Văn hoá học đường
Cần thoát khỏi giáo dục giá rẻ
Câu chuyện dạy và học ở bậc phổ thông, là một câu chuyện dài, với rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng dù bất luận như thế nào, rõ ràng ở bậc học này, học sinh cần được học tập và rèn luyện, nhằm có được một thể chất và tinh thần tốt nhất có thể, theo các tiêu chí của xã hội. Có thể nói giai đoạn này, là giai đoạn quan trọng nhất, trong cuộc đời mỗi học sinh, bởi nó định hình tương lai con người họ, mà vai trò của thầy, của lớp học, là những tham số chính. Những giờ học sinh động, những cái nhìn mới lạ, trong cái không gian - thầy trò cùng hoạt động tích cực và cởi mở, sẽ để lại những dấu ấn khó phai mờ, trong suốt cuộc đời họ.
Những giờ học ấn tượng
Xin được trở về với một vài kỷ niệm. Ở một lớp 3 xa xưa, trong một bài tập đọc có từ “nhà nước”, một bạn tôi, đã bất ngờ đứng lên - thưa cô: Nước nó làm gì có Nhà hả cô! Hay trong một tiết Hình học lớp 6, đột nhiên một trò hỏi thầy: Hình tam giác mà thầy vừa vẽ trên bảng, có phải là cái tam giác mà Hình học đã định nghĩa không? Rồi tại một giờ học Sử, cô đang lên án xã hội phong kiến, trò ngắt lời thưa - trải qua xã hội phong kiến là tất yếu của loài người, thì sao lại lên án nó? Và hấp dẫn biết bao, những buổi luyện giải toán của thầy dạy lớp 7, vốn là một người giỏi và đam mê toán học, thường dạy “không có giáo án”, và dường như ông ít phải đụng tay, vì lũ học trò đua nhau giải. Rồi một lần gặp một bài tập Hình quá khó, trò không ai giải được. Thế là thầy phải giải! Có lẽ lúc đó thầy mới giải, mặc dù vẽ thêm các đường phụ, nhưng đều bế tắc, còn lũ trò thì tranh nhau nói đế lên, hồi hộp theo dõi thầy giải. Cuối cùng thầy đã đưa ra lời giải, trong cảnh - lưng đẫm mồ hôi, vui mừng - đỏ mặt nhìn trò.
Nhưng có sao đâu, với tôi, đó là một buổi học hấp dẫn nhất. Vì được tận mắt chứng kiến thầy mình trực tiếp giải một bài toán khó, mà không hề chuẩn bị trước. Bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, một cơ hội học tập hiếm hoi đối với chúng tôi. Còn những câu hỏi - ngạc nhiên và thú vị kia, ắt hẳn phải ở trong những giờ học cởi mở, khơi dậy và nuôi dưỡng những tâm hồn khỏe khoắn, mới có thể được nảy nở. Rằng đó là những tiết học, không những thu lượm được những kiến thức sinh động, mà còn được “khám phá” lẫn nhau. Và còn biết bao giờ học khác, như đã in đậm vào ký ức chúng tôi không bao giờ phai.
Lớp học, hàng nghìn năm qua, không chỉ là nơi dạy và học đơn thuần, mà còn là nơi, phát hiện và nuôi dưỡng sở trường, khắc phục sở đoản của người học, cũng như làm cho người học biết mình, biết bạn. Một câu thơ, một đoạn văn, hay một khái niệm khoa học, sẽ được người học, hiểu ở rất nhiều mức độ khác nhau, cũng như những nhìn nhận khác nhau. Chính điều này, không những đã góp phần làm nên sức sống, sức hấp dẫn - nơi lớp học, mà còn thúc đẩy sự nỗ lực của thầy và trò.
Đòi hỏi về người thầy
Thử hỏi với cách học thực dụng - ứng thi, cách dạy theo kiểu diễn, hay nhồi nhét, áp đặt, thì những giờ học sinh động như trên liệu có còn không? Rõ ràng nghề dạy học, nếu xét về bản chất, thì đó là một nghề hết sức phong phú và hấp dẫn. Đó càng không phải là nghề “diễn”, người thầy luôn phải đối mặt với những tình huống bất ngờ - sinh động. Và nhất định không thể là “cơm chấm cơm”, thầy cần phải “biết mười dạy một”, không những thế còn phải giỏi, linh hoạt, có tư tưởng tự do - tiến bộ, để có thể đánh giá khách quan, trước những nhận thức rất đa dạng của trò.
Bất cứ môn học nào, người thầy cũng đều phải làm cái việc truyền tải những tư tưởng của nhân loại, vốn là việc không bao giờ dễ dàng. Tư tưởng nào cũng vốn thâm sâu, vì thế nếu một người không yêu thích nó, đắm chìm suy nghĩ về nó, ngay từ lúc còn đang đi học, thì e rằng khó mà thấu hiểu. Bởi vậy một điều kiện tiên quyết - không thể thiếu, là người thầy cần phải yêu cái môn học mà mình sẽ dạy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu không, sẽ rất thiếu vắng cảm xúc khi dạy môn học đó, cũng như khó nói đến chuyện yêu nghề.
Người thầy trước học trò, dường như phải truyền đạt những tri thức, những thông điệp, những trải nghiệm, đã được chắt lọc, những thứ mà họ đã từng suy ngẫm, trăn trở. Bởi vậy, họ rất cần có tâm tĩnh, và những suy nghĩ sáng suốt, sâu sắc. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi sơ suất, giáo điều, hay hời hợt, nông cạn. Vì thế, họ cũng là những người, mang những nét đặc trưng riêng, trong văn hóa và tính cách, tạo nên hình ảnh riêng, những phẩm chất tương thích với nghề nghiệp của mình.
Mùa xuân năm 1994, trên một chuyến tàu chậm - vắng khách, ghế đã cũ, từ Rome đến Triest, Ý, mặc dù vẫn mải ngắm những miền hoa - cỏ lạ, tôi vẫn nhận ra cách tôi hai hàng ghế, một người đàn ông mặc áo vest cũ chân đi giày cũ, đang cặm cụi đọc và viết trên chiếc bàn chung giữa hai hàng ghế đối diện. Bởi một hình ảnh tuy ở phương trời xa, nhưng lại rất đỗi thân quen, khiến tôi tò mò - đứng dậy, chậm rãi đi qua chỗ đó, và nhận ra người hành khách kia, đang chấm một tập bài môn Vật lý của học sinh phổ thông. Và ngay lập tức những hình ảnh thân thương của các thầy tôi, trong ký ức của tuổi trẻ vụt hiện về. Thậm chí, còn cảm thấy ông, rất giống với một thầy dạy Vật lý của tôi khi xưa.
Nhân loại sinh ra vốn nhiều nghề, mà mỗi nghề đều có những đặc trưng nghề nghiệp của nó. Đó có thể phù hợp với người này, nhưng không phù hợp với người kia. Cổ nhân đã dạy “có chí làm quan, có gan làm giàu”. Như vậy một cá nhân chí vừa phải, cũng như không dám mạo hiểm, hay cần sự yên ổn - ít “sóng gió”, mà đặt ra chuyện làm quan, chuyện làm giàu, nghe chừng có phần viển vông, không thực tế. Và phải chăng chí hướng “làm quan”, khát vọng “làm giàu”, đành rằng rất đáng quý - theo cái nghĩa chân chính nhất của nó, nhưng theo truyền thống và đạo lý thông thường, trong một xã hội lành mạnh, với nhiều lí do khác nhau, điều này lại ít thấy xuất hiện ở những người yêu nghề dạy học.
Người muốn dấn thân, vào nghề dạy học, cũng cần phải được xác định trước cái nghiệp này, và tự làm “nguôi dần” cái khao khát “quan trường” cũng như sự “giàu có”, vốn cũng là những dục vọng bản năng của loài người. Và điều không thể thiếu, họ phải tìm thấy cái hạnh phúc trong đam mê sáng tạo chuyên môn nghề nghiệp của mình, cũng như tình yêu nghề nghiệp. Tất nhiên, họ cần phải được hưởng một mức sống “trung lưu” trong xã hội. Cùng với đó sự ổn định - bình yên, và được xã hội kính trọng, như truyền thống vốn có của dân tộc và nhân loại.
Những sai lầm tai hại trong dạy và học
Tình trạng các khái niệm khoa học bị “cắt xén” hay “làm nghèo” đi, sao cho dễ dạy, dễ học, cũng như “dung tục hóa” tri thức, cùng với việc học “văn mẫu”, “toán dạng”, chưa kể còn dạy những thứ xa rời bản chất con người, chắc chắn không chỉ làm thui chột khả năng người học, mà còn phá hủy chính nghề nghiệp của thầy. Và với tình trạng này, thì thử hỏi, một bài giảng được gọi là “sáng tạo”, có nghĩa là gì? Vì thế khuynh hướng “cào bằng” các đối tượng, dẫn đến né tránh những vấn đề khó - sâu sắc, bằng nhiều cách biện giải khác nhau, chẳng hạn như “hàn lâm” này nọ…, có lẽ cũng cần phải sớm được làm rõ.
Thông thường bài tập cũng như thực hành ở mỗi môn học, đều nhằm giúp người học hiểu và biết vận dụng lý thuyết đã và đang học. Nhưng vốn đã chủ trương làm nghèo, hay bớt đi nhiều nhất có thể tính “bài bản” của lý thuyết, thì nhất định người ta sẽ cho học sinh, làm những bài tập “trên trời”, nghĩa là chẳng cần hiểu lý thuyết cũng làm được. Và với cách dạy và học như thế, thì dẫu có tốn bao nhiêu công, cũng đều vô ích, nếu không muốn nói, là còn làm hỏng nhận thức của người học. Nguy hại hơn, một khuynh hướng khác, đã và đang xuất hiện, đó là đưa vào sách giáo khoa những kết quả khoa học “mạnh”, mà học sinh chỉ việc công nhận, để sử dụng chúng như một công cụ, chỉ với mục đích - tiện dụng cho việc giải bài tập. Như vậy, người ta đã quên mất, mục đích cuối cùng của việc học sinh giải bài tập là gì!
Cần nhớ rằng, nhân loại, luôn luôn phải nghĩ ra các trò chơi mới cho con trẻ, nhằm giúp chúng rèn luyện - phát triển nhiều mặt. Bây giờ thử hỏi bố mẹ chúng giúp chúng, hay trao cho chúng những “công nghệ”, để chúng dễ dàng “giải mã” - không phải nỗ lực, thì phỏng còn có ích gì? Nhìn cảnh một người đang luyện tập đi bộ hàng ngày 10 km, để nhằm tăng sức khỏe, thì gặp một người quen mời lên xe - chở giúp, để cho nhanh, cho đỡ mệt, chắc chắn không ai nhịn được cười. Nhưng người ta lại chẳng thấy buồn cười, thậm chí còn mất công, mất của, để thuê người, giải bài tập, hay làm văn giúp con mình. Đó chính là một trong những thực trạng bi - hài trong nghiệp dạy trẻ, mà đâu đó đã và đang mắc phải.
Cần từ bỏ giáo dục giá rẻ
Có một sự thực, trong một giai đoạn dài, con người ở mọi ngành nghề, dường như bị sắp đặt thiếu chuẩn xác, từ việc gọi nhập học, đến sắp xếp vị trí công tác. Chưa kể người ta còn không thực sự coi trọng tính hiệu quả, không đòi hỏi gắt gao chuyên môn, đã thế lại mang nặng chủ nghĩa thành tích. Tất nhiên đồng lương rất thấp, thậm chí có thời kỳ còn không đủ sống. Cùng với đó là, những nghịch cảnh trái với đạo lý thông thường, trong sự thăng tiến, trong sự thành đạt. Bởi vậy, cách nhìn nhận và định hướng phấn đấu, vươn đến sự “thành đạt”, ở không ít các vị trí trong xã hội, cũng như các thang bậc giá trị, bị đảo lộn. Bối cảnh đó, không thể không ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, nhà trường khó thoát khỏi “lụy quyền lực”, kể cả “lụy tiền bạc”, làm mất đi sự tôn nghiêm - truyền thống, thậm chí còn “nhếch nhác”. Hạnh phúc nghề nghiệp cũng như sự “thanh cao” cần có của nhà giáo, dường như bị suy giảm. Những lí do trên, chính là nguyên nhân chủ yếu, khiến giáo dục ngày càng xuống cấp.
Lỗi của giáo dục ngày nay, thuộc về lịch sử, chẳng thể quy trách nhiệm cho ai. Những thói quen, những khuyết thiếu, không dễ sửa chữa, hay bù đắp, một sớm một chiều. Tăng lương, nhưng bao nhiêu là đủ, chưa kể ngân sách có chịu nổi không? Nhưng những đứa trẻ, những mầm non mới sinh thành, không thể không được hưởng một nền giáo dục tử tế. Cũng như vị thế và hình ảnh của nhà giáo không thể bị suy giảm trong xã hội. Hơn thế nữa, giáo dục luôn phải là nơi thu hút những con người ưu tú, để đảm bảo chất lượng giáo dục. Những năm qua, biết bao cơ sở kinh tế nhà nước đã phải giải thể, bởi sự thua lỗ. Nhưng những cơ sở giáo dục, đâu có dễ để giải thể, bởi trẻ không thể một ngày không đến trường.
Cuối cùng, xin được nhấn mạnh rằng, xã hội không bao giờ chấp nhận một nền giáo dục chất lượng thấp, dẫu có “giá rẻ”. Bởi nói đến giáo dục, là phải nói đến chất lượng. Ngày nay ngân sách nhà nước còn hạn hẹp - tỏ ra không đủ bao cấp toàn diện cho cả một nền giáo dục có chất lượng, đó là một thực tế. Trong khi đó một bộ phận không nhỏ xã hội, có đủ tiềm lực chi phí, để con em họ được hưởng một nền giáo dục tốt. Mặt khác nhu cầu phát triển đất nước, cũng đang đòi hỏi gắt gao về một nền giáo dục tiên tiến. Vì vậy, phải chăng, đã đến lúc chúng ta, cần phải nhanh chóng từ bỏ nền giáo dục - bao cấp nặng nề, giáo dục giá rẻ? Và việc tái cấu trúc hệ thống giáo dục, cùng với việc phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục ngoài công lập, phải chăng, sẽ là một trong những lời giải hữu hiệu cho bài toán giáo dục hiện nay?
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Vài lời tạm với Hồ Bá Thâm
Thống kê truy cập
114515352
230
2367
2953
213291
121009
114515352