Đất Nghệ
Tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An từ đầu thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII
Theo sử cũ, vùng đất từ khe Nước Lạnh phía Bắc đến đèo Ngang phía Nam thời Lê sơ, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) thuộc đạo Hải Tây; năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đặt làm thừa tuyên Nghệ An; năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ; trong đời Hồng Thuận (1509-1516) đổi làm trấn. Thời Mạc & thời Lê Trung Hưng vẫn gọi như thế. Thời Tây Sơn đổi làm Trung Đô, nhưng vẫn gọi là trấn Nghệ An. Vùng đất Nghệ An bấy giờ gồm các phủ: Diễn Châu (có các huyện Đông Thành, Quỳnh Lưu); Anh Đô (có 2 huyện Hưng Nguyên, Nam Đường); Quỳ Châu (có 2 huyện Thúy Vân, Trung Sơn); Trà Lân (gồm 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Vĩnh Khang, Hội Nguyên); ngoài ra còn 2 huyện: Thanh Chương (thời Lê sơ là huyện Thanh Giang), Chân Phúc (thời Tây Sơn đổi là Chân Lộc, từ năm 1889 đến nay là Nghi Lộc) thuộc phủ Đức Quang. Phủ Đức Quang còn có 4 huyện: La Sơn, Thiên Lộc, Hương Sơn, Nghi Xuân nay đều thuộc tỉnh Hà Tĩnh.(1,tr.145-146). Phủ Hà Hoa (có các huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa, cả 2 huyện này nay đều thuộc Hà Tĩnh). Phủ Ngọc Ma (có 1 châu Trịnh Cao). Phủ Lâm An (có 1 châu Quy Hợp). Phủ Trấn Ninh có 7 huyện Kim Sơn, Thanh Vị, Cảnh Thuần, Quang Vinh, Minh Quảng, Quang Lang, Trung Thuận. Phủ Trấn Ninh xưa là đất Bồn Man, nay là miền Xiêng Khoảng nước Lào. Bài viết này chỉ nói đến tình hình ở những vùng đất đến nay vẫn thuộc Nghệ An.
Nghi môn đền Cả, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành
Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, tình hình chính trị Đại Việt rối ren, các thế lực phong kiến ra sức tranh giành quyền lực: hết cuộc đối đầu quyết liệt Lê Mạc (1533-1592) đến nội chiến đẫm máu Trịnh Nguyễn (1627-1672), tiếp đó là bão táp khởi nghĩa nông dân thế kỷ XVIII. Thời Lê Mạc phân tranh, tướng Mạc kéo quân vào Thanh - Nghệ 13 lần, trong đó có 7 lần vào Nghệ An. Nhân dân Nghệ An hết sức khốn khổ trong cảnh binh đao. Năm 1572, sử cũ chép: “Nghệ An nhiều phen bị nạn binh lửa. Các huyện, đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch lệ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân phiêu giạt, hoặc tan tác vào Nam ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (13, T2, tr.158). Thời nội chiến Trịnh - Nguyễn, Nghệ An luôn là bãi chiến trường:
Giặc ra, thuyền chúa lại vào
Cửa nhà lại phá, hầm hào lại xây. (Ca dao)
Đời sống nhân dân Nghệ An chưa hề được cải thiện.
Nhân dân Nghệ An vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống áp bức dân tộc & áp bức giai cấp nên vào thế kỷ XVIII, một số lãnh tụ nông dân ngoài Bắc như Nguyễn Diên, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật khi gặp khó khăn đã rút vào đây lập căn cứ địa. Nhân dân Nghệ An cũng hết lòng ủng hộ người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân thần tốc cuối năm Mậu Thân, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.
Thế kỷ XVII - XVIII, trên cơ sở kinh tế hàng hóa phát triển, sự giao lưu giữa các địa phương được mở rộng. Hệ thống chợ huyện, chợ phủ, chợ trấn làm cho thương nghiệp Nghệ An trở nên khá nhộn nhịp. Lam Thành (khu vực chợ Tràng hiện nay) là lỵ sở của Nghệ An thời Lê sơ, đến thời Lê Trung Hưng, trấn ty chuyển vào Dinh Cầu (xã Hà Trung, Kỳ Anh), sau lại dời ra Dũng Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh hiện nay) (1, tr.146). Phố Phù Thạch bên bờ sông Lam cạnh lỵ sở trấn cho đến đầu thế kỷ XIX từng nổi tiếng là một nơi đô hội:
Phồn hoa nổi áng thị thành,
Đây Phù Thạch phố là danh lịch triều.
(Mai đình mộng ký. Nguyễn Huy Hổ)
Trong bối cảnh chính trị - xã hội phức tạp, khủng hoảng niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An phát triển khá phong phú, đa dạng.
Nhà thánh làng Ngang, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Ảnh Hồ Hà)
1. Nho giáo
Nho giáo vốn là một học thuyết về đạo đức, chính trị. Người ta cũng gọi học thuyết này là Nho giáo để chỉ một loại học thuyết khi đi vào các mặt của đời sống được kinh điển hóa, giáo điều hoá như một lý luận có ý nghĩa tôn giáo, một “đạo”.
Mặt khác, Nho sĩ còn thờ trời, thờ Khổng Tử (551 - 479 tr.Cn) và các tiên hiền. Khổng Tử - người sáng lập Nho học được người Trung Hoa xưa tôn là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư 大成至聖文宣王聖師, được thờ ở Văn Miếu. Người Nghệ An “nhà nông chăm chỉ ruộng nương, học trò ưa chuộng học hành; không mê đạo Phật…chỉ thờ thánh Khổng (từ phủ huyện xã thôn đều có văn chỉ)” (12,T2,tr.168). Đúng vậy, văn chỉ, còn được gọi là văn từ, từ vũ, nhà văn thánh từ thế kỷ XVI trở đi, có mặt khắp nơi. Ví dụ nhà văn thánh Quỳnh Lưu ở làng Thiện Kỵ (nay thuộc xã Quỳnh Vinh), quê hương Lê Quỳnh (1613 - ?), đỗ Tiến sĩ năm 1643, khai khoa cho Quỳnh Lưu, sau chuyển về Quỳnh Đôi; nhà văn thánh Diễn Châu ở Lý Trai, nay là xã Diễn Kỷ; nhà văn thánh Thanh Chương ở xã Thổ Hào, nay là xã Thanh Giang…
2. Phật giáo, Đạo giáo.
Bị đẩy khỏi cung đình từ thế kỷ XV, Phật giáo, Đạo giáo trỗi dậy khá mạnh mẽ từ thế kỷ XVI. Đến thế kỷ XVII - XVIII tư tưởng tam giáo đồng nguyên lại trở về trong nhiều trí thức Đại Việt ở Đàng Ngoài. Hương Hải thiền sư (1628 - 1715) gốc người Nghệ An là một trong số đó. Tuy vậy, ông sinh ra & lớn lên ở Quảng Nam, từng thi đỗ Hương tiến, làm Tri phủ Triệu Phong rồi từ quan đi tu, từng trụ trì ở chùa Thiên Tĩnh, núi Quy Kinh (Thuận Hóa). Sau bị chúa nghi ngờ, ông lại vượt biển ra Bắc (1682), được trấn thủ Nghệ An đón tiếp rất nồng hậu, được chúa Trịnh Tạc cho trụ trì ở chùa Nguyệt Đường (Phố Hiến, Hưng Yên) (Xem thêm thư mục 6). Còn bản thân người Nghệ An “không mê đạo Phật” đúng như Bùi Dương Lịch & các tác giả Đại Nam nhất thống chí nhận xét. Tuy vậy, trong bối cảnh thế kỷ XVI - XVIII ở Đàng Ngoài nhiều chùa chiền lại được trùng tu & xây dựng mới (14,T4, tr.107-116), ở Nghệ An Phật giáo cũng có chiều phát triển. Chùa Quỳnh Thiên ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu được xây dựng từ năm 1531, trùng tu lần 1 giữa thế kỷ XVII, lần 2 năm 1746 (14, T4,tr.113);chùa Nam Sơn hay chùa Ngang ở trên đồi Nam Sơn xã Nam Hoành, nay là xã Khánh Sơn được xây dựng lâu đời nhất từ thế kỷ XI được trùng tu năm 1586 (13,tr.196); chùa Đại Tuệ ở núi Đại Huệ, huyện Nam Đàn được xây dựng từ thời Hồ (đầu thế kỷ XV), trùng tu năm 1668. Trên nền chùa xưa còn một tấm bia đá bị vỡ thành nhiều mảnh, dòng lạc khoản của bia còn đọc được dòng chữ Hán “Cảnh Trị lục niên” (1668). Đại Nam nhất thống chí (12, T4, tr.220-221) chép 6 ngôi chùa có phong cảnh đẹp ở Nghệ An bấy giờ (không kể các vùng thuộc Hà Tĩnh hiện nay) như chùa Bột Đà ở xã Phật Kệ, chùa Hương Lâm ở xã Nộn Hồ, chùa Đại Tuệ ở núi Đại Huệ, chùa Yên Quốc trên núi Hùng Sơn, chùa Linh Vân ở xã Yên Trường, chùa Lữ Sơn ở xã Xuân Áng thì chùa Bột Đà, chùa Linh Vân được xây dựng từ thời Bắc thuộc, chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời Hồ; 3 chùa còn lại chưa rõ được xây dựng lúc nào nhưng có khả năng đều được trùng tu vào các thế kỷ XVI - XVIII.
Chùa Gám, xã Xuân Thành huyện Yên Thành. Ảnh Hồ Các
Đạo giáo có nguồn gốc là học thuyết Lão Trang. Có 2 phái Đạo giáo chính: phái Thần tiên của các đạo sĩ trí thức chủ trương tu tiên, luyện đan, cầu trường sinh bất tử; phái Phù thuỷ dùng pháp thuật trừ tà, trị bệnh phổ biến trong dân gian. Ở Nghệ An thời kỳ kỷ cương xã hội đổ nát thế kỷ XVII- XVIII, một số nhà nho chán chen chúc danh lợi chốn quan trường, thoát đời, bỏ đi tu tiên, tiêu biểu là Phạm Viên. Ông là con trai một vị Thượng thư người huyện Đông Thành. Tương truyền gặp ngày giỗ mẹ, ông từ quê dẫn 4 gia đồng khiêng mâm cỗ biếu cha làm quan ở kinh thành, trong nháy mắt quà biếu đã ra đến cầu Giền. Về sau Phạm Viên thành tiên bỏ nhà đi mất không rõ tung tích.
Một bộ phận trong dân gian tin vào đồng cốt, gọi hồn, ngồi đồng, hầu bóng, cầu tiên, xin thẻ… Một số vùng có tĩnh thờ Thái Thượng Lão quân, Độc cước sơn thần. Nhiều thanh đồng có điện thờ Hưng Đạo đại vương, trong đó vị anh hùng dân tộc này đã trở thành một ông thánh có sức mạnh trừ tà, diệt quỷ. Gần gũi với Đạo giáo là tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh khá phát triển. Nàng là Giáng Tiên, công chúa con gái Ngọc Hoàng, có lỗi bị đày xuống trần gian, sau hết hạn về trời nhưng vẫn thường xuống hạ giới tác oai, tác phúc, rồi được Phật cho quy y. Dân lập đền thờ nàng ở nhiều nơi. Ở Nghệ An, theo Vũ Ngọc Khánh, các làng Ước Lệ, Hạ Khê, Phù Diễn thuộc huyện Hưng Nguyên; các làng Cổ Bái, Bồi Sơn, La Văn, Kim Ngọc thuộc huyện Nghi Lộc …đều có đền thờ mẫu Liễu.(11, tr.135). Bên cạnh đó, mẫu Liễu Hạnh còn được nhập vào đạo Tứ phủ: Mẫu Thượng Thiên chủ cõi Trời; mẫu Thượng Ngàn chủ cõi Non; mẫu Thoải chủ cõi Nước; mẫu Địa chủ cõi trần gian. Như vậy là có Tứ phủ thánh mẫu, nhưng trong dân gian mẫu Liễu Hạnh với tư cách là mẫu Thượng Thiên có thể hóa thân vào mẫu Địa cai quản cõi trần gian nên nhiều đền ở Nghệ An chỉ thờ riêng Tam tòa Thánh Mẫu như đền Xuân Am ở Hưng Thịnh, đền Làng Rào ở Hưng Đạo thuộc huyện Hưng Nguyên; đền Nhà Bà ở Vinh & ở Võ Liệt, Thanh Chương; đền Hải Thanh ở Nghi Tiến, Nghi Lộc. Theo Vũ Ngọc Khánh, đền Xuân Am được xây dựng thời Hậu Lê, tuy thờ Mẫu nhưng chủ yếu thờ ông Hoàng Mười trong tín ngưỡng tứ phủ, trong đó Hoàng Mười được địa phương hóa thành đại vương Nguyễn Duy Lạc (1618-1699), một võ tướng lập nhiều chiến công ở vùng Thuận Quảng, được phong Đô chỉ huy sứ phiêu kỵ tướng quân (11, tr.135; xem thêm thư mục 7). Ngoài ra, 2 đền lớn là đền Cờn ở xã Phương Cần, nay là phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai được xây từ thời Trần; đền Quả ở xã Bạch Đường, huyện Nam Đường, nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương được xây từ thời Lý & một số đền chùa khác còn phối thờ Thánh Mẫu. Đền Quả còn được gọi là đền Tam Tòa, vốn thờ Lý Nhật Quang; nhưng thần Quả Sơn, các Thánh Mẫu & nhiều linh thần Đạo giáo cũng được thờ ở đây (Xem thư mục 12, a &b).
3. Đạo Thiên Chúa.
Trong lúc Nho giáo suy đồi, Phật giáo & Đạo giáo không đủ đáp ứng tâm linh người Việt thời buổi chiến tranh liên miên, đời sống con người bấp bênh, đạo Thiên Chúa với giáo lý về quyền “bình đẳng trước Chúa”, về “niềm tin ở Thượng đế” đã thu hút nhiều “con chiên” thuộc các thành phần xã hội khác nhau. Ở Nghệ An, hai giáo sĩ đầu tiên đến truyền giáo vào năm 1629 là Alexandre de Rhodes & Pédro Marquez. Họ vào từ cửa Chúa (có sách ghi là Cửa Quèn hay Cửa Lò) rồi đến Cửa Hội, lên vùng Rum (Hưng Nguyên) được quan thủ hiến trấn đón tiếp chu đáo & đảm bảo che chở, nhờ vậy mà họ đã làm phép rửa tội cho 600 tín đồ. Tiếp đó là các giám mục Bélot, Guisain… Trụ sở hội truyền giáo là thôn Tràng Đen, làng Đông Liệt, huyện Nam Đường nằm phía trước đèo Truông Bồn. Tuy việc truyền đạo gặp nhiều khó khăn, nhất là 4 năm cuối dưới triều Tây Sơn (1798-1802), tất cả các nhà thờ, trụ sở giám mục, các nhà Chung của trấn Nghệ An đều bị phá hủy gần hết… nhưng đến năm 1812, trấn Nghệ An đã có 45.680 giáo dân. (13,tr.162-171). Gốc của giáo lý đạo Thiên Chúa là tình thương người, cứu khổ cứu nạn, tu nhân tích đức để được lên cõi Thiên Đường, nhưng nhiều “con chiên” Nghệ An không khỏi bị bọn thực dân lợi dụng. Vì vậy, đạo Thiên Chúa làm cho tâm linh một bộ phận cư dân Nghệ An, nhất là những cư dân nghèo ven biển thêm phức tạp.
4. Tín ngưỡng Thành hoàng, thờ cúng tổ tiên…
Người Nghệ An rất kính cẩn thờ Thành hoàng. Thành hoàng là các phúc thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho cư dân làng xã. Thành hoàng của cư dân Nghệ An có thể là Nhiên thần, Thiên thần hay Nhân thần như các vị: Thượng Ngàn công chúa, Cao Sơn Cao Các, Tứ vị Thánh Nương, Liễu Hạnh công chúa, Tam Tòa đại vương Lý Nhật Quang, Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn… Nhiều danh nhân từ thế kỷ XVI - XVIII có công với dân làng như Đinh Bạt Tụy (1516-1590) ở Hưng Nguyên, Hồ Sĩ Dương (1621-1681) ở Quỳnh Lưu, 2 anh em Trần Hưng Học (1631-1673), Trần Hưng Nhượng (1635-1710) ở Thanh Chương, Trần Đăng Dinh (thế kỷ XVII - đầu t.k XVIII) ở Yên Thành… đều được dân làng quê hương thờ làm Thành hoàng. Các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các anh hùng dân tộc, những người có công với làng xóm tiếp tục được duy trì, củng cố. Nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu; họ Ngô ở Lý Trai, Diễn Châu; họ Nguyễn Duy ở Cồn Lim - Kẻ Ó (xã Thanh Lương, Thanh Chương); họ Nguyễn Cảnh ở một số xã thuộc huyện Nam Đường (nay thuộc Đô Lương), Thanh Chương… nhiều lần được trùng tu. Nhiều danh sĩ còn được con cháu trong họ lập đền thờ riêng. Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí ở Nghi Lộc được xây dựng từ năm 1467; đền thờ Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan ở Đô Lương được xây dựng từ năm 1602 và nhiều lần được tôn tạo sau đó…Một số vị thần Đạo Giáo, Đạo Mẫu còn được phối thờ ở các đền lớn như đền Cờn, đền Quả…
Trên đây mới chỉ là bản phác thảo những nét khái quát về tôn giáo, tín ngưỡng ở Nghệ An vào một giai đoạn cụ thể. Chúng tôi sẽ trở lại đi sâu và mở rộng cả thời gian & không gian văn hóa vào một dịp khác.
_______________________________
Tài liệu tham khảo:
- Ban nghiên cứu lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh (1984)Lịch sử Nghệ Tĩnh T1.Nxb Nghệ Tĩnh..
- Nguyễn Đổng Chi (cb) (1995) Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh Nxb Nghệ An.
- Phan Huy Chú (2007) Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌Nxb GD, T1
- Phan Đại Doãn (cb) (1998) Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam Nxb CTQG.
5. Ninh Viết Giao (2000) Tục thờ thần & thần tích Nghệ An Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An
- Hồ Sĩ Hùy (2012) Hương Hải thiền sư. Thông tin KH& CN Nghệ An số 6
- Hồ Sĩ Hùy (2018) a/Đền thờ Đức Hoàng Mười ở xứ Nghệ Tạp chí Xưa & Nay số 496; b/Để hiểu thêm về Đức Hoàng Mười ở xứ Nghệ Tạp chí KH & CN Nghệ An số 6.c/Đền Hồng Sơn ở thành phố Vinh Tạp chí KH & CN Nghệ An số 9
- Hồ Sĩ Hùy (2020) a/Đền Quả & lễ hội Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 410; b/Lý Nhật Quang - Vị tri châu đầu tiên của Nghệ An Chuyên san XH & NV Nghệ An số 5
- Le Breton H.(2005)An Tĩnh cổ lục Nxb Nghệ An.
- Bùi Dương Lịch (1993) Nghệ An ký Nxb KHXH.
- Nhiều tác giả (2001)Nghệ An, di tích - danh thắng Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An xuất bản.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006) Đại Nam nhất thống chí 大南一統志4 tập, Nxb Thuận Hóa. T4.
- Quốc sử quán triều Nguyễn(2007)Khâm định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑑綱目2tập, Nxb Giáo dục.
- Nguyễn Khắc Thuần (1993 - 2006) Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam 5tập, Nxb Giáo dục
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511620
2283
2336
21994
218493
121356
114511620