Diễn đàn

Thư viện tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng nhu cầu bạn đọc

Thư viện Nghệ An

VHNA: Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4/2022, Văn hóa Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Thư viện Nghệ An về hoạt động của thư viện và những giải pháp phát triển văn hóa đọc. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

VHNA: Trước hết, cảm ơn ông đã dành thời gian cho VHNA. Thiết nghĩ, trong ngày này - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, việc chúng ta có thể cùng ngồi lại để nói về hoạt động của thư viện cũng như những nỗ lực nâng cao văn hóa đọc là điều thực sự ý nghĩa và cần thiết. Để bắt đầu cuộc trò chuyện hôm nay, có lẽ, chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút hệ thống thư viện công trên địa bàn tỉnh. Như nhiều địa phương khác, Nghệ An có một hệ thống thư viện công cộng, tủ sách phát triển rộng khắp, đến từng xóm, làng, thôn, bản. Không thể phủ nhận đây là kết quả của những nỗ lực rất lớn từ chính quyền, giúp mọi người dân có cơ hội được tiếp cận với sách và tri thức. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hệ thống thư viện này phần nhiều còn mang tính hình thức, hoạt động chưa hiệu quả. Ông có đồng tình với ý kiến này không? Nếu đúng như vậy thì theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Đến nay, Nghệ An có hệ thống thư viện rộng khắp với 01 thư viện tỉnh, 19 thư viện cấp huyện và hơn 350 thư viện xã, phường, thị trấn. Hoạt động của hệ thống thư viện huyện, cơ sở đã dần đi vào ổn định, đáp ứng phần nào nhu cầu đọc sách báo của Nhân dân. Đặc biệt, các thư viện, tủ sách cơ sở đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, những địa bàn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, như bạn nói, phải thẳng thắn thừa nhận rằng một số thư viện huyện, thị vẫn còn hoạt động chưa hiệu quả. Theo tôi, điều này có thể bắt nguồn từ ba nguyên nhân. Thứ nhất, ngân sách hoạt động cho hệ thống thư viện hiện nay vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng trang thiết bị thiếu thốn, công tác bổ sung sách hàng năm còn hạn chế, số đầu sách chưa nhiều, nội dung chưa đa dạng. Thứ hai, đội ngũ cán bộ công tác thư viện cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có điều kiện để nghiên cứu học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Thứ ba là nhận thức của một bộ phận lãnh đạo địa phương cũng như người dân về thư viện và vai trò của thư viện cũng như của việc đọc sách chưa thực sự đầy đủ.

VHNA: Nói về hiệu quả hoạt động của thư viện thì từ quan sát cá nhân, tôi nhận thấy có 3 yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của một thư viện, hay nói cách khác là đến việc thu hút người đọc tới thư viện. Thứ nhất là nguồn tài liệu/tư liệu. Thứ hai là cơ sở vật chất, không gian thư viện. Thứ ba là chất lượng đội ngũ phục vụ và các hoạt động tổ chức tại đây. Đối với thư viện tỉnh Nghệ An, ông đánh giá thế nào trên ba phương diện này? Đâu là điểm mạnh và điểm yếu của Thư viện tỉnh Nghệ An, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Tôi rất đồng tình với bạn. Là lãnh đạo Thư viện, tôi nhận thấy rõ tầm quan trọng của ba phương diện này, xem chúng là những yếu tố cốt lõi trong xây dựng, phát triển Thư viện tỉnh Nghệ An. Về nguồn tài liệu/tư liệu, chúng tôi luôn cố gắng cập nhật nguồn sách mới, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người đọc ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, hiện chúng tôi đang tập trung bổ sung nguồn sách phục vụ đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng. Tài liệu tại Thư viện luôn được chú trọng kiểm duyệt, lựa chọn từ các nhà xuất bản uy tín. Ngoài ra, chúng tôi còn lưu giữ những nguồn tài liệu quý, quan trọng như kho sách địa chí, kho sách Hồ Chí Minh, kho sách Hán Nôm,... Có thể khẳng định với bạn nguồn tài liệu chính là một thế mạnh của Thư viện tỉnh Nghệ An. Về cơ sở vật chất, hiện nay Thư viện tỉnh Nghệ An đã trang bị khá đồng bộ, đáp ứng khá tốt nhu cầu của bạn đọc. Về đội ngũ nhân viên Thư viện, như bạn có thể thấy, phần lớn họ đều trẻ tuổi, năng động, nhiệt tình, có trách nhiệm. Với phương châm không ngừng nỗ lực hoàn thiện để phục vụ bạn đọc tốt hơn, chúng tôi thường xuyên cử các cán bộ viên chức tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài các thế mạnh đó thì cũng phải thừa nhận rằng, Thư viện tỉnh Nghệ An còn có ít nhiều hạn chế trong hoạt động mà như bạn nói là điểm yếu. Trước hết là chúng tôi chưa thể đầu tư hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị để có một không gian thực sự đẹp, lý tưởng cho người đọc. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kinh phí. Bên cạnh đó, dù đội ngũ nhân viên đã có nhiều nỗ lực thay đổi song công tác số hóa của Thư viện tiến hành còn chậm; chưa có nhiều hoạt động quảng bá, truyền thông.

 

VHNA: Thưa ông, thời gian qua, đại dịch covid -19 đã tác động đến mọi mặt đời sống xã hội và chắc chắn hoạt động của thư viện cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ông có thể chia sẻ một chút về những khó khăn này và hiện nay Thư viện tỉnh cũng như hệ thống thư viện tại các huyện, xã đang làm gì để hoạt động trở lại bình thường sau dịch?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Quả thực đại dịch đã tác động rất lớn đến hoạt động của thư viện. So với những năm trước, số thẻ bạn đọc, lượt bạn đọc đến thư viện; lượt sách, báo luân chuyển; hoạt động xây dựng tủ sách đều giảm. Tuy nhiên, điều lo ngại lớn nhất của chúng tôi không phải là việc thư viện không thể mở cửa đón bạn đọc mà ở sự chững lại của các hoạt động khuyến đọc. Hiện nay, khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch hoạt động trở lại, đặc biệt là sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động khuyến đọc và cố gắng tổ chức nhiều sự kiện để thu hút bạn đọc đến với thư viện.

VHNA: Khi đại dịch covid -19 bùng phát, các hoạt động trực tiếp bị hạn chế thì cũng là lúc chúng ta thấy rõ hơn vai trò của công nghệ. Một xu hướng tất yếu của các thư viện hiện nay là chuyển đổi số, hướng tới xây dựng thư viện thông minh. Thư viện tỉnh Nghệ An tiếp cận vấn đề này như thế nào và đã/đang làm gì để thực hiện điều đó, thưa ông?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Như bạn biết, trước đây, để tiếp cận nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh, bạn đọc không có cách nào khác là phải đến trực tiếp. Các dịch vụ cũng khá đơn giản, chỉ là: đọc tại chỗ, mượn về nhà, luân chuyển sách, báo và sao chụp tài liệu…Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của số hóa và đã và đang tiến hành từng bước để xây dựng thư viện thông minh. Hiện Thư viện có một phòng tra cứu tin tức với hơn 40 máy tính được kết nối Internet. Các tài liệu viết về tỉnh Nghệ An trên các báo, tạp chí hiện nay đã và đang được số hóa. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành số hóa hơn 100 tài liệu Hán Nôm và các tài liệu quý hiếm có tại đơn vị. Thay vì quản lý thủ công như trước đây thì chúng tôi đã ứng dụng phần mềm công nghệ thư viện Ilib 6.0 để biên mục và xử lý mượn trả sách, báo. Sách, báo ra vào kho đều được quản lý bằng chỉ từ. Đặc biệt, website thư viện đang được hoàn thiện để đưa vào hoạt động. Để đáp ứng những thay đổi này, chúng tôi không ngừng đào tạo, nâng cao trình độ tin học cho nhân viên. Hiện nay, 100% cán bộ viên chức có trình độ công nghệ thông tin cơ bản. Tuy nhiên, trước mắt sẽ còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi Thư viện tỉnh phải thay đổi và đáp ứng.

VHNA: Thưa ông, thư viện và những người làm thư viện luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc khuyến khích, phát triển văn hóa đọc. Vậy, ông có thể chia sẻ một chút về những hoạt động khuyến đọc mà thư viện tỉnh đã triển khai thời gian qua?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ phát triển, mọi người được tiếp cận nhiều hình thức giải trí khác nhau với hình ảnh, âm thanh sống động. Điều đó khiến cho thói quen đọc sách, niềm đam mê với sách giảm dần. Đây là điều mà những người làm thư viện như chúng tôi rất trăn trở. Thời gian qua, các thế hệ người làm thư viện Nghệ An cũng đã nỗ lực rất nhiều với mong muốn lan tỏa được tình yêu, niềm đam mê với sách tới Nhân dân, đặc biệt là người trẻ. Đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức được nhiều cuộc trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách theo các chủ đề gắn với các sự kiện, hoạt động trong năm; Tổ chức giao lưu tác giả với bạn đọc; Phục vụ lưu động và luân chuyển sách tại các trường học; luân chuyển sách tới các trại giam, đồn biên phòng và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm, thư viện luôn tổ chức các hoạt động như tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của sách, văn hóa đọc như: phát động cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, thi tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc,… Riêng cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” được tổ chức trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 69.000 bài dự thi của các em học sinh từ tiểu học đến THPT. Sau cuộc thi, nhiều “Đại sứ Văn hóa đọc” đã có những việc làm thiết thực nhằm lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng.

VHNA:Tôi thấy đó là những hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa để xây dựng văn hóa đọc và rất cần được duy trì, phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên,dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều song phải thừa nhận rằng cho đến nay người Việt nói chung, người dân Nghệ An nói riêng vẫn chưa đọc nhiều. Khi người dân chưa mặn mà với việc đọc thì việc đến thư viện để đọc, mượn sách lại càng trở nên hiếm. Đây là bài toán rất khó đặt ra cho những người làm thư viện nói riêng và ngành Văn hóa nói chung. Theo ông, để giải bài toán này chúng ta cần phải làm gì? Giải pháp nào để thu hút ngày càng đông đảo bạn đọc đến với thư viện?

Ông Nguyễn Vinh Quang: Như bạn nói, việc ngại đọc, ít đọc, ít đến thư viện là thực trạng chung chứ không riêng gì với tỉnh Nghệ An. Để khắc phục tình trạng này, tất nhiên, không thể chỉ trông chờ ở một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ nào mà cần sự chung tay của toàn xã hội để xây dựng và hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Thông qua giáo dục của nhà trường, gia đình, chúng ta sẽ giúp các em nhận ra vai trò, giá trị của sách cũng như việc đọc sách. Khi người dân yêu sách và ham đọc sách rồi thì chắc những người làm thư viện như chúng tôi sẽ chẳng phải đau đầu với việc thu hút người đọc đến với mình nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không thể ngồi chờ những thay đổi đó đến mà phải trở thành một phần tích cực tạo nên những thay đổi đó. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng văn hóa đọc, Thư viện tỉnh đã và đang không ngừng chuyển mình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc, để thư viện trở thành một không gian họ thực sự muốn đến. Thời gian qua, chúng tôi đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cũng như cải tiến hoạt động như: bổ sung phong phú các nguồn tài liệu; cải tạo không gian phòng đọc sách với những trang thiết bị phù hợp theo mùa; bố trí khu vực phục vụ bạn đọc phù hợp với các lứa tuổi; triển khai phòng đọc kho mở; hệ thống tự mượn, tự trả tài liệu; đơn giản hóa việc cấp, trả thẻ mượn sách cho bạn đọc. Đặc biệt, xác định thế mạnh của thư viện là nguồn tài liệu, chúng tôi luôn bổ sung những đầu sách, báo, tài liệu chất lượng; tích cực số hóa và hoàn thiện hệ thống website để phục vụ bạn đọc trong cũng như ngoài tỉnh. Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan (Nhà Xuất bản Nghệ An, các phòng GD&ĐT, các đồn biên phòng, trại giam trên dịa bàn tỉnh,…), tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, luân chuyển sách,… nhằm phục vụ được nhiều đối tượng bạn đọc, phát huy tốt hơn vốn sách, tài liệu của Thư viện tỉnh. Ngoài ra, thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá; tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu sách cũng như giao lưu, hợp tác quốc tế. Và, bạn biết đấy, ngoài sách và tài liệu thì đội ngũ nhân viên chính là linh hồn, là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động của thư viện. Chính vì thế, chúng tôi luôn chú trọng đầu tư nâng cao trình độ nhân viên, hướng đến sự chuyên nghiệp, sáng tạo trong mọi hoạt động.

VHNA: Cảm ơn ông với những chia sẻ hữu ích và tâm huyết ngày hôm nay. Hy vọng với những nỗ lực trên, Thư viện tỉnh Nghệ An sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thu hút đông đảo bạn đọc đến với mình và góp phần quan trọng vào việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh nhà.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511752

Hôm nay

278

Hôm qua

2337

Tuần này

22126

Tháng này

218625

Tháng qua

121356

Tất cả

114511752