Văn hóa và đời sống

Văn hóa là nền tảng của xã hội (Nhìn từ sự lan tỏa quan điểm về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay)

 

Vui hội cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp tại Lễ  hội đền Chín gian, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai

Một quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa

Gác sang một bên chuyện có khoảng 200 định nghĩa khác nhau về Văn hóa là gì? (khác nhau bởi vì bản thân văn hóa là những giá trị lung linh đầy sắc màu cho nên người ta tiếp cận bằng nhiều góc độ khác nhau), tôi thấy ghi chép của Hồ Chí Minh ở trang cuối tập Ngục trung nhật ký (1943)[1]:

“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc.

1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường.

2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4. Xây dựng chính trị: dân quyền.

5. Xây dựng kinh tế”.

Trong di sản để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về văn hóa ở hai phạm vi: rộng và hẹp. Rộng là bao quát tất thảy những gì do con người và vì con người, như đoạn tôi trích dẫn trên đây. Hẹp là vì văn hóa chỉ thể hiện ở đời sống tinh thần của con người cũng như ở văn học nghệ thuật (văn nghệ). Vì nó rộng, rộng đến mức bao hàm cả năm điểm lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trên đây, cho nên văn hóa “phải soi đường cho quốc dân đi” như chính bản thân Người nêu lên từ năm 1946, lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới 1 tuổi. Từ quan điểm đó, tôi nhấn mạnh rằng, nếu là hẹp thì văn hóa chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội; còn nếu rộng thì nó không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng của toàn xã hội.

Ở Hồ Chí Minh, tôi thấy “nổi” nhất là vị thế của một Nhà văn hóa. Vị thế này lại được một tổ chức quốc tế ghi nhận một cách trang trọng. UNESCO, tại Khóa họp Đại Hội đồng lần thứ 24 năm 1987 ở Paris (Pháp), ra Nghị quyết số 24C.16.5, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp tiến tới Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990, trong đó viết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Nhà văn hóa kiệt xuất” (“...éminent homme de culture” - tiếng Pháp; “...great man of culture” - tiếng Anh)[2]. Chính cái chất “kiệt xuất” đó mới là cấp độ đặc trưng của danh nhân Hồ Chí Minh với vị thế “Nhà văn hóa” theo nghĩa thâu hết, bao trùm hết tất cả mọi mặt hoạt động của Người, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong chính trị, kinh tế, xã hội. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong tiếng gầm đại bác của bộ đội ta nã vào trận địa quân xâm lược ở Điện Biên Phủ. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong điệu hò của các chị, các anh dân công lội suối băng rừng rầm rập tiếp tế cho chiến trường. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong trận tiến công Xuân năm 1975. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong tiếng i tờ đánh vần của những em bé cắp sách đến trường. Văn hóa Hồ Chí Minh có trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại nghèo nàn và lạc hậu, v.v… Văn hóa Hồ Chí Minh mang những giá trị vật chất và tinh thần của lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm vào thiên niên kỷ mới. Văn hóa Hồ Chí Minh mang âm hưởng hào hùng của cả nhân loại cần lao tiến bước vào sự nghiệp giải phóng con người để vươn tới cái tất yếu của tự do.

Phổ văn hóa Hồ Chí Minh vào cuộc sống hiện nay

Cần cú hích nhận thức cho sự phát triển. Trong Nghị quyết về Thập niên thế giới phát triển văn hóa 1987-1997, UNESCO viết rằng: “Các trọng tâm, động cơ và mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa”. Cũng trong buổi lễ phát động về Thập niên thế giới phát triển văn hóa ấy, Tổng thư ký UNESCO lúc đó là F.Mayor cho rằng: “Hễ nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách khỏi môi trường văn hóa, thì nhất định sẽ xảy ra mất cân đối nghiêm trọng, cả về kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ vị suy giảm rất nhiều”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Tổng Bí thư Đảng ta nói: "Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất".

Văn hóa Hồ Chí Minh cần được lan tỏa, thẩm thấu, cần được phổ vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, nghĩa là cần đem phổ vào sự phát triển. Dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển được là nhờ có sức mạnh của văn hóa. GS Trần Văn Giàu viết rằng: “Trong truyện Tây du, có ông Tề Thiên Đại Thánh náo thiên cung, bị phạt đè dưới Ngũ Hành sơn 500 năm, không chết nhờ linh đơn của Thái Thượng Lão Quân, song lại phải nhờ Bồ Tát Quán Âm mới được giải thoát, còn Văn Lang bị đè dưới núi 2 lần lâu hơn, quá ngàn năm, vẫn sống nhờ linh đơn văn hóa của chính mình”[3]. Loài người đang và sẽ phấn đấu cho một tương lai tươi sáng, trong đó có việc phát huy những giá trị tốt đẹp và đấu tranh chống lại những gì là thoái bộ. Sự nghiệp đó chính là sự nghiệp của văn hóa. Nhà văn hóa Hồ Chí Minh góp phần soi rọi ánh sáng văn hóa cho nhân loại đi tới. Vậy là, có thể nêu một cụm từ làm thành một thuật ngữ “Văn hóa Hồ Chí Minh”, giống như người ta nêu “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phong cách Hồ Chí Minh”, v.v…

Lễ hội đường phố “Quê hương mùa sen nở” tại phố đi bộ TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai

Văn hóa Hồ Chí Minh trong hành động. Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII (tháng 7-1998) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Trong nhiều văn kiện khác, Đảng cũng nhấn mạnh rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mọi hoạt động văn hóa phải nhằm xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đặc biệt là Cương lĩnh của Đảng khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển". Từ nhận thức đến hành động vẫn còn khoảng cách, khoảng cách xa là đằng khác. Độ trễ của hành động căn cơ cũng là từ cái đầu, tức là từ tư duy, từ bản lĩnh chính trị. Vẫn còn đó những hạn chế, hạn chế về đầu tư, hạn chế về quy hoạch, về chương trình hành động, về kế hoạch thực hiện ở cấp này, cấp nọ, ở ngành này, ngành nọ, thành thử những thành quả về văn hóa nước nhà chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Thực ra xét về sự phát triển bền vững mà nói, thì những hạn chế về văn hóa chính là chỉ số trừ đi của phát triển bền vững.

Vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần lan tỏa và cần phổ văn hóa Hồ Chí Minh những gì?

Trước hết là trên lĩnh vực giáo dục. Giáo dục là một khía cạnh chủ yếu nhất về xây dựng con người cũng như nguồn nhân lực của sự phát triển trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) và giáo dục cũng chính là một trong những nội dung cốt lõi của văn hóa. Nói đến giáo dục là nói đến 4 điểm: giáo dục tại gia đình; giáo dục trong hệ thống nhà trường, giáo dục trong môi trường toàn xã hội và tự giáo dục. Có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chưa đủ. Cần hành động quyết liệt, tránh cho được 4 căn bệnh: 1. Nói hay làm dở; 2. Nói nhiều làm ít; 3. Nói mà không làm; 4. Nói một đằng làm một nẻo. Cái xa nhất ở nước ta về đường bờ biển không phải là từ Móng Cái đến Hà Tiên; không phải là từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau (tính theo vĩ độ), mà xa nhất có khi lại từ cái miệng đến tay chân!

Ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ghi những điểm phác thảo cho xã hội Việt Nam tương lai khi cách mạng thành công: “Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”[4], hiểu theo nghĩa là mọi người đều được đi học, trẻ em đến tuổi đi học phải được đi học. Đầu năm 1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[5]. Ham muốn tột bậc đó cũng là quan điểm không để ai ở lại phía sau. Do đó, trên tinh thần này, cần thiết là trong phạm vi cả nước phải miễn học phí và miễn mọi đóng góp tiền - của từ học sinh đối với các bậc học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (công lập). Nhiều địa phương đã làm được, bây giờ phải tiến tới cả nước cần phải như vậy. Đó mới thể hiện rõ ràng tính nhất quán của toàn Đảng thực hiện Cương lĩnh, thể hiện tính ưu việt của chế độ. Cơ chế thị trường ở đâu thì được, chớ nên áp dụng ở lĩnh vực này.

Trong việc học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc cán bộ, đảng viên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Thời hiện nay là thời đất nước theo kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, thời của chuyển đổi số, thì cán bộ, đảng viên, kể cả ở vùng sâu vùng xa, cũng phải luôn luôn học tập nâng cao trình độ về mọi mặt. Sự học không bao giờ dừng, đó là thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông điệp cho giai đoạn cách mạng mới được Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 diễn ra vào sáng 14-11-2021: Phải lấy học sinh làm trung tâm, chú trọng phát triển nhân cách, đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; phải lấy nhà trường làm nền tảng, lấy thầy cô giáo làm động lực; phải học thật, thi thật, nhân tài thật, nhất thiết phải trở thành hành động cụ thể và coi đó là việc làm thật sự nghiêm túc trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần quan điểm của Nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Đối với sự thách thức xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần xác tín niềm khát vọng bằng hành động có kết quả tốt vì một đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.

Xây dựng thiết chế văn hóa phù hợp. Kinh tế có trong văn hóa. Đâu đó đã và sẽ xuất hiện tình trạng “kinh tế phiệt” (hoặc duy kinh tế), là đi đâu cũng hô hào tăng tưởng kinh tế (GDP) mà không biết rằng, GDP tăng đó là do đâu, huống hồ ngày nay đòi hỏi phải tăng trưởng GDP xanh. Trên thế giới, có bài học nhãn tiền rằng, người giàu, cộng đồng giàu, nước giàu về tiền của mà không có gốc văn hóa thì đó chỉ là trọc phú; là no đủ về cơm áo gạo tiền nhưng bế tắc về cuộc sống tinh thần. Nói đến thiết chế văn hóa là nói đến gây dựng cơ sở vật chất thiết yếu cho nó. Khó khăn thì vẫn luôn có, luôn là yếu tố đồng hành với con người, nhưng khó khăn đến mức là không chịu chi ra một số tiền mua sắm sách cho các thư viện, trong khi chi cho tiếp khách hàng triệu, chục triệu đồng. Văn hóa đọc cần được phát triển hơn nữa. Đọc sách là thiền, là tạo sống chậm theo hướng tích cực, chứ không sống ào ào, xốc nổi, chạy đua thực dụng theo nghĩa xấu mà không ít người Việt Nam hiện nay đã bị nhiễm.

Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Những nội dung về các yếu tố tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII, năm 1988, đã nêu rõ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường không nêu khái niệm “bản sắc dân tộc” mà Người hay nêu “cốt cách dân tộc”. Tôi cho rằng, dù nêu như thế nào thì xã hội Việt Nam càng phát triển càng phải giữ trong mình cái minh chứng/căn cước dân tộc (cả nation-quốc gia và ethnic-dân tộc-tộc người). Cốt cách dân tộc phải là những giá trị không bao giờ mất đi dù trải qua bao dâu bể.

Trong tình hình hiện nay, khi giao lưu văn hóa được mở rộng hết cỡ, con người sống trong một thế giới phẳng, giao lưu quốc tế như sóng dềnh biển cả va đập vào các cộng đồng, vào các thế hệ con người thì vấn đề giữ gìn và phát huy cốt cách dân tộc càng cần phải được chú ý đặc biệt, trong đó phải chú ý tạo lập và chăm lo đến môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa hiện nay còn không? Chắc chắn còn. Nhìn vào các lễ hội văn hóa của cộng đồng, liệu có sự lo lắng không, khi nhiều lễ hội được “diễn lại”, bị sân khấu hóa phục vụ cho sự kiện này, sự kiện nọ. Sân khấu hóa là cần, nhưng phải tùy lúc, tùy nơi. Bao giờ lễ hội là của người dân, của cộng đồng diễn ra một cách tự nhiên, không bị pha tạp hỗn loạn của sự kiếm tiền, của sự phô trương, của sự hành chính hóa, v.v… thì chừng đó mới có không gian văn hóa thực sự. Lễ hội văn hóa của cộng đồng nào đã trót lấy của họ thì phải trả về cho cộng đồng đó. Phấn đấu theo hướng này trong thời buổi kim tiền xô bồ hiện nay thật không đơn giản, trong khi UNESCO đang khuyến khích tạo ra không gian văn hóa thật sự của cộng đồng dân cư.

Nói đến môi trường văn hóa, còn nên chú ý tới các yếu tố/khía cạnh khác nữa của môi trường đạo đức. Có thể thấy những biểu hiện bị ô nhiễm của môi trường văn hóa đạo đức hiện nay trong xã hội nước ta, ở 3 điểm: 1. Tệ nghiện hút và buôn bán ma tuý vẫn diễn ra và có chiều hướng phát triển; 2. Vấn đề trật tự, an toàn xã hội cũng ở vào tình trạng “có vấn đề”; có sự gia tăng bạo lực cả ở ba không gian: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Bạo lực đi liền với tình trạng tội phạm, làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của của dân tộc bị băng hoại. 3. Có một số biểu hiện suy thoái của văn hóa chính trị, rõ nhất là trong những người của hệ thống chính trị. Hãy bắt đầu từ số 1! Số 1 ở đây là những cán bộ chủ chốt. Sẽ là thất bại, nếu từ đội ngũ này, chứ không phải từ đảng viên thường, có những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Phải có cơ chế mạnh, kịp thời để tổ chức Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên. Sự nghiệp xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bắt đầu trong cộng đồng có lẽ là từ việc nêu gương sáng để người khác học tập. Chỉ số đo cho sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị, chỉ số đo sự phát triển cần nhìn vào văn hóa nữa, nơi mà ở đó mỗi một tổ chức hệ thống chính trị, mỗi một con người, mỗi một cộng đồng, mỗi một dân tộc đều có cơ hội, điều kiện để tự do phát triển vư­­ơn tới chân, thiện, mỹ chứ không chỉ là nhìn vào chỉ số tăng trưởng kinh tế.

Kinh phí đầu tư không phải là cái quyết định tất cả trong việc xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng thiếu kinh phí hoặc đầu tư kinh phí quá ít, đầu tư không hợp lý, kiểu như “đầu thừa đuôi thẹo” mới dành cho đầu tư văn hóa thì không đủ tạo ra cú hích để phát triển. Đồng thời, nếu không chú trọng hiệu quả, cứ vung tay quá trán, lãng phí thì không bao giờ mong văn hóa phát triển. Xu hướng thương mại hóa, hiểu một cách cực đoan phục vụ kinh tế du lịch bất cứ giá nào, là xu hướng sai lầm rất tai hại không chỉ đối với trước mắt mà còn là về lâu dài, cần được khắc phục.

Mong lắm thay một nền văn hóa hướng thiện, văn hóa cả sự bài trừ cái ác!

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 11 - tháng 11/2023)

  


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.458.

 [2] Trong mặc định khi Nghị quyết 24C.16.5 nêu: “Đại Hội đồng nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”. Phiên họp này đã “Nhắc lại Nghị quyết số 18C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Đại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại”.

(Theo Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính (đồng chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.82 và 93).

[3] Trần Văn Giàu: Những yếu tố nào trong văn hoá Văn Lang Việt Nam đã cứu nước này khỏi bị đồng hóa sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc? Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 1-1996.

 [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.1.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511625

Hôm nay

2288

Hôm qua

2336

Tuần này

21999

Tháng này

218498

Tháng qua

121356

Tất cả

114511625