Văn hoá học đường
Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật”
VHTTNA: Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau khi nhậm chức (ngày 6-5-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra nhiệm vụ với Ngành GD&ĐT là phải làm sao để “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Để làm rõ ý kiến chỉ đạo mang tính chiến lược này, VHTTNA xin gửi tới bạn đọc bài Bàn về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” (2 kỳ) của nhóm tác giả Trung Hiếu - Ngô Khiêm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Bộ GDĐT. (Nguồn: moet.gov.vn)
Kỳ 1: Tại sao phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”?
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ngành Giáo dục và Đào tạo về “Học thật, thi thật, nhân tài thật” khiến chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế rằng phải chăng nhiều năm qua đã diễn ra tình trạng học chưa “thật”, thi chưa “thật” và đương nhiên hệ quả của sự “cộng hưởng” hai yếu tố này là tạo ra nhiều nhân tài cũng không “thật”. Nói một cách khác, học thật, thi thật là mục tiêu, còn nhân tài thật là thành quả của mục tiêu đó.
1. Xưa nay, việc học luôn song hành với thi cử. Ngay từ thời nhà Lý, năm 1070, Nhà nước đã cho xây dựng Văn Miếu và đến năm 1075 đã tổ chức khoa thi đầu tiên để chọn người tài, bổ nhiệm quan lại. Từ đó đến năm 1919, các vương triều phong kiến nước ta luôn chú trọng đến giáo dục, khoa cử và tổ chức đều đặn các kỳ thi với 3 cấp độ: thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nhiều danh nhân lịch sử - văn hóa được trưởng thành từ các kỳ thi trung thực mà bây giờ hay gọi là “thi thật”. Đương nhiên, những thí sinh hay giám khảo nào liên quan đến gian lận trong thi cử đều bị triều đình xử phạt rất nặng. Câu chuyện Ngô Sách Tuân và Cao Bá Quát phải nhận 2 án phạt nghiêm khắc vì sửa bài thi gây chấn động lịch sử khoa bảng thời phong kiến đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc đến.
Thân Nhân Trung, Tiến sỹ triều vua Lê Thánh Tông từng nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và đi lên, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp”. Việc chọn người tài, người thực sự có năng lực để cống hiến cho đất nước bất cứ thời đại nào, thể chế nào cũng cần. Muốn chọn được người tài buộc phải nghiêm túc trong thi cử. Nghe chuyện xưa, lại nhớ chuyện gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La khiến nhiều người phẫn nộ. Nếu mục tiêu học chỉ để thi thì đương nhiên việc “học gì, thi nấy” sẽ kéo theo xu hướng “thi kiểu gì, học kiểu ấy”. Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng việc thi cử không còn tính nghiêm túc và mỗi cuộc thi, kỳ thi không còn thật sự trung thực. Thi thật sẽ phản ánh trung thực chất lượng của việc dạy và học, phản chiếu chất lượng thật của một nền giáo dục, từ đó các nhà quản lý giáo dục có cơ sở để hoạch định chính sách phù hợp với năng lực thực tế dạy - học.
2. Đã có thời kỳ nước ta nở rộ việc học đại học tại chức, thậm chí các trường còn “tạo điều kiện” cho học viên bằng cách mở hệ tại chức ngay tại địa phương. Từ cán bộ trong các cơ quan cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã “đua nhau” đi học trong bầu không khí như “trẩy hội”. Chính vì suy nghĩ học để chuẩn hóa về tiêu chí, bằng cấp nên cán bộ nhiều địa phương chủ yếu học đại học các chuyên ngành như luật, nông nghiệp, lâm nghiệp, hành chính... Điều này dẫn đến những trường hợp tréo ngoe như vị trí chủ tịch, phó chủ tịch UBND là người cần kiến thức thực tiễn về kinh tế, văn hóa, xã hội… lại đi học đại học chuyên ngành chính trị, còn bí thư là người cần kiến thức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thì đi học đại học chuyên ngành hành chính, nông nghiệp, lâm nghiệp… Vì không xuất phát từ yêu cầu của công việc, miễn sao cho đủ chuẩn và đẹp hồ sơ nên người học không toàn tâm, toàn ý với việc học, bởi thế mới có hiện tượng “mua điểm” dưới nhiều hình thức.
Chuyên ngành học không liên quan đến lĩnh vực công tác, làm tốn kém ngân sách của Nhà nước và xã hội. Trong quá trình công tác, khi cần điều động, bổ nhiệm cán bộ ấy sang lĩnh vực công tác khác, những cán bộ này lại phải tiếp tục đi đào tạo, bồi dưỡng, dẫn đến tình trạng một cán bộ thời gian đi học quá nhiều, có người học đến mười mấy năm. Tình trạng này đẩy áp lực lên hệ thống đào tạo với cơ sở vật chất vốn đã thiếu thốn lại phải giải quyết nhu cầu ngày càng cao, dẫn đến thiếu trầm trọng trường lớp, giảng viên... Để “giải bài toán” thiếu giảng viên, các trường đã thực hiện hình thức liên kết đào tạo và sử dụng nhiều giảng viên thỉnh giảng, thậm chí có giảng viên chưa có kiến thức chuyên sâu. Nhiều giảng viên kiến thức chưa sâu, trong khi người học chỉ cốt cần bằng cấp khiến chất lượng đào tạo không cao là điều đương nhiên.
3. Giáo dục là truyền dạy tri thức, kỹ năng, phẩm chất đạo đức, không chỉ đơn thuần là kiến thức mà cần phải hướng đến cái gốc của vấn đề là phẩm chất con người để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, để tạo ra nhân tài, phát triển đất nước. Mọi chuyển biến trong giáo dục phải bắt đầu từ việc học thật. Giáo dục của nước ta hiện nay đang chạy theo xu hướng học để thi chứ chưa phải học để làm việc và càng chưa phải để làm người. Môn nào thi mới học, nghĩa là học sinh sẽ học theo kiểu đối phó và thầy cũng dạy để đáp ứng “nhu cầu” của học sinh. Vậy là học không cần đào sâu suy nghĩ, học không gắn với việc chuyển hóa kiến thức từ sách vở vào thực tiễn.
Đào tạo đại học hiện nay vẫn có xu hướng học cốt cho có bằng cấp, không cần tốt nghiệp có làm đúng chuyên ngành được đào tạo hay không. Nhiều người ra trường làm trái với ngành nghề được đào tạo, thậm chí có người khi được bổ nhiệm, xem lại bằng cấp mới thấy thật… bất cập. Như trường hợp đồng chí Nguyễn Nhân Chinh khi đang là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đã khiến dư luận “dậy sóng” khi có thông tin đồng chí này tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao, chuyên ngành cờ vua (sau này thông tin được cải chính là theo lý lịch thì đồng chí Chinh tốt nghiệp cử nhân Sư phạm Thể dục - Thể thao, chuyên ngành giáo dục thể chất). Tuy nhiên, một người được đào tạo về chuyên ngành giáo dục thể chất, sau thời gian làm công tác đoàn lại được bố trí vào vị trí Bí thư Thành ủy thì liệu có thể làm tốt nhiệm vụ được giao hay không là điều mà nhiều người đặt câu hỏi.
Tương tự như vậy, ở bậc trên đại học, nhiều người lựa chọn đi học thạc sỹ, tiến sỹ không gắn với công việc chuyên môn của mình mà chỉ để “làm đẹp” hồ sơ cán bộ nhằm dễ bề thăng quan tiến chức. Hiện nay, khi các quy định về tiêu chuẩn cán bộ ở một vị trí nào đó cần phải có học hàm, học vị thì cán bộ sẽ phấn đấu theo hướng ấy. Nhưng vị trí việc làm đặt ra yêu cầu về bằng cấp, học vị dù cao hay thấp cũng phải thực chất, đúng năng lực, sở trường và phải phù hợp với công việc. Quan trọng nhất là năng lực của cán bộ phải đáp ứng được yêu cầu của công việc được giao.
4. Chất lượng của một nền giáo dục được bộc lộ từ việc học thật, thi thật. Như một hệ quả tất yếu, chỉ có học thật, thi thật mới tạo ra nhân tài thật để phục vụ, cống hiến cho xã hội, đất nước. Việc học thật, thi thật ở bậc học phổ thông sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học và đào tạo nghề. Và khi đó, xã hội mới có nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống chính trị mới có những cán bộ giỏi theo đúng nghĩa.
Chỉ khi năng lực thật, tài năng thật được đánh giá đúng và được trọng dụng thì người học ở các cấp học mới có niềm tin và động lực học thật, thi thật. Điều quan trọng là khi đã tìm ra nhân tài thật từ học thật, dạy thật, thi thật thì cần sử dụng, trọng dụng hiệu quả để tránh tình trạng nhân tài bị lãng phí và mai một.
“Học thật, thi thật và nhân tài thật” chính là khâu đột phá lớn mà những người đứng đầu Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đào tạo cán bộ của Đảng từ Trung ương đến địa phương cần nhận thức rõ và từng bước giải quyết dứt điểm để giảm áp lực, tạo động lực, tác động lan tỏa mạnh mẽ trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Để đưa đất nước hội nhập và phát triển, cần xử lý tốt 3 yếu tố: Phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài. Phát hiện nhân tài là yếu tố đầu tiên, bồi dưỡng nhân tài là nhân tố quan trọng và sử dụng nhân tài là quyết định, then chốt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu vấn đề khơi nguồn khâu đột phá ấy, nhưng cần làm gì và những ai sẽ làm thay đổi những trì trệ, yếu kém trong giáo dục và đào tạo để có “học thật, thi thật, nhân tài thật”? Câu trả lời này tiếp tục được bàn tới ở kỳ sau.
(Còn nữa)
tin tức liên quan
Videos
Lenk
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An trong phát triển bền vững
Bàn về "Nguồn gốc người Việt, người Mường"
Mikhail Bulgakov – Tình yêu vượt lên số phận
Khu di tích Kim Liên sơ kết 5 năm hoạt động của mô hình tự quản về ANTT giai đoạn (2018 - 2023)
Thống kê truy cập
114515349
227
2367
2950
213288
121009
114515349