Diễn đàn

Vê nhân vật lịch sử Cao Xuân Dục và ngôi trường tiểu học ở Vinh (có một thời) mang tên ông

             

Trường tiểu học ở Vinh (có một thời) mang tên trường Cao Xuân Dục, Ảnh tư liệu

I. VÀI NÉT VỀ VỊ THƯỢNG THƯ CAO XUÂN DỤC VÀ CÁC CON CHÁU CỦA CỤ

 Cao Xuân Dục (1843-1923) người làng Thịnh Mỹ, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đỗ Cử nhân năm 1867, cùng khoa Hương thí với vị lãnh tụ Phong trào Cần Vương chống Pháp Phan Đình Phùng(1). Năm 1883, Cao Xuân Dục được bổ làm quan với chức Biên tu ở bộ Hình. Từ đó, ông có được một sự thăng tiến rất nhanh trên hoạn lộ. Cũng trong năm ấy, ông được thăng làm Án sát Hà Nội, năm 1884 thì lên làm Bố chính Hưng Yên, rồi năm 1888 lên chức Tuần vũ của tỉnh ấy. Năm sau, 1889, ông được thăng làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên. Năm 1896, ông lại được thăng chức Tổng đốc Định - Ninh(2). Năm 1898, về làm quan tại triều, rồi 1901 là Thượng thư bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán, năm 1911 là Tử tước, Phụ chính đại thần, một trong “Tứ trụ” của Triều đình và năm 1915 về hưu với hàm Đông các đại học sĩ.

 Chúng ta cũng không quên về các công trình biên tu, trước tác dưới quyền Tổng tài Quốc sử quán và Thượng thư bộ Học của ông cũng như một số công trình do tự tay ông viết. Sách “Lược truyện các tác gia Việt Nam” (Tập I) do Bộ Văn hóa chủ trì (in từ giữa thế kỷ trước) đã nói rất rõ về tác gia họ Cao này.

Người đời cũng biết, Cử nhân Cao Xuân Dục đã sinh hạ và tạo lập cho hậu thế của ông ấy một số người trở thành nhân tài biết phụng sự đất nước. Trong đó có con rể là Hoàng Tăng Bí (1883-1939), một sáng lập viên của Phong trào Đông Kinh nghĩa thục và cháu ngoại (con trai cụ Bí), ông Hoàng Minh Giám, nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cháu nội của Cử nhân Cao Xuân Dục có Cao Xuân Huy (con trai Cử nhân Cao Xuân Tiếu) là một Giáo sư triết học nổi tiếng của nước ta. Và trong số các con, cháu, chắt... nội, ngoại của cụ Cao Xuân Dục còn có rất nhiều người khác là những tài năng, thành đạt. Đất nước, nhân dân và lịch sử bao giờ cũng biết gạn đục, khơi trong, tôn trọng những phẩm giá mà mỗi con người đã đóng góp, phụng thờ Tổ quốc.

II. HIỂU NHƯ THẾ NÀO VỀ LAI LỊCH CỦA NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC Ở VINH MÀ TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8-1945  ĐÃ CÓ LÚC MANG TÊN LÀ TRƯỜNG CAO XUÂN DỤC

 Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám (1945), trường Tiểu học Cao Xuân Dục là ngôi trường Tiểu học toàn cấp, công lập duy nhất ở TP. Vinh.

Về lai lịch của ngôi trường này, theo báo các khoa học của tác giả TQP tại Hội thảo “Về đóng góp của Cao Xuân Dục trong nền văn học Việt Nam” tổ chức tại TP. Vinh ngày 6-12-1012(3), được tác giả Phạm Xuân Cần (PXC) trích dẫn trong Tạp chí “Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An” số 5-2019, Tr.14 (cột 1) thì: “Từ trước đến nay, trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh đều được gọi là Trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Theo tác giả Trương Quế Phương (TQP) trong Báo cáo khoa học “Những hoạt động yêu nước và cách mạng của thầy trò trường Cao Xuân Dục từ những năm đầu thế kỷ XX” thì Trường tiểu học Cao Xuân Dục về danh nghĩa là trường công, nhưng do danh sĩ Cao Xuân Dục bỏ tiền xây dựng và tài trợ cho hoạt động dạy học. Trường được thành lập năm 1905... Điều này là hợp lý”! 

Có phải như thế không?

Bài viết nói trên của tác giả TQP về cơ bản, được in lại trên “Văn hóa Nghệ An” số 400, ngày 10/11/ 2019. Từ đây trở xuống, những trích dẫn về bài viết ấy của tác giả TQP, chúng tôi lấy theo số báo này.

Ta biết, thời thuộc Pháp, đất nước mình bị chia làm ba xứ với ba chế độ chính trị khác nhau. Trong đó, trên danh nghĩa, Trung Kỳ còn là đất của vua nước Nam nên tại đây, các khoa thi chữ Hán còn được duy trì cho đến năm 1919 (khoa thi Đình cuối cùng). Còn các trường dạy tiếng Pháp, để phục vụ cho sự cai trị và bóc lột của mình và thay thế nền Hán học, từ lâu người Pháp đã mở các lớp đào tạo thông ngôn, ký lục rồi tiến lên lập một hệ thống trường Pháp - Việt (dạy Quốc ngữ và chữ Pháp)(4). Vì vậy khoảng năm 1905, thì tại Vinh có trường Tiểu học Pháp - Việt. Nhưng không phải khi được mở là trường này lấy ngay tên gọi “Cao Xuân Dục”.

   Như trường Trung học (thường gọi là Quốc học) ở tỉnh Nghệ An mở năm 1920 với tên gọi là  “Collège de Vinh”, tức Quốc học Vinh.  Loại trường như vậy, ở  Mỹ Tho mở năm 1879, gọi là Collège de Mỹ Tho. Sau Vinh mấy năm thì Thanh Hóa có loại trường ấy và gọi là “Collège de Thanh Hoa” Ở Huế, trường Trung học có từ năm 1896 gọi là Pháp tự học đường, đến 1915 đổi là Quốc học Huế, đến 1936 mới gọi là “Lycée Khải Định”, lấy tên một ông vua đã khuất. Và cũng tại Kinh đô, năm 1905 có thêm một trường Tiểu học gọi là Trường Pháp - Việt Đông Ba (nơi cậu Nguyễn Sinh Cung đã học từ cuối 1905). Xin nhắc lại là mãi đến 1936 (khi Phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương diễn ra) thì người Pháp mới cho đổi Quốc học Huế thành Lycée Khải Định. Tại Nghệ An, sau Vinh mấy năm thì các phủ (ngoài Hưng Nguyên - vì gần Vinh), rồi một số huyện cũng có trường Tiểu học Pháp -  Việt và chúng đều mang tên của địa phương mình. Rất lâu, về sau mới có rất ít trường tư thục thì có thể lấy tên người bỏ tiền ra mở hay tên một danh nhân nào đó (theo họ quan niệm) mà đặt cho trường. Vậy một ngôi trường Tiểu học công lập của tỉnh Nghệ An mở từ năm 1905 có thể lấy tính danh một ông quan, ấy là Cao Xuân Dục (đang tại triều) mà đặt tên cho nó ngay khi trường vừa mở? 

Đi cai trị xứ người, thực dân Pháp hiểu rất rõ ý chí truyền thống yêu nước, đấu tranh cho giống dòng của mỗi dân tộc bị trị. Chính sách dùng người của họ đã cho triều Nguyễn đưa Cao Xuân Dục từ là một Cử nhân Hán Học lên đến một trong tứ trụ của triều đình. Đó cũng là một cách người Pháp trả ơn ông quan họ Cao mà công đầu là đánh dẹp phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ. Nhưng họ cũng thừa biết, cùng phủ Diễn Châu của cụ Cao đã có các chí sĩ Cần Vương kiệt xuất như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã. Nhất là bên Hà Tĩnh có ngọn cờ tiêu biểu của phong trào ấy, là Tiến sĩ Phan Đình Phùng!

Sách giáo khoa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: “Lịch sử cận đại Việt Nam” Tập II, do Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Đặng Huy Vận biên soạn, Nhà xuất bản (Nxb) Giáo dục Hà Nội 1961, Trang (Tr) 253 viết về tình thế sau khi phong trào Cần Vương ở Bãi Sậy (Bắc Kỳ) do Đốc Tít lãnh đạo bị thất bại (8-1889): “Xem như vậy, cuộc chiến đấu của Đốc Tít oanh liệt biết chừng nào. Nhân dân ta càng yêu mến, ngưỡng mộ người chỉ huy có tài dũng cảm của mình thì càng căm ghét, phỉ nhổ vào bọn Việt gian bán nước Hoàng Cao Khải, Cao Xuân Dục, Nguyễn Hữu Vịnh đang phè phỡn trên xương máu của những người dân yêu nước, kháng Pháp...”.

Tại sách “Lịch sử Việt Nam (từ 1858 đến cuối thế kỷ XIX)” do Hoàng Văn Lân, Ngô Thị Chính biên soạn, Nxb Giáo Dục, HN, in lần thứ 2 (1979), Tr. 135-136 viết: “Vào khoảng tháng 7-1889, địch tập trung đánh rất mạnh vào căn cứ của Đốc Tít (mà vị trí Hai Sông là nơi đối địch dữ dội...). Phía địch, lực lương do Hoàng Cao Khải đứng đầu lúc này được tăng cường thêm 1.000 quân, trang bị đầy đủ, có đại bác yểm hộ và tàu chiến trợ sức chặn lối ra vào. Đạo quân của Tán lý(5) Cao Xuân Dục đóng ở xã Mai Động. Thế giặc mạnh, Chỉ huy nghĩa quân lúc đó là Đốc Tít bị bắt rồi bịđày sang An-giê- ri (1-1-1890). Và, Hai Kế, vị chỉ huy nghĩa quân kề cận Đốc Tít thì bị đày ra Côn Đảo”!

Còn về Cao Xuân Dục, cuối năm 1889 ấy, từ chức là Tuần vũ Hưng Yên được thăng làm Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên(cai trị cả 3 tỉnh: Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang)... để sang năm 1896 thì lên Tổng đốc Nam-Ninh (trông coi cả  2 tỉnh đồng bằng là Nam Định và Hà Nam). Rồi cứ thế, ông được thăng tiến cho đến 1911 là Phụ chính đại thần, Tử tước và trước khi về hưu (1915) là Đông các điện đại học sĩ, một trong tứ trụ Triều đình (sau vua).

Mỗi con người gắn với một giai đoạn lịch sử mà họ sống. Ta nhắc lại như vậy để cùng biết và ở đây là để xét xem tên trường Cao Xuân Dục ở Vinh có từ bao giờ. Có phải như lời của tác giả TQP: “Trường Tiểu học Cao Xuân Dục về danh nghĩa là trường công nhưng do danh sĩ Cao Xuân Dục bỏ tiền xây dựng và tài trợ cho hoạt động dạy học” mà tác giả PXC đã dẫn với sự khẳng định như trên? Rồi tác giả TQP ở bài ấy in tại “Văn hóa Nghệ An” số 400, vừa viết về ý đồ mở trường của người Pháp: “Mục đích của nó là đào tạo một đội ngũ trí thức người Việt có trình độ học vấn cao và trung thành, cam tâm làm tay sai cho nước mẹ Đại Pháp” thì lại liền ca tụng: “Là một vị quan có chức sắc cao dưới triều nhà Nguyễn, Tổng đốc Cao Xuân Dục đã chớp lấy thời cơ được phép mở trường, ông liền gặp gỡ, trao đổi và liên kết với những vị quan có lòng yêu nước, thương dân, xin mở trường học tại thị xã Vinh, với mục đích nâng cao dân trí cho con em nhân dân hai tỉnh Nghệ Tĩnh”. Thì có ai giành mất việc bỏ tiền ra xây trường đâu mà cụ Cao phải “chớp lấy thời cơ” để “được phép mở trường”! Rồi kế tiếp, tác giả TQP nói rõ thêm: “Nhưng thực tế thì cụ Cao Xuân Dục chỉ có tờ trình, đơn xin phép Đốc học Nghệ An cho phép được xây dựng, trên danh nghĩa là ngôi trường công lập, còn kinh phí xây dựng là do cụ Cao Xuân Dục tự bỏ tiền nhà ra. Tất cả mọi chi phí như xây nhà, mua sắm bàn, ghế và trang thiết bị để phục vụ cho việc dạy và học đều do cụ Cao Xuân Dục đảm nhiệm. Để giảm bớt gánh nặng cho các bậc phụ huynh, cụ Cao Xuân Dục còn cho miễn học phí... Mọi chi phí trong trường đều do cụ Cao Xuân Dục lo liệu cả”. Hơn thế tác giả TQP còn viết: “Việc làm và nghĩa cả cao đẹp của cụ Cao Xuân Dục đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình cảm và suy nghĩ của tầng lớp sĩ phu, trí thức, quan lại và nhân dân Nghệ Tĩnh, đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến đạo đức, nhân cách của cả thầy giáo và học trò trong nhà trường”. Rồi: “Nhân dân Nghệ Tĩnh cảm phục tinh thần và nghĩa cả của Cụ Cao Xuân Dục đối với việc trồng người nên đã lấy tên của Cụ đặt cho tên trường tiểu học Pháp - Việt Vinh là Trường Cao Xuân Dục”. Chưa đánh giá về cách đề cao lạ lùng ấy, riêng cách viết, chữ “Cụ” với âm “C” viết hoa, ở bài báo này của mình, tác giả Trương Quế Phương chỉ dành cho Cử nhân Cao Xuân Dục trong khi có nhắc đến “các cụ”: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Tiến sĩ Phan Đình Phùng! (Tr. 28).

Viết như thế, kể cũng là một cây bút “cả gan”. Bởi thế, tục ngữ xứ Nghệ có câu: “Yêu người yêu cả đường đi...!”.

Xin thưa, các tác giả TQP và PXC đã khẳng định là Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh mở vào năm 1905, khi Cao Xuân Dục làm Tổng đốc tỉnh này để ông ấy xin quan Đốc học cho xây trường. Nhưng năm đó, quan Nam triều đầu tỉnh tức Tổng đốc Nghệ An không phải Cao Xuân Dục để “ông chớp lấy thời cơ” xin mở trường! Vả, có ai giành đi đâu mà cụ Cao phải “chớp lấy thời cơ”. Điều xin nhắc lại là bấy giờ Cao Xuân Dục đang là Phó tổng tài Quốc sử quán ở Huế. Tổng đốc Nghệ An lúc đó là Tôn Thất Hân và đốc học Nghệ An là Nguyễn Quang(6). Cao Xuân Dục cũng chưa bao giờ làm quan tại Nghệ An. Vả, người Pháp, họ không dại gì đưa một con người với “công lao” diệt Cần Vương như vậy về cai trị cái xứ là quê hương của các cụ Nghè: Nguyễn Xuân Ôn - Phan Đình Phùng. Còn hệ thống trường Pháp - Việt (Écoles Française-Annamite) bấy giờ là do Nha học chính thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương nắm giữ. Một ngôi trường ở một tỉnh đông dân, giàu văn hiến như Nghệ An mà lại do một ông quan ở trong Huế “chớp lấy thời cơ” chạy về lo việc mở ra như vậy! thật là khủng khiếp! Xin thưa, tất cả mọi khoản xây trường và chi phí từ viên phấn viết bảng đến lương hàng tháng của vị Đốc trường cho đến chú lao công (là không ít ấy) đều lấy từ “Ngân sách Đông Dương” do chính quyền thuộc địa nắm giữ, trong đó có cả tiền thuế mà từng năm dân xứ Nghệ phải đóng, chứ khoan nói đến các nguồn tài nguyên, khoáng sản từ trên rừng xuống đến dưới biển và trong lòng đất mà người Pháp đang khai thác để phần lớn chở về nước họ từng ngày. Bởi vì, mở trường, trước hết là nhằm phục vụ cho mục đích thống trị và bóc lột thuộc địa của họ.

Về các vị là thầy trò Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh tham gia cách mạng, tác giả TQP dẫn ra rất nhiều, trong đó có cả những người không học và cũng không dạy tại đấy, cụ thể:

- Hoàng Trọng Trì (1887-1938), ông quê làng Lộc Đa, phủ Hưng Nguyên. Ông lúc nhỏ học chữ Hán với cha, ít lâu sau học thêm chữ Quốc ngữ. Khi trường Pháp - Việt Vinh mở, ông đã đến tuổi 19, mở lớp dạy học tư gia. Sau ông hoạt động cách mạng, phụ trách Tổng Nông hội Nghệ An(1930-1931), bị đày đến nhiều nơi cả ở Guy An (phần thuộc địa của Pháp) ở châu Mỹ...(7)

- Phan Thái Ất, ông sinh năm 1894 quê ở đất Gay (Lĩnh Sơn, Anh Sơn). Trong hồi ký: “Suốt đời vì Đảng”, ông không nói là mình có học ở Vinh mà chỉ “học chữ Nho và Quốc ngữ ở làng rồi khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) nổ ra thì đã lập gia đình”(8). Về sau, ông là cán bộ thay mặt Trung ương Đảng phụ trách tổ chức vùng Nam Trung Bộ.

- Nguyễn Tiềm, năm 1920 học Quốc ngữ ở trường làng rồi lên học trường Huyện. Năm 1926, ông thi vào Cao đẳng Tiểu học Vinh(9) ...

Còn các bà, các chị có học ở Tiểu học Pháp - Việt Vinh, tác giả TQP cũng dẫn ra rất nhiều. Nhưng không phải những người đó đều đã học tại đấy. Nên nhớ sau khi có Trường Tiểu học Pháp - Việt thì tại Vinh có thêm Trường Nữ học. Như Nguyễn Thị Minh Khai học tại Trường Nữ học đến hết lớp Nhì rồi mới vào học lớp cuối tại Tiểu học Pháp - Việt(10). Ngoài ra, tại Vinh - Bến Thủy và các vùng phụ cận, từ 1925 về sau đã có các lớp Tráng học do Tổng công hội Nghệ An chủ trương, tiếp đến phong trào Phổ biến chữ Quốc ngữ của Mặt trận Bình dân (1936-1939), nhất là phong trào Bình dân học vụ sau Cách mạng Tháng 8 (1945).

      Ta biết, hồi trước, khi có nền học Pháp - Việt thì các ngôi trường đều lấy tên của địa phương mà gọi. Như Trường Quốc học Huế  thành lập năm 1896 với tên gọi là Pháp tự học đường, năm 1915 gọi là Collège Quốc học Huế. Đến 1936, khi Mặt trận Bình dân diễn ra, để mỵ dân, cùng với việc  lập Viện dân biểu Trung Kỳ, thực dân Pháp mới cho đổi tên Trường ấy là Lycée Khải Định (hiệu của vị vua rất thương “nước mẹ”, mất đã 11 năm). Một ví dụ khác như tại Nam Kỳ, Trường Trung học Mỹ Tho, từ 1879 cũng lấy tên của tỉnh ấy. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945) nổ ra, rồi  phát-xít Nhật vào Đông Dương, Pháp thất thế, chính phủ Pê-tanh (Pétin) của họ mới lệnh cho Toàn quyền ở bên này thực hiện chính sách “Pháp - Việt thân thiện”. Bấy giờ, trường Cao đẳng Đông Dương tức Trường Thành chung bảo hộ (Collège du Protectorat, cũng gọi là Université Indochinoise) Hà Nội, đổi thành Quốc lập Trung học hiệu Chu Văn An. Còn ở Nghệ An, Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh (Ecole Primaire Française- Annamite de Vinh) mang tên Cao Xuân Dục tự bao giờ? Chắc chắn là không trước Cao trào đấu tranh Dân chủ (1936-1939). Bởi như Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh), không do một ông quan Tây hay Nam nào “bỏ tiền xây dựng và tài trợ cho việc dạy học” cả, mà cũng sau niên khóa 1943-1944, khi đã có đông người Nhật đến Thành phố này rồi, thì mới đổi tên là Trường Trung học Nguyễn Công Trứ. Vậy, có phải trường Pháp - Việt Vinh khi vừa mở là đã mang tên là Trường Cao Xuân Dục? Chỉ có điều, người đời sau gọi tên trường này là “Trường Cao Xuân Dục” thì dễ hơn là gọi theo tên của chính nó có từ mấy chục năm trước là “Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh”, càng dễ hơn là gọi nó với cái tên đã dài lại khó, là “École Primaire- Française Annamite de Vinh”.

   Cái tên “Trường Tiểu học Cao Xuân Dục” dễ đi vào trí nhớ của nhiều người vì lẽ đó.

 

                                                                                           C.T.H

 

 

                                                                              

 

 

  

 

 


(1) Năm sau, khoa thi Hội, Phan Đình Phùng đỗ Đình nguyên, Tiến sĩ.

(2) Hồi đó, tỉnh nhỏ không có Tổng đốc mà đứng đầu là Tuần vũ. Tổng đốc ở tỉnh lớn có khi kiêm quản về quyền quyết định các việc hệ trọng ở một hay vài tỉnh khác kề cận.Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, tức ông Tổng đốc đó đóng ở  Sơn Tây nhưng về việc lớn thì trông coi cả 2 tỉnh Hưng Hóa và Tuyên Quang (quan đứng đầu các tỉnh ấy chỉ là Tuần vũ) Định - Ninh tổng đốc cũng thế. Ông quan ấy đóng ở Nam Định nhưng trông coi cả tỉnh Ninh Bình.

(3) Hội thảo này do Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam) chủ trì.

(4) Các bậc Tiểu và Trung học còn có một số giờ dạy Quốc ngữ và chữ Hán (rất ít). Nhưng rồi càng lên cao, các giờ học như vậy cứ bị bỏ dần.

(5) “Tán lý” (赞理, aider) là người giúp việc kề cận, đây chỉ Cao Xuân Dục là vị chỉ huy“dẹp” nghĩa quân sau Hoàng Cao Khảiở mặt trận ấy.

(6) “Annuaire général de l’ Indochine- Française”. Ở mỗi tính, về quyền hành, sau Tổng đốc là Bố chánh, Án sát rồi mới đến Đốc học, rốt cùng là Lãnh binh. Thì sao một Tổng đốc (Cao Xuân Dục, như tác giả TQP đã nói) lại phải  “có đơn xin phép Đốc học” (cũng lời tác giả TQP) để được xây trường. Thật là lạ!

(7) Sách “Những người cộng sản trên quê hương Nghệ-Tĩnh” (NNCSTQHNT), Tập (T) II. do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh ấn hành, 1980.

(8) Sách “Suốt đời vì Đảng” Trần Hữu Thung ghi, Nxb Thanh Niên, Hà Nội 1971.

(9) Sách NNCSTQHNT, T.II,, Tr. 42.

(10) Sách NNCSTQHNT T1, Sđd.Tr.171.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511973

Hôm nay

2299

Hôm qua

2337

Tuần này

22347

Tháng này

218846

Tháng qua

121356

Tất cả

114511973