Khách mời văn hóa
Liên hoan Tiếng hát Làng Sen: Cần đổi mới để hấp dẫn công chúng
VHNA: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen (THLS) đã có 40 “tuổi”. Đây là một sinh hoạt văn hóa có sức sống khá mãnh liệt và bền bỉ. Tuy nhiên, trước sự đổi thay mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội, của thị hiếu âm nhạc hiện nay, sinh hoạt văn hóa này đã bộc lộ sự hạn chế và dần dần kém hấp dẫn.
Tạp chí VHNA đã có cuộc gặp gỡ với những vị khách mời từng gắn bó với Liên hoan THLS nói riêng và Lễ hội Làng Sen nói chung: Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An; Ths Đặng Khắc Thắng - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An và Nhà báo Trần Hồng Cơ - nguyên Tổng Biên tập Báo Lao động Nghệ An nhằm trao đổi về vai trò, ý nghĩa, cách thức tổ chức; những cái được, chưa được của Liên hoan THLS và gợi mở những thay đổi để hoạt động văn nghệ này tiếp tục thu hút công chúng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Phóng viên (PV): Thưa các ông, từ năm 1981, Liên hoan THLS bắt đầu được tỉnh nhà tổ chức chào mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. Đến năm 2002, từ sinh hoạt văn nghệ này, chúng ta đã xây dựng, phát triển thành Lễ hội Làng Sen, trong đó, Liên hoan THLS vẫn là một hoạt động trọng tâm của phần hội. Các ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh nhà suốt 40 năm qua?
Ông Hồ Hữu Thới: Trong khoảng thời gian 24 năm trước (từ 1981-2005), chúng tôi đã từng trực tiếp tổ chức “Liên hoan Tiếng hát Làng Sen”. Phải nói rằng Liên hoan THLS thực sự có một vị trí, vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân tỉnh nhà trong nhiều năm qua. Người dân đã xem Liên hoan THLS (và Lễ hội Làng Sen sau này) giống như đứa con tinh thần không thể thiếu của họ.
Ông Đặng Khắc Thắng: Đúng vậy, Liên hoan THLS có thể được xem là hiện tượng thành công nổi bật của phong trào nghệ thuật quần chúng toàn quốc giai đoạn những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và một số năm đầu thế kỷ XXI.
Nói hiện tượng thành công nổi bật bởi trước đó và có thể cả sau này, khó có thể có một hoạt động nghệ thuật quần chúng nào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi, lâu dài và sâu sắc trong công chúng như Liên hoan Tiếng hát từ Làng Sen.
Thành công của Liên hoan THLS ít nhất được thể hiện qua 3 hiệu ứng:
1. Trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng, đáp ứng đúng nguyện vọng và nhu cầu hưởng thụ văn nghệ của nhân dân xứ Nghệ nói riêng cũng như đông đảo nhân dân cả nước nói chung. Liên hoan cấp tỉnh đã hấp dẫn, liên hoan toàn quốc càng tạo nên những sức hút có thể nói là tuyệt vời. Có những kỳ trên 40 đoàn tham gia với hàng ngàn diễn viên; nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng đồng hành; hầu hết các nghệ nhân của các dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Mông, Tày, Nùng, Hoa, Khmer, Ê đê, M’Nông, Giẻ Triêng... đã góp mặt với hàng loạt di sản văn nghệ đặc sắc và nhạc cụ dân tộc độc đáo như Then, Lượn, Quan họ, Bài chòi, Hò sông Mã, Hò Huế, Cải lương, Cồng chiêng, trống, sinh tiền, song loan, khắp luống, mõ, phách, nhị, khèn bè, sáo Mông, đàn đáy, đàn bầu, đàn đá, đàn T’Rưng, tam thập lục...
Những ngày Liên hoan, không khí còn tưng bừng rạo rực hơn cả ngày hội.
2. Nơi khởi nguồn thăng hoa của hàng loạt ca khúc nổi tiếng. Thế hệ vàng của các nhạc sỹ Việt hầu hết đều để lại dấu ấn sâu đậm trong Liên hoan hát từ Làng Sen như Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Thuận Yến, Chu Minh, Văn Chung, Cát Vận, An Thuyên, Huy Thục, Tân Huyền, Đoàn Bổng, Doãn Nho, Văn Dung, Nguyễn Cường... Cùng với đó là tên tuổi của những diễn viên không chuyên về sau đã thành danh ca sỹ như Tiến Dũng, Lệ Thanh, Ngọc Hà (Nghệ An), Y Moan (Gia Lai), A Mư Nhân (Bình Thuận), Sùng Thị Mai (Hà Giang), Ngọc Thúy (Khánh Hòa), Ngọc Hoan (Cao Bằng), Trung Đức (Hà Nội)...
3. Là hoạt động cộng đồng mang ý nghĩa tôn vinh giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua hiệu ứng nghệ thuật nên rất giàu giá trị nhân văn, lay động cảm xúc và thực sự có tác dụng giáo dục truyền thống sâu sắc.
Ông Trần Hồng Cơ: Có lẽ chưa có cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng nào tồn tại lâu như Liên hoan THLS, tính đến nay là vừa tròn 40 năm. Suốt 40 năm qua, Liên hoan THLS đã đóng góp cho đời sống văn hóa nhân dân xứ Nghệ những giá trị không nhỏ. Liên hoan được tổ chức hàng năm trong phạm vi toàn tỉnh và 5 năm một lần trong phạm vi toàn quốc với chủ đề quán xuyến: hát về Bác Hồ, về Đảng, về quê hương đất nước. Với chủ đề này, đây thực sự là một hình thức truyền bá nghệ thuật cách mạng trên quê hương Bác Hồ. Mỗi lần liên hoan là dịp công chúng được thưởng thức những bài hát đặc sắc đã đi cùng năm tháng, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương xứ Nghệ. Tình cảm cách mạng là nền tảng tinh thần để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ cho nhân dân.
Liên hoan THLS thực sự là ngày hội hát về Bác Hồ, qua đó góp phần truyền ngọn lửa cách mạng cho các thế hệ. Có thể nói đó là giá trị lớn nhất mà Liên hoan THLS đã đóng góp cho đời sống văn hóa của nhân dân xứ Nghệ. Liên hoan THLS đã góp phần đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh nổi bật của cả nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
PV: Có một thực tế là sức hút của Liên hoan THLS càng về sau này càng giảm đi, mặc dù, sự đầu tư và tính chuyên nghiệp hóa có phần được nâng lên. Các ông có thấy như vậy không? Nếu đúng vậy, theo các ông, lý do là gì?
Ông Đặng Khắc Thắng: Ngay khi đang ở thời điểm rực rỡ nhất thì Liên hoan cũng đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm sức hấp dẫn với công chúng. Đầu tiên là chuyện khan hiếm tác phẩm có chất lượng, một ca khúc có thể được 5, 6 đoàn dàn dựng, biển diễn là chuyện thường gặp ở các kỳ Liên hoan. Chủ đề cũng chỉ xoay quanh tình yêu Đảng, tình yêu quê hương, lòng biết ơn Bác Hồ. Những đặc trưng của nghệ thuật quần chúng trong nhiều chương trình ngày càng mờ nhạt. Thể loại cũng chủ yếu là ca khúc. Rồi công tác tổ chức rất rườm rà, hành chính, tốn kém về tài chính. Chừng ấy vướng mắc cộng với thời tiết nắng nóng và nhiều sự bất lợi khác đã cảnh báo sự đơn điệu, nhàm chán, sức hút với công chúng thời điểm đó đã chững lại.
Tiếc rằng khi những hạn chế và tồn tại đã bộc lộ, cộng với những tác động từ sự đổi thay mạnh mẽ của đời sống xã hội, nhưng ngành Văn hóa đã không kịp thời và không thể tạo sức sống mới cho Liên hoan. Khi Liên hoan được kết cấu vào chương trình Lễ hội Làng Sen, ngành Văn hóa tuy đã trăn trở nhiều giải pháp, thế nhưng tình cảnh vẫn không khả quan.
Ông Hồ Hữu Thới: Đúng là sức hút của Liên hoan THLS đã giảm đi. Tại sao vậy? Phải chăng vì chúng ta làm chưa tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về Liên hoan THLS và Lễ hội Làng Sen.
Ông Trần Hồng Cơ: Theo tôi, muốn đánh giá đúng nguyên nhân của thực trạng này cần đặt Liên hoan THLS trong bối cảnh xã hội mà nó đã ra đời và phát triển. Phong trào văn nghệ quần chúng là sản phẩm đặc thù của thời kỳ bao cấp. Thời kỳ đó mỗi hợp tác xã, xí nghiệp, nhà máy, nông trường đều có một đội văn nghệ quần chúng được nuôi như một đội sản xuất. Hàng năm từ các xã đến huyện, tỉnh đều tổ chức ít nhất một cuộc hội diễn nghệ thuật quần chúng. Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc và khu vực được tổ chức với quy mô hoành tráng. Chính trong bối cảnh xã hội thuận lợi đó mà Liên hoan THLS đã ra đời và lan tỏa nhanh chóng.
Đất nước đổi mới, cơ chế bao cấp được xóa bỏ dần. Các đội văn nghệ quần chúng không được nuôi bằng kinh phí bao cấp như trước đây nên tan rã dần. Hội diễn nghệ thuật quần chúng thưa thớt dần và chỉ tồn tại như một cái bóng của thời bao cấp. Trong hoàn cảnh đó, Liên hoan THLS vẫn được duy trì như một màn “độc diễn”. Không có phong trào văn nghệ quần chúng làm nền tảng, không có các đội văn nghệ quần chúng làm nòng cốt, các Trung tâm Văn hóa huyện phải đứng ra tổ chức một đội nghệ thuật bằng cách chọn những cán bộ của Trung tâm có khả năng văn nghệ và những cộng tác viên được xem là hạt nhân văn nghệ cơ sở (mà chủ yếu là giáo viên âm nhạc của các trường học trên địa bàn), từ đó cấp kinh phí tập luyện xây dựng chương trình rồi đi tham gia liên hoan. Các đội văn nghệ xây dựng theo mô hình này tham gia Liên hoan THLS từ năm này qua năm khác, mỗi năm chỉ thấy xuất hiện một vài nhân vật mới. Không có kinh phí đầu tư sáng tác bài hát mới nên chương trình tham gia liên hoan là những tác phẩm đã được biểu diễn nhiều lần, chỉ thay đổi qua từng năm. Với cách tổ chức như vậy thì khi tham gia liên hoan toàn tỉnh, các đội không xem chương trình của nhau thậm chí không xem chương trình của chính mình cũng là điều dễ hiểu. Đối với các cuộc Liên hoan THLS toàn quốc, tình hình cũng xẩy ra tương tự, chỉ khác là các Trung tâm Văn hóa tỉnh đứng ra tổ chức hoặc giao cho một Trung tâm văn hóa huyện đảm nhận dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Liên hoan THLS mất dần khán giả, ngoài nguyên nhân chính là do mất nền tảng phong trào văn nghệ quần chúng, còn một nguyên nhân khác là sự thay đổi thị hiếu nghệ thuật.
Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng trong đó có lĩnh vực văn hóa, thị hiếu nghệ thuật của công chúng đã thay đổi chóng mặt. Công nghệ thông tin phát triển tạo điều kiện cho công chúng thưởng thức nghệ thuật bằng các phương tiện hiện đại. Đông đảo công chúng, nhất là tầng lớp trẻ, đổ xô nhau đến các trung tâm giải trí để thưởng thức các chương trình ca nhạc do các ca sỹ trẻ biểu diễn với đủ mốt hiện đại và pha tạp.
Thực tiễn xã hội như vậy thì Liên hoan THLS diễn ra buồn tẻ như báo chí phản ánh là điều bình thường.
PV: Vậy, các ông có đề xuất gì cho việc tổ chức Liên hoan THLS để nó thực sự là một sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đủ sức thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh?
Ông Đặng Khắc Thắng: Hiện nay, Liên hoan THLS đã trở thành một nội dung cấu thành Lễ hội Làng Sen. Nhưng Lễ hội lại đang rất bùng nhùng, nên việc điều chỉnh cách thức tổ chức Liên hoan chỉ có ý nghĩa “rã đông” tạm thời. Căn cứ vào thực tế, tôi mạnh dạn phác thảo mấy nét chung như sau:
Về Lễ hội Làng Sen: Tôi sẽ có ý kiến sâu hơn về vấn đề này vào một bài viết khác. Về Liên hoan THLS, tôi đề xuất nên nghiên cứu phân lớp thành 3 cấp độ:
- Hàng năm giao cho huyện Nam Đàn tổ chức theo hướng xây dựng chương trình văn nghệ khai thác các tích trò liên quan tới 10 năm thời ấu thơ của Bác Hồ với quê hương. Các tích trò này rất nhiều và rất có cảm xúc, rất phù hợp với nội dung và chủ đề của Lễ hội, ví dụ tích trò Nguyễn Sinh Cung chơi thả diều ở núi Chung, Nguyễn Sinh Cung hầu trà nghe cha và các chí sỹ đàm đạo, chuyện kể dân làng Sen dựng nhà mừng Tân Phó bảng...
- Hai năm một lần tổ chức Liên hoan toàn tỉnh theo cụm, tuyển chọn các tiết mục tiêu biểu để công diễn tại làng Sen trong dịp Lễ hội. Đặc biệt chú trọng tính đặc trưng trong nghệ thuật quần chúng, hạn chế tối đa khuynh hướng chuyên nghiệp hóa các chương trình. Các hoạt động hội chỉ nên tổ chức gọn trong ngày. Nếu tổ chức theo hướng này thì thời điểm là tháng 5 hay tháng 7 cũng không quá bận tâm.
- Năm năm một lần tổ chức Liên hoan theo quy mô Lễ hội toàn quốc. Điểm khác biệt của Liên hoan toàn quốc là tổ chức ở thành phố Vinh, tuyển chọn những tiết mục tiêu biểu để công diễn ở làng Sen và một số địa phương trong dịp Lễ hội.
Phương án điều chỉnh này có ưu điểm là không xáo trộn quá nhiều công tác tổ chức hiện nay. Đồng thời từng bước chuyển hướng để cấu trúc lại mục tiêu, mục đích của Lễ hội Làng Sen đúng với đặc điểm, tính chất của một lễ hội; khắc phục tình trạng chắp vá, nửa nạc nửa mỡ như hiện nay.
Cuối cùng, ngành Văn hóa Nghệ An nên tổng kết lấy ý kiến các chuyên gia để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn, đảm bảo cho Liên hoan và Lễ hội tiếp tục duy trì và phát triển ổn định trong bối cảnh cuộc sống đã và sẽ có nhiều biến động.
Ông Hồ Hữu Thới: Trước hết tôi cho rằng nên duy trì và phát triển Lễ hội Làng Sen, Lễ hội văn hóa Hồ Chí Minh mà trong đó một trong những nội dung chính của nó là Liên hoan THLS. Tôi đồng tình với ý kiến, Liên hoan THLS do tỉnh tổ chức nên thực hiện 2 năm một lần. Bởi vì, bên cạnh đó còn có Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng 2 năm tổ chức một lần. 2 sự kiện quan trọng mà cứ song song diễn ra hàng năm sợ không đủ sức, đủ điều kiện để làm sẽ dẫn đến kém hấp dẫn.
Để Lễ hội Làng Sen cũng như Liên hoan THLS có sức hấp dẫn, cần có sự đổi mới, từ việc xây dựng chương trình nghệ thuật quần chúng tham gia Liên hoan đến việc tuyên truyền, quảng bá. Đồng thời, người chỉ đạo phải thật năng động, sáng tạo, không rập khuôn, biết làm mới mỗi lần tổ chức Liên hoan THLS và Lễ hội Làng Sen. Về chương trình nghệ thuật quần chúng, nên đưa Ví Giặm Nghệ Tĩnh vào các tiết mục; thêm những bài hát mới về Bác Hồ và Lễ hội Làng Sen, những trích đoạn sân khấu về vấn đề học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Ông Trần Hồng Cơ: Theo tôi, cần đổi mới Liên hoan THLS một cách toàn diện. Trọng tâm là những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, phải đổi mới từ khâu sáng tạo nghệ thuật, phải làm thế nào để sau mỗi cuộc liên hoan đều xuất hiện những bài hát về Bác Hồ sống mãi với thời gian như thời kỳ đầu đã từng có. Trong những năm đầu, mỗi lần tổ chức Liên hoan THLS, Nhà Văn hóa tỉnh đều mở trại sáng tác, mời các nhạc sỹ trong tỉnh và trung ương tham gia. Thời kỳ này, chúng ta đã có những bài hát sống mãi trong lòng công chúng như: “Bác về thăm quê” của Thuận Yến, “Người mẹ Làng Sen” của Lê Hàm, “Hành hương về Nam Đàn” của Nguyễn Cường… Nhưng càng về sau, các sáng tác mới càng ít và ít đọng lại trong lòng công chúng. Thỉnh thoảng trên sân khấu vẫn xuất hiện những bài hát mới nhưng là sản phẩm đặt hàng của các đơn vị tham gia liên hoan nên chất lượng không cao.
Thứ hai, phải đổi mới cách phát hiện tài năng. Trong những năm đầu, mỗi lần Liên hoan THLS (toàn tỉnh, toàn quốc) đều xuất hiện những giọng hát hay. Tuy không nhiều và mang tính tự phát, nhưng những tài năng này đã tạo sức hấp dẫn cho Liên hoan THLS. Càng về sau những tài năng trẻ càng vắng bóng trên sân khấu liên hoan bởi các đội nghệ thuật tham gia Liên hoan THLS được “chuyên nghiệp hóa” một cách bất đắc dĩ để gánh vác nhiệm vụ từ năm này qua năm khác. Tại sao chúng ta không nghĩ cách biến Liên hoan THLS thành “sân chơi” để phát hiện tài năng trẻ.
Thứ ba, phải đổi mới phong cách biểu diễn nghệ thuật. Trên sân khấu ca múa nhạc, sức thu hút là giọng ca và phong cách biểu diễn của ca sĩ. Xu hướng xem ca sĩ “phô diễn” trên sân khấu nhiều hơn là nghe ca sĩ hát đang ngày càng phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Trong khi đó phong cách biểu diễn của các diễn viên tham gia Liên hoan THLS vẫn rất nghiêm trang nhưng khô cứng nên không hấp dẫn. Tất nhiên, hát về Bác Hồ, về Đảng, về quê hương đất nước thì phong cách biểu diễn phải hết sức nghiêm túc, không thể chấp nhận vừa hát vừa “phô diễn” như các ca sĩ trẻ hiện nay. Nhưng, như thế không có nghĩa là không được sáng tạo, không được “trẻ hóa” phong cách biểu diễn.
Thứ tư, phải mở rộng phạm vi đối tượng tham gia Liên hoan THLS. Ngay từ khi khởi xướng, cuộc liên hoan này được xác định là liên hoan nghệ thuật quần chúng, các diễn viên chuyên nghiệp không được tham gia. Lý do của quy định này được giải thích là hát về Bác Hồ phải gắn bó với nhân dân, phải là phong trào văn nghệ rộng rãi của quần chúng. Thời kỳ đầu của cuộc liên hoan, khi phong trào văn nghệ quần chúng đang phát triển thì quy định như vậy là đúng. Nhưng hiện nay, thực tế cuộc sống đã thay đổi, các đội văn nghệ quần chúng không còn, các nghệ sỹ chuyên nghiệp được đào tạo bài bản thì thất nghiệp, các ca sỹ trẻ không chuyên được đào tạo cấp tốc lại nổi tiếng từ các trung tâm giải trí. Đã đến lúc phải xóa bỏ cái rào cản vô lý giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong tham gia Liên hoan THLS. Đã là Liên hoan THLS thì bất kể là diễn viên chuyên nghiệp hay diễn viên quần chúng đều được tham gia miễn là họ có tình cảm với Bác Hồ kính yêu.
Để thực hiện các đổi mới trên đây cần phải xã hội hóa rộng rãi liên hoan THLS. Không nên giới hạn cuộc liên hoan này chỉ có các Trung tâm văn hóa huyện và Trung tâm văn hóa tỉnh tham gia. Các nghệ sỹ hoặc nhóm nghệ sỹ, các trung tâm giải trí hoặc các công ty biểu diễn, các nhóm ca nhạc do giới trẻ tổ chức, nếu có điều kiện đều có thể xây dựng chương trình tham gia Liên hoan THLS, miễn là thực hiện đúng tôn chỉ mục đích và nội quy liên hoan. Bên cạnh đó phải đưa Liên hoan Tiếng hát Làng Sen lên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Khi được xã hội hóa rộng rãi thì Liên hoan THLS sẽ có khán giả và kinh phí sẽ không còn là gánh nặng đáng lo như hiện nay.
PV: Như vậy là Liên hoan THLS đang cần được tiếp tục đổi mới, từ nội dung đến cách thức tổ chức và để có được điều này thì người chỉ đạo phải thật năng động, sáng tạo, biết làm mới mỗi lần tổ chức.
Trân trọng cảm ơn các ông đã tham gia trao đổi!
Thúy Hoa thực hiện
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511576
2239
2336
21950
218449
121356
114511576