Nhìn ra thế giới
Ký sự Cuba [kỳ 3]
...
Y TẾ VÀ GIÁO DỤC
Cuba là thiên đường của người dân về y tế và giáo dục.
Viết về chủ đề này của Cuba, tôi nhớ đến những ngày nằm điều trị tại bệnh viện ở Việt Nam. Anh bạn đồng niên của tôi bị mổ cắt cái môlip to bằng quả trứng gà nằm trong dạ dày. A phải lưu trú tại bệnh viện tới hơn 1 tháng. Với thời gian như vậy, tôi có dịp chiêm nghiệm, có dịp ngẫm về nghề y, cái nghề mà ngày xưa cuối năm lớp 10/10, tôi chọn làm nguyện vọng 1 khi viết đơn thi vào đại học. Nhưng rồi, tạo hóa an bài cho tôi làm nghề cầm bút, cầm phấn chứ không được làm nghề đeo tai nghe, cầm dao mổ. Nằm bệnh viện mới trực tiếp cảm nhận được bao nhiêu điều mà ở phạm vi bài viết này tôi không thể viết hết ra được. Có điều cũng cảm thấy nhiêu khê và tốn kém.
Y tế và giáo dục ở Cuba hoàn toàn không mất tiền.
Hệ thống chăm lo sức khỏe cho dân ở Cuba có 95.000 bác sĩ cho hơn 11 triệu dân. Mạng lưới chằng chịt, chặt chẽ trên - dưới, ngang - dọc, đâu ra đấy. Có phân chia vùng kiểu giao cho từng nhóm bác sĩ phụ trách cụm gia đình. Mọi việc chăm lo sức khỏe trước hết là từ các bác sĩ gia đình gắn với y tế cơ sở, nặng thì chuyển dần lên tuyến trên. Thăm khám, thuốc thang trước hết là ở đây di dạo ở La Habana như ng tôi không thấy hiệu thuốc nào. Hỏi ra mới biết là ở trạm y tế cơ sở có đủ thuốc rồi. Tuyến y tế cơ sở đảm đương gần hết nên tuyến trên giảm tải rất nhiều. Bệnh nhân nằm điều trị, mọi việc có bệnh viện lo. Ở đây không có cảnh người nhà đi theo, mua áo vàng khoác vào ngủ vạ ngủ vật tại hành lang như nhiều bệnh viện ở ta. Không có cảnh đủ các hàng quán bán đồ ăn đồ uống, đồ dùng sinh hoạt cho bệnh nhân nhếch nhác ngoài cổng bệnh viện như ở ta. Đặc biệt, không có việc người nhà bệnh nhân lo lắng tìm hiểu để chi các khoản tiền “không tên” khi có thân nhân nằm viện.
Tôi nghiệm ra một điều, ở Cuba, những người thầy thuốc không chỉ thuộc làu lời thề của ông Tổ nghề Y Hyppocrates mà họ luôn thực hành đúng những điều thiêng liêng này.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba tặng thuốc phòng chống dịch covid-19 cho Việt Nam và cử đội ngũ chuyên gia sang hỗ trợ Việt nam chống dịch, 8/2020. Nguồn tuoitre.vn
Anh bạn tôi đã từng học đại học ở Cuba, về nước thỉnh thoảng đi công cán sang đó, nói với tôi trước khi tôi sang Cuba rằng, này, ông ơi, cứ bảo Cuba thiếu cái này cái nọ, nhưng họ không suy dinh dưỡng đâu nhé; trẻ em càng không bị suy dinh dưỡng. Đúng thế thật.
Quả là thần kỳ. Nghe nói ở Cuba có nhiều thế mạnh về y - dược, trong đó có cái món trị bệnh parkinson mà thế giới hầu như bó tay và một số bệnh ung thư. Cuba còn có đội ngũ bác sĩ đi hành nghề ở các nước nữa. Cuba đã có hàng loạt bác sĩ giúp Ănggôla, Venezuela… Rồi hợp tác với Brazil trong lĩnh vực y tế.
Các bác sĩ Cuba khi đến hỗ trợ y tế tại Italia. Nguồn ảnh từ internet
Việt Nam và Cuba giúp nhau nhiều. Ở đây, tôi xin chỉ nói về phía Cuba. Thời kỳ Việt Nam chống đế quốc Mỹ, Cuba đã cử nhiều chuyên gia cầu đường sang giúp ta cùng với bộ đội Trường Sơn mở rộng đường Hồ Chí Minh. Cuba giúp Việt Nam ba vạn tấn đường và đã bán số đường đó lấy ngoại tệ để gửi cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trongchuyến thăm Việt Nam năm 1973 của Fidel, Cuba tặng Việt Nam 5 công trình (tổng trị giá khoảng 80 triệu USD), gồm: Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội); đoạn đường rất đẹp như cao tốc ở Xuân Mai khởi đầu của Đường Hồ Chí Minh; Trại bò giống Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ), Trại bò sữa Mộc Châu (tỉnh Sơn La); Xí nghiệp gà Lương Mỹ. Đặc biệt, về y tế, Cuba xây và lắp trang thiết bị tặng Việt Nam Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Còn việc học. Gia đình nào ở Việt Nam mà lại không có người đi học. Cho nên thấm lắm cái sự học: tốn kém, mệt mỏi bởi chạy trường, chạy lớp, chương trình học...
Ở Cuba, từ cấp học mẫu giáo cho đến đại học không mất tiền. Đầu mỗi năm học, các bậc phụ huynh chẳng phải lo chạy trường chạy lớp, chạy học trái tuyến. Chẳng phải lo các khoản đóng góp đầu năm học, rồi các khoản phụ huynh “tự nguyện” góp quỹ này, quỹ nọ. Đương nhiên, người nước khác sang Cuba học đại học thì phải mất tiền, thường là hưởng học bổng của chính phủ.
Giáo dục của Cuba đúng theo tinh thần ưu việt, tất cả vì con người. Họ nói là làm. Có lẽ ở Cuba, giáo dục được đặt lên hàng đầu thật, là quốc sách thật (chứ không phải chỉ nói cho bay bổng ngôn từ, không phải chỉ viết rất hay trong các nghị quyết), cho nên trong thực tế Cuba ghim/khảm vào cơ cấu Chính phủ: có cả hai bộ: Bộ Giáo và Bộ Giáo dục đại học riêng.
Ở Cuba không bao giờ có hiện tượng thương mại hóa giáo dục. Ở ta, nhiều người lo lắng bởi xu hướng thương mại hóa giáo dục đang diễn ra. GS,TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, than phiền nhiều lần cùng chúng tôi khi tham gia nghiên cứu một đề tài khoa học về xây dựng nhân cách học sinh. Ông ấy lo lắng cho sự hư hỏng của xu hướng thương mại hóa trong giáo dục. Ở ta không ít trường tuyên bố trường của họ là “trường phi lợi nhuận”. Nhưng thực tế vẫn thu đủ các loại, lại còn mở đào tạo liên kết quốc nội, quốc tế trong khi chất lượng đào tạo thì không biết ở mức nào.
Ở Cuba, tuyệt nhiên không có hiện tượng này. Trẻ em đến tuổi đi học thôi. Gia đình, con cái không phải bận tâm về chuyện tiền nong cho việc học hành. Học ngành gì nghề gì đều đã được tính toán trên cơ sở nhu cầu kinh tế - xã hội của đất nước. Vậy nên, tốt nghiệp là có việc làm ngay.
Tôi chỉ mong Việt Nam mình xây nhiều nhà thương, trường học. Chùa chiền đủ rồi, không cần mấy cái chùa to đùng to đoàng thế kia, để rồi tự hào là to nhất Đông Nam Á. Nhất mà làm gì. Phật nào cần cái đó! Thời vua Hồ Quý Ly, ông ra lệnh cho một loạt sư hoàn tục về đi cày. Huống hồ bây giờ lắm sư hổ mang, tiền căng túi, đầy hòm, có hàng loạt sổ gửi ngân hàng, ăn tục nói phét. Rồi lại mong tiền quan tham tham nhũng, bị thất thoát hằng năm nếu thu lại được, tính ra cũng xây được hàng trăm, ngàn trường học, nhà thương lớn - nhỏ cho dân hưởng.
Lại mong Việt Nam mình đào tạo được thật nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng tài - đức; đào tạo nhiều thầy cô phẩm hạnh - tài giỏi. Mong có chính sách thật tốt cho thầy cô giáo, cho những thầy thuốc cắm bản, tất cả vì học sinh thân yêu, vì người bệnh khắc khoải chờ mong ở những vùng sâu vùng xa, hải đảo, nơi biên ải cùng trời cuối đất. Mong cho cái đức của ta tiến bộ nhiều, đừng vì mấy đồng tiền mà nó đâm toạc cái áo blou trắng; đừng vì mấy cái phong bì - phong bao mà đánh tráo học lực của học trò.
Mong cho chính sách hướng các vectơ lực hút thật nhiều nhân tài vật lực vào ngành sư phạm. Giáo dục có vững thì nước mới mạnh!
XÌ GÀ, RƯỢU RUM
Đến Cuba, khách du lịch có thể mua nhiều thứ về làm quà. Phổ biến nhất là xì gà.
Xì gà và rượu Rum - những sản phẩm nổi tiếng của Cuba
Xì gà Cuba thì thôi rồi, miễn chê. Quá nổi tiếng. Nhất thế giới. Nămbơ oăn! Tôi nghe nói rằng, người hút sành điệu ở Việt Nam thì ai mang xì gà từ Cuba về là họ “cân” tất, dù có bị đắt đỏ, vì không lo bị giả, bị nhái. Chứ có khi hút ở trong nước, mang tiếng là hút xì gà Cuba đấy, nhưng là của nước nảo nước nào ấy chứ, hôi rình! Hà Nội có tới mấy chục cửa hàng xì gà, đâu cũng nói là chính hiệu, chính hiệu và chính hiệu, nhưng “hiệu” là “hiệu” nào, có “chính” không, có xì gà chính hiệu Cuba không?
Xì gà Cuba có nhiều loại, loại đắt tiền mấy trăm USD một hộp 25 điếu có. Loại vừa vừa có. Loại rẻ 50 USD một hộp 25 điếu cũng có. Cái này các bác sứ quan ta rành lắm. Mùi rất đặc trưng. Có người ưa, có người không (viết đến đây, tôi nhớ có dạo GS Trần Văn Giàu nói về trái sầu riêng, bảo rằng, ăn sầu riêng như ngồi trên hố xí mà ăn. He he!). Tôi vào một cửa hàng xì gà, đứng một lúc thấy hơi bị nồng nồng hắc hắc, đành phải ra ngoài hóng gió trước, chờ đồng nghiệp của Đoàn ra sau.
Cuba quy định người xuất cảnh chỉ được mang tối đa 2 hộp xì gà/một kiện hàng. Nếu quá đi thì hải quan bắt phải để lại hoặc là phải trả giá thuế gì gì đó cao lắm. Không biết là chính sách này có phù hợp không. Tôi cạn nghĩ là đã là ưu thế xuất khẩu thì xuất càng nhiều càng tốt chứ hạn chế làm cái chi chi. Nếu có cơ người ta mang ra khỏi nước Cuba quá nhiều thì cứ định ra cái giá cao lên để tha hồ mà thu ngoại tệ, chứ không sướng à. Có người khi xuất cảnh, đồ tư trang của mình san ra làm nhiều kiện, kể cả kiện xách tay, để khi tính đơn vị kiện hàng mà mang được nhiều hộp xì gà. Giá cả ở Việt Nam mình nghe nói là một hộp xì gà chính hiệu Cuba mang về bán cũng lãi được gấp 5-6-7 lần (tùy loại và cũng tùy cách bán - cách mua). Hệ số lãi vậy là cao, rất cao. Tôi hỏi anh phiên dịch người Cuba, tại sao mấy ngày ở đây mà tôi không trông thấy người Cuba nào hút xì gà thì anh ấy bảo là do đắt quá.
Chủ tịch Fidel và Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa gặp nhau lần nào. Hồi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, Anh hùng Đinh Núp được Cuba mời sang thăm, Fidel gửi biếu cụ Hồ một hộp xì gà. Hộp xì gà này chắc là đẹp và chất lượng tuyệt hảo! Chủ tịch Fidel cũng hút xì gà. Tôi thấy trên phim có cảnh Fidel đang hút xì gà gộc. Về sau, ông ấy bỏ, chắc là do sức khỏe, chứ không như ai đó thuật lại từ một bài báo của phóng viên phương Tây hỏi Fidel tại sao bỏ xì gà thì ông ấy nói [đùa] rằng, là vì tiết kiệm, để dành cho xuất khẩu.
Có hôm chúng tôi ra chợ tư nhân tại một bến cảng. Chợ này rất rộng, khang trang, trước đây là kho hàng, nay không dùng, thế là cho biến thành chợ. Hàng mỹ nghệ ở đây rất nhiều, và bắt mắt khách du lịch. Có mấy gian hàng rất độc đáo bởi những bức tranh nghệ thuật (tranh chân dung những người nổi tiếng của Cuba và của thế giới, tranh phong cảnh) đều dán bằng lá xì gà. Tuyệt đẹp. Nhưng giá quá đắt đối với túi tiền chúng tôi mang theo. Vả lại, có thể khí hậu ở Việt Nam không phù hợp để bảo quản tranh. Đành ngắm nghía vậy!
Rượu rum ở Cuba thì vô thiên lủng, nhiều loại. Cất bằng mật mía. Thơm. Tôi nghe anh em tán vậy, chứ tôi không uống được rượu. Mấy hôm ăn cơm ở homestay, cả đoàn khui chai 38 độ. Cánh liền ông, nhiều người zô zô! Uống xong, liền ông im thin thít. Thấy vậy, cánh liền bà mí hỏi có ngon không. Ngon! Nghe gọn một tiếng vậy.
Rượu thì không hạn chế mang ra khỏi Cuba. Ai mang đi được bao nhiêu thì mang. Hầu như cửa hàng nào cũng có. Giá cả thì thống nhất do nhà nước định, không như ở ta có khi cửa hàng này giá này, cửa hàng khác giá khác. Ngay cả quá cảnh ở Charles de Gaulle hoặc quá cảnh Matxcơva, khi vào cửa hàng miễn thuế ở nhà ga mua rượu cùng loại, giá cũng chênh nhau đấy thôi. Lại nhớ thời bao cấp ông Hữu Loan - tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim” - về quê Nga Sơn, Thanh Hóa sống, thấy cửa hàng mậu dịch quốc doanh bán diêm nhưng giá không như nhau, ông ứng khẩu hai câu: “Diêm Thống Nhất mà không thống nhất/Nơi bán năm xu nơi bán một hào”). Rượu rum Cuba, có nhiều loại. Loại đẳng cấp giá đắt mấy trăm USD có, loại khoảng 10 USD cũng có - loại này cũng tốt rồi, hình thức chai đẹp, bắt mắt, vừa với khẩu vị đại chúng, phù hợp để làm quà cho mỗi chuyến công cán hay du lịch từ Cuba về.
DU LỊCH. SĂN TÔM HÙM
Chiếc ca nô cỡ trung bình xé nước vun vút lao ra biển Caribbean. “Đi săn tôm hùm” là cách nói vui, nói cho oai thôi. Chỉ là một buổi đi chơi, đi du lịch ở một nơi chuyên du lịch biển, cách trung tâm thủ đô La Habana khoảng 100 km. Ra biển để ngắm biển, lên vài hòn đảo nhỏ, kéo lưới bắt tôm hùm tại chỗ, chế biến tại chỗ, chén tại chỗ. 3 tại chỗ.
Một bác ở Sứ quán Việt Nam, một hôm nói với chúng tôi: “Đến Cuba mà chưa ra biển đảo ăn tôm hùm thì coi như chưa đến Cuba”.
Lặn biển bắt tôm hùm bằng tay ở Cuba
Chuyến đi ra biển này có giá 67 USD/người. Tính ra theo giá Việt Nam là rẻ, quá rẻ. Một chuyến ca nô chạy khá xa, phục vụ tận tình. Đến vùng biển định sẵn họ thả neo. Một hướng dẫn viên du lịch người Cuba bắt đầu mặc đồ lặn, ùm xuống, ngụp lặn một hồi lấy lên được cho mỗi người 1 con ốc to (như ốc tù và theo cách gọi của Việt Nam). Có một chiếc thuyền đi trước từ bao giờ đang thả lưới. Họ kéo lên có cả tôm (như tôm sú), họ gỡ rồi vứt trở lại xuống biển, còn lại được tôm hùm thì gỡ bỏ vào những chiếc xô nhựa. Tôm hùm tự nhiên chứ không phải tôm nuôi. Từ lâu, tôi đã nghe nói là Cuba đã có kỹ thuật cho tôm hùm đẻ trong môi trường nhân tạo. Còn ở Việt Nam muốn nuôi tôm hùm thì chỉ có cách là bắt tôm hùm con tự nhiên thả vào lồng nuôi chứ chưa cho đẻ như tôm sú được. Thế mới biết là biển Cuba có quá nhiều tôm hùm tự nhiên. Chắc là có quy định không được đánh bắt khi không cho phép.
Họ kể rằng, người ta thả chà xuống biển để dụ những con tôm hùm đến và mấy hôm sau mới trở lại kéo lưới bắt lên. Ca nô của chúng tôi thu hoạch được mấy xô tôm hùm, mỗi con ước tính 1kg, đang bật nhảy tanh tách. Sau khi hỏi ý kiến chúng tôi, hai người Cuba, vốn làm nhiệm vụ vừa lái ca nô vừa hướng dẫn viên, kiêm luôn việc chế biến ốc và tôm hùm. Ốc thì thái ra rồi xào. Tôm hùm thì làm 2 món: món ăn sống với mù tạt; món luộc. Món luộc này phải cắt đôi (cắt dọc) vì tôm to. Mỗi người phải ăn 2 con tôm hùm. Tôi viết là “phải ăn” bởi vì, ăn một lúc thấy khó có thể ăn thêm được. Lần đầu tiên, tôi phải ăn tôm hùm với số lượng nhiều đến thế. Nếu tính ra tiền Việt Nam thì mỗi một người một con ốc to cộng với 2kg tôm hùm như thế này cũng đến mấy triệu đồng tiền Việt Nam? Chắc phải hơn số lệ phí chuyến đi 67 USD lần này (67 USD x 24.000 đ = 1.608.000 đồng). Quá rẻ. Còn chưa kể xăng ca nô, công phục vụ ngắm biển, ngắm đảo, v.v…
Tuy là tôm hùm tự nhiên, thịt chắc ngon, nhưng ăn quá nhiều thì cũng phải ngán. Cả đoàn đành phải gói đem về La Habana. Ăn tôm hùm ngon nhất là ăn bộ phận nào? Với tôi thì ngon nhất là ăn cái đầu. Nó bùi bùi, ngầy ngậy, ăn phần thân nó cũng ngon nhưng không có vị bùi và đượm.
Trên đường đi săn tôm hùm, ca nô rẽ vào một hòn đảo khá lớn. Khách du lịch Âu - Mỹ đến thăm đi trên một tàu to, có đến trăm người. Đảo có nước ngọt, nhưng còn mang đầy vẻ hoang sơ. Đó là điều hấp dẫn du khách. Ca nô dừng lại ở một lùm cây nước nông ở biển để thưởng thức món ốc xào và tôm hùm. Biển ở đây nước trong veo, nhìn thấy tận đáy. Biển Cuba, không chỉ ở đây mà mấy nơi chúng tôi đến, kể cả biển ở ngay thủ đô La Habana, rất sạch, tịnh không thấy một cọng rác nào do con người xả xuống.
Một bãi biển xinh đẹp, quyến rũ của Cuba. Nguồn ảnh dulichvietnam.com.vn
Mấy năm gần đây khách du lịch nước ngoài đến Cuba hằng năm đạt con số 5 triệu. Chú ý: 5 triệu trên 11 triệu dân (Trong khi đó Việt Nam thì là 20-25 triệu khách du lịch nước ngoài trên 97 triệu dân. Thế đã là mừng, quá mừng rồi). Ở một số nơi khác trên thế giới lượng khách du lịch nhiều hơn. Chẳng hạn, ở thành phố New York của Mỹ, hàng năm có tới 60 triệu khách du lịch, chắc là cả khách người Mỹ và khách nước ngoài. Còn ở Italy và Hy Lạp, hồi tôi có dịp sang thì nhiều vô kể, vì khoảng 80% di sản thế giới nằm ở nước họ. Có nơi dân sở tại có vẻ ngán với khách du lịch nước ngoài, vì đời sống của người bản địa bị quấy rầy, đấy là chưa kể hàng tiêu dùng có lúc bị khan hiếm.
Hồi Chính phủ Mỹ do B.Ôbama làm Tổng thống, tình hình ngành du lịch Cuba có sáng sủa hơn. Khách du lịch các nước, đặc biệt là người Mỹ, sang rất đông. Nay, Donald Trump làm Tổng thống, chính sách với Cuba thắt chặt lại, người Mỹ đi du lịch Cuba ít hơn. Ít đi chứ không phải là không có. Đi máy bay của Hãng Hàng không Pháp từ Charles de Gaulle đến La Habana, tôi thấy Boing 777 đầy kín, không còn ghế trống. Đó là chưa kể khách đến Cuba còn từ nhiều luồng khác nữa. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài đến Cuba chủ yếu vẫn từ Nga, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha và một số nước Bắc Âu. Rất ít khách du lịch từ các nước châu Á, châu Phi.
Người Cuba làm du lịch thì hết ý. Niềm nở, chu đáo. Lúc nào cũng thấy nụ cười trên môi. Lái xe, lái ca nô cực kỳ cẩn thận. Tại thủ đô La Habana, khách du lịch khá nhiều. Các loại taxi phong phú, màu sắc bắt mắt. Có loại ô tô dạng cổ (cổ thật không tôi không dám chắc, vì tôi chỉ nhìn thấy từ hình thức bên ngoài). Có loại ô tô mới, hiện đại. Ô tô buýt cũng mới, sạch sẽ, chở những đoàn đông người. Cũng có loại xe như kiểu xe túc túc Thái Lan, nhưng đẹp và sạch hơn nhiều. Không thấy xích lô, xe “ôm”. Không thấy bán hàng rong. Không thấy chèo kéo. Không thấy người ăn xin, kể cả những nơi khách du lịch đông. Thấy nhiều quầy lưu niệm. Nhưng không thấy kiểu chặt chém. Các quầy hàng nhỏ được quy hoạch theo đúng nơi quy định, trật tự. Các cửa hàng, lẽ đương nhiên là quốc doanh, bán xì gà, rượu, đồ lưu niệm cho khách rất sạch, thoáng, phục vụ có vẻ không quá vồn vã, nhưng lịch sự.
Địa danh, thắng cảnh du lịch của Cuba không đẹp bằng của Việt Nam. Tôi dám chắc như vậy vì được trực tiếp mắt trông, trực tiếp thụ hưởng. Nhưng tỷ lệ khách du lịch trên tổng số dân, nếu so sánh giữa Việt Nam và Cuba thì thấy “có vấn đề”. Sao tỷ lệ này ở Cuba lớn hơn Việt Nam nhiều lần? Trong khi tình cảnh Cuba không thuận tiện, vì đang bị Mỹ cấm vận. Nghiệm ra, du lịch đâu chỉ có cảnh đẹp! Ngoài cảnh đẹp, thì con người, con người đi kèm với dịch vụ, rồi chính sách visa, thủ tục nhập cảnh, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, v.v…, rất nhiều thứ khác nữa quyết định hiệu quả hoạt động du lịch. Chỉ là chyến ra biển săn tôm hùm, trên ca nô, có mỗi hai người đàn ông tuổi trung niên, cũng chẳng cần hoạt náo, chẳng cần nói nhièu, cứ tận tâm tận lực phục vụ tôm ốc, nước ngọt và thỉnh thoảng pha trò, nheo mắt… Thế là đủ. Những con người nhiệt thành, thân thiện, không ồn ào, đem cái tâm lành đối đãi khách khiến cho khách không thể quên. Có lẽ Việt Nam mình còn phải học dài dài phong cách du lịch của nhiều nước, trong đó có Cuba.
Rất tiếc là vì thời gian ngắn, cho nên chúng tôi không có dịp đi thăm thêm một số nơi nữa của Cuba. Nghe nói du lịch ở mấy tỉnh miền Đông Cuba càng hấp dẫn. Đó là những địa chỉ có nhiều di tích lịch sử, có Guantanamo, bãi biển Giron, có Vịnh Con Lợn, tỉnh Santiago de Cuba - nơi José Martí và Fidel nằm xuống, nơi có những cánh đồng mía bạt ngàn… Và, cũng có thể lắm, nơi có những biển đầy ắp tôm hùm tự nhiên, những nhà hàng rộn ràng điệu nhảy, ca khúc cuồng nhiệt Oantara mêra với tiếng đàn guitar bập bùng trong đốm lửa chiều hôm dưới ráng chiều tím tía.
Về rồi, mãi nhớ Cuba. Nhớ cái mùi đặc trưng của xì gà La Habana. Nhớ những hàng cây xanh mướt trong nắng trưa đảo quốc. Nhớ thủy triều sóng dềnh biển Caribbean tung bọt trắng trời dội vào bờ kè thủ đô La Habana mỗi chiều về. Nhớ buổi ngồi canô xé nước đi biển Caribbean săn tôm hùm. Nhớ bát ngát những chân trời hoàng hôn tím tía. Nhớ những chóp nhà đầy tiếng chim. Nhớ những cánh đồng xa mờ xạc xào nghiêng nghiêng bờ mía ngọt. Nhớ con người Cuba xởi lởi, hồn hậu, hùng biện...
(còn nữa)
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Lập luận của người Việt trong truyện cười từ góc nhìn nghệ thuật ứng xử
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114511013
212
2359
21387
217886
121356
114511013