Văn hoá học đường
Những món quà dễ thương của học trò
Những món quà dễ thương từ học trò
Hằng năm, cứ đến ngày lễ 20/11, Tết cổ truyền, bế giảng là tôi nhận được nhiều món quà ý nghĩa của học trò tặng mình. Dù nó không có giá trị vật chất, nhưng nói về giá trị tinh thần thì có vàng ròng cũng không mua được. Bởi đó là những món quà do chính tay các em tỉ mỉ làm ra, chất chứa biết bao nhiêu tình cảm trong đó. Nên tôi luôn trang trọng đặt vào trong tủ kính, thỉnh thoảng mang ra xem để nhớ học trò mình. Nhất là những em đã rời xa mái trường phổ thông, bước vào cánh cửa đại học vững chãi.
Phải công nhận, ngoài việc học, các em còn có nhiều tài lẻ như vẽ, thiết kế, làm thơ, viết văn... Bằng chứng là món quà nào cũng đẹp, bắt mắt, ý nghĩa, tâm lý. Biết tôi dạy môn tin học, các em mua bìa giấy cứng về làm một phòng học vi tính mô hình y như thật, có cả tôi đứng trên bục giảng. Những bức tranh các em vẽ hình tôi theo kiểu biếm họa trông ngộ nghĩnh làm sao. Dù đang bực mình nhưng xem tranh là tôi cười ngay, quên hết buồn phiền. Lại có những tấm thiệp chúc Tết cổ truyền theo dạng “handmade” rất ấn tượng. Trí tưởng tượng, sáng tạo của học trò thật phong phú. Chúng biết phối màu sao cho ăn ý, viết chữ thư pháp cũng rồng bay phượng múa như ông đồ, còn sáng tác bốn câu thơ lục bát dễ thương: “Cảm ơn thầy giáo ai-ti (IT: công nghệ thông tin)/Ban em tri thức rất chi đủ đầy/Dù cho xa mái trường này/Lòng em vẫn nhớ ơn thầy, thầy ơi!”. Ngoài ra các em còn dùng dây ruy-băng thắt hình quả tim, viền bút rất khéo léo.
Tôi nhớ có lần cuối năm học, một học sinh lớp 12 mang đến cho tôi bì thư. Vốn dĩ nhạy cảm vấn đề này, tôi khoát tay từ chối thẳng: “Em mang về đi, thầy không nhận phong bì, tiền bạc đâu. Thầy cấm lần sau em không được làm thế”. Thoáng chút buồn, học trò cố giải thích: “Thầy ơi, thầy hiểu lầm em rồi. Đây là lá thư em viết gửi tặng thầy thôi mà. Em sắp chia tay ngôi trường này rồi nên em muốn để lại chút kỷ niệm”. Nhét bì thư vào tay, cậu học trò biến mất sau dãy hành lang. Không đợi đến khi về nhà, tôi mở cánh thư ra và đọc tại chỗ. Hóa ra thằng bé muốn xin lỗi tôi về chuyện năm lớp 10 đã ngỗ ngược đứng cãi tay đôi khi cho rằng tôi dạy vi tính quá chán, quá buồn ngủ. Thật sự lúc đó tôi rất giận em, nhưng về nghĩ lại thấy mình cũng khô khốc thật. Từ đấy tôi thay đổi cách dạy, trau dồi thêm “kỹ năng mềm” để hiểu rõ học sinh muốn gì và phong cách dạy phải như thế nào. Tái bút, thằng nhóc có chút “phê bình” hài hước là tôi cần phải... thường xuyên tặng quà cho học trò để: “chúng em mới có động lực phấn đấu học tập”. Tôi nói thầm trong miệng: “Ừ, thầy sẽ thường xuyên tặng các em nhiều bài tập trắc nghiệm để các em giỏi vi tính”.
Có nhận được những món quà đáng yêu như thế này mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học trò đối với mình là như thế nào. Qua đó tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy cho những lớp sau. Và với việc nhận quà tượng trưng từ học sinh, tôi nhận ra rằng, các em tiếp thu các môn học rất hiệu quả. Bởi nhờ những môn học ở trường mà các em ứng dụng vào thực hành, sáng tạo nhiều thứ quá ý nghĩa, “độc”, lạ, đẹp hơn cả người ta bày bán ở cửa hàng.
------------------------------------------
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Sẽ có nghị định mới về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515347
225
2367
2948
213286
121009
114515347