộc người Ơ đu có nguy cơ bị đồng hóa rất cao. Trong nhiều năm qua, người Ơ Đu nhận được nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cho đến nay, việc hỗ trợ phát triển vẫn gặp nhiều vấn đề nan giải, đe dọa đến sự tồn vong của tộc người này

         Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, tính đến cuối năm 2015, dân tộc Ơ Đu có 178 hộ gia đình với 856 nhân khẩu. Do dân số ít, sinh sống xen kẽ vào các cộng đồng tộc người lớn hơn nên gần như người Ơ Đu đang bị đồng hóa một cách toàn diện. Xét về mọi mặt, người Ơ Đu còn gặp nhiều khó khăn hơn so với các cộng đồng xung quanh trong quá trình phát triển. Chính vì vậy, từ năm 2006, Nhà nước đã có chính sách đặc biệt dành riêng cho họ, đó là Đề án Hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2006-2010 với kinh phí là 4 tỷ đồng. Sau khi dự án kết thúc, đời sống kinh tế và cơ sở hạ tầng của người dân có khá hơn chút. Nhưng sự mai một về văn hóa thì vẫn luôn đe dọa cộng đồng này. Đến năm 2017, để góp phần hỗ trợ phát triển cho tộc người đặc biệt này, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 với kinh phí lên đến 120 tỷ đồng (gấp 30 lần so với đề án trước đó). Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu. Cố gắng để đến năm 2025, đời sống của người Ơ Đu theo kịp được các cộng đồng xung quanh(1). Trong bối cảnh nền kinh tế Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn thì đây là một nỗ lực không nhỏ mà địa phương dành cho cộng đồng dân tộc đặc biệt ít người này. Dù đề án được xây dựng khá cụ thể và cố gắng bao quát nhiều lĩnh vực của cuộc sống để tăng cường hỗ trợ phát triển cho người dân nhưng vẫn không tránh khỏi những vấn đề nan giải mà nhiều khi vượt ra ngoài tầm với của những người xây dựng chính sách. Vậy nên, sau vài năm thực hiện, Đề án hỗ trợ dân tộc Ơ Đu dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng cũng thể hiện nhiều hạn chế do gặp phải nhiều vấn đề nan giải.

         Trước hết, đó là sự biến đổi trong không gian cư trú làm cho vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống, chống nguy cơ đồng hóa người Ơ Đu càng khó khăn hơn. Trước đây, người Ơ Đu tuy ít nhưng sống khá tập trung ở hai bản Xốp Pột (xã Kim Hòa) và Coom (xã Kim Đa). Nhưng từ năm 2004, người Ơ Đu bị phân tán ra nhiều nơi do chính sách di dân khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hầu hết tản ra sinh sống xen kẽ với các cộng đồng khác ở các xã khác nhau trong huyện Tương Dương. Cụ thể, có 94 hộ về khu tái định cư ở xã Nga My, 45 hộ về xã Lượng Minh, 12 hộ về xã Xá Lượng, 8 hộ về xã Tam Đình, 5 hộ về xã Thạch Giám và một số người đã kết hôn với người Thái và di cư xuống vùng Thanh Chương. Hiện nay, người Ơ Đu tập trung đông nhất ở 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh). Vốn ít người lại sống phân tán rải rác nên việc đồng hóa văn hóa trong tộc người này lại càng mạnh mẽ hơn. Sự thay đổi không gian xã hội cũng làm cho các chính sách hỗ trợ bị xé nhỏ và khó đạt được hiệu quả của nó. Đáng ra, ngay từ đầu khi có kế hoạch di dân đối với những cộng đồng đặc biệt này cần có chính sách phù hợp, đảm bảo sự tập trung dân cư trong bối cảnh không gian xã hội nhất định để có thể thực hiện các dự án hỗ trợ hợp lý và hiệu quả. Còn hiện nay, sự phân tán rải rác ra nhiều địa phương khác nhau cũng làm cho việc thực hiện chính sách thêm phần khó khăn hơn.

 

        Thứ hai là cơ sở khoa học cho việc nhận thức và thực hiện đề án còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, có rất ít các nghiên cứu khoa học khách quan và nghiêm túc về người Ơ Đu. Nhiều vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng từ nguồn gốc lịch sử, quan hệ tộc người lẫn sự biến đổi văn hóa trong quá trình lịch sử của cộng đồng này còn chưa được làm rõ. Theo một số tài liệu nghiên cứu thì trước đây, người Ơ Đu đã có trình độ phát triển khá cao, không thua kém mấy các dân tộc khác, nhưng sau đó do chiến tranh loạn lạc mà họ ly tán và dần trở nên yếu thế hơn, bị người Thái trong vùng coi là “cuông, nhóc”, là lớp thấp kém, rách rưới trong xã hội(2). Họ cũng có mối quan hệ với người Tày Hạt ở Lào và được xem là đồng tộc. Nhưng quá trình di cư và mối quan hệ thế nào thì vẫn còn chưa rõ ràng. Đặc biệt, vẫn còn thiếu những nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa truyền thống của người Ơ Đu và sự biến đổi văn hóa của họ trong quá trình lịch sử. Cái nguyên gốc của họ như thế nào và những yếu tố nào họ tiếp thu của các nhóm khác… Do thiếu những cơ sở khoa học như vậy nên việc thực hiện đề án cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Ơ Đu hiện nay.

        Trong bối cảnh nhận thức về người Ơ Đu còn chưa đầy đủ thì công tác nghiên cứu để phục vụ đề án lại vô cùng hạn chế. Theo ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh thì trong quá trình thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn và còn nhiều tranh cãi về những vấn đề liên quan đến nhận thức về dân tộc Ơ Đu, nhưng do không có nhiều kinh phí để thực hiện công tác nghiên cứu nên đành chấp nhận. Trong khi đó, các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án phát triển thực hiện ở các khu vực, các nước chậm phát triển đã chứng minh vai trò quan trọng của các nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng và thực hiện đề án phát triển. Công tác nghiên cứu phải đi trước để khảo sát nhằm xây dựng nội dung đề án sao cho phù hợp và cách thức thực hiện sao cho hiệu quả. Rồi đội ngũ nghiên cứu cũng phải đồng hành với những người thực hiện. Và qua các giai đoạn, công tác nghiên cứu phải theo sát, đánh giá tình hình để có những kiến nghị, trao đổi khi xuất hiện những vấn đề không hợp lý để dừng lại hoặc thay đổi nội dung dự án hoặc cách thức thực hiện. Nhưng trường hợp đề án hỗ trợ phát triển dân tộc Ơ Đu thì thiếu hẳn công tác nghiên cứu. Nó cũng làm cho những người thực hiện không hình dung được hết về tác động của đề án với đời sống người dân. Nhưng để khắc phục vấn đề này không dễ. Nó không chỉ là vấn đề tài chính mà còn liên quan đến việc tìm kiếm các chuyên gia tâm huyết và nghiêm túc, vốn chẳng dễ gì trong bối cảnh hiện tại của địa phương.

          Một vấn đề quan trọng nữa là quan điểm hỗ trợ đầu tư khi xây dựng dự án vẫn còn quá coi nặng yếu tố vật chất và xem kinh tế là chìa khóa để giải quyết các vấn đề còn lại. Theo đó, với nguồn kinh phí 120 tỷ đồng sẽ được phân bố cho các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng 50 tỷ, hỗ trợ sản xuất 30 tỷ, hỗ trợ văn hóa 20 tỷ, hỗ trợ giáo dục 18 tỷ, các chi phí khác 2 tỷ. Xây dựng và giải ngân hàng năm với các hạng mục nhất định. Như năm 2019, tập trung hỗ trợ điều kiện phát triển sản xuất như hỗ trợ khai khẩn đất đai, xây dựng chuồng trại, cung cấp con giống, vốn và tập huấn để nâng cao kiến thức; hỗ trợ bảo tồn văn hóa qua việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà cộng đồng và tổ chức truyền dạy một số giá trị văn hóa Ơ Đu; hỗ trợ đào tạo cán bộ…. mỗi hạng mục đều được phân bổ nguồn kinh phí và có những người phụ trách đứng ra thực hiện. Trên quan điểm tìm kiếm nguồn kinh phí để đầu tư vật chất cho các hoạt động nhằm nâng cao đời sống người dân qua việc phát triển kinh tế. Đúng là không thể phủ nhận vai trò của phát triển kinh tế đối với sự phát triển của một cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng đang gặp khó khăn trong phát triển như người Ơ Đu. Hỗ trợ phát triển kinh tế là điều kiện cần thiết để cải thiện đời sống vật chất cho người dân. Nhưng cũng phải nhận thức rằng, kinh tế không phải là chìa khóa vạn năng để giải quyết các vấn đề khác, nhất là các vấn đề văn hóa, xã hội. Và không phải cứ đổ nhiều tiền vào thì có thể phát triển kinh tế một cách bền vững được. Có kinh phí chúng ta có thể xây nhà văn hóa, mua trang thiết bị, công cụ, nhạc cụ, trang phục, nhưng khó khăn ở chỗ làm sao để người dân yêu thích, học tập và sử dụng được hết các trang bị này trong cuộc sống sau khi đề án kết thúc. Vậy nên, ở nhiều khía cạnh, tiền chưa chắc đã giải quyết được mọi vấn đề. Bằng chứng là ở nhiều cộng đồng, người dân càng thiếu ý thức lao động, thiếu tinh thần trách nhiệm do họ nhận được quá nhiều hỗ trợ từ Nhà nước. Đương nhiên, chúng ta không thể nói suông mà không có đầu tư để phát triển. Nhưng phát triển và tăng trưởng kinh tế là hai câu chuyện khác nhau. Với người Ơ Đu, cái quan trọng là phát hiện được nội lực của họ và có biện pháp để phát huy nguồn nội lực đó vào quá trình phát triển của chính họ. Qua những cuộc khảo sát thực địa, chúng tôi thấy chỉ số lao động của người Ơ Đu thường thấp hơn các cộng đồng sống bên cạnh. Nhiều khi, họ còn bị các cộng đồng khác cho là lười nhác. Trong điều kiện đó, nếu chỉ đầu tư ngoại lực mà không tìm ra và phát huy được nội lực thì không chỉ không giải quyết được việc bị đồng hóa văn hóa mà còn đẩy người dân vào sự tha hóa con người. Điều này sẽ đi ngược lại mục tiêu của đề án đặt ra.

         Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 thực chất mới đi qua 1/3 chặng đường. Về cơ bản, đề án đã đạt được một số kết quả nhất định, dễ nhìn thấy như cơ sở vật chất hạ tầng, đời sống kinh tế. Người dân bước đầu có được những điều kiện để cải thiện đời sống của mình. Tuy nhiên, trong một chiến lược dài hạn, nhất là sau khi kết thúc dự án thì cuộc sống của họ có bền vững không vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời. Có nhiều thách thức, trong đó là thiếu một chiến lược phát triển dài hạn và bền vững cho cộng đồng này ngay từ đầu. Sau khi phân tán ra thành các nhóm nhỏ ở các địa phương khác nhau do xây dựng thủy điện thì việc thực hiện các đề án càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về cơ sở khoa học, về công tác nghiên cứu khoa học trước, trong và sau đề án cũng như sự tư duy về phát triển bền vững cho nhóm tộc người đặc biệt này. Đó là những vấn đề nan giải hiện nay. Để phần nào khắc phục những hạn chế này thì thiết nghĩ cần phải làm sao để chính những người dân chủ thể có đủ nội lực và làm chủ quá trình phát triển của chính mình. Tức là không phải Nhà nước hay địa phương đi phát triển giúp người Ơ Đu mà phải để chính họ thực hiện. Để làm điều đó, các nhà quản lý cần phải hợp tác với các nhà nghiên cứu, các nhà phát triển để giúp người dân phát huy được nội lực của mình./.

 

Chú thích:

1. Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đủ ở tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025, được phê duyệt theo Quyết định số 3829/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An ngày 22 tháng 8 năm 2017.

2. Nguyễn Đình Lộc (2009): Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Nxb Nghệ An. Trang 91-93.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114442650

Hôm nay

2164

Hôm qua

2299

Tuần này

2463

Tháng này

217824

Tháng qua

112676

Tất cả

114442650