Du lịch xứ Nghệ

Cuộc sống bình thường mới và những bất bình thường cũ hiện nay

Cuộc sống bình thường mới thì cần phải được duy trì, phát huy, phát triển. Những cái bất bình thường cũ hiện hữu hôm nay cần phải loại bỏ.

Cuộc sống bình thường mới cần được duy trì, phát huy, phát triển

Có người không thích (hoặc cười mỉm) khi nghe nói “cuộc sống bình thường mới” với cách hiểu của họ là đã bình thường lại cònmới? Họ không thích (hoặc cười mỉm) cũng không trách được vì không ai giải thích rõ và vì nó là những cụm từ mới xuất hiện từ khi có dịch covid đến nay. Riêng người viết thì chấp nhận và giải thích như sau.

Những cụm từ này - theo tôi được biết - chỉ mới xuất hiện khi Việt Nam và thế giới phải đương đầu với cuộc chiến chống dịch Covid 19. Trong cuộc chiến đó, thế giới và Việt Nam xuất hiện nhiều cái rất mới, có ý nghĩa giá trị to lớn trong cuộc sống, đồng thời cũng xuất hiện những điều bất bình thường (cả bất bình thường có nhiều năm trước đó) rất nguy hại cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Sau hơn ba tháng không còn dịch bệnh Covid trên đất Việt Nam, chúng ta trở lại cuộc sống lao động, học tập bình thường nhưng có những yếu tố mới, giá trị mới từ trong cuộc chiến chống dịch Covid đưa lại.

Từ ngày 24/7/2020 đến nay, khi bắt đầu phát hiện người mắc dương tính virút ncovi ở Đà Nẵng và hiện nay lan tới 15 tỉnh, thành phố thì cuộc sống của chúng ta không giãn cách (cách ly) toàn xã hội như trước đây mà cơ bản chia thành hai “trận tuyến”: những nơi chưa có dịch thì vẫn duy trì cuộc sống bình thường với những giá trị mới, cách sống, làm việc mới; những nơi có dịch thì tiếp tục cuộc chiến chống dịch như chống giặc, tập trung cao nhất là ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhưng có thêm những cách thức, biện pháp mới.

Cuộc sống bình thường tức là vẫn phải ăn, mặc, ở, đi lại, học tập, lao động, sản xuất, xây dựng, chiến đấu, hội họp, hội nghị, hội thảo, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội, khai trương, v.v… Nhưng bình thường mới nghĩa là những sinh hoạt bình thường đó phải duy trì theo tư duy, tác phong, phong cách, cách làm của thời chống dịch. Những cái đó trước thời chống dịch chưa có hoặc có mà rải rác, lẻ tẻ, chưa thành nền nếp, thói quen, lối sống, lối làm việc của mỗi người và cộng đồng xã hội.

Cuộc sống bình thường mới cần được duy trì, phát huy, phát triển như dạy và học trực tuyến. Hội họp trực tuyến. Đeo khẩu trang. Không tụm năm tụm ba nói chuyện ồn ào. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi cộng cộng. Đi thang máy, xe buýt, phương tiện công cộng phải trật tự, không nói chuyện hoặc không nói to, cười đùa mất trật tự. Thường xuyên theo dõi sức khỏe cơ thể mình để có xử lý kịp thời, v.v... Những việc làm đó phải trở thành nền nếp, thói quen của mỗi người và cả cộng đồng. Cuộc sống bình thường mới còn là phát huy tình người, thái độ ứng xử nhân văn, nhân rộng việc tử tế, các nhà, tổ chức hảo tâm trong cộng đồng.

Hiểu theo một ý nghĩa khác, cuộc sống bình thường mới là đưa vào cuộc sống, sinh hoạt, lao động, học tập bình thường hằng ngày hiện nay của cá nhân và cộng đồng những giá trị mới vừa được hình thành, xuất hiện mấy tháng, được vun bồi, xây dựng trong thời chống dịch lần đầu.

 

Đảm bảo phòng chống dịch covid-19, người dân Đà Nẵng tuân thủ nghiệm việc dùng thẻ đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ. Nguồn ảnh vietnamnet.vn

Còn những nơi có dịch thuộc nguy cơ cao thì tất nhiên phải duy trì cuộc sống giãn cách xã hội, sống trong vùng “chiến trận”, nhưng cũng phải tìm ra những yếu tố mới, phương cách mới, biện pháp mới. Phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Bởi vì chống dich lần này không hoàn toàn như lần trước, ít nhất là chúng ta đã có được những bài học kinh nghiệm quý giá của mấy tháng chống dịch covid lần đầu. Nói như một quan chức Chính phủ “có lửa thì phải khoanh: lửa to, rộng thì ta khoanh to, khoanh rộng; lửa nhỏ, hẹp thì ta khoanh nhỏ, khoanh hẹp”.

Các sinh viên tình nguyện đến với Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng). Ảnh Trường Trung (tuoitre.vn)

Chúng ta tuyệt đối không “tả” mà cũng không “hữu”. Phải xuất phát từ tinh hình cụ thể từng địa phương, từng vùng, từng nơi, từng thời gian, từng loại người, nhóm người bị nhiễm dịch để chủ động có biện pháp giải quyết. Đó cũng là duy trì cuộc sống bình thường mới, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội không thể xem nhẹ, lơ là mặt nào.

Phải xác định chống dịch covid là cuộc chiến trường kỳ, cam go, cuộc chạy đường dài marathon không phải chạy nước rút, thậm chí phải hiểu và xác định “sống chung với dịch” như kiểu “sống chung với lũ”. Muốn vậy, nhiều thứ cần phải thay đổi cho kịp diễn biến của tình hình. Cuộc sống phải mang gương mặt mới, diện mạo mới, giá trị mới, nhưng không phải xóa bỏ tất cả giá trị cũ. Đó là một khía cạnh của duy trì, phát huy, phát triển cuộc sống bình thường mới.

Những cái bất bình thường cũ hiện hữu hôm nay cần phải được loại bỏ

Bất bình thường cũ tức là những cái xấu xa, hư hỏng, bệnh tật đã xuất hiện trước và trong khi có dịch lần đầu và hàng chục năm trước đây, lặp đi lặp lại nhiều lần, nay vẫn cứ tồn tại.

Nhiều điều đã thành chỉ thị, nghị quyết, quy định. Ví dụ phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, vi phạm quy định phòng, chống dịch. Chúng ta phải xem lại những nghị quyết, chỉ thị, quy định đó đã làm đến đâu, làm như thế nào? Chỗ nào, cái nào chưa làm được, chưa làm tốt, triệt để, vì đâu? Vì ai? Nếu đã có chỉ thị, quy định mà “dưới lạnh” không làm, không làm được, không làm tốt tức là bất bình thường cũ. Những chuyện bất bình thường như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần là không ổn, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Dưới đây là dăm ba dẫn chứng, ví dụ về chuyện bất bình thường cũ trước và trong cuộc chiến chống dịch covid lần đầu cần phải được giải quyết dứt điểm:

- Công tác cán bộ, nhân sự theo kiểu con ông cháu cha, một người làm quan cả họ được nhờ. Nhiều nơi nói thực hiện đúng quy trình, không trái quy định nhưng nó không đúng lòng dân(?!). Gần đây là chuyện Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định, điều động con trai ruột làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh không trái quy định. Vấn đề là lòng dân không yên. Bác Hồ nói dân tinh lắm. Họ nhiều tai, mắt cái gì họ cũng biết, cũng nghe, cũng thấy.

- Chuyện nâng giá khẩu trang; chế biến lại khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng để bán. Trong đợt chống dịch lần trước diễn ra, nay như cũ, xử lý thế nào?

- Chuyện đưa người khác vượt biên trái phép vào Việt Nam không phải lần đầu, lần này càng nhiều, nguy hiểm hơn. Phải diệt tận gốc.

- Chuyện khai thác cát trái phép trên các dòng sông ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế - xã hội, lặp đi lặp lại nhiều lần, nay vẫn y nguyên, chỉ mới xử lý ngọn.

- Chuyện xin giữ lại nhà công vụ sau nhiều năm sử dụng đã được phanh phui nhiều năm, nay lại tiếp diễn.

- Chuyện người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý, ta nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu. Chuyện bất bình thường đó đang tái diễn nhiều nơi, xử lý sao đây?

Còn nhiều chuyện không bình thường cũ đang diễn ra hiện nay không thể dẫn ra hết. Nếu đúc thành lý luận, nghị quyết thì đó là những hiện tượng, việc làm, con người, tổ chức mắc thói quan liêu, bệnh chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó là những cái bất bình thường, nói thẳng ra là hại nước, hại dân cũ, rất cũ, được người đứng đầu Đảng, Chính phủ nói đi nói lại nhiều lần, lâu lắm rồi, nhưng đang hiện hữu hằng ngày trong cuộc chống dịch mới hôm nay.

Vấn đề ở chỗ tại những nơi mà sự bất bình thường cũ đó diễn ra vẫn có hệ thống chính trị, thậm chí người đứng đầu đảng ở địa phương lãnh đạo hệ thống chính trị lại vi phạm. Đó là điều bất bình thường, vô cùng nguy hại.

Nếu hệ thống chính trị là một nhân tố quan trọng bậc nhất, hàng đầu tạo nên thành quả lớn, thắng lợi to trong cuộc chiến chống dịch covid lần đầu thì nay phải tiếp tục phát huy vai trò, sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến chống lại những cái bất bình thường cũ. Nói theo ngôn ngữ thời chống dich là phải “kích hoạt” cả hệ thống chính trị không chỉ trong chống dịch mà cả trong chống những tiêu cực, bất bình thường cũ.

Những cái bất bình thường cũ hiện nay làm ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển đất nước, đến sự nghiệp đổi mới, lớn nhất là làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên vào Đảng, vào chế độ. Chúng ta phải ghi tạc vào đầu lời người đứng đầu Đảng, Nhà nước: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả” (Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2019, tr.80). Muốn có được niềm tin của dân thì “phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối, thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm” (Nguyễn Phú Trọng, Sđd, tr.116).

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434910

Hôm nay

2181

Hôm qua

2349

Tuần này

21560

Tháng này

211958

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434910