Xứ Nghệ ngày nay

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa xứ Nghệ: Được và chưa được

Nghệ An là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các dân tộc anh em sống trên mảnh đất này đã tích lũy được một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Việc bảo tồn và phát huy kho tàng di sản văn hóa này trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng còn nhiều điều cần suy ngẫm...

Những cái được.
Là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, ngành Văn hóa Thông tin (nay là ngành VH,TT & DL) tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn đến tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của quê hương. Ngành đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa trong đó có bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Tham mưu cho tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về di sản văn hóa; Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa; Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về di sản văn hóa... Dưới sự chỉ đạo của ngành, các đơn vị trực thuộc (5 đơn vị bảo tàng - di tích, Nhà hát dân ca - nay là Trung tâm Bảo tồn & Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Hội Văn nghệ dân gian) cùng với hệ thống nhà Truyền thống huyện, phòng truyền thống cơ sở đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Các đơn vị Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng, Khu di tích Kim Liên, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ… thời gian qua thực hiện khá tốt chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, giới thiệu hiện vật. Theo số liệu thống kê, đã có trên 30 vạn tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại các bảo tàng, di tích. Trong đó, có nhiều hiện vật có giá trị như: Bộ sưu tập vũ khí tự vệ đỏ, trống Xô Viết, vật dụng nuôi dấu bảo vệ Đảng, Bác Hồ với Xô Viết Nghệ Tĩnh… Không chỉ trừng bày tại chỗ, các bảo tàng đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức trưng bày lưu động, hội thảo khoa học, giao lưu văn hóa trong học sinh, sinh viên với các chứng nhân lịch sử, tổ chức thi tìm hiểu về các danh nhân, về lịch sử quê hương... góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa đối với công chúng, nhất là với học sinh, sinh viên.
 
Tiến độ xây dựng hồ sơ, xếp hạng di tích ngày càng được đẩy nhanh. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 210 di tích được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh, trung bình mỗi năm xếp hạng được 17 - 18 di tích. Hệ thống các di tích - danh thắng, các bảo tàng trong tỉnh là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, hàng năm đón tiếp hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Nhiều di tích cách mạng và lưu niệm danh nhân của tỉnh được bảo tồn và phát huy khá tốt về giáo dục truyền thống cách mạng.Tiêu biểu là các di tích gắn với danh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, danh nhân Phan Bội Châu ở Nam Đàn, Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên, Phan Đăng Lưu ở Yên Thành, Hồ Án Nam và Hồ Tùng Mậu ở Quỳnh Lưu…
Năng lực bảo tồn và phát huy di sản của tỉnh ngày càng mạnh. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị được xây dựng, nhiều di tích LS - VH được đầu tư hàng trăm, hàng chục tỷ đồng để tu bổ tôn tạo, như: Khu di tích Kim liên, đền thờ vua Mai, Đền Cuông, đền Cờn, đền Hoàng Mười, đền thờ vua Quang Trung, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong...
Nhiều lễ hội truyền thống, lễ hội mới gắn với di tích, danh thắng được phục hồi và phát triển đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân, như: Lễ hội vua Mai, đền Cờn, đền Quả, đền Cuông, đền Bạch mã, đền Hoàng Mười, đền Chín gia, đền Vạn, đền Pu Nhạ Thầu, Hang Bua, lễ hội Làng Sen, lễ hội Uống nước nhớ nguồn, lễ hội sông nước Cửa Lò... Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát huy có hiệu quả, như: làng đan nứa trúc Xuân Nha (Hưng Nguyên), làng nồi đất Trù Sơn (Đô Lương), làng nghề mây tre đan (Nghi Lộc), làng đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết), làng nghề làm tương (Nam Đàn), làng nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp… Các giá trị di sản văn nghệ sân gian, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nhất là ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số được dày công sưu tầm, phục dựng và phát huy qua các chương trình mục tiêu như: Đưa dân ca vào trường học, sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, xuất bản các công trình văn hóa nghệ thuật dân gian xứ Nghệ. Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã được thành lập trên cơ sở Nhà hát dân ca Nghệ An cũng là để nghiên cứu, sưu tầm, thể nghiệm, bảo tồn và phát huy vốn dân ca xứ Nghệ, phục hồi sinh hoạt văn hóa ví dặm, phổ cập và quảng bá dân ca xứ Nghệ trong đời sống nhân dân.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực di sản văn hóa đã và đang thu được kết quả to lớn. Nhiều làng, xã, nhân dân tự lập ra các Ban quản lý để bảo vệ di tích của địa phương mình, đóng góp nhiều trí tuệ, công sức, tiền của vào việc lập hồ sơ xếp hạng di tích, tu bổ tôn tạo di tích, phục hồi và tổ chức lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian, hiến tặng tài liệu, hiện vật cho các bảo tàng... Hàng năm, trong việc lập hồ sơ xếp hạng di tích, tỉnh chỉ hỗ trợ 50% kinh phí, số kinh phí còn lại do các dòng họ và nhân dân địa phương đóng góp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ hàng tỷ đồng để tu bổ di tích. Tiêu biểu như Nhà thờ Phùng Phúc Kiều, xã Nghi Thu (dân góp 74 triệu đồng), nhân dân 2 làng Yên Lương và Mai Bảng phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò tu bổ tôn tạo 2 ngôi đền của làng hơn 1,5 tỷ đồng, nhân dân Nam Đàn tu bổ 12 di tích trên địa bàn hơn 230 triệu đồng,... Bà Trần Thi Cháu đóng góp trên 100 triệu đồng để tôn tạo đền Cửa Lũy (Anh Sơn), ông Phạm Thanh Long đã đóng góp trên 800 triệu đồng tôn tạo di tích đền Phúc Thọ (Nghi Lộc), gia đình ông Trương Văn Phượng ở khối 8, phường Nghi Thủy, cả 7 người con trai cùng lo kinh phí xây dựng xây dựng thượng điện đền Yên Lương hơn 300 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Ngũ (Tương Dương) đã hơn 20 năm làm tốt công tác bảo vệ đền Cửa Rào...
Và ... chưa được
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở tỉnh vẫn còn nhiều bất cập so với tiềm năng và yêu cầu của công cuộc đổi mới. Nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể nhất là của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị thất truyền. Sự xuống cấp các di tích vẫn đang ở mức báo động. Nhiều di tích (nhất là các đình làng) không được quan tâm (kể cả chính quyền và người dân) nên cái thì bị xóa sổ, cái thì trở thành nơi họp chợ, cái thì trở thành nơi nhốt trâu, bò... Việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế. Kinh phí chi thường xuyên cho việc chống xuống cấp di tích của các địa phương còn hạn hẹp. Tình trạng lấn chiếm, vi phạm di tích - danh thắng chưa được khắc phục một cách triệt để mà di tích núi Lam Thành ở Hưng Nguyên là một ví dụ. Hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc làm biến dạng di tích vẫn còn. Thậm chí có tình trạng làm sai lệch hồ sơ dẫn đến di tích đã được công nhận bị thu hồi lại bằng công nhận. Nạn đào tìm, trộm cắp cổ vật đó đây vẫn có. Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng cán bộ, các cơ chế chính sách trong lĩnh vực di sản chưa đáp ứng kịp thời. Nghệ An thiếu đội ngũ chuyên gia trình độ cao, thiếu kinh nghiệm xây dựng mô hình bảo tồn di sản văn hóa lễ hội cộng đồng. Công tác quảng bá hình ảnh di sản địa phương và gắn kết các di sản văn hóa hiện có với hoạt động du lịch, các tuyến điểm tham quan còn hạn chế. Mặc dù có tiềm năng lớn về di sản văn hóa nhưng chưa có di sản văn hóa nào của tỉnh được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể mới bắt đầu được triển khai nên gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của tỉnh. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa ở tỉnh còn yếu. Do khối lượng di sản văn hóa quá lớn (chỉ tính DT - DT cũng đã có trên 1.140) nên việc bảo tồn gặp nhiều khó khăn, khó tránh khỏi nhiều loại hình di sản văn hóa bị mai một…
Di sản văn hóa, bản sắc văn hóa chính là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của một dân tộc. Bảo tồn di sản văn hóa, do vậy, không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi thiết thực của mỗi con người. Nắm vững quy luật, tìm ra phương thức, hoạch định chiến lược, giải quyết những vấn đề đang nổi cộm, có hệ thống giải pháp, biện pháp cụ thể, hiệu quả... chính là những điều kiện cần và đủ để công tác, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc có được bước phát triển mới thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511993

Hôm nay

2319

Hôm qua

2337

Tuần này

22367

Tháng này

218866

Tháng qua

121356

Tất cả

114511993