Xứ Nghệ ngày nay

Thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ theo Di chúc Bác Hồ

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An trao bằng khen cho các tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện CT 05 CT/TW học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

     Khi sửa Di chúc năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành riêng một đoạn để nói về phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An đã rất quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ và phụ nữ Nghệ An cũng đã nỗ lực vươn lên để khẳng định mình. Những việc làm đó cũng nhằm thực hiện quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ.

     Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nữ

     Từ Bí thư chi đoàn 5 Nam Lâm, chị Nguyễn Thị Mai Hiên đã được Đảng bộ xã Diễn Lâm (Diễn Châu) bồi dưỡng, đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn. Chị được địa phương cử đi học Trung cấp lý luận chính trị và Quản lý nhà nước. Từng tốt nghiệp ngành Luật, lại năng nổ, nhiệt huyết trong các phong trào đoàn tại địa phương, môi trường công tác thuận lợi nên năng lực của chị ngày càng phát huy. Năm 2015, chị  Mai Hiên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Diễn Lâm. Từ đó đến nay, chị đã dẫn dắt hoạt động của Hội Phụ nữ xã ngày càng phát triển, nhiều phong trào trở thành điển hình ở Diễn Châu, như: Phụ nữ 5 không 3 sạch, phụ nữ chung tay xây dựng NTM, xóa nghèo trong hội viên… Cũng ở Diễn Châu, xã Diễn Tháp hiện là địa phương có tỷ lệ cán bộ nữ cao nhất của huyện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, theo dõi dìu dắt cán bộ nữ phát triển là một nội dung được cấp ủy, chính quyền xã  Diễn Tháp đặc biệt quan tâm. 100% cán bộ nữ của xã đều được chuẩn hóa trình độ chuyên môn cũng như lý luận chính trị. Nhiệm kỳ 2015-2020, Diễn Tháp có đến 9/15 (= 60%) Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, 3/5 (60%) Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã là nữ, và Chủ tịch UBND xã do nữ đảm nhiệm… Chính nhờ công tác phát hiện, bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất cán bộ nữ mà hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng ở Diễn Châu đạt trên 19%, gần 18% nữ tham gia HĐND các cấp, gần 5% nữ là lãnh đạo chủ chốt của các phòng, ban, ngành, UBND các cấp….

 

Nhiều nữ đoàn viên công đoàn ngành Văn hóa là đoàn viên tiêu biểu trong phong trào lao động sáng tạo giai đoạn 2016-2018. Ảnh Thúy Hoa

     Nhằm tạo điều kiện cho nữ giới có đủ phẩm chất, năng lực tham gia vào các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể từ huyện xuống cơ sở, huyện Quỳnh Lưu đã có nhiều chủ trương, biện pháp để nâng cao tỷ lệ, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nữ, trẻ. Chẳng hạn, thường xuyên cắt cử đi nữ cán bộ đi đào tạo để chuẩn hóa trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Song song với đó, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nguồn là nữ từ xã, các tổ chức đoàn thể sau đó cử đi đào tạo để không làm hụt nguồn cán bộ nữ khi cần thay thế. Huyện cũng thường xuyên giao nhiệm vụ cho cán bộ nữ đi cơ sở, phụ trách địa bàn để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm hoạt động. Hiện, toàn huyện Quỳnh Lưu có 255 cán bộ công chức nữ. Trong đó, cấp huyện có 45 người, chiếm tỷ lệ gần 30%, cấp xã 210 người đạt tỷ lệ 28,4%. Tỷ lệ cán bộ công chức nữ trong cơ cấu cấp ủy và lãnh đạo chính quyền ngày càng tăng. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cơ sở đạt 21,8%, tăng 4,5% so với nhiệm kỳ trước.

    Việc quan tâm, phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, nguồn nhân lực cán bộ nữ luôn được Nghệ An xác định là nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch nguồn cán bộ các cấp, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; Thực hiện các chương trình học bổng hỗ trợ phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ, ưu tiên phụ nữ nông thôn và vùng dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, trong số người có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân của tỉnh hiện có, nữ chiếm tỷ lệ tương ứng là: 16.6% (108/649), 48,5% (1.497/3.088) và 49,3% (65.801/133.336). Nghệ An cũng là tỉnh có tỷ lệ nữ tham gia vào công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, giữ trọng trách trong một số cơ quan, đơn vị khá cao: Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện đạt 16,66%, ở xã đạt 20,6%; Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV chiếm 30,8%; Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh, huyện, xã tương ứng là: 27,5%, 29,2% và 28,1%. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, huyện, xã là nữ chiếm tỷ lệ tương ứng là: 58,8%, 37,1% và 33,9%.

    Tất cả những điều đó chứng tỏ cấp ủy, chính quyền các cấp ở Nghệ An đã thực sự quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ, tạo điều kiện để họ phấn đấu, cống hiến, đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước,...

     Phụ nữ vươn lên khẳng định mình

     Những con số nêu trên cũng cho thấy sự vươn lên trong mọi lĩnh vực để khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và những đóng góp của phụ nữ. Con số 108 nữ tiến sỹ, 1.497 nữ thạc sỹ và gần 66.000 nữ cử nhân trong toàn tỉnh thể hiện sự vươn lên trong nghiên cứu khoa học, làm chủ tri thức, phục vụ công tác chuyên môn của nữ CB,CC,VC. Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh, nữ chiếm gần 60%. Điều đó thể hiện, cùng với thiên chức “người vợ hiền, người mẹ tốt, người dâu thảo” trong gia đình, những người phụ nữ ấy cũng đảm nhất tốt vai trò lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị. Và tất cả những điều đó cũng cho thấy quyền bình đẳng của phụ nữ ngày càng được đảm bảo.

Vừa khẳng định mình trong sự nghiệp, trong cuộc sống, phụ nữ Nghệ An hôm nay cũng rất tích cực tham gia các hoạt động VHTT

     Chị em phụ nữ nông thôn trong tỉnh cũng đã biết vươn lên để tự khẳng định mình trong gia đình và ngoài xã hội. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. Hiện toàn tỉnh có gần 500 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm trên 20% tổng số doanh nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra còn một bộ phận khá lớn phụ nữ tham gia trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở quy mô nhỏ với vai trò là chủ trang trại, tổ hợp sản xuất, chủ cửa hàng... Chị em đã thể hiện bản lĩnh trong tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Tiêu biểu có chị Võ Thị Năm (Khối 4, Nghi Thủy, Cửa Lò), từ một nhân viên làm thuê, khi có kinh nghiệm, chị đã mạnh dạn tách làm riêng. Ban đầu chỉ là một cửa hàng nhỏ, về sau, chị mở rộng quy mô, lập nên cơ sở chế biến thủy, hải sản tạo công ăn việc làm cho 30 chị em phụ nữ trong vùng với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/tháng. Hay chị Trần Thị Luyến (xóm Chiến Thắng, Diễn Bích, Diễn Châu) là chủ cơ sở phục vụ hậu cần nghề cá, sản xuất đá lạnh, kho cấp đông đã  tạo công ăn việc làm cho trên 60 chị em phụ nữ trong vùng với thu nhập bình quên trên 4,5 triệu đồng/tháng;...

     Phụ nữ Nghệ An cũng trăn trở, đề xuất những ý tưởng, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm 2018, trong số 43 ý tưởng của nữ giới tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” tại tỉnh, có 05 ý tưởng xuất sắc được Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao Giấy chứng nhận. Đặc biệt ý tưởng thành lập “Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Hoa Ban xanh” của Phụ nữ huyện Kỳ Sơn đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” tại Trung ương Hội LHPN Việt Nam.

     Nhiều phong trào thi đua trong nữ giới được phát động, như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ CB,CC,VC; Xây dựng gia đình 4 chuẩn mực “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”,… trong phụ nữ ở nông thôn,... đã huy động được mọi nguồn lực, thế mạnh của phụ nữ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, rèn luyện các phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong các tầng lớp phụ nữ; xây dựng hình ảnh đẹp về người phụ nữ sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

     Những kết quả đạt được trong công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ và những nỗ lực vươn lên của bản thân người phụ nữ trong thời gian qua đã góp phần thực hiện quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ theo Di chúc Bác Hồ. Đó cũng là tiền đề để phụ nữ Nghệ An tiếp tục thi đua học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp sức mình xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh khá của miền Bắc như mong muốn của Bác.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528577

Hôm nay

2233

Hôm qua

2291

Tuần này

2850

Tháng này

215273

Tháng qua

0

Tất cả

114528577