Nhìn ra thế giới

Từ ngoại giao gấu trúc đến ngoại giao chiến binh sói

Cách đây hơn 2 năm (tháng 1/2018) hai chú gấu trúc của Trung Quốc được gửi đến Phần Lan như một món quà nhân 100 năm độc lập của nước này (2017) với hình thức cho mượn trong thời hạn 15 năm. Hai chú gấu trúc được coi là “một biểu hiện của tình hữu nghị và lòng tốt” của Trung Quốc, nhưng với giá 12 triệu euro, và đổi lại Phần Lan phải cam kết thực hiện chính sách 'một Trung Quốc', không được công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Ban đầu gấu trúc đã thu hút sự chú ý của người dân và hôm nghênh đón chúng vào vườn thú Ähtäri (cách Helsinki 325km), hãng truyền hình quốc gia nước này đã tường thuật trực tiếp. Nhưng bên cạnh sự thích thú, hoan hỉ, Phần Lan cũng nhận ra rằng mình cũng là một mắt xích trong chính sách ngoại giao gấu trúc lông của Trung Quốc.

Từ xưa (hình như từ thế kỷ thứ 7) Trung Quốc có tập quán tặng gấu trúc cho những quốc gia mà họ có quan hệ hữu hảo. Noi gương các hoàng đế trước đây, vào năm 1972 Chủ tịch Mao Trạch Đông đã tặng Tổng thống Mỹ Richard Nixon hai gấu trúc Ling Ling và Hsing Hsing trong chuyến thăm Trung Quốc của ông ta để bày tỏ sự thiện chí. Nhưng từ năm 1982 trở đi thay vì tặng, nước này chỉ cho thuê chúng với giá 50.000 USD/tháng/con. Giá thuê gấu trúc Ähtäri chưa được công bố rộng rãi, nhưng được biết là ở mức tương đương với các nơi khác trên thế giới, khoảng 800 ngàn đến 1 triệu euro một năm. Thời gian cho thuê gấu trúc thường là 5-15 năm. Trong trường hợp có gấu con được sinh ra thì bên mượn phải gửi chúng đến Trung Quốc trước khi chúng tròn 4 tuổi. Chỉ những con gấu trúc sống ở Mexico mới được phép nuôi gấu con của riêng mình, như những năm 1970.

Hiện nay gấu trúc có mặt ở ít nhất 26 vườn thú ở 20 quốc gia (có tài liệu nói là 16 quốc gia) trên thế giới, trong đó có Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hà Lan, Úc, Canada và Pháp. Hai chú gấu trúc Pyru và Lumi (tên chính thức là Jin Baobao và Hua Bao) hiện ở vườn thú Phần Lan là kết quả của thỏa thuận giữa Tổng thống Phần Lan và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Phần Lan tháng 4/2017, cùng với các thỏa thuận về đổi mới và đầu tư giữa hai nước.

Thuật ngữ ngoại giao gấu trúc (panda policy) thường được sử dụng, vì hầu hết các quốc gia mượn gấu trúc không nằm trong số những nước chỉ trích Trung Quốc mạnh nhất vể việc nước này vi phạm nhân quyền, mà thay vào đó xây dựng quan hệ thương mại chặt chẽ với người khổng lồ kinh tế châu Á. Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, ví dụ, các vườn thú của Úc và Canada đã nhận gấu trúc của họ vào khoảng thời gian các nước này công bố các thỏa thuận kinh tế năng lượng lớn với Trung Quốc. Phần Lan cũng có nhiều dự án thương mại và dự án nhà máy với Trung Quốc.

Nhưng thật bất ngờ, chưa đầy 1 năm nuôi giữ “món quà” cho mượn, vào cuối năm 2018, vườn thú Ähtäri cho biết bị thâm hụt 1 triệu euro, trong đó có 800 000 euro vì gấu trúc. Một số nguồn tin nói rằng vườn thú Ähtäri quyết định gửi gấu trúc trở lại Trung Quốc vì khó khăn về tài chính và nguồn cung thức ăn trong bối cảnh dịch COVID-19. Được biết một con gấu trúc cần khoảng 25-40 kg tre tươi mỗi ngày và vườn thú phải vận chuyển tre từ Hà Lan đến bằng xe tải ít nhất một lần một tuần. Tuy nhiên, hồi tháng 6/2020 vừa rồi, có lẽ nhờ nhận được trợ cấp từ chính phủ 1,6 triệu euro nên hai chú gấu trúc vẫn còn ở lại Phần Lan và chưa bị trả về quê hương bản quán.

Hồi tháng 5/2020, có tin vườn thú Calgary (Canada) đã đề nghị chính phủ Canada và Trung Quốc đưa hai con gấu trúc ở đây về lại Trung Quốc, do nguồn cung thức ăn đến từ Trung Quốc gặp khó khăn vì đại dịch covid-19 cản trở các chuyến bay. Hai gấu trúc Er Shun và Da Mao được đưa đến Calgary vào năm 2018 sau khi trải qua 5 năm ở vườn thú Toronto và dự định ở lại thành phố Alberta cho đến năm 2023.

“Nói chung, các vườn thú thường thua lỗ với gấu trúc”, Ron Swaisgood, chuyên gia về gấu trúc của vườn thú San Diego cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2017 với tờ báo tài chính Financial Times. “Chi phí bảo trì cơ sở, thức ăn, nhà cho gấu trúc và chăm sóc gấu trúc có xu hướng vượt quá tiền vé vào cửa. Tình trạng đó phổ biến trên khắp thế giới."

Không thể nói gấu trúc Lumi và Pyry là một vũ khí có sức mạnh và nguy hiểm. Pyry thích ăn và Snow thích ngủ. Đôi khi Pyry ra ngoài để ngắm mưa, song nó không thể khẳng định được đó là nước hay tuyết. Pyry dường như không biết rằng mình là vũ khí truyền thông của Đảng Cộng sản. Có vẻ như nó thậm chí không biết đó là một con gấu. Móng của Lumi và Pyry sắc nhọn, và hàm răng chúng rất khỏe. Tuy nhiên chúng chưa bao giờ tức giận.

Gấu trúc không còn hấp dẫn như đầu những năm 2000. Có vẻ ngoại giao gấu trúc không mấy thành công, và giờ đây Trung Quốc đang chuyển sang ngoại giao chiến binh sói. Đường lối của họ đã thay đổi trong mấy năm gần đây.

Khác với dưới thời chủ tịch Hồ Cẩm Đào, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình hiện nay, đường lối sử dụng quyền lực mềm đã cứng rắn hơn. Ông Tập muốn cho thế giới biết Trung Quốc nghĩ gì. Các quan chức Trung Quốc ồn ào và gây tranh cãi nhất hiện đang thăng tiến trong sự nghiệp của họ. “Ví dụ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã được thăng chức lên vị trí hiện tại sau khi ông được biết đến như một người phản đối nghiêm khắc những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc trên Twitter,” Lucrezia Poggetti, một nhà nghiên cứu tại Viện Merics Đức, nói. Chính sách đối ngoại luôn hướng về trong nước và Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn rất dân tộc chủ nghĩa. Poggetti nói, thêm: “Thể hiện lòng yêu nước và tích cực bảo vệ lợi ích của Trung Quốc sẽ được đền đáp”. Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc hiện nay là truyền tải thông điệp của mình.

“Chiến binh sói” là một bộ phim hành động Trung Quốc có tên tiếng Anh là “Wolf Warrior”. Phim được phát hành vào năm 2017 và phần thứ hai của Wolf Warrior đã trở thành bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại của Trung Quốc.

Theo một nghiên cứu quốc tế được công bố vào tháng 10 vừa qua, niềm tin vào Trung Quốc đã mất đi một cách nhanh chóng trên thế giới. Người dân nhiều nước ngày càng có cái nhìn tiêu cực với Trung Quốc, nhất là ở Thụy Điển (85%), Nhật (86%) và Úc (81%).

Quan điểm của người đân một số nước với Trung Quốc 

Nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc được ví như là những “chiến binh sói”. Nổi tiếng là Đại sứ Trung Quốc tại Anh. Ông ta phản công bất cứ khi nào Anh làm điều gì đó chống lại lợi ích của Trung Quốc, chẳng hạn như gần đây nhất là việc Anh hủy hợp đồng Huawei về việc lắp đặt hệ thống mạng 5g hoặc Anh hứa sẽ cấp tị nạn cho người Hồng Kông. Đại sứ Trung Quốc ở Stockholm cũng được coi là một chiến binh sói nổi tiếng.

Phần Lan không cấm Huawei hoạt động ở nước này, nhưng một tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Helsinki cũng đưa ra lời đe dọa nghiêm khắc sau khi Phần Lan tuyên bố sẽ chấm dứt các thỏa thuận dẫn độ đối với Hồng Kông. Giờ đây có luồng ý kiến cho rằng việc “thuê” gấu trúc không phải là một quyết định sáng suốt.

 

 

 

Tổng hợp từ các nguồn:

1. https://www.hs.fi/ulkomaat/art-2000006698525.html

2.https://www.iltalehti.fi/kotimaa/a/201801182200678720?fbclid=IwAR2yluBP1jXzagISCBReqQJO9piauirCUaLdACCx3Bwk8IiobVh2wN81Hjg

3.https://thediplomat.com/2020/05/calgary-zoo-returning-pandas-to-china-due-to-bamboo-acquisition-barriers/#:~:text=The%20Calgary%20Zoo%20will%20be,the%20Alberta%20city%20until%202023.

4.https://yle.fi/uutiset/osasto/news/panda-hosting_ahtari_zoo_losing_money/10199251#:~:text=

The%20loan%20of%20the%20two,as%20well%20as%20winter%20sports.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434740

Hôm nay

211

Hôm qua

2349

Tuần này

21390

Tháng này

211788

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434740