Đất Nghệ
Làng cổ Liên Trì
Đình Liên Trì vẫn hiện diện trong đời sông của người dân xã Liên Thành, Yên Thành hôm nay
Liên Trì - một làng quê trù phú thuộc xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng Tháng Tám, huyện Yên Thành có 5 tổng là Quan Hóa, Vân Tụ, Quỳ Trạch, Quan Trung, và Vân Hội. Tổng Vân Tụ có 27 thôn, Liên Trì là một trong nhưng thôn đông dân nhất, trù phú nhất và có truyền thống văn hóa nhất nhì trong tổng.
Tên cổ của làng là làng Chèn, gọi theo tên của Bàu Chèn, về sau đổi là làng Liên Trì (Ao Sen). Nhiều người cho rằng vào thế kỉ 18, phía Bắc làng có những vùng đất sâu, tiếng địa phương gọi là “đìa” quanh năm ngập nước không cấy được lúa, nhân dân thả sen, tạo thành ao sen, đầm sen. Đây có thể là cơ sở để tên làng Liên Trì ra đời. Tên làng Liên Trì cũng có tên trong cuốn sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ 19” của Viện Hán Nôm. Mặt khác bia Văn Khoa đình Liên Trì được dựng từ năm Canh Thân (1860) cũng hoàn toàn dùng tên Liên Trì.
Từ xa xưa, vùng đất Liên Trì nằm bên bờ sông Liên Thủy (Bàu Chèn), địa thế tương đối bằng phẳng, phía Tây có đồi thấp, có rừng rú rậm rạp và bên kia là sông Vũ Giang nên con người đã đến định cư ở đây từ sáu bảy trăm năm về trước hoặc sớm hơn. Cũng như bao làng quê thuộc vùng đồng bằng Diễn - Yên, từ trước tới nay, người dân Liên Trì sống và gắn bó với đồng ruộng. Ruộng nương ở đây, nhất là cánh đồng phía Đông, phía Bắc làng ngày trước, hàng năm nhận được một lượng phù sa từ dòng Liên Thủy nên có thể gọi là cánh đồng tốt nhất vùng. Từ ngàn xưa, trên đồng đất Liên Trì, người dân đã sản xuất ra một khối lượng thực phẩm lớn, chủ yếu là lúa gạo cung cấp cho nhiều địa phương khác trong và ngoài huyện. Ngoài nghề nông, trước đây người dân Liên Trì còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá ao, đánh cá trên sông Liên Thủy, làm vườn, làm hàng xáo, buôn bán… Các nghề mộc, đan lát, nuôi tằm dệt cửi, trồng bông... cũng phát triển.
Làng Liên Trì ngày trước có 4 xóm là xóm Đông, xóm Tây, xóm ngoài, và xóm giữa. Đến giai đoạn sau 1953 hợp lại thành hai xóm là Liên Phong và Liên Minh. Hiện nay cũng gồm 4 xóm nhưng địa bàn được mở rộng. Hai xóm Liên Giang và Chùa Thàng đã phát triển lên những vùng đất mới.
Văn hóa của một làng luôn gắn liền với văn hóa của các gia đình, dòng họ. Liên Trì cũng vậy bởi quá trình hình thành làng Liên Trì phụ thuộc vào quá trình các dòng họ đến định cư sinh sống ở đây. Sự khai hoang, lập ấp ở Liên Trì gắn liền với tên tuổi 27 dòng họ đã có nhà thờ (5 đời trở lên) trên vùng đất này, đặc biệt 10 dòng họ lớn trong làng. Trong số những dòng họ lớn có những dòng họ được coi là đến định cư sớm như họ Nguyễn Bá, họ Đậu Văn, họ Phan Văn, họ Nguyễn Văn… Ngoài ra còn có họ Lê Văn, họ Trần Văn, họ Võ Văn, họ Ngô Trí, họ Hoàng Văn, họ Cao Văn, họ Trương Văn…
Nhà thờ họ Nguyễn Bá
Liên Trì là một làng giàu truyền thống. Ngoài truyền thống cần cù, chịu khó, trong lao động sản xuất, tiết kiệm trong chi tiêu... như ở nhiều địa phương khác, con người ở Liên Trì còn nổi lên một số truyền thống như: Thượng võ, hiếu học, yêu nước, cách mạng…
Về truyền thống thượng võ, theo “Bia Võ Giai làng Liên Trì” (sách Văn Bia Nghệ An) thì nơi đây tính đến năm 1930 - năm dựng bia, có 82 người làm quan võ. Có những người nổi tiếng như: Chánh hội trưởng gia tăng đô ty võ thần Phan Hùng Tuấn (thường gọi là Quản Hiệp); Phấn lực tướng quân Phan Liên Tài (thường gọi là ông Tự Húc) là lính cận vệ nhà vua triều Lê Cảnh Hưng; Mạnh tướng quân Nguyễn Tài Nghệ; Trung Thuận huyện thừa Nguyễn Hoàng Trọng - hiện còn giữ được sắc phong của vua Nhà Lê tại nhà thờ họ; Đại tướng quân Trần Đức Kế… Sở dĩ một làng quê không lớn lắm mà có nhiều người đi lính và làm quan võ như vậy, hẳn có nhiều nguyên nhân: con người ở đây có sức khỏe, có lòng quả cảm và làng có những chính sách ưu đãi đối với những người đi lính. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân nữa là vì ngày xưa trong làng có nhiều đô vật và có những người như ông Phan Liên Tài, Nguyễn Bá Tính… đã nổi tiếng không chỉ một thời.
Truyền thống hiếu học,làng Liên Trì sớm có truyền thống hiếu học, khoa cử. Tấm bia Văn Khoa, nhân dân thường gọi là bia Hội Văn, ở đình Liên Trì được dựng từ năm Canh Thân (1860) có ghi tên các vị khoa bảng của làng qua nhiều thế kỷ với 2 vị hương cống, cử nhân và 28 vị hiệu sinh, tú tài. Sự hiện diện của một Tiến sĩ, 3 vị cử nhân và nhiều vị tú tài trong thời gian dựng bia cũng đã nói lên nhiều điều. Theo văn bia này và cuốn Khoa bảng Nghệ An thì từ đời Chính Hòa (1680-1705), triều vua Lê Hy Tông, làng đã có 4 người đỗ Hiệu sinh và ông Nguyễn Trung Lâu đỗ Hương cống (tương đương cử nhân) thời Lê Trung Hưng. Sang thế kỉ 18, làng cũng có trên 10 người đỗ hiệu sinh, tú tài. Sang thế kỷ 19 lại thêm một vị cử nhân và số tú tài tăng lên, nhiều vị tam trường, nhị trường trong đó có những “tú Kép”(đỗ hai khoa tú tài) như ông Nguyễn Bá Cơng, ông Phan Doãn Cát… Đình Liên Trì trước đây nhiều năm là nơi tập văn (một hình thức luyện thi) cho các sĩ tử trong huyện trước khi đến trường thi. Có một điều đáng nói là các ông sau khi thi đỗ phần lớn chọn nghề dạy học, và các ông đồ Liên Trì cũng nổi tiếng túc Nho. Một làng quê nông nghiệp bình thường, trước Cách mạng Tháng 8/1945 chỉ với gần 250 hộ dân mà nhiều thời kỳ có đến 14-15 thầy cô đi dạy khắp bốn phương cũng đã làm cho làng nổi tiếng. Ngay cả cụ cử nhân Nguyễn Tâm Địch sau nhiều năm làm tri huyện ở Tứ Kỳ, Hải Dương cũng đã cáo quan về nhà dạy học. Điều đáng ghi nhận là nhiều ông thầy là những nhà Nho yêu nước, có người nung nấu tinh thần đấu tranh cách mạng nhưng không gặp thời cơ, đã chọn nghề dạy học để truyền cảm hứng tư tưởng chống Pháp đến học trò. Có thể kể đến một số như cụ Nguyễn Tâm Địch, thầy Đồ Nguyễn Tâm Đệ, ông Hồ Mỹ Xuyên…
Bia Văn khoa đình Liên Trì
Ở làng Liên Trì trước Cách mạng Tháng Tám có một Hội Văn khá mạnh, sinh hoạt chặt chẽ và giàu tính nhân văn. Ngôi nhà Thánh Văn với nền Văn chỉ trước ở vùng đất Cổ Lộ cùng những hoạt động như hàng năm làm giỗ đức Khổng Tử, các Lễ Kỳ Khoa và báo công sau mỗi kỳ thi là những hoạt động văn hóa mà không phải làng nào cũng có được. Trước 1930, theo Hương ước của làng thì chỉ có những người có chân trong Hội Văn mới được ứng cử làm lý trưởng và các chức vụ hương hào khác. Việc chọn những người có học làm cán bộ là một điều tiến bộ và cũng là động lực góp phần thúc đẩy phong trào học tập thi cử phát triển. Truyền thống hiếu học của làng ngày trước đã được nhân dân lưu truyền và phát huy cho đến hôm nay. Hiện nay tất cả các dòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học và ở cuối thế kỷ trước làng cũng đã được công nhận là làng Văn hóa đợt đầu tiên của huyện Yên Thành.
Truyền thống yêu nước và cách mạng, Liên Trì là mảnh đất của những con người giàu lòng yêu nước và cách mạng. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ con em làng Liên Trì nối tiếp nhau, đóng góp sức người, sức của để góp phần giải phóng và xây dựng quê hương, đất nước. Kết thúc chiến tranh, làng có 01 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 12 cán bộ lão thành cách mạng, 02 cán bộ Tiền khởi nghĩa, 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 bà mẹ có công với nước, 46 liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế, 55 thương binh các loại. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, con em Liên Trì đang tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho cách mạng và công cuộc giữ gìn nền độc lập của nước nhà.
Truyền thống nhân văn, tương thân tương ái của làng Liên Trì cũng khá sâu sắc. Đó là tình nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”. Ngày xưa trong lũy tre làng, người dân Liên Trì theo dòng họ, phường hội, nậu, xóm làng… thường nương tựa vào nhau để sinh sống. Vào đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, cậu tú cả Phan Đức Trứ và một số gia đình giàu có họ Phan Đức đã kết hợp chính quyền lập ra kho Nghĩa thương, quyên góp tiền, lúa gạo cứu giúp người trong làng khi gặp khó khăn hoạn nạn. Quỹ kho này đã tồn tại mấy chục năm nay và cứu giúp nhiều gia đình khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, ở Liên Trì, các phường hội cũng xuất hiện từ rất sớm và tồn tại lâu dài cho đến ngày nay. Khi một gia đình có đám cưới, đám tang hoặc gặp tai nạn cháy nhà, trôi nhà… thì phường hội đến giúp đỡ cả tiền gạo và công buổi. Những tấm lòng cao cả, tốt đẹp đó được nhân dân lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ xóm này đến xóm khác. Cũng bởi vậy mà từ xưa đã có câu ca dao: “Yên Thành là mẹ là cha. Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành”.
Là một vùng quê nông nghiệp có bề dày lịch sử, truyền thống, Liên Trì ngày xưa có một hệ thống đình đền chùa khá hoàn chỉnh. Đặc biệt cụm di tích đình Liên Trì có cả đền chùa và sau này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của quê hương đất nước. Đình Liên Trì không chỉ là ngôi đình to, mang đậm nét văn hóa cổ truyền của dân tộc ở vùng này mà còn là ngôi đình có tuổi đời trên 200 năm và được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia năm 1994. Đình còn có tên là đình Tam Tòa và được xây dựng từ năm Tân Dậu (1801), dưới triều vua Tây Sơn. Đây là nơi thờ Thành Hoàng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội, dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, ổn định chính trị châu Nghệ An xưa. Ngoài đình Liên Trì ra còn có một số công trình đền chùa lớn như chùa Kim Liên, đền Bạch Mã (di tích lịch sử năm 2013), nhà Thánh văn, nhà thờ họ Nguyễn Bá (được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009). Ngoài ra cũng có một số một số đình, đền đã bị phá trong lịch sử như đình Thần Cháy, đình Nương Dong, đình Cửa Thần, đình Lộ Cộ, đền xóm Ngoài, đền xóm Đông…
Liên Trì là một trong những làng quê tiêu biểu của xứ Nghệ, là một vùng đất văn vật trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Ngày nay, con em nơi đây đang phát huy những truyền thống tốt đẹp xưa, làm rạng rỡ cho quê hương xứ sở. Đất và người Liên Trì thật gắn bó với nhau. Đất thì màu mỡ, nuôi người trưởng thành và người đã lập nên nhiều công tích làm vẻ vang cho đất. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, người dân Liên Trì cũng nhạy bén với cơ chế thị trường, vươn lên làm giàu một cách chính đáng. Làng vẫn bình yên, nhà nhà sống trong cảnh ấm no, hạnh phúc.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Hình như kiến gió cũng có linh hồn
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511023
222
2359
21397
217896
121356
114511023