Xứ Nghệ ngày nay

Nguồn nhân lực văn hóa:Những khoảng trống

Theo kết quả điều tra của Phòng TCCB, Sở VH,TT & DL Nghệ An, tính đến cuối năm 2009, tổng số cán bộ biên chế của ngành VH,TT & DL toàn tỉnh là 1.413 người. Trong đó, tuyến tỉnh: 521 người; tuyến huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là tuyến huyện): 393 người, tuyến phường, xã, thị trấn (gọi chung là tuyến xã): 499 người. So với thời điểm từ năm 2000 trở về trước, lực lượng cán bộ của ngành có sự điều chỉnh theo hướng tích cực, giảm sự chênh lệch về số lượng giữa các lớp tuổi, đa dạng hóa nguồn đào tạo, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và phương pháp quản lý nhà nước được nâng cao... Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của ngành vẫn còn những khoảng trống cần lấp đầy.

 
Nguồn nhân lực văn hóa được cải thiện đáng kể
Trước hết đó là sự phát triển theo hướng tinh gọn, trẻ hóa. Lực lượng cán bộ của ngành nằm trong độ tuổi khá trẻ và phân bố khá hợp lý. Nhóm cán bộ trong độ tuổi 30-50 tuổi đông nhất (tuyến tỉnh chiếm 63%, tuyến huyện: 65%, tuyến xã: 67% số cán bộ toàn ngành); tiếp đến là nhóm cán bộ trong độ tuổi dưới 30 (tuyến tỉnh: 21%, tuyến huyện: 17%, tuyến xã: 29%); cán bộ trên 50 tuổi (tuyến tỉnh: 16%, tuyến huyện: 18%, tuyến xã: chỉ có 4%).
Nguồn đào tạo chuyên môn ngày càng đa dạng hóa. Khoảng 40% cán bộ tuyến tỉnh được đào tạo các ngành khoa học xã hội, 35% thuộc ngành nghệ thuật, 22% được đào tạo từ ngành khoa học tự nhiên. Cán bộ thuộc chuyên ngành khác hoặc chưa qua đào tạo cơ bản chiếm 3%. Trình độ chuyên môn của lực lượng cán bộ văn hóa tuyến xã có sự tiến bộ đáng kể so với trước. Cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng ngày càng tăng, chiếm 34% vào thời điểm cuối năm 2009. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách văn hóa, thể thao cơ sở có sự chuyển biến mạnh mẽ. Thực hiện đề án xây dựng thiết chế VHTT - TT đồng bộ cấp cơ sở, tỉnh đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách văn hóa xã cho các huyện miền núi cao. Các huyện đồng bằng đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật mở các lớp đào tạo trung cấp VHTT cho cán bộ chuyên trách văn hóa xã. Ngoài ra, các lớp đạo tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho tuyến huyện và xã được ngành tổ chức thường xuyên, trung bình mỗi năm, mở được từ 7-10 đợt tập huấn cho từ 500-1.000 lượt học viên về các nội dung: Công tác tổ chức cán bộ; nghiệp vụ thư viện cơ sở; Luật Điện ảnh; nghiệp vụ văn hóa thông tin cơ sở; quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh thắng; quản lý quảng cáo ngoài trời; xây dựng nếp sống văn hóa; quản lý thiết chế VHTT cơ sở...
Tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích nguồn nhân lực có chất lượng cao về tỉnh công tác (QĐ Số 30/2007/QĐ-UBND, ngày 09/4/2007 quy định về một số chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nghệ An giai đoạn 2007-2010); Nghị quyết số 04/NQ.TU ngày 11/7/2006; Đề án 02/ĐA.TU ngày 11/7/2006 của Tỉnh ủy về việc đào tạo cán bộ nữ, cán bộ dân tộc, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có nhiều triển vọng cho lĩnh vực văn hóa. Trong quá trình huy động mọi nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực văn hóa, Nghệ An đã chú trọng phối hợp khai thác và sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài ngành. Sở VH,TT & DL và các đơn vị sự nghiệp văn hóa trực thuộc thường xuyên có những hoạt động trao đổi, nghiên cứ và đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ với các cơ quan, đơn vị ở TƯ như Viện Văn hóa nghệ thuật Việt nam, Cục Di sản văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt nam, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Bảo tồn di tích, Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý...
Những khoảng trống cần lấp đầy
Theo tổng hợp của Sở VH,TT & DL, tỷ lệ cán bộ phân bố thiếu cân đối giữa các lĩnh vực và các thành phần dân tộc. Cán bộ người dân tộc thiểu số trong ngành chiếm tỷ lệ quá thấp (tuyến tỉnh: 2,4%, tuyến huyện: chưa tới 0,1%, tuyến xã: 16%). Cán bộ công tác trên lĩnh vực văn hóa chiếm phần lớn với 88% (459 người), gấp 8,8 lần cán bộ TDTT (52 người, chiếm 10%) và cán bộ du lịch chỉ chiếm 2%.
Nguồn nhân lực đang có sự thiếu hụt lớn lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chất lượng cao. Hiện ngành chưa có cán bộ đạt tiêu chuẩn chuyên viên cap cấp, chỉ có 6% cán bộ chuyên viên chính, 49% cán bộ chuyên viên, 35% cán bộ cán sự và 10% nhân viên. Số cán bộ có trình độ thạc sỹ chỉ chiếm 2%, cán bộ có trình độ ĐH chiếm 54%, cao đẳng: 1%, còn lại là trung, sơ cấp. Ở 20 huyện, thành, thị chưa có cán bộ đạt tiêu chuẩn chuyên viên chính. Cán bộ có trình độ ĐH, CĐ tuyến này cũng mới đạt 51%.
Trình độ ngoại ngữ, tin học của đội ngũ cán bộ của ngành hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng 29% cán bộ mới chỉ qua đào tạo chứng chỉ ngoại ngữ, số cán bộ có trình độ cử nhân ngoại ngữ và sử dụng thành thạo ngoại ngữ rất hạn chế. Tuyệt đại bộ phận cán bộ tuyến xã không biết ngoại ngữ. Mới có khoảng 25% cán bộ tuyến tỉnh sử dụng thành thạo tin học văn phòng, còn tuyến xã cũng chỉ có 11% cán bộ cấp xã (kể cả cán bộ chuyên trách và công chức) có chứng chỉ tin học trình độ A & B.
Nhìn chung, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ VHTT còn thấp, đặc biệt là tuyến cơ sở. Ngành thiếu những chuyên gia giỏi, cán bộ đào tạo chuyên sâu sau ĐH và cán bộ được đào tạo ở nước ngoài. Những người am hiểu về văn hóa truyền thống đang ngày càng hiếm dần trong khi lực lượng kế cận quá ít ỏi. Trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ còn yếu do đó hạn chế đáng kể tới chất lượng hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao cũng như nâng cao trình độ chuyên môn.
Để khắc phục tình trạng trên, công tác quy hoạch phát triển cán bộ đang được ngành chú trọng. Trong đó, ưu tiên phát triển cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ có năng lực. Ngành đã có quy hoạch ngắn hạn, dài hạn nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, bổ sung kịp thời nguồn nhân lực, không để tình trạng mất cân đối, hẫng hụt cán bộ giữa các tuyến, các đơn vị. Theo quy hoạch của ngành, đến năm 2015, cán bộ có trình độ Ths, Ts: tuyến tỉnh từ 3-5%, tuyến huyện 1%; cán bộ có trình độ ĐH: Tuyến tỉnh 60-70%, tuyến xã 40%; Cán bộ đạt trình độ ngoại ngữ cơ bản: Tuyến tỉnh 8-9%, tuyến huyện 2-3%; Cán bộ sử dụng thành thạo tin học văn phòng: Tuyến tỉnh 40%, tuyến huyện 25%, tuyến xã 10%.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511149

Hôm nay

2148

Hôm qua

2359

Tuần này

21523

Tháng này

218022

Tháng qua

121356

Tất cả

114511149