Diễn đàn

Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ từ Biển Đông đến Mekong [Kỳ 1]

Đường Lâm ở Hà Tĩnh

Lược thuật vấn đề

Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời cho rằng Đường Lâm nằm ở châu Phúc Lộc (nam Nghệ Tĩnh), ý kiến này sau đó được Văn Tân ủng hộ (1966)[1]. Nhưng phần lớn học giới hiện nay đều cho là ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Xác định Đường Lâm nằm ở đâu là vấn đề học thuật quan trọng mà ở đây liên quan cụ thể đến hai ngành sử học và địa lý học lịch sử/địa danh học lịch sử. Bởi Đường Lâm là đất hai vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền. Thực ra, việc Đường Lâm/Phúc Lộc tồn tại như một địa danh hành chính thời Đường không phải là chuyện mới đối với học giới quốc tế. H. Maspéro (1910, 1918) là người sử dụng Thái Bình hoàn vũ kí để viết về Đường Lâu - châu Phúc Lộc[2]. Sau đó ta còn thấy E. Schafer (1967) nhắc đến châu Phúc Lộc trong tương quan với Phong Châu, Trường Châu, Lục Châu, Ái Châu, Diễn Châu của Giao Châu thời này[3]. Dựa trên việc kiểm chứng hệ thống sử liệu gốc, chúng tôi nghiêng theo giả thuyết của giáo sư Đào, và đã công bố bài khảo cứu vào năm 2011 trên Xưa và Nay[4]. Năm 2019, có bài phản biện của PGS. Nguyễn Minh Tường.

Sử liệu quan trọng để các sử gia Việt Nam xác nhận Đường Lâm ở Sơn Tây là đoạn văn trong Đại Việt sử ký toàn thư (vt.Toàn thư). Nguyên văn như sau: “Tân Mùi [791],..., tháng 4, mùa hè, người Đường Lâm ở Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết.” (辛未,..., 夏四月,交州唐林人〈唐林在福祿縣〉馮興起兵圍府。政平以憂死)[5]. Quyền uy của bộ chính sử khiến phần lớn các sử gia Toàn thư đoạn này có chú Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc, dịch giả chú là ở Cam Lâm, Sơn Tây. Nguyên ủy, Toàn thư ghi là “người Đường Lâm Giao Châu” (交州唐林人). Một soạn giả nào đó từ 1479 đến năm 1697 đã chú thêm rằng “Đường Lâm ở huyện Phúc Lộc”. Sau đó, Đại Nam nhất thống chí phần viết về tỉnh Sơn Tây (do quan lại của Sơn Tây biên soạn) đã đưa vào sách với sự chứng minh từ bia Cam Tuyền (1391, sic) ở di tích thờ Phùng Hưng - Ngô Quyền[6]. Phản biện lại sử liệu trên, Đào Duy Anh đã sử dụng cụm 3 bộ sử thời Đường Tống gồm: Cựu Đường thư, Giã Đam ký, Thái Bình hoàn vũ ký để xác định Đường Lâm thời Đường, với sự kiện Phùng Hưng, là ở huyện Đường Lâm châu Phúc Lộc thuộc về phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh ngày nay[7]. Năm 1966, Văn Tân đồng ý rằng có lẽ Toàn thư đã quy đổi lầm địa danh cổ thời Đường sang huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây. Với các cứ liệu Bắc sử, ông cho rằng “Ngô Quyền là người huyện Đường Lâm thuộc Hoan Châu, nhứ không phải không phải là người huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây”. Ông cho rằng hàng loạt các thủ lĩnh thế kỷ VIII - X như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền,... đều từ Hoan Ái tiến ra An Nam đô hộ phủ. Đường Lâm ở Nghệ Tĩnh thì mới phù hợp với tình hình xã hội khi đó. Ông khuyến nghị: dùng bộ Đại Việt sử ký toàn thư phải rất thận trọng[8]. Không đồng ý với quan điểm trên, Vũ Văn Tỉnh đã đưa ra tấm bia Phụng tự bi khắc năm 1390 tại đình xã Cam Lâm. Nội dung bia ghi rõ bản xã vốn là Đường Lâm, có hai vị Phùng Hưng và Ngô Quyền, là một ấp hai vua, danh thơm bất hủ. Tấm bia này tuy lập sau khi Ngô Quyền mất là 4 thế kỷ, nhưng lại có trước Đại Việt sử ký toàn thư đến hàng thế kỷ, nên nó tin cậy hơn các sách vở ghi chép vì không bị tam sao thất bản[9].

Sử liệu học về Đường Lâm

Tác giả Nguyễn Minh Tường đã viết bài “Trở lại vấn đề quê gốc Ngô Quyền” đăng trên Tạp chí Xưa và Nay 5/2019 (trang 13- 22). Ông phản biện quan điểm cho rằng Đường Lâm không phải ở Sơn Tây như giả thuyết của giáo sư Đào và chúng tôi. Ông chứng minh bằng 3 điểm như sau: 1/Cựu Đường thư chỉ ghi “Đường Đỗ quận” không có “Đường Lâm quận”; 2/Tên “Đường Lâm” tại Sơn Tây không phải có từ năm 1964 mà đã được chép từ sớm trong Việt Điện U Linh tập (1329), Lĩnh Nam chích quái (1370), Đại Nam nhất thống chí (1882); 3/ Bia Phụng tự bi không phải được ngụy tạo, mà chỉ là khắc lại vào đầu triều Nguyễn, nhưng khi khắc lại thì sử dụng địa danh hành chính của năm khắc đó (triều Nguyễn). Vấn đề bia Phụng tự bi không nhắc lại ở đây, vì tôi cho rằng dù văn bia này là ngụy tạo hay khắc lại thì nó không ảnh hưởng đến hệ thống sử liệu sớm thời Đường Tống, vì năm 1390 cách năm 791 đúng 600 năm, cách năm 938 là 453 năm[10]. Các sử liệu của Đại Việt, như Toàn thư, đã được biên tập trong suốt 300 - 400 năm từ thời Phan Phu Tiên đến năm 1697, bởi các học giả rất thông thuộc địa lý hành chính đương thời, nên độ bảo lưu địa danh cổ luôn bị ảnh hưởng. Có thể ban đầu ghi là “Phúc Lộc Đường Lâm nhân”, nhưng người đời sau (1479, sau gần 700 năm) không biết đến châu Phúc Lộc nên quy đổi thành “huyện Phúc Lộc”. Xét, huyện Phúc Lộc là địa danh thời Lê sơ, đến thời Tây Sơn đổi là Phú Lộc, đến năm 1802 lại cải thành Phúc Lộc, sau đổi thành Phúc Thọ[11]. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra như Đào Duy Anh và Văn Tân đã nhận định.

Trở lại với quan điểm về chữ “Đường Đỗ” trong Cựu Đường thư của tác giả Nguyễn Minh Tường. Việc sai lầm “lỗ ngư - tác tộ” là chuyện hàng ngày của những người làm sử liệu Hán Nôm. Vì vậy việc xác định chữ nào đúng (Đường Lâm 唐林 hay Đường Đỗ 唐杜) là vấn đề then chốt. Thực ra, Đường Đỗ chỉ là 1 lỗi chính tả của văn bản. Ngay trong sách này, cùng miêu tả về châu Phúc Lộc, Cựu Đường thư cũng ghi chính xác là “Đường Lâm”. Nhưng sử liệu không thể nói bằng âm thanh, hay gõ máy lại chữ Hán, vì khi làm như thế rất sẽ gây sai lầm. Quý vị có thể kiểm tra ảnh chụp nguyên bản Cựu Đường thư (quyển 41, trang 4b, dòng 1 chữ lớn thứ 5-6) được in trong sách Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử (2019, trang 378). Hoặc như ảnh dưới trong sách Tân Đường thư[12].

Đường Lâm (5 lần), Tân Đường thư, Q.43 thượng, tr.23a, 23b.

Song vấn đề không phải chỉ ở chỗ chép sai tự dạng, vấn đề ở thao tác luận. Khi xử lý văn bản gốc, sử liệu gốc, các văn hiến học cổ điển và nhà sử liệu học thường phải hiệu khám văn tự, so sánh dị bản, đối chiếu các truyền bản khác nhau để đính chính văn tự, phê phán sử liệu. Chính vì thế khi công bố quan điểm về “Đường Lâm là Đường Lâm nào?”, chúng tôi đã sử dụng một hệ thống sử liệu (TTD nhấn mạnh), đặt các sử liệu đó song song với nhau và tiến hành khảo dị. Trong số 11 lượt sử liệu sớm được biên soạn thời Đường - Tống - Minh thì 10 lượt ghi Đường Lâm (唐林), 1 lượt ghi “Đường Đỗ” (唐杜). Như vậy có thể đính chính cho sử liệu, rằng Đường Đỗ chép nhầm từ Đường Lâm, giống như Hùng Vương 雄王 là sai chính tả từ Lạc Vương 雒王 (với hệ thống tương xứng: Lạc tướng, Lạc hầu, Lạc dân, Lạc điền, của nước Âu Lạc). Khi phản biện, tác giả Nguyễn Minh Tường đã bỏ qua tính hệ thống của sử liệu, và chỉ tập trung vào một (01) vị trí mà ông cho là viết sai.

Ngoài tính hệ thống, thì vấn đềquan trọng thứ hai của sử liệu học là tính quan phương và niên đại học của nguồn sử liệu. Nghiên cứu về địa danh Đường Lâm của thời nhà Đường thì đương nhiên nguồn tư liệu được soạn thời Đường thời Tống là quan trọng nhất, vì nó được biên soạn gần với thời gian sự kiện diễn ra, thậm chí là của chủ thể quản lý. Huyện Đường Lâm (hoặc có lúc là châu Đường Lâm) với tính chất là một đơn vị hành chính chịu sự quản lý của nhà Đường, thì những phần viết về Địa lý chí của Đường thư là đáng lưu tâm nhất. Vì đó là sự ghi chép có chủ đích, thể hiện quyền lợi (dân số, thuế má,...) và quyền lực chính trị của người chép sử[13]. Chúng tôi đã khảo sát hệ thống sử liệu nguyên cấp có niên đại từ thế kỷ IX đến thếkỷ XII, và đặt nó trong tổng thể sử liệu hiện còn ghi chép về Đường Lâm. Trong khi các tư liệu sớm đều thống nhất ghi chép về sự tồn tại của huyện Đường Lâm/châu Đường Lâm) ở châu Phúc Lộc (tương đương với Hà Tĩnh). Càng tư liệu càng muộn thì càng ghi một cách rõ ràng hơn về Đường Lâm ở Cam Lâm - Phúc Lộc/Phúc Thọ (Sơn Tây) Có thể biểu diễn thành biểu đồ sử liệu như sau.

Năm soạn

Sử liệu

Sự kiện

Năm sự kiện

801

Thông điển, q.184

huyện Đường Lâm tại châu Phúc Lộc

663, 669, 742, 758

945

Cựu Đường thư, q.41

huyện Đường Lâm [Đỗ] tại châu Phúc Lộc

758

945

Cựu Đường thư, q.41

huyện Đường Lâm tại châu Phúc Lộc

945

983

Thái Bình hoàn vũ 

huyện Đường Lâm tại châu Phúc Lộc

662, 670, 757, 758

983

Thái Bình hoàn vũ 

cải làm quận Đường Lâm- Phúc Lộc

757

1060

Tân Đường thư, q.43 thượng

quận Đường Lâm của châu Phúc Lộc

669, 701,757, 758

1060

Tân Đường thư, q.43 thượng

đầu thời Đường lấy hai huyện Đường Lâm, An Viễn đặt ra châu Đường Lâm

x

1060

Tân Đường thư, q.43 hạ

từ Hoan Châu đi 2 ngày đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, từ đó đi 2 ngày đến Hoàn Vương (Champa)

x

1117

địa quảng kí q.38

đổi quận Đường Lâm thành quận Phúc Lộc và ngược lại

663, 669, 757, 758

1181

Đại sự ký q.12

châu Phúc Lộc, Trường Châu, Phong Châu, Lục Châu, Giao Châu

x

1329

Việt Điện u linh

Phùng Hưng (? - 791)

đời đời làm di trưởng châu Đường Lâm

Đỗ Anh Hàn người Đường Lâm

 

791

<802

1370

Lĩnh Nam trích quái

Phùng Hưng người Đường Lâm - Giao Châu

791

1335

An Nam chí lược q.1

các châu cổ: Phong Châu (đời Ngôlà Tân Xương), Trường Châu, Vũ Nga châu, Đường Lâm châu.

x

1479/1697

Toàn thư

NgôNhật Khánh chiếm Đường Lâm

965

1479/1697

Toàn thư

người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ.

791

1479/1697

Toàn thư

[Ngô Quyền (898-944)] người Đường Lâm, đời đời là nhà quý tộc. Cha là Mân làm chức châu mục ở bản châu.

thế kỷ 10

1392 (?)

Phụng tự bi

Phùng Hưng ở Cam Lâm,

thếkỷ 8

1473 (?)

Phụng tự bi

Hai vua ở xãCam Giá, huyện Phú Lộc

thếkỷ 8

1514

Lê Tung - Toàn thư

Phùng Bố Cái đem anh hào Đường Lâm đánh Chính Bình Hà khắc

791

17 tk

Thiên Nam ngữ lục

Quyn cũng Đường Lâm con dòng/ Đường Lâm sinh có anh hùng

938

1820

Lịch triu hiến chương loại chí

Đường Lâm nay là đất huyện Hoài An, huyện Mỹ Lương.

x

1872

Đại việt địa dư toàn biên

Nay xã Cam Lâm, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ (xã Cam Lâm trước là xã Cam Tuyền) có hai đền thờ Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương

x

1882

Đại Nam nhất thống chí

Đường Lâm tại huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai

x

1910

Việt sử cương mục tiết yếu

Phùng Hưng ở Đường Lâm, Phong Châu (Đường Lâm là tên xã; nay là xã Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, không phải là huyện Đường Lâm, châu Phúc Lộc

x

                                            Bảng niên đại học về sử liệu Đường Lâm[14].

(Ghi chú: dấu (?): tư liệu có vấn đề về văn bản. Dấu x: tư liệu không đề cập đến niên điểm sự kiện)

Như vậy, khi đọc sử liệu, ta luôn phải để ý đến hai khái niệm:“niên đại thành thư”(tạm gọi là N1), và “niên đại sự kiện diễn ra”(N2). Khi N1= N2 khi đó ta có sử liệu nguyên cấp/hiện vật gốc, nghĩa là thời điểm tạo tác niên đại trùng với sự kiện, là bản thân sự kiện, hoặc một phần của sự kiện đó. Ví dụ: văn bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945) là bản gốc, hoặc hệ thống châu bản triều Nguyễn. Nhưng khi N1 càng xa N2 thì khả năng khúc xạ hay phản ảnh sự kiện càng thiếu xác tín, thậm chí sai lạc. Lúc này ta có thể tạm đặt khái niệm “quãng khúc xạ” (QK). Ví dụ 1: Thông điển soạn năm 801 (do quan nhà Đường soạn) vềsự kiện châu Phúc Lộc có huyện Đường Lâm thành lập năm 758. QK = N1 - N2 = (801 - 758) = 43 năm. Ví dụ 2: Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng thành thư muộn nhất vào năm 1910, phản ảnh về sự kiện Phùng Hưng 791. Vậy quãng khúc xạ sử liệu sẽ là 1119 năm (1910  trừ  791). Chính vì thế, tôi đãtừng viết rằng, bia Phụng tự bi dù có là bia giả hay không, thì điều đó không làm ảnh hưởng đến tính chất sử liệu trong các bộ Bắc sử - một truyền thống sử chí thuộc hàng mạnh nhất vào thời cổ trung đại. Các bộ sử này xác nhận, mô tả khá chi tiết các niên điểm, cơ cấu hành chính, vị trí địa lývà đường xá đi lại giữa các đơn vị hành chính, cụ thể là huyện Đường Lâm và  châu Đường Lâm.

Lộ trình từ Hoan Châu đến Đường Lâm

Một điểm quan trọng nữa của các sử liệu thời Đường đó là mô tả tuyến đường giao thông nhằm phục vụ công tác quản lý và hoạt động quân sự. Nếu một số là mô tả địa danh hành chính thì Tân Đường thư có mô tả một đoạn quan trọng như sau: “Đạo Lĩnh Nam: Một đường từ phía Đông Hoan Châu đi hai ngày, đến huyện An Viễn của châu Đường Lâm, đi về phía Nam qua sông Cổ La, đi hai ngày đến sông Đàn Động của nước Hoàn Vương. Lại đi bốn ngày đến Chu Nhai. Lại đi qua Đan Bổ Trấn, đi hai ngày đến thành đô nước Hoàn Vương, thời Hán xưa gọi là đất quận Nhật Nam vậy.” (岭南道:一路、自驩州東,二日行至唐林州、安遠縣,南行經古羅江,二日行至環王國之檀洞江。又四日至硃崖,又經单补鎮,二日至環王國城,故漢日南郡地也。)[15]. Hoan Châu đời Đường là ở vào vị trí nam Nghệ An bắc Hà Tĩnh, lấy Hồng Lĩnh - Lam Sơn làm trung tâm (tức thành phố Vinh ngày nay). Sông Cổ La tức là sông KỳLa (sông Lạc Giang, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Từ Kỳ La qua Cửa Khẩu (Vũng Áng) mất một ngày, từ Cửa Khẩu đi thêm một ngày nữa đến được sông Đàn Động nước Hoàn Vương (Champa), thì suy ra sông Đàn Động chính là sông Gianh [16] với Cửa Ròn trên đất Quảng Bình nay.

Vậy châu Đường Lâm/châu Phúc Lộc của nhà Đường bao gồm các huyện ở phía nam Hà Tĩnh gồm: Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. 7000 bộ lạc Man Lão mà các sử liệu hay nói đến là ở vùng núi Hương Khê và các phần đất thuộc Lào. Còn huyện Đường Lâm thuộc châu Phúc Lộc nhà Đường nằm ở đâu? Theo tôi, trung tâm của nó nằm ở huyện Can Lộc - nơi có dòng họ Ngô nổi tiếng và lâu đời trong lịch sử. Khác với ở Sơn Tây nay, không có họ Phùng họ Ngô nào ở đó (điền dã 2011). Từ thị trấn Nghèn xuôi sông Nghèn ra đến sông Hạ Vàng (cửa biển Nam Giới - chính là nơi Ngô Nhật Khánh lên thuyền vào Chiêm Thành cầu viện binh).

Đường Lâm - biên giới cực Nam của nhà Đường. Nguồn: Yan (2009)

Bản đồ chồng lớp Đường Lâm - Phúc Lộc châu - Đường Châu.

Nguồn: Yan Gengwang, 2009, Geography Institute of Academia Sinica[17].

(Kỳ 2: Giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong)

T.T.D.

Mùa Covid, hè 2021

Thượng nguồn Nhuệ Giang, Từ Liêm cố huyện.

* PGS-TS, Viện Nghiên cứu Hán Nôm

  Bản do tác giả gửi VHNA.

 


Chú thích:         

 [1] Văn Tân, Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nghiên cứu Lịch sử, số 93, 12/1966.

[2] Henri Maspéro, “Le Protectorat d'Annam sous les Tang. Essai de géographie historique”, BEFEO, 1910, p.550; Henri Maspéro, “La Frontière de l’Annam et du Cambodge du VIIIe au XIVe siècle”, BEFEO 18, 3 (1918), p.447

[3] Schafer, Edward H., 1967, The Vermilion Bird- T’ang Images of the South, University of California Press, Berkeley and Los Angeles. p.19.

[4] Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Đường Lâm Sơn Tây: một chặng huyn sử thế kỷ XX. TC Xưa và Nay, số 391, tháng 11/2011 và Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Đường Lâm là Đường Lâm nào? Tạp chí Xưa và Nay, số 400  (3/ 2012) và số 401, tháng 4/ 2012.

[5] Đại Việt sử ký toàn thư, Nội Các quan bản, khắc in 1697, bản dịch, Nxb KHXH. Hà Nội, 1998. trang 191.

[6] Đại Nam nhất thống chí 2012, sđd, trang 1427-1428.

[7] Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Khoa học, Hà Nội, 1964, trang 79. 陶維英,<越南历代疆域-越南历史地理研究>,钟民岩譯,岳胜校,商务印书館,北京,1973, trang. 132-133.

[8] Văn Tân, “Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư”, Nghiên cứu Lịch sử, số 93, 12/1966, trang 31-32.

[9] Vũ Văn Tỉnh, “Ngô Quyền là người Hà Tĩnh hay người Sơn Tây?” Nghiên cứu Lịch sử, số 97, 4/1967, trang 63.

[10] Trần Trọng Dương (2019, trang 55-59) giám định văn bản học, cho bia này là bia thời Nguyễn. Việc giám định văn bản này là kế thừa từ luận điểm của [Vũ Duy Mền, “Tấm bia Quang Thái (1390) đời Trần tại đình Phùng Hưng, làng Cam Lâm, xã Đường Lâm”, Thông báo Hán Nôm năm 2004, Nxb Thếgiới, Hà Nội, 2005, tr.339 - 342.] Ý kiến này sau đó được Phạm Lê Huy phản biện, ông cho rằng huyện Phúc Lộc đã có từ thời Lê sơ và văn bia có thể được khắc từ 1466-1473. Như vậy, bia được khắc lại chứ không phải bia ngụy tạo. [xem Phạm Lê Huy, “Hệ thống tư liệu về khởi nghĩa Phùng Hưng”, Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2016.]

[11] Geng Hui Ling耿慧玲, 2004,《越南史論——金石資料之歷史文化比較》台北:新文豐出版公司,trang 202.

[12] Âu Dương Tu 歐陽修và Tống Kì 宋祁, 1060, Tân Đường thư<新唐書>, 底本:北宋嘉祐十四行本, 楊家駱主編, 台北:鼎文, 1979.

[13] Ở đây có điểm tế nhị, các bộ như Đường thư được biên soạn bởi các triều đại ngay sau đó như nhà Tống. Các sử gia đã dựa trên các nguồn tư liệu đáng án, thư tịch, kiến văn đương thời để soạn các bộ sử này với mục đích bao biếm, nêu gương. Duy chỉ có bộ Thông điển là được soạn ngay trong thời nhà Đường. Nhưng thực ra, như Anderson có viết, việc kẻ chiến thắng thường kế thừa lại toàn bộ hệ thống hành chính, hệ thống địa lý và cả lớp công chức của bên thất bại.

[14] Chúng tôi đã chú nguồn cho từng nguồn sử liệu, gõ máy và ảnh ấn trang nguyên gốc trong bản công bố năm 2011, và tái bản 2019, nên không dẫn lại ở đây. Xin tham khảo [Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương. 2011, “Đường Lâm là Đường Lâm nào (Tìm về quê hương Đại Sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu)”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Huế. 02-2011.Tr.115-137.; Trần Trọng Dương, 2019, Việt Nam thế kỷ X  - Những mảnh vỡ lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, trang 72 đến 82, và ảnh ấn nguyên văn sử liệu từ trang 367 đến 378]. Trên Xưa và Nay không có ảnh nguyên bản in kèm.

[15] Âu Dương Tu 歐陽修,Tống Kì 宋祁,1060, Tân Đường thư <新唐書>,Quyển 43 thượng, trang 23.

[16] Về phương hướng, các tài liệu địa chí thời Đường miêu tả theo bản đồ nằm ngang so với ngày nay, ví dụ có thể lấy Đại Nam nhất thống toàn đtriều Nguyễn để hình dung. Cách vẽ bản đồ là lấy biển Đông ở phía dưới, gọi đó là hướng nam, ngược với hướng Nam là Bắc (dãy Trường Sơn hoặc Hoàng Liên Sơn là hướng bắc, sông Hồng từ phía bắc chảy xuống). Từ Giao Châu đi về Hoan - Ái và Chiêm Thành thì là đi về hướng Tây, nên Lê Thánh Tông mới có cuốn Chinh Tây kỷ hành (là ghi chép về trận đánh Chiêm Thành năm 1470-1471) ông còn gọi biển Chiêm Thành là Tây Hải (biển tây), từ Giao Châu đi sang Trung Quốc thì là hướng đông. Cho nên ở đây, văn tả từ Hoan Châu đi về hướng Tây 2 ngày thì đến huyện Nhu Viễn của châu Phúc Lộc, nghĩa là đi về hướng Nam theo phương vị ngày nay. Văn liệu: “Giao Châu Đô Hộ chế ngự các man. Biển của Giao Châu nằm ở phía Nam của đất nước, đại để  Giao Châu từ phía Nam cho đến tây nam, [các vùng đất] đều nằm các bãi cù lao trên biển lớn.” (交州 都護制諸蠻。其海南諸國,大抵在交州 南及西南,居大海中洲上) [Lưu Hú劉昫, 945, Cựu Đường thư<舊唐書>, 底本:清懼盈齋刻本,楊家駱主編, 台北:鼎文,1979, trang 1749]

[17] Yan Gengwang嚴耕望,《唐代交通圖考》,台北:中央研究院歷史語言研究所,1985, 上海: 上海古籍出版社, repr.2007. Vol.4, p.1303- 1333. 嚴耕望,〈唐代盛時與西南鄰國之疆界〉,收入《嚴耕望史學論文集》,中卷,上海:上海古籍出版社,2009, p.957-975。

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511030

Hôm nay

229

Hôm qua

2359

Tuần này

21404

Tháng này

217903

Tháng qua

121356

Tất cả

114511030