Đó là công trình Ngữ âm học An Nam so sánh cách đánh dấu ở Bắc Kỳ và ở Nghệ An. Công trình này bằng tiếng Pháp đăng trên Tạp chí Đông Dương. T. XXXIV- tháng bảy đến tháng chạp 1920; Tr.57-68.- Hà Nội-Hải Phòng, Nhà in Viễn Đông, 1920, lưu ở Thư viện KHXH.- Bản dịch chép tay của Phạm Mạnh Phan, 18 Tr., lưu ở Thư viện tỉnh Nghệ An, kho sách Địa chí.
Mở đầu công trình, Bác-Bi-ê viết:
Người ta chỉ có thể so sánh tiếng nói ở Bắc Kỳ với tiếng nói ở Nghệ An một cách tốt hơn hết là so sánh tiếng La tinh đọc theo lối Pháp với tiếng La tinh đọc theo lối Ý.
Tác giả đã căn cứ vào cách đọc tiếng Việt quốc ngữ theo tiếng La tinh để phân tích giọng nói miền Bắc và Nghệ An, miền Trung. Tác giả đã dùng biểu đồ theo nốt nhạc để so sánh các chữ có dấu ở 2 miền. Dấu bình (bằng) là dấu dài và âm điệu recto, trong tiếng Bắc Kỳ bằng một nốt FA, còn trong ngôn ngữ Nghệ An bằng một La. Dấu huyền là dấu hạ thấp và dài. Dấu huyền ở Bắc Kỳ đọc thấp hơn ở Nghệ An. Trong tiếng Nghệ, dấu huyền được tác giả cho tượng trưng bằng một FA và cao hơn dấu nặng nhiều. Dấu sắc, hay âm thanh trong mà cao. Ở Nghệ An, dấu sắc lên cao nhiều đọc rõ ràng hơn ở Bắc Kỳ, nhưng lúc khởi đầu nói lại thấp hơn. Tác giả hình tượng dấu sắc bằng nốt LA, việc phát âm thanh theo hình vòng để cuối cùng theo giọng cao dần giống như DO. Dấu nặng ở Bắc Kỳ có hai dấu nặng giống nhau tuỳ theo dấu đó điểm hay không vào những chữ cuối cùng đọc phải mở miệng đột nhiên như C,P,T,CH. Nếu chữ cuối đọc phải mở miệng đột nhiên, nghĩa là bộc phát tử âm thì chữ đó hát đúng như nốt DO trầm, gây thành một âm thanh đầy đủ và tròn không có một vướng vứu gì thô bạo như người ta ca DO, DO, DO… Ở Nghệ An, chỉ có một dấu nặng là một sự đơn giản đáng kể rõ rệt, là giọng hát trầm, sang sảng và đúng như nốt DO. Dấu hỏi, ở Bắc Kỳ, trầm, có tính cách dìu dịu không có vẻ hầu âm, bắt đầu từ dấu DO trầm, hạ thấp nhè nhẹ và theo nhịp điệu ấy lên cao tới nốt LA (điểm cao nhất), khi phát thanh dịu hơn, không vấp váp hoặc từng đoạn một. Ở Nghệ An, những chữ có dấu hỏi đọc đúng như những chữ ở Bắc Kỳ có dấu nặng và không tận cùng bằng một bột phát tử âm, trầm, đọc theo hầu âm, trúc trắc. Dấu ngã, ở Bắc Kỳ phải đọc trong cuống họng, ngắn và trục trặc. Một chữ có dấu ngã bắt đầu bằng nốt FA rồi theo mẫu âm có giọng cao nhè nhẹ, nâng lên thành nốt LA để chấm dứt một cách đột ngột. Âm thanh của dấu ngã là hầu âm. Ở Nghệ An, thường thường dấu ngã lẫn với dấu nặng, lẫn cả trong khi đọc và viết: đã hay đạ, nghĩa hay nghịa, lẫm hay lậm… Cuối cùng tác giả đã kẻ bảng 5 dòng kẻ và định nốt nhạc cho các ví dụ từ ngữ tiêu biểu, biểu đạt cho giọng nói (so sánh tiếng) của Bắc Kỳ và Nghệ An bằng cả 5 thanh sắc trong ngôn ngữ Việt (xem biểu ví dụ tiêu biểu kèm theo). Tác giả kết luận:
Trước khi dừng bút, có người phản đối, tôi xin trả lời rằng tôi không phiên chuyển một trang tiếng An Nam sang thành một bản nhạc mà tôi chỉ sử dụng phổ biểu của nhạc, nhằm mục đích nêu rõ độ cao của một dấu so với âm giai, trước hết riêng từng dấu một sau những quan hệ giữa các dấu với nhau. Ai nghiên cứu tiếng An Nam một cách nghiêm túc sẽ nhận rõ thấy cần phải sử dụng phương pháp đó.
Qua nghiên cứu tiếng Nghệ An có so sánh với tiếng Bắc Kỳ của Bác-Bi-ê cho ta thấy các nhà ngôn ngữ Pháp đã rất quan tâm đến thổ ngữ từng vùng của Việt Nam, mà tiêu biểu là tiếng Nghệ để hiểu rõ, hiểu đúng tiếng nói của con người sinh sống trên từng vùng đất nhất định. Tiếng nói đó đã được hình thành từ cổ xưa, đã được định hình, đầy bản sắc, khó mà trộn lẫn với tiếng ở nơi khác, khó mất đi. Nhiều người từ xứ Nghệ ra đi và sinh sống ở nhiều vùng đất khác, nhưng khi nói vẫn là giọng Nghệ đặc sệt. Bác Hồ là tiêu biểu, khi Người ra đi tìm đường cứu nước, bôn ba khắp năm châu, bốn biển hơn ba chục năm, rồi sống ở thủ đô nhiều năm, nhưng Bác vẫn giữ nguyên giọng Nghệ thân thương, đầm ấm trong khi nói. Nhân dân thủ đô và cả nước đã xúc động rơi nước mắt khi nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Giọng Nghệ nặng, nhưng đầm ấm và khi cần thể hiện, biểu cảm việc gì đó, thì cũng đã làm cho người nghe thấy thân thương, da diết. Giọng thuyết minh của các cô ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên khi nói về quê Bác, về quãng đời lúc Người sinh ra, tiểu sử, hoạt động của Bác, cũng như những người thân trong gia đình Bác đã làm xúc động rơi nước mắt biết bao du khánh trong và ngoài nước. Nó chứng tỏ giọng Nghệ không phải là quá khó nghe như nhiều người thường nói. Các phát thanh viên, bình luận viên phát thanh, truyền hình ở xứ Nghệ nên phát âm theo giọng Nghệ, để gìn giữ bản sắc ngôn ngữ riêng của địa phương và làm tăng thêm dấu ấn không thể trộn lẫn với giọng nói nơi khác. Đài truyền hình Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đều dùng tiếng nói riêng của địa phương mình để thuyết minh, nhưng chúng ta đều nghe được đấy thôi và đều cảm nhận được sắc thái riêng rất thân thương đấy thôi!r