Diễn đàn
Lại bàn về "Kính thưa các loại kính”
Văn hóa Nghệ An số 03/9/2020 có bài “Hình ảnh không đẹp của một số quan chức trên truyền hình” của Bùi Đình Phong đề cập đến rất nhiều khía cạnh về “hình ảnh không đẹp” của một bộ phận quan chức ở nhiều “diện trường” đã được ống kính truyền hình ghi lại. Trong số những “hình ảnh không đẹp” đó có chuyện “Kính thưa” được Bùi Đình Phong viết như sau (dẫn nguyên văn):
“Bây giờ còn chuyện “kính thưa”. Tôi nhớ không nhầm thì mấy năm trước, hình như đã có quy định trong hội nghị, hội họp chỉ kính thưa người cao nhất. Bây giờ xem truyền hình thấy trong nhiều cuộc họp, người lên khai mạc, phát biểu, tổng kết kính thưa nhiều quan chức lắm. Kính trọng không nhất thiết phải kính thưa. Làm như vậy vừa tốn thời gian vừa không đạt hiệu quả cao”.
Hạn chế "Kính thưa". nguồn https://phan.vn/
1. Rất tán đồng với ý kiến của Bùi Đình Phong. Ở đây, xin nêu thêm vài ý, liên quan đến vấn đề được ông nêu: vì sao trong các hội nghị, hay nói chung là các sinh họat chính trị ở ta, người dẫn cuộc hay bất cứ người nào khi đứng lên phát biểu, lời đầu tiên cứ phải kính thưa đủ các quan chức mà dân gian thường nói vui là “Kính thưa đủ loại kính” như vậy?
Đã có nhiều cách lý giải khác nhau, song theo tôi, việc có quá nhiều “các loại kính thưa” xuất phát trước hết từ tính tôn ty trật tự trong xã hội người Việt và đời sống làng xã, nhất là ở chốn đình trung thời phong kiến. Bắt đầu từ sinh hoạt dòng họ, với nhiều thang bậc (tức thế hệ) của mỗi cộng đồng huyết thống. Các lễ chạp họ, giỗ họ… là dịp để thể hiện rõ nhất và cao nhất tính tôn ty trật tự này. Với mỗi cá nhân (Êgô), số người hiện diện tại các buổi sinh hoạt này dù đông đủ hay vắng thì vẫn có đầy đủ các thứ bậc theo quan hệ huyết thống: ngoài những người ngang hàng (anh em) hoặc dưới hàng (con, cháu), có người thuộc hàng bố, hàng ông và trên nhất là hàng cụ mình, dù có khi có người còn rất ít tuổi. Mà đã là cha chú, là ông, là cụ thì phải tôn kính, thể hiện trước hết ở lời thưa gửi, phải có trước, có sau, có trên có dưới cho phải lễ khi muốn phát biểu hay đề đạt một nguyện vọng, thể hiện một ý định nào đó. Những dịp có cưới xin, tính tôn ty, thang bậc này càng thể hiện rõ hơn và được mở rộng hơn, bởi khi đó, ngoài họ nội, còn có họ ngoại và họ của bên thông gia. Người đại diện khi phát biểu cần phải “kính thưa” các cụ bên họ mình (họ nội) theo thứ bậc, để chứng minh rằng, họ mình có tôn ty trật tự, có nền nếp trước họ ngoại và họ thông gia. Họ nội được trân trọng như vậy thì bên họ ngoại cũng phải được như thế; rồi đến họ của bên thông gia, cũng phải trân trọng “kính thưa” đầy đủ các vị đại diện, để tránh bị hiểu là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
Sinh hoạt hàng giáp là nơi thứ hai thể hiện “các loại kính thưa”. Giáp là thiết chế của nam giới trong làng, dựa trên nguyên lý tuổi tác và lớp tuổi. Tuổi tác là một giá trị biểu tượng của xã hội nông nghiệp, nên người có tuổi được đề cao. Trong một giáp, các cụ là bậc cao nhất, nhiều khi lại phân thành các bậc “cụ thượng, cụ trung, cụ hạ”, trong cụ thượng lại có cụ thượng nhất (cụ nhất, tức cao tuổi nhất), rồi cụ thượng nhì (cụ nhì), thượng tam (cụ ba), thượng tứ (cụ tư). Hết bậc (hàng) các cụ, đến bàn lềnh, cũng với đủ loại lềnh: lềnh nhất (lềnh cả), lềnh nhì... Ai đó khi phát biểu phải thưa gửi đủ các hạng bậc, nếu không, sẽ bị coi là “không phải phép”, thậm chí là thất lễ, sẽ bị phê phán nặng nề, thậm chí có thể bị những “bề trên” mắng mỏ.
Các cuộc họp hay sinh hoạt làng xã ở chốn đình trung là nơi thể hiện cao nhất tính tôn ty trật tự. Đình của làng nào cũng chia thành nhiều khu vực, ứng với các chiếu khác nhau, mỗi loại chiếu hay hàng chiếu dành cho một vị trí ngôi thứ (hoặc một vài vị trí tương đương), dựa trên các tiêu chuẩn về bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản, tuổi tác và thành phần xuất thân. Những người được ngồi ở “chiếu trên”, tức hàng chiếu ở gần ban thờ thần nhất là người “quyền cao chức trọng”, ai có ngôi thứ trong đình cũng phải kính trọng, thể hiện trước hết ở việc được “kính thưa”, có thể coi đó là một “miếng giữa làng” về phương diện tinh thần, ngoài “miếng” về vật chất (phần xôi, thịt được hưởng tại đình hay được mõ làng hay người phải làm nhiệm vụ đem đến đến tận nhà). Bởi vậy, mỗi người khi nói năng phải kính thưa để thể hiện con người đó, thuộc dòng họ, thang bậc đó “có trên có dưới”; nếu không sẽ bị phạt vì tội “bất kính” theo hương ước. Một đặc điểm khác của làng Việt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ là luôn tồn tại các phe phái: phe cụ chánh, phe cụ bá, các phe thường “bằng mặt mà không bằng lòng”, luôn lợi dụng những sơ hở của người phái “đối lập” để hạ thấp uy tín, cao hơn là “hạ bệ” nhau, nhẹ thì cũng bằng vài lời xỉa xói, thóa mạ, nặng thì “cứ theo lệ làng mà xử”. Cho nên, để có một “lề an toàn” và để thể hiện là người “có khuôn phép”, ai đó khi phát biểu đều phải “kính thưa” người đại diện của các thang bậc ngôi thứ trong đình, dù trong bụng không mấy khâm phục họ.
Từ các sinh hoạt của họ, của giáp và của làng ở chốn đình trung, việc “kính thưa” được chuyển vào công sở của bộ máy nhà nước, bởi xã hội quân chủ Việt Nam là điển hình của chế độ đẳng cấp, với 9 hạng quan lại cho cả hai ngạch văn và võ (mỗi hạng lại chia thành hai bậc: chính (chánh) và tòng (chẳng hạn, chánh nhị phẩm, tòng nhị phẩm…). Mỗi bậc ngoài quyền lợi về lương bổng, vật chất, còn có cái uy riêng ở việc được “thưa gửi”.
Tôn ty, trật tự, thang bậc gắn với các tiêu chí về chức vị và tuổi tác trong sinh hoạt hàng giáp, ở đình và chốn quan trường cũng thể hiện tính thứ lớp, hay tính “ngang hàng”, tức khi xét đến một người nào đó, phải so sánh với những người cùng hàng lớp (về tuổi tác, về đóng góp…). Có ông này thì không thể không có ông kia; ông này được mà ông kia (ngang hàng hoặc dù kém một chút về tuổi tác và trình độ) không được thì chắc chắc cũng sẽ “sinh chuyện”, nhẹ thì có ý kiến, nặng hơn thì khiếu nại, thậm chí cả kiện cáo. Điều này dường như có vẻ công bằng, nhưng thực ra là thứ cào bằng, “hòa cả làng”, không đánh giá đúng năng lực thực chất của từng người.
2. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 đã lật nhào chế độ phong kiến tay sai, xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp trong sinh hoạt hàng giáp, ở đình trung làng xã đến chốn quan trường. Tuy nhiên, việc phân biệt đẳng cấp lại không được xóa bỏ một cách triệt để, thể hiện ở việc “kính thưa” trong các sinh hoạt chính trị. Một thời gian dài, tại mỗi sự kiện chính trị, người khai mạc, người dẫn chương trình, hay bất cứ ai phát biểu đều phải kính thưa đầy đủ họ tên, chức vụ theo thứ bậc của từng người, khiến cho ai đó ngồi ở dưới rất “sốt ruột”khi muốn nghe người đó nói gì. Báo chí đưa tin về sự kiện đó cũng phải giới thiệu đầy đủ các vị như vậy, rất dài dòng, chiếm nhiều chỗ trong một bài báo, trang báo. Mãi gần đây mới có quy định, trong một hội nghị, chỉ kính thưa người có chức vụ cao nhất, nhưng rồi, thói quen “kính thưa các loại kính” không dễ dàng bỏ được ở nhiều người.
Rồi lại chuyện “kính thưa” ai trước, nếu mình là đại biểu, là khách mời của một sự kiện nào đó và được mời lên phát biểu. Tôi nhớ, năm 1980, tôi vào “nghe ké” một buổi học của lớp nghiên cứu sinh do Giáo sư Hồ Ngọc Đại giảng về văn hóa ứng xử. Ông bảo, “kính thưa” ai trước thì phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Nếu mình là khách mà các vị “quan lớn” cũng là khách thì không nên kính thưa các vị quan đó trước, phải tôn trọng phía chủ nhà mời mình. Hơn 20 năm sau, vào năm 2001, tôi gặp một trường hợp tương tự như Giáo sư Đại giảng giải. Khi đó, tôi được một trường Trung học cơ sở mời về dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường. Dự lễ kỷ niệm còn có rất nhiều quan khách tỉnh, trung ương là người của xã ấy thành đạt, trong đó có cả lãnh đạo cao nhất của tỉnh ấy. Tôi bất ngờ được mời lên phát biểu. Một thoáng lo, nhưng tôi cố giữ bình tĩnh lên bục phát biểu, mở đầu bằng câu “Thưa các cô, các thầy và toàn thể các em học sinh Trường THPT…..; thưa các vị đại biểu, quan khách”. Tôi vừa dứt lời, rất nhiều ánh mắt “rọi” vào tôi rồi “đưa” về phía các hàng ghế các quan khách, như có ý gì đó. Tôi phát biểu ngắn, chừng 7 phút, rồi cảm ơn và đi xuống vị trí dành cho mình. Hàng loạt con mắt lại “soi” theo. Hết lễ kỷ niệm, một người đến gặp tôi (sau đó tôi mới biết đó là cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) nói, vừa như trách móc, vừa như phê phán: “Sao có lãnh đạo cao nhất của tỉnh mà anh không kính thưa trước?” Tôi cũng cố gắng nhẹ nhàng đáp lại: “Thưa anh, hôm nay tôi được nhà trường mời về, không phải lãnh đạo tỉnh mời, các thầy, cô và các em học sinh mới là chủ, nên tôi kính thưa trước”. Vị cán bộ ấy nhìn tôi một cách khó chịu rồi bỏ đi chỗ khác.
Nhân nói đến đây, tôi thấy người phương Tây họ ngắn gọn và bình đẳng hơn ta rất nhiều. Cả các sự kiện quan trọng, có đủ các loại quan chức, người phát biểu đều chỉ thưa “Ladies and gentlemen” (Thưa các quý bà và các quý ông). Ai cũng được tôn trọng và phụ nữ được tôn trọng trước tiên.
Thời buổi đổi mới và hội nhập, ta nên học người phương Tây về phương diện này.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511029
228
2359
21403
217902
121356
114511029