Đất Nghệ
Miền Hạnh Lâm một thời chưa xa (Kỳ II)
Thượng nguồn sông Giăng. Ảnh Sỹ Minh
…
Hạnh Lâm: Ví cọp - Xua voi
Hạnh Lâm, tuy được tiếng là dễ kiếm tiền: “Trống La Mạc, bạc Hạnh Lâm” (bởi Hạnh Lâm sẵn nguồn lâm thổ sản). Thế nhưng, từ khi bọn phát xít Nhật trưng dụng toàn bộ các khoảnh bãi bồi phì nhiêu bên hữu ngạn sông Giăng, nơi cung cấp nguồn lương thực nuôi sống cả vùng thì đời sống của dân Hạnh Lâm lai vô cùng thậm tệ. Chúng bắt dân nhổ hết ngô khoai hoa màu trên bãi để trồng đay phục vụ nhu cầu chiến tranh thế giới lần thứ Hai. Nguy hại hơn, chúng còn dùng các lò vôi để ngâm đay, bất chấp việc nguồn nước Sông Giăng bị nhiễm độc. Không có giếng, toàn bộ nước sinh hoạt ăn uống, tắm giặt của người và gia súc trong vùng thảy đều ra sông. Nước sông nhiễm độc, người và trâu bò ghẻ lở, chấy rận đầy mình. Thêm nữa, áo vá chằng vá đụp làm nơi trú ẩn cho rận rệp.
Mông muội là vậy nhưng cái tâm lại trong sáng chân thành. Và trong nghèo khổ tình nghĩa xóm làng lại càng gắn bó; quy ước nông thôn lại càng chặt chẽ.
Do nhu cầu sản xuất, bảo vệ và sinh hoạt, nên nhà nào cũng sẵn con dao thật sắc. Dao con hái trầu, dao lỡ thái rau, dao têm trầu, dao bổ cau, cạo nhổ râu, dao đăn chặt củi, nứa, đẽo chêm quốc… Dao nhíp luôn bỏ vào ép lận lưng quần. Năm 1946, Thanh Mỹ lập nghĩa trang liệt sỹ cạnh chùa Long Vân, khi rước các vị từ Lòi Mụ Lý lên, trong túi áo Ông Dước, hãy còn con dao nhíp và quả cau bổ nửa. Dao đăn luôn tra vào vỏ, thắt ngang lưng. Nhà càng nghèo dao càng sắc, bởi phải dùng hàng ngày để kiếm ăn. Trong tâm thức của người dân nơi đây, con dao là vật thiêng. Sáng mài dao đi rừng, không bén không đi. Bởi coi đó là điềm không tốt.
Đặc biệt, trong công cụ cầm tay, vùng Hạnh Lâm có cây mác Lào. Cây mác cán dài, mũi sắc nhọn, luôn gác sát mái tranh và một sợi hèo dài 3, 4 sải tay, gác đầu hồi. Đó là những công cụ dùng săn bò tót; và với bộ lưới chuyên dùng nó là công cụ săn ví cọp.
Đối với phường săn còn có: cồng để báo hiệu cho phường và ra hiệu lệnh cho chó săn: Lưới săn đủ các cỡ, sợi to sợi nhỏ, đan dày đan thưa, thích ứng với từng cuộc săn: chồn, cáo, mang, nai, hươu, lợn rừng…
Đầu năm Quý Mùi, 1943, “loạn khái (cọp)”. Thường thì cọp sống trong rừng. Chiều lùa bò về thiếu me (bò con) là coi như cọp đã xơi rồi. Nhưng khi cọp về làng bắt lợn, chó… thì các cụ bảo “loạn khái”. Đận ấy, cọp vào làng, sau khi ăn bò trên rú Đập, đêm về bắt lợn ông Chắt Khơm, vác sang cồn, ăn, nghỉ. Đêm sau về bắt chó ông Cu Huynh. Các nhà chức trách đang mải canh bạc bên Đền Phủ, Sung Nho chuẩn bị hội rước, tế hàng năm vào đêm 9 rạng ngày 10 tháng Giêng, tuy được báo, vẫn làm ngơ, cứ nghĩ là tin nhảm, bởi thời ấy, hai ông “Chắt Khơm, Cu Huynh” là chuyên nói trạng gây cười. Tới ngày thứ ba, bên cạnh vườn ông Cu Huynh, dân làng chặt tre găng, loại cứng chắc, đóng cánh thẻ, làm bẫy dập, kiểu hầm chữ A tránh bom giặc Mỹ, sau này, cho dê vào nhử. Song nó không vào. Đêm ấy, từ Hòa Mỹ cọp vượt qua sông sang Rú Phủ, Sung Nho, nơi quan viên hàng xã đang vào hội, say cuộc đỏ đen. Tới khi một vị ra ngoài, ngửi thấy mùi cọp, mới hốt hoảng chạy vào kêu toáng. Không bối rối vì tình huống này. Đối với dân Hạnh Lâm, đây là chuyện thường gặp. Trận ví cọp lập tức bắt đầu.
Theo quy ước của làng định sẵn, sau khi nổi trống ngũ liên, bỏ vỏ lửa, một hình thức hỏa tốc, nhà này gọi nhà khác, nậu tuần đốc thúc dân đinh. Trai làng vác giáo, mác, dao, rựa, lưới chuyên dùng, kịp thời đến hiện trường. Cả 6 nậu tề tựu, theo sự chỉ huy của nhà chức trách, bày binh bố ráp theo sự tham mưu của trùm phường săn.
Nội điện đèn hương nghi ngút. Xung quanh đền và khắp vùng Rú Phủ đuốc rực sáng trưng. Thần ngự lên chứng giám. Thành hoàng các giáp, áo đỏ, miệng nhai trầu, tay nắm hương huơ lên thị uy, khích lệ chúng dân. Trống, trống liên hồi kỳ trận, vang dậy núi rừng.
Mới đầu, vòng vây còn rộng, lưới giăng vào các chỗ trống. Nơi bụi rậm, dùng nứa dống ken dày, buộc chặt cho hổ sổng ra ngoài. Đồng thời dùng bàn đạp làm bằng cả cây tre, có con xỏ xâu qua hai cọc, dậm liên tiếp theo kiểu giã gạo bằng cối đạp. Tre vung lên đập xuống, giã nát bụi rậm, dồn cọp vào, khép chặt vòng vây. Những lần cọp níu ngọn tre cần vít xuống, trống lại rộ lên, theo đó tiếng hò reo của hàng trăm người vây quanh hưởng ứng. Có một lần cọp sổng, lập tức bủa lưới, lập vòng vây khác. Có sự yểm hộ của các vị thành hoàng, nậu nào theo nậu ấy, vây chặt. Khi đã khép kín, để kết thúc nhanh trận đánh, nhà ai có 3 anh em ruột ở tuổi thành đinh phải xông vào rọ đánh cọp. Đồng thời cài bẫy “quàng do” xung quanh, tráng đinh cầm giáo ứng trực. Cọp tức tối gầm thét, xông ra vồ người, hòng thoát. Đận ấy, có người bị cọp vồ xước da, Thần vơ lá cỏ giác sẵn bên cạnh nhai rịt vào vết thương và về nhai tằm chín nuốt, sau khỏi. Theo luật lệ của làng, mỗi khi có “rọ khái”, theo sổ bộ, hộ nào có 3 đinh trở lên, theo thứ tự trên xuống, phải đưa anh em của một nhà xông vào đánh cọp. Trận ấy, 3 anh em ông Hùng, cháu nội cụ Quản Dục, đã sẵn sàng. Họ chưa ra tay, cọp đã sa vào bẫy, sau 5 ngày đêm vây ráp.
Dư âm “rọ khái” vừa tạm lắng thì mùa hè năm ấy, đàn voi 36 con lớn nhỏ kéo về Rú Trửa, đầu hướng về sông Giăng, toan vượt qua Rú Đập, Rú Kho… xông vào giáp Hòa Mỹ, sang Văn Chấn, La Mạc.
Đận ấy, cũng như hồi đầu năm, nghe tin voi về Hòa Mỹ, người các xã lân cân ùn ùn kéo nhau đến xem. Lúc đầu cả đàn vẫy đuôi đứng nhìn lại. Có nhiều người lấy chổi châm lửa lao vụt ra trêu chọc chúng. Hình như tức điên lên, con đầu đàn rống to lên một tiếng, rồi chạy lao xuống. Do đã nghe các cụ truyền lại, nên khi bị voi đuổi, mọi người kéo nhau dạt ra hai bên theo dọc sườn đồi. Một cô bé chạy không kịp nằm ẹp xưống, voi bước qua, không hề hấn gì. Còn chàng trai người xóm Cồn chạy vấp ngã, bị nó lấy vòi sờ mó, lật qua lật lại, khiếp quá mà chết.
Mùa xuân năm sau, theo tục lệ hàng năm, làng mở hội hát tuồng, trong màn dạo đầu đã có câu “Thái bình hữu tượng” và “Thân Dậu niên lai kiến thái bình” Mọi người háo hức trò chuyện với nhau: Voi về báo hiệu điềm lành... Lớp có tuổi, thì thầm hỏi : “Việt Minh, viết chữ ‘Minh’nào...?” Có người rỉ tai nói lại: Ấy là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. viết, chữ ‘MINH’ là thề.
Hát tuồng, nét văn hóa vốn có từ xưa của làng quê. Đầu năm, các xóm đều dựng “sàn đạo” (sân khấu ngoài trời) diễn trò(tuồng) Trưng Trắc. Vở tuồng, tương truyền là do cụ Sào Nam soạn vào thời Cụ đang hoạt động trên đất Thái Lan, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng dân tộc và lòng yêu nước thương nòi qua tấm gương “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng. Già trẻ gái trai nghe tiếng trống tuồng quen thuộc là đôi chân nôn nao, bước vội tới sân tuồng. Bất kỳ diễn ở đâu, Văn Đình, Lương Điền, Hòa Mỹ, Sung Nho…; diễn nơi công cộng, dựng rạp giữa đồng, lấy đường quan làm khán đài hay trước sân nhà các cụ lên lão, mở tiệc khao làng, bà con chen nhau thưởng thức. Không đèn, không loa. Đuốc cần là “đạo cụ của ban ánh sáng” chuẩn bị từ ban chiều; Nhọ nồi và vôi trắng là son phấn hóa trang của các diễn viên tự túc. Sàn diễn là những tấm phản nằm khiêng từ các hộ dân ra làm ván lát do lực lượng thanh niên thôn sở tại dựng lên. Diễn xong, mượn của ai trả về nhà nấy. Diễn viên và tay trống từ trong dân mà ra. Ăn khoai nhà đi tập. Gọi là “có cơm” là chỉ hôm “sáp vai” và hôm diễn, được vài nhà hảo tâm, mời, theo gọi ý của ông trưởng trò. hoặc của nhà “yến lão”. Bựa cơm tuy đạm bạc mà vui đáo để. Dư âm và hình ảnh đêm diễn còn đọng lại khá lâu qua lời tán thưởng của các bà, các o và nhất là bọn trẻ “tái hiện” vai “Tô Định râu” chạy về Tàu, khiến mọi người hả hê thỏa mãn...
Tích tuồng hay, diễn xuất có hồn…Những đoạn “xưng danh của các nhân vật chính diện” cảm khái lòng dân được các diễn viên chân đất dốc cả bầu tâm can ra thể hiện. Ai có thể dửng dưng khi được nghe Thi Sách “bạch ngâm”:
“Phong lôi thời đại tàm phi ngã/Cẩm tú sơn hà tọa khán nhân
Vũ trụ thử thân giai phận sự/Anh hùng tùy địa khả kinh luân
Rồng tiên chung máu tổ/Dực, Chấn định ngôi giời
Bốn nghìn năm vận nước lâu dài/Hai lăm triệu đồng bào đông đúc
Sinh Chu Diên quận mục/Chính Thi Sách là đây…”
Lời thoại trang nhã hợp tính cách nhân vật. Càng thấm thía khi được nghe các cụ giảng giải rõ thêm nghĩa lý lời văn:
“Phong lôi thời đại…/ …tọa khán nhân”, nôm na là “Lúc người ta đang làm mưa làm gió, thẹn là ta không làm được gì, phải bó tay ngồi nhìn họ dày xéo non sông gấm vóc của đất nước ta.
“Vũ trụ thử thân…/ ….khả kinh luân” đại ý là: “Giữa trời đất này, làm người ai cũng có phận sự; Người anh hùng tùy ‘đất’, tùy thế đứng để ra tay”;
“Rồng Tiên chung máu đỏ” thì ai cũng biết, còn “ Dực, Chấn”, ấy là hai ngôi sao mà ngày xưa lấy làm mốc định vị cương thổ quốc gia, tựa như bây giờ ta dùng tọa độ, để chỉ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mỗi nước
Còn ăn sâuvào trí não mọi người dân mất nước là lời thoại của những vai hề sâu sắc như bài: Hạn hán:
“Đáo để trời làm hạn hán lâu/Cực lòng trông nước, nước còn đâu!
Ghét đồ cha ếch ngồi trương mắt/Căm nỗi thân lươn chịu lấm đầu
Mè, gáy đâm quàng đà trượt vảy/Hẻn, tràu đắc ý lại vênh râu
Chết treo sau ót mà không biết/Lớn bé xin đừng cắn đuổi nhau..”
....
Rồi, nạn đói khủng khiếp xẩy ra vào đầu năm 1945, giữa ngày Tết vẫn có người chết đói. Ấy là hệ quả của Tám mươi năm nô lệ sống dưới 2 tầng áp bức thực dân phong kiến.
Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp, nắm độc quyền thống trị Đông Dương, đời sống dân ta lún sâu vào cảnh lầm than, đen tối. Theo Lịch sử Đảng bộ Thanh Chương: “Chỉ tính 6 tháng đầu năm 1945, toàn huyện có tới 8.222 người chết đói, chiếm 19, 3% tổng số người chết đói ở Nghệ An.
Lúc này, tình hình cách mạng của nước ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh, một tổ chức chính trị do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, ra đời, với mục đích: “Liên minh các lực lượng nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể quần chúng yêu nước cùng nhau đánh đuổi Nhật Pháp, làm cho nước Việt Nam độc lập, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”
(Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban NCLSĐ, 1977-Tr488)
... Ngày 16/8/1945, theo lệnh của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh, Đại hội Việt Minh Thanh Chương quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa các cấp.
Tối ngày 17/8, cán bộ Việt Minh các tổng, xã khẩn trương chuẩn bị.
10 giờ sáng ngày 23/8/1945 tại Huyện đường Thanh Chương (ở Chợ Rộ, Võ Liệt), trước hàng ngàn quần chúng, ông Nguyễn Côn thay mặt Việt Minh, tuyên bố thủ tiêu chính quyền cũ, thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng. Thừa thế, các xã trên toàn huyện đồng loạt giành chính quyền về tay Nhân dân.
Ủy ban Cách mạng lâm thời xã Yên Sơn (5) được thành lập, trực thuộc huyện Thanh Chương (lúc này chính quyền cấp tổng trên cả nước đều bãi bỏ). Trụ sở đặt tại đình Làng Hạ.
Một kỷ nguyên mới bắt đầu.
BVC
______________________
Chú thích:
5. Xã Yên Sơn được thành lập bởi sự hợp nhất các xã, thôn: Xã Hạnh Lâm, thôn Yên Lạc; thôn Nhuận Trạch; phường vạn Nguyên Khiết, sách Bồ Lư...
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511898
2224
2337
22272
218771
121356
114511898