Diễn đàn

Chữ Quốc ngữ ký âm như thế nào?

Trong khi chờ đợi các nhà chuyên môn giải thích vấn đề  bằng cách tìm về cội nguồn sự việc (étude génétique-tiếng Pháp), tức là xem xét ai, giai đoạn nào, bối cảnh nào đã làm việc kí âm, ta tạm bằng lòng với cách nhìn nội tại (regard immanent-tiếng Pháp) với phương pháp khu biệt (méthode différentielle- tiếng Pháp) tức là xem cái gì diễn ra trước mắt ta hiện nay mà thôi.
Chữ Quốc ngữ là hệ thống ghi các âm trong tiếng Việt bằng các chữ cái la tinh. Cho đến nay ta vẫn hết sức ngạc nhiên không hiểu sao mấy vị giáo sĩ dòng Tên “nghe được” một cách chi tiết hệ thống âm Việt vô cùng phong phú, không những nghe được âm mà còn phân biệt được thanh, yếu tố vắng mặt trong đa số ngôn ngữ châu Âu. Với 29 chữ cái la tinh (có thêm các dấu phụ) và các dấu  sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, cho các thanh, các vị sáng tạo chữ Quốc ngữ đã ghi được khoảng hơn 40 âm đoạn tính (trên đường thẳng) khác nhau: 17 nguyên âm, 22  phụ âm, 2 bán nguyên âm và 6 thanh (siêu đoạn tính). Suy nghĩ kỹ thấy không phải đó là chuyện kỳ diệu mà chỉ là hệ quả của học vấn thôi. Các vị giáo sĩ dòng Tên ấy là những người am hiểu ngôn ngữ học được phái đi truyền đạo ở châu Á trong khi một đoàn khác mạnh về triết và xã hội học thì đi châu Phi. Trong thế kỉ 17, ở châu Âu kiến thức về ngữ âm đã khá phát triển. Ai đã từng xem hay đọc vở kịch “Trưởng giả học làm sang“ của Molìere được viết ra trong thế kỉ 17 đó sẽ ngạc nhiên thấy vị giáo sư triết giảng cho ông Jourdain về cách phát âm các nguyên âm: O thì tròn môi, A thì há miệng rộng, i thì khép miệng lại, v.v... Như vậy thời đó người ta đã có khái niệm về các nét khu biệt. Đối với nguyên âm thì có các yếu tố môi, mũi, độ khép mở của miệng…Đối với phụ âm thì có răng, môi, ngạc, lưỡi, mũi, hữu thanh, vô thanh, tắc, xát…

 

Bây giờ ta điểm lại các âm tiếng Việt và các chữ cái, tiếp đó ta xem cách dùng chữ cái thể hiện âm như thế nào. Về âm ta có:
- Nguyên âm đơn: a, a ngắn (ă); e, e ngắn; o, o dài;  ê; ơ, ơ ngắn (â); ô, ô dài ; i; ư; u. Nguyên âm đôi: (uô), (ươ) và (iê). Có cả thảy 17 nguyên âm đơn và đôi.
- Bán nguyên âm: w và j (trong chữ viết w được ghi bằng u hoặc o; j bằng i hay y.
- Phụ âm: bờ (được ghi b), cờ (c, k, q), dờ (d, gi), đờ (đ), gờ (g, gh), hờ (h), khờ (kh), chờ (ch), lờ (l), mờ (m), nờ, nhờ (nh), ngờ (ng, ngh), pờ (p), phờ (ph), rờ (r), sờ (s), xờ (x), tờ (t), thờ (th), trờ (tr), vờ (v). Có cả thảy 22 phụ âm.
Bảng chữ cái tiếng Việt: a, ă, â, b, c, d, đ, e, ê, g, h, i, k, l, m, n, o, ô, ơ, p, q, r, s, t, u, ư, v, x, y. Tất cả có 29 kí tự để ghi 41 âm. Như vậy hiển nhiên có trường hợp một kí tự ghi cho nhiều âm, thí dụ kí tự a ghi cho âm a (ca), âm a ngắn (trong hay, cay… đáng ra là hăi, căi), âm e (trong anh, ách…. đáng ra là enh, éch). Ngược lại có trường hợp một âm được ghi bằng nhiều chữ cái khác nhau như âm “cờ” khi thì được ghi là c (cam), khi thì k (kem), khi thì q (que). Ta lưu ý rằng ý muốn “một kí tự cho một âm và một âm chỉ có một kí tự” là không cần thiết, không phù hợp với nguyên tắc tiết kiệm, sẽ làm cồng kềnh bảng chữ cái, khó học.


Những điều cần chú ý về kí âm các nguyên âm:
- a dài, a ngắn: a ngắn được ghi nói chung bằng ă như ăn, cắt, sắp… nhưng có khi chỉ bằng a như trong hay, cay (đáng ra hăi, căi…). Vậy trước y ta có a ngắn, trước i ngắn ta có a dài (hai, chai…)
- e dài, e ngắn: e dài được ghi bằng e (em, xe, rét, eng éc…), e ngắn được ghi bằng a (anh ách… đáng ra phải ghi enh éch)
- o dài, o ngắn: o ngắn được ghi bằng o (co, non, song…); o dài được ghi bằng oo (soong, ba toong, Roòn, boong -tàu…).
- ô dài, ô ngắn: ô ngắn được ghi là ô (ông, tôm, sông…); ô dài được ghi là ôô, chỉ dùng để ghi tiếng địa phương miền Trung (ôông, tôông…)
- ơ dài, ơ ngắn: ơ dài được ghi là ơ (mơ, sơn…), ơ ngắn được ghi là â (ân, sân, tất…).
- nguyên âm đôi (uô) được ghi là ua khi từ không có phụ âm cuối (vua, cua…). bằng uô khi có phụ âm cuối (luôn, uống…).
- nguyên âm đôi (ươ) được ghi ưa khi không có phụ âm cuối (mưa, xưa….), bằng ươ khi có phụ âm cuối (mượn, xương…)
- nguyên âm đôi (iê) được ghi là ia khi không có phụ âm cuối (tia, kìa….), bằng iê khi có phụ âm cuối (liên, tiến…). Khi từ không có phụ âm đầu thì iê được ghi là yê (yên, yêu, ….)


Về kí âm các bán nguyên âm:
- Bán nguyên âm W: bán nguyên âm này được ghi là o trước các nguyên âm a, e (hoa, xòe…), bằng u trước ê, ơ (huề, thuở…). Nó được ghi sau a dài, e dài bằng o (tao, mèo…), sau ê, i, iê, ươ bằng u (kêu, rìu, xiêu,  hươu...). Tổ hợp âm kw được ghi là qu (qua, que, quê, quơ, qui...).
- Bán nguyên âm J: Bán nguyên âm này được ghi là i khi đi sau các âm a dài, (ai), o ngắn (oi), u (ui),  ô (ôi), Ơ dài (ơi), và bằng y sau a ngắn (ay đáng ra là ăi), ê (ây đáng ra  êi). Cần phân biệt hui = huj và huy = hwi.


Về các phụ âm:
Các giáo sỹ dòng Tên được cử đến thoạt tiên ở Đàng Trong, lấy Hội An làm nơi cư trú chủ yếu. Dần dà về sau họ mới ra Đàng ngoài. Ta cảm nhận việc đó qua nhận xét rằng trong hệ thống phụ âm ta có (tr), (s) và (r) là những âm không được dùng ở Miền Bắc (từ Thanh Hóa trở ra). Khi tiếp xúc với Đàng Ngoài họ biết đủ sáu thanh và âm (Ȝ) mà họ ghi là gi (gió, giai…). Về sau âm này biến thành “dờ” mọi nơi trong nước. Trong tiếng Việt cổ hiện còn tồn tại ở một số địa phương, âm (f) được phát âm như (p) bật hơi. Vì vậy các tác giả chữ Quốc ngữ ghi (ph) chứ không ghi (f). Đó chỉ là một giả thuyết. Có giả thuyết khác cho rằng ghi (ph) là muốn dùng kí tự có sẵn thay vì thêm một kí tự mới (f).


Qua việc điểm lại hệ thống âm tiếng Việt ta thấy vô cùng thú vị trước số lượng đông đảo các âm, nguyên âm cũng như phụ âm, một số lượng khá vượt trội so với những ngôn ngữ mà ta quen thuộc. Xin lưu ý các bạn học ngoại ngữ rằng các âm tiếng Việt không hoàn toàn y chang như các âm tiếng Pháp, tiếng Anh. Khi học ngoại ngữ phải cẩn thận tìm cái khác biệt để việc học được hoàn hảo. Lấy tiếng Pháp làm thí dụ: các âm t và d thuộc loại âm lươĩ-răng, trong khi t và d tiếng Việt thuộc loại lưỡi-ngạc. Âm (g) tiếng Việt là âm xát, trong khi (g) Anh, Pháp là âm tắc, v.v...


Chữ Quốc ngữ xuất phát từ công cụ phục vụ tôn giáo, lần lượt trở thành công cụ phục vụ hành chính, giáo dục dưới thời thuộc Pháp, công cụ nâng cao dân trí của các tổ chức yêu nước, cuối cùng là chữ viết của toàn dân. Công lao tạo ra chữ Quốc ngữ trước hết thuộc về các vị giáo sỹ dòng Tên, nhưng chắc qua nhiều năm tồn tại đã được nhiều người Việt và nước ngoài bổ sung, chỉnh lý. Việc truyền bá chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 phải kể đến công của các học giả Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Vĩnh. Các vị này tổ chức in ấn, xuất bản, cho ra đời những tờ báo Quốc ngữ. Đặc biệt Nguyễn Văn Vĩnh tạo ra dạng ‘télex” phục vụ ngành điện báo một cách hữu hiệu.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511999

Hôm nay

2325

Hôm qua

2337

Tuần này

22373

Tháng này

218872

Tháng qua

121356

Tất cả

114511999