Diễn đàn
Thiểu số, đa số trong văn hóa hoạt động khoa học
Tôi không phải dân chuyên về ngôn ngữ. Nhưng tôi cũng có thể bàn một vài điều liên quan đến văn hóa hoạt động khoa học, liên quan đến nghề nghiệp nghiên cứu khoa học của tôi.
Trên báo chí bây giờ nhiều người hay viết, hay nói hai chữ "GIẢM THIỂU".
Tôi không tán thành hai chữ đó. Đã "giảm" rồi thì tức là phải giảm xuống chứ (tức là "thiểu"). Chứ không bao giờ có cái nghĩa là giảm "lên". Vì thế, dùng chữ THIỂU như vậy là thừa. Nếu nói theo cách như vậy thì khi gọi là TĂNG thì phải gọi là tăng ĐA chứ! Nhưng không ai gọi "tăng đa" cả vì dùng khái niệm như thế là rất chướng, rất buồn cười!
Có lần tôi đến trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam ở phố Quán Sứ (Hà Nội). Ngoài hành lang của tầng Ban Phát thanh VOV GIAO THÔNG có một cái bảng tin. Tôi tò mò đọc bảng tin, thấy một cái tin viết bằng phấn, chữ to, dặn: "Các biên tập viên xin nhớ: không viết, không đọc VIỆT NAM ĐỒNG (VNĐ)".
Tôi cho rằng, lời dặn trên bảng tin như thế là quá hay.
Đơn vị tiền tệ Việt Nam là "ĐỒNG" thì can cớ gì mà lại thêm cái tính từ là "Việt Nam" (tính từ "Việt Nam" đặt trước danh từ "đồng" như ngôn ngữ của nhiều nước)! Cho đến nay, tôi vẫn còn nghe ở đâu đó nói "Việt Nam đồng" (ở trên TV thì phải). Nhiều thầy cô dạy các môn kinh tế ở trường tôi vẫn còn dùng như thế. Nghe phản cảm lắm. Còn tiền đôla thì có nhiều nước có đơn vị tiền này, cho nên người ta mới đọc là "đôla Mỹ, đôla Singapore, v.v...).
Tiếng Việt Nam hiện đại không biết sẽ phát triển như thế nào, người dùng có ý thức như thế nào, theo chiều hướng nào. Tôi thấy có lúc cũng à uôm lắm. Thôi thì à uôm ở chỗ nào thì à uôm, còn khi giảng bài thầy cô càng phải cẩn thận. Tôi thấy có thời, một số thầy cô ở trên lớp giảng bài hay dùng những từ như "hoành tráng". Bây giờ hay dùng "chia sẻ" (phát âm giọng Hà Nội là "chia xẻ"). Vấn đề nào đấy thì dùng là "câu chuyện", v.v. .. Một số thầy cô có tật nói xong một câu lại hỏi: "Có phải không ạ?" (Hỏi ai đây? Tất nhiên trong lớp không ai trả lời). Có thầy cô lại cứ hay nói vấn đề đặt thành câu hỏi cho học sinh. Chẳng hạn: "Điều này là gì ạ?" Rồi tự trả lời: "Điều này là…".
Trong nghề dạy học, tôi nghĩ rằng, ngoài các khái niệm khoa học cần dùng thật chuẩn thì thầy cô nên "tự rèn nói". Đó là một kỹ năng nghề nghiệp mà phải học cả đời.
Một khía cạnh nữa của bài viết này.
Trong xã hội bây giờ, người ta càng bàn nhiều về vấn đề dân chủ. Cũng như nhiều cái khác, dân chủ có những giá trị chung và có những giá trị riêng cho từng cộng đồng dân cư. Một giá trị chung biểu đạt tính dân chủ là ở chỗ: thước đo cho kết quả của một quy trình dân chủ chính là CHỈ SỐ PHIẾU BẦU.
Cứ đa số phiếu là thắng.
Tất nhiên tùy từng cuộc, từng lúc, phụ thuộc vào từng điều luật, từng quy định, không ở đâu giống nhau. Nhưng nhìn chung là thế. Đó là một thước đo cho kết quả dân chủ, mặc nhiên người ta phải công nhận, bất kể cái nền để làm thành kết quả đó có bình thường hay không bình thường.
Một khối cử tri mà không "giác ngộ" bởi cái đúng và không lành mạnh thì khi bỏ phiếu sẽ cho kết quả không đúng. Trong một cơ quan mà mất đoàn kết nghiêm trọng, chia bè chia phái mà đi lấy phiếu về vấn đề gì đó thì kết quả sẽ không thể nào phản ánh được chính xác cho trình độ dân chủ. Hoặc có khi cử tri đứng đắn nhưng thông tin đến với cử tri không đầy đủ, đã thế thông tin lại còn bị làm cho méo mó hoặc thông tin sai lệch, bị xuyên tạc cho nên khi cầm bút đánh dấu vào lá phiếu thì cử tri bị chi phối, dẫn đến kết quả không đúng. Lá phiếu chất chứa bao nhiêu là điều ngay ở thời khắc bỏ phiếu. Có những cuộc cần lấy ý kiến qua nhiều tầng nấc, xẩy ra không ít trường hợp có khi một số người lúc ở cấp tầng thấp thì bỏ phiếu đồng ý nhưng cũng một số người đó lên tầng cao hơn lại bỏ phiếu không đồng ý về cùng một việc, một nhân sự.
Vậy nên, đa số chỉ đúng khi cử tri đứng đắn, không thì cho ra loại đáp số sai bét. Đây chính là điều kiện tiên quyết của dân chủ.
Riêng về khoa học, bây giờ người ta vẫn cứ dùng phương pháp ĐO CÁI SỰ ĐÚNG - SAI bằng PHIẾU ĐÁNH GIÁ. Đây chính là con dao hai lưỡi. Nhiều khi cái lưỡi thứ hai của con dao nó lại cứa đứt tay của người cầm dao chứ chẳng chơi!
Chấm luận văn thạc sĩ, chấm luận án tiến sĩ bằng phiếu (chấm luận văn thạc sĩ thì cho điểm; chấm luận văn tiến sĩ thì dánh dấu vào ô đạt hay không đạt, khi đã đạt rồi lại đánh dấu vào ô có xuất sắc hay không).
Họp hội đồng khoa học để đánh giá việc gì đấy, công trình khoa học nào đó thì căn cứ vào phiếu của từng thành viên (cho điểm hoặc đánh dấu đồng ý - không đồng ý).
Xét cống hiến khoa học để tặng giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh cũng căn cứ vào phiếu đồng ý hay không đồng ý.
Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh khoa học giáo sư, phó giáo sư căn cứ vào cả điểm và phiếu đồng ý - không đồng ý, mà lại theo cái nguyên tắc đa số phục tùng thiểu số! Vì 2/3 và 3/4 số phiếu đồng ý trở lên thì mới đạt. Cứ theo quy định này, thì nếu trong hội đồng có 11-12 thành viên, thì chỉ cần 2-3 thành viên không đồng ý thì số phiếu của 9-10 thành viên dù đã đánh dấu vào ô đồng ý vẫn bị thua.
Khi tôi nêu vấn đề thiểu số - đa số trong hoạt động khoa học ra nhiều hội nghị bàn, tôi có nhấn mạnh với hội nghị là phải tùy từng loại việc mà áp dụng nguyên tắc thiểu số - đa số; còn trong khoa học mà chỉ có căn cứ vào cái này thì chết! Mọi người trong "làng" hoạt động khoa học thì bảo rằng, nếu không như thế thì dựa vào nguyên tắc nào đây?
Tôi cho rằng, đánh giá công trình khoa học thì chủ yếu phải dựa vào ý kiến chuyên gia. Một công trình khoa học về vấn đề gì đó, về lĩnh vực gì đó thì hãy đưa đến cho một số chuyên gia về vấn đề đó, lĩnh vực đó đọc rồi đưa ra ý kiến đánh giá (chuyên gia cả trong và ngoài nước). Có lẽ điều này là chính xác hơn cả, hơn là đưa ra một tập thể đánh giá bỏ phiếu. Đó là chưa kể trong cái tập thể đó rất dễ có một số vị ẩm ương hoặc là không sâu về chuyên môn đó, lĩnh vực đó hoặc là có tư thù định kiến với người có công trình khoa học đưa ra thẩm định.
Ôi, cái bệnh này thì ở lớp trí thức Việt Nam tôi dễ thấy lắm! Nói chữ là "đố kỵ". Nói theo tục ngữ là "Trâu buộc ghét trâu ăn", "Không cho ngồi cùng chiếu", "Không cho nó lớn", "Qua cầu rút ván", rồi níu kéo áo nhau, vùi dập, chụp mũ quan điểm, v.v...
Đấy là chưa kể tâm lý bầy đàn lây lan một cách nhanh chóng. Trong cuộc họp thấy một số người dơ tay biểu quyết thì lúc đầu còn lác đác ra chiều lưỡng lự hoặc không dơ tay (để biểu thị sự phản đối) nhưng rồi sau giây lát thấy người ta dơ tay cả thì mình cũng dơ tay.
Xem thế thì càng thấy rằng, không phải bất cứ cái gì đa số đều đúng/thắng, thiểu số đều sai/thua.
Đó là chưa kể cái đa số ảo. Ảo là vì trong "kỹ thuật" hay "thủ thuật", người ta bịt hết các con đường chỉ để lại một con đường duy nhất (độc đạo). Trong lựa chọn nhân sự thì có lúc, có nơi người ta chỉ hướng vào "quân đỏ" còn tất cả những nhân sự khác chỉ là "quân xanh" với ý nghĩa là làm nền, lót đường. Những nhân sự khác thực chất là bị "trói" để cho một nhân sự trúng cử mà thôi. Vì thế, đây đích thị là dân chủ giả hiệu. Đây chính là thủ đoạn, là trò chơi của dân chủ! Mà cũng có thể gọi đó là "CÔNG THỨC ĐA SỐ".
CÁI CÔNG THỨC ĐA SỐ ĐÓ LẠI CÓ NHIỀU TRONG CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC. Đây chính là vấn đề của văn hóa - văn hóa trong hoạt động khoa học ở nước ta.
tin tức liên quan
Videos
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Khai mạc lớp tập huấn trọng tài, huấn luận viên võ cổ truyền toàn quốc
Thống kê truy cập
114511757
283
2337
22131
218630
121356
114511757