Du lịch xứ Nghệ

Để tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch tại Nghệ An

Phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng luôn là vấn đề trăn trở đối với Nghệ An trong suốt thời gian qua. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên song có lẽ cốt lõi của vấn đề vẫn là do sự thiếu hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Khắc phục điều này là câu chuyện không dễ dàng. Sẽ có nhiều việc cần làm trong hiện tại cũng như tương lai song quan trọng hàng đầu có lẽ là nên quan tâm đúng mức về hàm lượng văn hóa và tính sáng tạo trong sản phẩm du lịch.

Để tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, lời giải đầu tiên là tập trung nâng cao hàm lượng văn hóa và trọng tâm là phát triển du lịch văn hóa. Hiện nay, nhìn chung các sản phẩm du lịch trên địa bàn chủ yếu nghiêng về đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng. Đó là lí do các khu bãi tắm, Resort như  Cửa Lò, Bãi Lữ…thường hút khách hơn các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào các điểm này du lịch sẽ mang tính mùa vụ. Đối với các chương trình tham quan thì chưa tạo được dấu ấn đặc biệt với du khách. Trong các tour du lịch được quảng cáo, tính hấp dẫn thấp do không có sự độc đáo, mới lạ mà mấu chốt là do chưa khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa vào chương trình du lịch. Ví dụ với tour Vinh - Quế Phong - Khu du lịch sinh thái Quỳ Châu - Vinh trong 2 ngày 1 đêm, lịch trình chủ yếu là ăn, ngắm thác Sao Va, thăm hang Bua rồi lại thưởng thức đặc sản, tham quan một số địa điểm và trở về Vinh. Các tour du lịch trong thành phố Vinh hiện nay chỉ xoay quanh thăm quảng trường, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Cổng thành, mua sắm tại Big C hoặc vui chơi tại công viên trung tâm. Với chương trình du lịch như vậy quả thực khó có thể mang lại ấn tượng cho du khách vì thiếu hấp dẫn và không mang được nét riêng thật độc đáo và tiêu biểu của văn hóa xứ Nghệ. Nếu đưa vào một cách khéo léo, chính sự đa dạng, hấp dẫn vốn có của văn hóa nơi đây sẽ góp phần lớn tạo nên hiệu quả cho các sản phẩm du lịch

Đưa vào các giá trị văn hóa phi vật thể mà cụ thể và điển hình là ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ là một phương cách hiệu quả để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm du lịch. Trong các tour này, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động cùng người dân. Khi họ được sống và hòa mình trong không gian văn hóa bản địa, cảm nhận qua nhiều giác quan thì sẽ có ấn tượng sâu sắc và khó quên hơn. Đây sẽ là hướng đi không chỉ ngành du lịch trong nước mà còn của thế giới nói chung hướng đến trong tương lai. 

Một câu hỏi nhiều người đặt ra là liệu phát triển du lịch văn hóa có hiệu quả không khi nhu cầu của du khách trong nước hiện nay vẫn thiên về tham quan nghỉ dưỡng hơn là khám phá, tìm hiểu?Quả thực số khá đông người Việt Nam đi du lịch hiện nay vẫn chưa có thói quen khám phá các giá trị hay mong muốn sau mỗi chuyến đi có thể mở mang thêm một hiểu biết nào đó như các quốc gia khác. Tuy nhiên vẫn có một bộ phận hướng đến du lịch khám phá, trải nghiệm và xu hướng này sẽ dần lan tỏa bởi nếu chỉ du lịch để ăn, nghỉ thôi người ta sẽ sớm nhàm chán. Du khách trong nước hiện nay rất thích đến các vùng cao chắc chắn không chỉ bởi phong cảnh đẹp mà còn bởi sự khác lạ về văn hóa là một dẫn chứng. Bên cạnh đó, bộ phận du khách quốc tế luôn có nhu cầu trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo tại mỗi vùng miền. Theo thống kê trên thế giới, khoảng 60% khách du lịch có mục đích tìm hiểu nền văn hóa khác lạ. Điều đó chứng tỏ trải nghiệm các giá trị văn hóa là động cơ thôi thúc và là mục đích tìm kiếm của khách du lịch. Điều này khẳng định yếu tố văn hóa trong du lịch hết sức quan trọng và du lịch gắn với văn hóa là một xu hướng phát triển bền vững. Văn hóa với sự đa dạng, độc đáo vốn có của nó sẽ tạo nên tính hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch. Theo Luật Du lịch, “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”. Mà nhu cầu của du khách ngoài nghỉ dưỡng, tham quan còn có khám phá, trải nghiệm những không gian, giá trị mới lạ. Chỉ khi đáp ứng được điều đó sản phẩm du lịch mới có được sự hấp dẫn. Vấn đề hiện nay không phải là du khách chưa có nhu cầu mà quan trọng là chúng ta chưa làm ra được những sản phẩm khiến họ thực sự thích thú, quan tâm.

Mặt khác, thực tiễn của các nước có nền kinh tế du lịch phát triển, kể cả một số địa phương trong nước, cho thấy,  để tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch là phát huy hơn nữa tính sáng tạo trong các hoạt động. Sản phẩm du lịch cũng là một loại hàng hóa nên để có sản phẩm cần tiến hành nghiên cứu thị trường; xác định và phân loại khách hàng dựa trên nhu cầu, độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp. Sản phẩm du lịch là loại hàng hóa đặc biệt, người mua không chỉ có một mà nhiều nhu cầu cần được đáp ứng do đó nó đòi hỏi phải luôn có tính sáng tạo. Sáng tạo trong cách thiết kế, trong quy trình tạo sản phẩm và trong cách quảng bá. Nhìn chung điểm yếu của du lịch hiện nay là chưa phát huy được sức sáng tạo trong các khâu tạo ra sản phẩm và đặc biệt là trong hoạt động truyền thông, quảng bá. Hoạt động quảng bá vẫn tập trung giới thiệu những gì mình có mà chưa hướng đến cái gì khách thực sự cần. Quá rườm rà trong hoạt động xúc tiến đồng thời tư duy quảng bá chưa đổi mới nên chúng ta đã bỏ ra chi phí không ít song thu lại hiệu quả không đáng kể. Phương tiện quảng bá chủ yếu hiện nay vẫn là các tở rơi, tệp gấp, băng đĩa hay một số trang web với nội dung còn nghèo nàn, thiếu thông tin cụ thể, thiếu sinh động. Trong khi đó những kênh truyền thông hiệu quả nhất hiện nay chưa được khai thác đó là các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hay trên Youtube. Đây là những trang thông tin có sức lan truyền lớn với tốc độ nhanh chóng và phù hợp với tư duy truyền thông mới.  

Ngoài ra, cách tổ chức, điều phối, vận hành các tour du lịch trên địa bàn còn thiếu tính sáng tạo, thiếu đổi mới dẫn đến hiện tượng nhàm chán. Để triển khai chương trình du lịch sống động, rất cần đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ và luôn phát huy khả năng sáng tạo của mình trong khi tại Nghệ An, lực lượng này còn khá hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo anh Hồ Xuân Hải, hướng dẫn viên của Trung tâm Anh Em Travel, hiện nay đội ngũ hướng dẫn viên có nền tảng kiến thức văn hóa về xứ Nghệ chưa cao. Các buổi tập huấn chủ yếu tập trung vào nghiệp vụ, kỹ năng khách sạn, nhà hàng chứ chưa được tập huấn nhiều về kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa. Trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên cũng chưa đáp ứng tốt. Đây thực sự là một khiếm khuyết lớn vì hướng dẫn viên chính là những người đem đến cho du khách cái nhìn sống động về các điểm đến, khai mở cho họ về những giá trị văn hóa tại các di tích. Với sự hạn chế này của hướng dẫn viên thì các tour phải trông cậy vào thuyết minh viên tại những điểm đến trong khi thực tế các điểm du lịch có thuyết minh  cũng không mấy khả quan hơn. Ngoài Khu di tích Kim Liên thì các địa chỉ khác đều không hoặc chưa có đội ngũ thuyết minh viên chuyên nghiệp. Để giúp cỗ máy du lịch vận hành tốt, trong tương lai cần chú trọng phát triển đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên trên địa bàn, nhất là bồi dưỡng về kiến thức văn hóa- lịch sử cho họ.

Mặc dù thời gian qua Nghệ An đã có nhiều nỗ lực để tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch song hiệu quả chưa cao. Hy vọng, trong thời gian tới, với những nghiên cứu kĩ lưỡng và chương trình hành động thiết thực hơn, du lịch Nghệ An sẽ phát triển mạnh mẽ, vững chắc, xứng đáng với những tiềm năng hiện có. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114497376

Hôm nay

273

Hôm qua

2365

Tuần này

22157

Tháng này

214769

Tháng qua

120308

Tất cả

114497376