Diễn đàn
Lớp 1, 6 và 12
Sẽ có người chê “tít” bài báo này cụt, không có nghĩa, lạ quá, chẳng ăn nhập, giật “tít” câu khách… Có thể lạ nhưng không quá. Tưởng không có nghĩa lại rất có nghĩa. Tưởng không ăn nhập lại có mối quan hệ khăng khít. Còn giật “tít” thì không, vì độc giả thông minh lắm, phân biệt rạch ròi thật giả, đúng sai, phải quấy.
Lớp 1 và 6 là đầu cấp của tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Còn lớp 12 là cuối cấp trung học phổ thông (THPT). Năm học 2019-2020 và đầu năm học 2020-2021 cả ba loại lớp này đang có vấn đề mà xã hội quan tâm.
Lớp 1 năm học 2020-2021. Hơn một tháng qua, cả nước có nhiều ý kiến khác nhau về chương trình, nội dung, sách giáo khoa, ra bài làm ở nhà… Về việc ra bài làm ở nhà buổi tối và ngày nghỉ, điều này kỳ quá. Người viết đã không dưới một lần không đồng tình với cách làm này, nay nói rõ hơn. Học tiểu học - nhất là lớp đầu cấp - và cả nền giáo dục nói chung, cơ bản là học để làm người. Cả ngày các em, các con, các cháu học gì mà tối còn phải làm bài ở nhà? (thi thoảng, tôi - ông nội - vẫn phải giúp cháu). Tôi nói câu này sẽ có người cười, chê: “Ước gì cho đến ngày xưa!”. Thời chúng tôi học có nửa ngày, chiều về lao động giúp gia đình, tối mới đem bài ra học. Mấy chục năm nền giáo dục như vậy, cơ bản đào tạo ra những con ngoan, trò giỏi, những người có ích cho Tổ quốc và nhân dân. Bác Hồ dạy, tôi đã viết bài theo lời dạy đó rằng “không phải cái gì cũ cũng xấu, cái gì mới cũng hay”. Cái mới mà hay thì làm (còn không hay thì đừng chạy theo, đua đòi). Cái cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, như việc dạy - học từ thập kỷ năm mươi đến thập kỷ bảy mươi. Thực sự tôi và nhiều người không hiểu nổi cả ngày học sinh lớp 1 làm những gì ở lớp? Tại sao không bố trí thời gian để cô thầy hướng dẫn các em làm bài trên lớp, mà cứ phải ra bài về nhà làm?
Có ý kiến cho rằng nội dung lớp 1 nặng quá, khó quá so với tuổi, vì sao? Tôi không có thời gian theo dõi và so sánh, nhưng chắc chắn có điều sau đây: Làm sách giáo khoa và các cô, thầy dạy với suy nghĩ các cháu biết cả rồi, biết từ thời mẫu giáo lớn. Trong khi đó, Bộ Giáo dục đã cấm dạy học ở lớp mẫu giáo. Có chỉ thị, quy định cấm nhưng không ai kiểm tra, xem xét cả (bệnh chung của cả hệ thống). Như vậy, có em biết, em không, lổn nhổn. Những gia đình nào nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Bộ không cho con học trước thì bây giờ vào lớp 1 phải đối mặt với khó khăn. Biết kêu ai?.
Còn chuyện sách lớp 1 có một số nội dung không chuẩn mực giáo dục, dạy trẻ con khôn lỏi như một số ý kiến phản ánh, thì phải nghiêm túc xem lại. Tôi không rành chuyện này, nên chỉ bàn góp thế này thôi. Trở lại điều tôi viết ở trên, học để làm người. Lớp 1 những là gốc, nền tảng đấy. Đó là một khía cạnh quan trọng của triết lý giáo dục Việt Nam (và cả thế giới). Căn cứ vào đó mà soạn sách. Cố gắng bám sát vào dân gian, ca dao, tục ngữ Việt Nam. Mất dân gian là mất hồn dân tộc. Cái lớn nhất của giáo dục là phải có triết lý, từ đó mà triển khai. Ta bàn nhiều chuyện cụ thể mà thiếu triết lý, nên vấp váp những sai lầm như dư luận phản ánh.
Lớp 6 năm học 2020-2021. Cái bàn luận nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau là học sinh THCS được dùng điện thoại di động trong lớp học “nếu việc sử dụng đó phục vụ cho học tập và được giáo viên cho phép” (Theo Thông tư của Bộ Giáo dục). Người viết đã có lần công khai ý kiến không tán thành, nay - qua cách giải thích của cơ quan chủ quản và một số ý kiến khác để chứng minh học sinh THCS cần thiết dùng điện thoại di động - xin được nói rõ thêm và nhấn mạnh mấy ý cho rõ hơn lý do không tán thành. Thứ nhất, những ý kiến giải thích về sự cần thiết cho học sinh THCS dùng điện thoại chủ yếu dựa vào thời đại khoa học - công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thế giới. Không ai phủ nhận ưu việt 4.0 và khoa học - công nghệ. Nhưng điều đó không có nghĩa là hay, tốt từ A đến Z, cho tất cả mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi, mọi người. Không ai phủ nhận học hỏi kinh nghiệm thế giới, nhưng phải phải qua “bộ lọc Việt Nam”. Ta nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi cái hay của thế giới nhưng không bắt chước, rập khuôn, máy móc. Mà thế giới như Pháp, Mỹ và một số nước phát triển khác cũng có phải đồng tình cả đâu? Thứ hai, câu chữ là “phục vụ học tập và được giáo viên cho phép”. Nhưng liệu điều đó trên thực tế sẽ thế nào? Khi cho phép rồi, giáo viên có kiểm soát được không? Ngay cả người lớn cũng còn có vấn đề huống chi học sinh. Thứ ba, một số ý kiến lấy một số trường đã làm tốt như là “mô hình” (!?) Có bao nhiêu trường như thế? Trường đó là loại trường gì? Ta phải xem cả hệ thống giáo dục THCS có bao nhiêu em có Smatphone? Miền núi, vùng khó khăn thì sao? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công bằng trong giáo dục. Nếu chúng ta chỉ chạy theo loại trường ở thành phố, thì nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, bị bỏ rơi. Thứ tư, vấn đề vẫn là học để làm người. Smatphone không làm được điều đó. Thứ năm, giáo dục là để phát triển năng lực sẵn có của người học. Dùng điện thoại di động, ngoài việc khó kiểm soát học sinh dẫn đến hư hỏng, còn là vấn đề học sinh phụ thuộc vào máy móc. Mặt khác, dùng điện thoại thì vai trò người dạy ở đâu? Cần phân biệt nền giáo dục chứ không phải dạy học, dạy làm bài, dạy trả bài, dạy thi để thành tích cao.
Lớp 12 năm học 2019-2020. Một năm học đầy sóng gió thử thách đã qua và nhận được nhiều lời khen về tổ chức thi… Rất nhiều điều cần được tổng kết thành bài học kinh nghiệm. Một là, học sinh thi cả hai đợt đạt điểm rất cao là do nguyên nhân gì? Dạy tốt, học tốt hay do đề dễ? Hai là, giảm thiểu chương trình, nội dung mà thi điểm cao, vậy chương trình, nội dung giảm đó có cần thiết không? Từ đó liên quan đến cả hệ thống học 12 năm hay chỉ cần 10 năm? Ba là, nếu đề dễ đến mức 30 điểm và hơn 30 điểm (những môn có hệ số 2) vẫn trượt đại học thì phải xem lại chất lượng vào đại học? Đại học và tốt nghiệp PTTH khác nhau. Nếu lấy kết quả của một đề thì tốt nghiệp quá dễ để xét vào đại học thì nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi các em ra trường thế nào? Bốn là, đang có xu hướng đúng của Bộ Giáo dục “ước gì cho đến ngày xưa”, tức là chỉ cần học xong lớp 9, các em ra trường học nghề (9+3) thành người có ích cho đất nước (thời chúng tôi là 7+3). Vậy thì, tôi kiến nghị, xét tốt nghiệp (không thi). Sau đó chỉ cần 60 đến 70% những em thật sự có nguyện vọng, điều kiện, khả năng thi vào đại học là tốt rồi.
Vài điều gửi gắm, rất mong được trao đổi.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511033
232
2359
21407
217906
121356
114511033