Xứ Nghệ ngày nay
Cận cảnh dự án Innov Green (Kỳ III)
Đầy ắp nỗi lo
Rời Cắm Muộn, chúng tôi có những khoảng thời gian gặp gỡ, trao đổi với một số cán bộ Huyện ủy, UBND huyện, Huyện đội, Công an huyện Quế Phong. Mỗi người trong số họ có một góc nhìn, một cách đánh giá riêng về dự án InnovGreen nhưng tựu trung lại đều chung một nỗi niềm băn khoăn, lo lắng. Còn chúng tôi - nhóm phóng viên Báo Lao Động Nghệ An, sau chuyến đi dài ngày tại Quế Phong thấy rằng, để giải quyết thấu đáo vấn đề Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH InnovGreen, chính quyền cấp tỉnh hãy hướng về cơ sở.
Những cán bộ của huyện Quế Phong mà chúng tôi đã gặp gỡ gồm: Ông Mạc Đăng Khuê – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy; Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện; Trần Hữu Đàn – Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy; Trung tá Phạm Thanh Sơn – Phó chỉ huy trưởng Huyện đội; Thượng tá Lương Văn Châu – Phó trưởng Công an huyện.
Từ sinh kế của dân
Được Huyện ủy Quế Phong giao phụ trách địa bàn Cắn Muộn nên Trưởng ban Tuyên giáo Mạc Đăng Khuê hiểu rất rõ nơi đây: “Cắm Muộn ruộng lúa nước ít. Kiểm lâm huyện quy hoạch giao rẫy cho dân hàng năm. Khi Dự án InnovGreen về khảo sát, họ làm việc trực tiếp với xã nhưng không đưa ra cộng đồng thôn bản xin ý kiến. Những thông tin, mục đích về Dự án, họ không truyền đạt đầy đủ nên dân không hiểu cứ đăng ký ào ào. Chính quyền xã nhất trí ký văn bản. Có chữ ký của xã, họ lên huyện, lên tỉnh. Cuối cùng UBND tỉnh chấp thuận cho họ thuê đất. Lúc này dân mới biết họ thuê đất gần 50 năm. Khi triển khai trồng rừng, Dự án lại không giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập gì cho dân. Dự án chỉ thuê lao động phát quang, thích thì thuê không thích thì thôi. Anh không làm tôi thuê chỗ khác. Dân mất đất, mất khu vực làm nương rẫy, chăn nuôi. Mất đất thì còn biết sống bằng cái gì, mới thấy lợi bất cập hại. Từ thực tế như vậy, dân mới nhận ra không thể chấp nhận Dự án này, mới có ý kiến phản ánh ngược lại. Thực tế là như vậy. UBND huyện đã làm văn bản báo cáo tỉnh”.
Ông Lang Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND phụ trách Nông nghiệp huyện Quế Phong tỏ ra nghi ngờ về triển vọng phát triển kinh tế từ dự án InnovGreen. Ông Minh phân tích: “UBND tỉnh cho Dự án InnovGreen thuê hơn 900 ha. Hiện nay ở Cắm Muộn đã triển khai hơn 300 ha. Ban đầu họ nói là đưa cây giống có năng suất cao, nhưng thực tế họ chỉ trồng cây keo. Cây keo thì ta cũng có. Cây keo bình thường sau 6-7 năm sẽ thu hoạch được, nếu cây keo của họ trồng sau 3 năm có thể thu hoạch mới là công nghệ cao. Hiện nay nhân dân Quế Phong đã hiểu được lợi ích từ việc trồng rừng, ở khu vực đó nếu họ không trồng thì chắc chắn sau này dân cũng trồng”. Ông cho biết thêm: “Tại Đại hội Đảng bộ Huyện ủy, Bí thư xã Nậm Nhóng Mong Thái Xuyên có ý kiến: “Diện tích đất Dự án InnovGreen đang triển khai có gần 100 ha thuộc bản Na Khích, xã Nậm Nhoóng. Nhân dân Nậm Nhoóng không đồng tình giao đất vì như thế dân sẽ không có đất để trồng rừng”.
Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy Trần Hữu Đàn cũng có ý kiến: “Không nên cho tiếp tục triển khai. Ngày 25/6/2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng lên Quế Phong, Huyện ủy, UBND huyện cũng có văn bản kiến nghị trực tiếp đề nghị Phó Thủ tướng can thiệp. Ngày 14/7/2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có kết luận: “Về việc xử lý Công ty InnovGreen thuê đất trồng rừng tại huyện Quế Phong: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh có phương án giải quyết cụ thể”. Cắm Muộn là vùng nhạy cảm, là kho vàng của mảnh đất này. Mỏ vàng ở đó có từ bao đời nay. Rất nhiều Công ty lên đề nghị xin khai thác nhưng đều bị từ chối. Khai thác vàng tác động rất xấu đến môi trường. Công ty InnovGreen không xin ở đâu lại xin ở đó. Chúng ta đâu biết InnovGreen có dự định gì. Họ trồng rừng nguyên liệu hay chỉ nhằm vào khoáng sản dưới lòng đất...”.
Đến quốc phòng – an ninh
Dự án InnovGreen có ảnh hưởng tới vấn đề quốc phòng an ninh hay không? Trung tá Phạm Thanh Sơn – Phó chỉ huy trưởng Huyện đội Quế Phong cho biết: “Quang Phong, Cắm Muộn, Nậm Nhoóng là 3 xã vùng sâu, vùng xa. Quang Phong, Cắm Muộn có hang động tự nhiên. Khu vực Quang Phong là nơi được dự định xây dựng căn cứ hậu phương với diện tích đến vài ngàn héc ta. Dự án InnovGreen thực hiện ở Cắm Muộn thế nào cũng có ảnh hưởng. Hơn nữa nhân dân đang cần đất sản xuất, việc cho thuê dài hạn là không nên. Vì vậy, Ban chỉ huy quân sự huyện đã từng có nhiều văn bản gửi huyện ủy, UBND huyện, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 4 đề nghị cho tạm dừng dự án này lại”.
Ban Chỉ huy quân sự huyện Quế Phong đã có 2 Công văn báo cáo tác động của Dự án đến thế trận Quốc phòng – an ninh trong khu vực phòng thủ huyện Quế Phong. Công văn số 204 ngày 25/4/2008 nêu: “Qua nghiên cứu hồ sơ, thực tế khảo sát địa hình trong phạm vi quản lý, Ban chỉ huy quân sự huyện Quế Phong có ý kiến: Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty InnovGeen có chủ đầu tư là người nước ngoài; vào thuê đất thời hạn 50 năm thuộc địa bàn 6 huyện trong đó có 5 huyện biên giới vùng cao tiếp giáp với nước bạn Lào (trong đó có huyện Quế Phong). Dự kiến đầu tư trồng rừng với diện tích lớn lâu dài trên tuyến biên giới, đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng rất lớn cho việc xây dựng thế trận Quốc phòng – an ninh trong khu vực phòng thủ huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Kiến nghị: Đối với Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty InnovGreen, việc thuê đất thời hạn 50 năm với diện tích lớn sát biên giới thực sự không có lợi cho Quốc phòng – an ninh”. Công văn số 380 ngày 16/3/2009 kiến nghị: “Không nên cho Công ty InnovGreen thuê đất trồng rừng tại huyện Quế Phong vì trong khi huyện đang tìm nơi tái định cư cho 1.238 hộ (số liệu tháng 2/2009) thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ. Dân không có đất trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ và đất sản xuất mình lại cho người nước ngoài thuê là không hợp lý. Hơn nữa 2 xã Quang Phong, Cắm Muộn nơi Dự án thuê đất dài hạn đúng vào khu vực mỏ vàng”.
Về vấn đề trật tự an ninh, theo Thượng tá Lương Văn Châu – Phó trưởng Công an huyện: “Ban đầu Công ty InnovGreen cũng thuê một số nhân công địa phương. Do người địa phương làm việc theo thời vụ nên công việc hay bị ngắt quãng. Vì vậy họ thuê một số người ở huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và đặc biệt có 51 người Mông ở Hà Giang, Cao Bằng. Quá trình đưa 51 người Mông vào Quế Phong, thủ tục giấy tờ đăng ký tạm vắng tạm trú không đảm bảo. Trong 51 người, chỉ 6 người có chứng minh thư, 45 người còn lại chỉ có giấy tạm vắng ở địa phương. Những giấy tạm vắng của họ lại sai địa chỉ, giới thiệu đi làm ở địa phương khác chứ không phải về Quế Phong. Như vậy là Công ty không thực hiện đúng cam kết sử dụng nhân công địa phương, bên cạnh đó họ đưa người địa phương khác về làm nhưng giấy tờ không hợp lệ. Phòng bảo vệ an ninh kinh tế công an tỉnh đã kết hợp với công an Quế Phong tổ chức kiểm tra, xử phạt và yêu cầu họ đưa người Mông về hết…”.
Huyện Quế Phong đã có văn bản kiến nghị
Ngày 26/7/2010, UBND huyện Quế Phong đã có Báo cáo số 124/BC-UBND về việc trồng rừng của Công ty TNHH InnovGreen Nghệ An tại xã Cắm Muộn. Theo Báo cáo, hiện nay Công ty TNHH InnovGreen đã phát dọn thực bì được 345,7 ha; Diện tích đào hố được 327,5 ha và diện tích trồng cây được 294 ha. UBND huyện Quế Phong kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh: “Xuất phát từ các ý kiến phản hồi của nhân dân tại địa phương về việc không đồng tình với dự án của Công ty TNHH InnovGreen. Để tránh tình trạng gây mất an ninh, trật tự xẩy ra giữa người dân địa phương với Công ty, UBND huyện kính đề xuất kiến nghị UBND tỉnh một số nội dung sau: Đối với diện tích đã giao cho thuê mà Công ty TNHH InnovGreen đã phát thực bì, đào hố 345,7 ha thì cho phép Công ty tiếp tục triển khai thực hiện; Đối với diện tích đã giao còn lại (632,88 ha) nhưng Công ty chưa phát thực bì, đào hố đề nghị UBND tỉnh xem xét, quyết định; Tăng cường công tác quản lý, yêu cầu Công ty hạn chế sử dụng công nhân ngoài địa phương, đặc biệt người dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng). Nghiêm cấm sử dụng công nhân, lao động nước ngoài; Do khu vực trồng rừng nằm cách xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn, hơn nữa đây là khu vực có vàng sa khoáng. Do đó để tránh tình trạng Công ty lợi dụng việc trồng rừng để khai thác vàng (theo ý kiến đông đảo của nhân dân xã Cắm Muộn kiến nghị tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, xã), UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành: Công an, quân sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của Công ty”.
*
* *
Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ Thông báo số 526 – TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty InnovGreen. Điểm 1 của Thông báo nêu rõ: “Đồng ý chủ trương đầu tư Dự án trồng rừng nguyên liệu của Công ty TNHH InnovGreen, nhưng với phương thức đầu tư chủ yếu là hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật để người nông dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư”. Có thể thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hết sức coi trọng vấn đề an sinh xã hội của nhân dân. Phương thức thực hiện nêu rất rõ: Nhà đầu tư chủ yếu hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật - Nhân dân trồng rừng – Nguyên liệu từ rừng phục vụ nhu cầu chế biến của nhà đầu tư. Đó là mong muốn đồng thời là điều kiện mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra đối với Dự án, mục đích tạo công ăn việc làm bền vững cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng. Vậy nhưng thực tế cuộc sống, tinh thần của nhân dân trong vùng dự án trồng rừng nguyên liệu InnovGreen hiện nay như thế nào? trong loạt bài vừa qua, chúng tôi đã cố gắng mô tả một cách đầy đủ và chân thực nhất. Chúng tôi thấy rằng, để giải quyết thấu đáo vấn đề này, chính quyền cấp tỉnh phải hướng về cơ sở, hướng về nhân dân trong vùng dự án.
Kỳ IV: Phải xem xét điều chỉnh lại dự án!
Nguồn: Lao động Nghệ An
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511070
Hôm nay
269
Hôm qua
2359
Tuần này
21444
Tháng này
217943
Tháng qua
121356
Tất cả
114511070