Nhìn ra thế giới

Ký sự Cuba [kỳ 2]

...

NỀN ĐẠI HỌC

Ở Cuba, có Bộ Giáo dục và có cả Bộ Giáo dục Đại học. Giống như ngày xưa Việt Nam có cả Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tôi hỏi một anh ở Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đi cùng Đoàn: Vậy Bộ nào của nước bạn sẽ là đối tác với Bộ ta. Anh bạn bảo: Còn tùy vào việc cụ thể. Việc liên quan đến Bộ nào thì đối tác với Bộ đó.

 ỞViệt Nam, hiện cũng có một số ý kiến trong Quốc hội muốn có Bộ Giáo dục riêng và Bộ Đại học riêng (Bộ Đại học có thể gộp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ). Chẳng biết là cách nào phù hợp. Ở Cuba, tôi chưa hiểu là nước ít dân vậy lại có tới hai bộ liên quan đến giáo dục và đào tạo. Đến phần sau, khi viết về y tế và giáo dục Cuba, tôi sẽ viết kỹ hơn.

Chúng tôi làm việc với Bộ Giáo dục đại họcvàvới một số trường đại học. Có trường mới thành lập sau khi cách mạng Cuba thành công, nhưng có nhiều trường đã có lịch sử lâu đời, như Đại học Tổng hợp La Habana có bề dày lịch sử tới những 290 năm. Chúng tôi làm việc với cả Trường Đảng cao cấp Nico Lopez thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Cuba; làm với Trường Cán bộ thuộc Chính phủ Cuba mới thành lập năm 2011 để bồi dưỡng kiến thức cập nhật cho cán bộ cấp cao của Chính phủ, có bồi dưỡng cho cả các doanh nhân; làm với Viện José Martí (Oficina del Programa Martiano); với Viện Triết học; với Viện Dân tộc và Hữu nghị quốc tế Cuba; với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba; v.v... Cuối cùng là một buổi tiếp, nói chuyện thân mật của một Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba tại trụ sở Trung ương Đảng, nằm phía sau Quảng trường cách mạng.

May mà có anh phiên dịch người Cuba nói tiếng Việt như người Hà Nội không thì những cuộc trao đổi ý kiến của chúng tôi với lãnh đạo, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học sẽ gặp nhiều trúc trắc do chuyển tải giữa hai ngữ Việt Nam - Tây Ban Nha.

Anh phiên dịch có tên khá dài: Esteban Braulio Gonzalez Hernandez. Tên Việt Nam của anh là “Trung”. Thành thử chúng tôi cứ gọi anh là “Trung” cho dễ, chứ chẳng nhớ tên Cuba của anh. Anh Trung trông phong độ, nghiện thuốc lá và café, sinh năm 1965, cao tới 1m93, từng tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -Đại học Quốc gia Hà Nội. Một hôm, anh đưa bằng tốt nghiệp cho chúng tôi xem. Học xong, về nước, thỉnh thoảng sang Việt Nam. Có làm phiên dịch cho một số đoàn. Hiện, anh đang làm mảng quản lý kinh tế tư nhân nào đó. Hỏi, thế nào? Thế nào là thế nào? Là kinh tế tư nhân “cập nhật” ấy. Anh ấy ngắc ngứ một lúc rồi nói: chẳng ăn thua gì!

Có một buổi tối, chúng tôi gặp gỡ, trao đổi ý kiến với 4 sinh viên Việt Nam (1 nam 3 nữ: một ở ngành báo chí, một ở ngành xây dựng, một ở ngành tin học, một ở ngành y). Theo các bạn sinh viên Việt Nam nói thì ở Cuba có hai ngành nhiều thế mạnh nhất, đó là y học và xây dựng.

Chúng tôi quan tâm nhiều đến việc dạy và học những môn mà ở Việt Nam gọi là “Lý luận chính trị”. Về cái này thì tôi viết tóm lược như sau:

Tất cả các trường đại học Cuba đều phải học 4 môn:

1) Triết học Mác -Lênin.

2) Kinh tế chính trị Mác -Lênin.

3) Lý luận chính trị - xã hội. Môn học này trước có tên là “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, nhưng sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn thì chuyển sang tên gọi là “Lý luận chính trị - xã hội”, dạy và học những vấn đề chính trị thế giới đương đại, những lý luận, tư tưởng của nhiều vị danh nhân thế giới, những vấn đề chính trị đương đại ở trong nước, về tư tưởng José Martí. Hỏi tại sao không giữ tên như cũ môn học “Chủ nghĩa xã hội khoa học” thì được trả lời là về cơ bản nội dung cũng như thế thôi, nhưng được cập nhật những vấn đề chính trị - xã hội mới và nóng hổi giúp ích cho sinh viên nhiều hơn.

4) Lịch sử Cuba. Hỏi tại sao không có môn “Lịch sử Đảng Cộng sản Cuba” (như ở Việt Nam là “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”) thì được trả lời là môn học “Lịch sử Cuba” đã có một phần về lịch sử Đảng Cộng sản Cuba rồi. Hỏi thêm: tại sao không có môn “Tư tưởng José Martí” và “Tư tưởng Fidel”, thì được trả lời là tư tưởng José Martí và quan điểm/tư tưởng Fidel có một phần trong môn học “Lý luận chính trị - xã hội” rồi.

Cách dạy và học thì không chỉ thuyết giảng. Thuyết giảng ít thôi. Còn chủ yếu là đọc sách, đọc tài liệu (đọc sách, tài liệu giấy và đọc qua mạng của nhà trường). Rồi có thời lượng kha khá trao đổi, thảo luận, tranh luận. Người Cuba hùng biện lắm, điển hình là Fidel. Do đó, sinh viên Cuba cũng mang cái máu đó. Các bạn sinh viên Việt Nam học tại Cuba cho biết rằng, khi thảo luận, tranh luận về những nội dung trong môn học thì sinh viên Cuba sôi nổi lắm, hùng biện lắm. Xem ra Cuba tiếp cận theo cách giáo dục tiên tiến của nhân loại chứ không lụt đụt theo sau như ở Việt Nam. Thời nào rồi mà ở Việt Nam còn học cái kiểu nhồi nhét như cách dạy bài mấy môn lý luận chính trị. Thời lượng có hạn, nhưng chương trình thì nặng, quá nặng, giáo trình viết rõ dài, khối lượng thì lớn; giảng thìthầy cứ nói, trò cứ chép hoặc trò giương máy smartphone lên chụp rẹt cái (nếu thầy có chiếu hình powerpoint).

Có ngành tôi cứ tưởng là yếu và ít, nhưng thực tế tìm hiểu thì thấy rất phát triển ở Cuba. Đó là ngành công nghệ thông tin. Có hẳn một Trường Đại học Tin học ở thủ đô La Habana. Trường này đặt trên đất căn cứ quân sự Liên Xô trước đây, sau khi Liên Xô tan rã thì Fidel bảo là dùng căn cứ quân sự này cải tạo thành Trường Đại học Tin học.

Internet ở Cuba sử dụng không rẻ như ở Việt Nam. Chủ nhà homestay chỉ mở cho ngày hai lần, mỗi lần 1 tiếng đồng hồ, suốt 10 ngày trả cho chủ nhà 20 USD. Nghe nói Viettel đã đặt vấn đề muốn đầu tư vào Cuba, nhưng Cuba bảo là nếu chuyển giao công nghệ cho họ thì được, còn đầu tư thì không. He he! Thế là Viettel không thể “nói theo cách của bạn” được ở hòn đảo vùng Caribbean này.

Cuba chú trọng đào tạo trình độ đại học chuyên ngành An ninh mạng. Mà an ninh nói chung ở đây là thế mạnh, rất mạnh. Minh chứng là, đã có hàng trăm lần Mỹ định ám sát Fidel nhưng không thành đâu. Không biết là với công nghệ hiện đại như bây giờ của Mỹ như kiểu máy bay không người lái đã giết vị tướng của Iran năm 2019 thì thế nào. Chắc là Cuba có các phương án phòng vệ. Không thể coi thường công nghệ thông tin của Cuba. Vấn đề là ở chỗ mạng internet cho dân chúng chưa được thuận tiện, rộng rãi như ở Việt Nam, còn họ kiểm soát khâu an ninh và văn hóa mạng tốt.

Không như ở Việt Nam, lên mạng mà xem, thật vô thiên vô pháp. Đã có thống kê đánh giá của một tổ chức nào đó cho rằng Việt Nam đứng thứ năm về ngôn ngữ bậy bạ vô văn hóa trên mạng xã hội, cứ chửi bới ném đá tùm lum. Mấy cháu sinh viên Việt Nam ở Cuba nói rằng, cứ có giờ nào đó theo quy định và theo cụm, thường là tại một công viên nhỏ của khu phố, người ta phát sóng internet, lúc ấy các sinh viên Việt Nam cùng với dân Cuba đem máy tính và smartphone ra đó mà xài (tôi không rõ tính tiền thế nào). Còn lắp đặt mạng Internet tại nhà chắc là chỉ có những gia đình làm dịch vụ homestay mới được đăng ký thôi.

Chúng tôi thăm và làm việc với Trường Đảng Trung ương Nico Lopez (thành lập tháng 12-1960). Tôi nghiệm ra hầu hết trường Đảng Trung ương của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đều nằm ở vùng ngoại ô. Trường Đảng Trung ương Nico Lopez của Cuba không ngoại lệ. Ở Việt Nam trước đây cũng thế, tận ngoại thành; bây giờ đô thị hóa mở rộng mới thuộc nội đô. Còn ở Lào thì Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia nằm tận Thà Ngòn rất xa trung tâm thủ đô Viêng Chăn.

Xin nói thêm về Viện José Martí.

Những kết quả nghiên cứu của Viện này giúp cho phần nội dung dạy và học Tư tưởng José Martí ở các trường đại học trong cả nước. Viện này (còn gọi là Oficina del Programa Martiano) đã tổ chức 4 hội nghị quốc tế, hội nghị đầu tiên vào năm 2003. Các hội nghị đã trở thành một trong những diễn đàn tư tưởng đa dạng nhất trên thế giới và đã quy tụ hàng nghìn đại biểu từ khoảng 100 quốc gia. Năm 2021, sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ V.

Đã có nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng trên thế giới đến dự, hoặc là phát biểu khai mạc, hoặc là đọc lời bế mạc. Fidel nhiều lần đến dự. Hội nghị IV, Giáo hoàng có thư gửi chúc mừng. Ông Phó Viện trưởng, Tiến sĩ Héctor Hernandez Pardo, nói là rất lấy làm tiếc khi các hội nghị đó không có một người Việt Nam nào tham dự. Ông ấy tự phê bình rằng, do phía Cuba liên lạc, thông tin chưa thật tốt. Lần này, họ muốn Việt Nam tham gia với 200 người.

Hội nghị Quốc tế lần thứ V có các nội dung sau:

Chủ đề:  MỘT THẾ GIỚI CÂN BẰNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

Hội nghị được tổ chức bởi Dự án “Đoàn kết Thế giới của José Martí”, với sự hỗ trợ của Ủy ban Khoa học Xã hội và Con người của UNESCO và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Ibero - Mỹ (có trụ sở tại Madrid) và các tổ chức quốc tế khác.

Các chủ đề thảo luận tại Hội nghị:

  •  Đối thoại và đa dạng văn hóa.
  •  Vai trò và thách thức của phong trào thay đổi xã hội.
  •  Sự cần thiết của đoàn kết.
  •  Đấu tranh cho hòa bình và giải giáp hạt nhân.
  •  Vấn đề nước và những vấn đề liên quan.
  •  Nguy cơ và hy vọng về một công nghệ thông tin mới.
  •  Tin giả, đạo đức, và mạng xã hội.
  •  Trách nhiệm của báo chí trong tình hình hiện nay.
  •  Hệ sinh thái và bảo vệ hệ sinh thái.
  •  Chính sách văn hóa và đặc trưng quốc gia.
  •  Nghệ thuật, văn chương và thơ trong bối cảnh tự lực về văn hóa.
  •  Đa dạng xã hội và cơ chế cần thiết cho đoàn kết quốc tế.
  •  Hội nhập và thách thức.
  •  Phát triển bền vững và công bằng xã hội.
  •  Đói nghèo và an ninh lương thực.
  •  Giáo dục và quyền con người trong thế kỷ XXI.
  •  Đấu tranh chống phân biệt đối xử.
  •  Công bằng giới.
  •  Công đoàn trong bối cảnh tự do mới.
  •  Đa dạng tôn giáo và tâm linh.
  •  Vấn nạn buôn bán và sử dụng ma túy.
  •  Vai trò của giới trẻ và thế hệ mới.
  •  Chống khủng bố.
  •  Xây dựng nền dân chủ có sự tham gia và có hiệu quả.
  •  Công bằng là mặt trời của thế giới.
  •  Đóng góp của tư tưởng Mỹ latin cho thế giới, thông qua các nhà tư tưởng Simón Bolívar và José Martí.

Viện José Martí giới thiệu cho chúng tôi nghe về mọi công việc của Viện và các hội thảo quốc tế. Ngay sau buổi làm việc, về tới nhà homestay, tôi nhận được e-mail từ ông Phó Viện trưởng Héctor Hernández Pardo, trong đó có những lời viết rằng: “Chúng tôi kính mong ngài sẽ quảng bá lời giới thiệu về Hội nghị này cho bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người khác. Nếu ngài - hoặc bất kỳ đại diện nào của cơ quan của ngài - cần thư mời để có được hỗ trợ tài chính để tham gia cuộc họp toàn cầu này, hoặc cần thư mời để nhằm các mục đích khác, chúng tôi sẵn lòng gửi cho bạn bất kỳ lời mời và tài liệu. Chúng tôi tin rằng, những nỗ lực này có thể góp phần làm thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, đối mặt với những thách thức gây ra cho nhân loại ngày nay, chung tay xây dựng một thế giới tốt hơn, hòa bình, bền vững và công bằng. Nếu có câu hỏi gì, xin liên hệ với tôi, địa chỉ e-mail: hpardo@cubarte.cult.cu. 

Kính thư, Tiến sĩ Héctor Hernández Pardo, Phó Tổng Giám đốc Văn phòng
chương trình Martiano, Điều phối viên Dự án José Martí de Solidaridad”.

 Đăng ký và nộp tiền:

Qua trang web http://www.porelequilibriodelmundocuba.com. Trước 30-11-2020.

Lệ phí:

-  Tham gia: 120 CUC

-  Sinh viên đại học: 70 CUC

  • Sinh viên cao học và nghiên cứu sinh: 120 CUC
  • Người đi kèm: 50 CUC

(CUC là một đơn vị tiền tệ của Cuba.  1 USD = 0,98 CUC).

Không có gì là bí mật cả.

Vì thế, nhân đây, tôi trân trọng thông báo và chuyển lời mời cho những ai quan tâm.

(Còn nữa)

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443401

Hôm nay

2292

Hôm qua

2305

Tuần này

21214

Tháng này

218575

Tháng qua

112676

Tất cả

114443401