Xứ Nghệ ngày nay
Ban Quản lý Di tích Nghệ An - 20 năm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương
Được thành lập vào tháng 4/2002, 20 năm qua, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động đơn vị, Ban Quản lý Di tích Nghệ An đã làm tốt vai trò tham mưu cho Sở Văn hóa và Thể thao triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngày mới thành lập, với tên gọi là Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An, đơn vị chỉ có 12 biên chế, trong đó có 8 cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì ngoài 2 bộ máy tính, trụ sở mượn của Bảo tàng Nghệ An. Song ngay khi mới đi vào hoạt động, tập thể lãnh đạo đơn vị đã chủ động triển khai rà soát, kiểm kê, đánh giá tình hình di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn nhằm từng bước bảo tồn, tôn tạo phục hồi và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chỉ sau mấy năm hoạt động, đơn vị đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong công tác tham mưu thực hiện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh nhà.
Năm 2017, đơn vị được đổi tên thành Ban Quản lý Di tích Nghệ An (sau đây gọi là Ban). Chức năng, nhiệm vụ được quy định lại cho phù hợp, đó là: thực hiện nghiên cứu, kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ xếp hạng và quản lý di tích trên địa bàn; tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời, đơn vị được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lý 03 di tích trọng điểm của tỉnh (Di tích quốc gia Đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu - huyện Nam Đàn, Di tích quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - huyện Hưng Nguyên và Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - thành phố Vinh). Đội ngũ cán bộ của đơn vị cũng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, Ban có 33 cán bộ, viên chức và người lao động (23 biên chế, 10 hợp đồng), trong đó có 7 thạc sĩ và 18 cử nhân, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. 20 năm qua, với sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động, Ban đã có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nhà. Điều đó được thể hiện rõ trên các mặt công tác sau:
Điều tra, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại và lập danh mục phân cấp quản lý di tích danh thắng
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, số lượng di tích nhiều, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và phân bố ở nhiều địa hình khác nhau. Để có cơ sở khoa học, cung cấp số liệu chính xác cho Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh nhà và giúp các cơ quan ban ngành có cơ sở để xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyên môn liên quan đến công tác bảo vệ, phát huy tiềm năng, giá trị của di tích, Ban đã tiến hành kiểm kê phổ thông và kiểm kê khoa học di tích theo định kỳ. Từ năm 2008 đến năm 2015, Ban đã triển khai công tác kiểm kê khoa học di tích danh thắng một cách tổng thể, toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó, nắm bắt được số lượng và những biến động của di tích. Từ các số liệu thu thập được, Ban đã tổng hợp, lập danh mục để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 01/4/2011 về việc phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục kiểm kê di tích danh thắng. Đây là những cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Với 3 di tích được giao trực tiếp quản lý (Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai), Ban đã tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; đón tiếp, phục vụ các đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu học tập và hoạt động tri ân, tưởng niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong những dịp kỷ niệm, những ngày lễ lớn của đất nước hay kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân.
Bên cạnh công tác kiểm kê di tích, đơn vị còn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập danh mục để Sở VH&TT tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà và ban hành một số cơ chế, chính sách về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, đánh giá giá trị di sản để lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, đơn vị đang chuẩn bị cho công tác kiểm kê di vật, cổ vật tại các di tích để tham mưu cho UBND tỉnh có các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy giá trị của các di vật, cổ vật nhằm tránh tình trạng trộm cắp, thất tán hoặc chảy máu cổ vật đang diễn ralâu nay.
Lập hồ sơ xếp hạng di tích
Đây là nhiệm vụ thường niên của Ban từ khi ra đời đến nay, nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Hàng năm, đơn vị tham mưu khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng cho 10-15 di tích, có những năm tới 30 di tích được xếp hạng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 471 di tích được xếp hạng trên tổng số 2.602 di tích đã được kiểm kê, trong đó: 05 di tích Quốc gia đặc biệt, 144 di tích Quốc gia và 322 di tích cấp tỉnh. Qua thời gian, công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích ngày càng được nâng cao về chất lượng chuyên môn, đảm bảo tính khoa học, nhất là từ khi có Thông tư 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ VH,TT&DL quy định nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được ban hành.
Việc xếp hạng di tích, danh thắng đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của công trình, đồng thời xác lập sự bảo hộ của di tích bởi pháp luật về di sản văn hóa. Từ đó, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, khai thác di tích cũng được chú trọng, trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, tôn trọng lịch sử, tôn trọng quá khứ, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của Nhân dân, vừa góp phần tích cực trong giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và người dân trong bảo vệ di sản văn hóa và đóng góp cho phát triển du lịch địa phương.
Hướng dẫn tổ chức lễ hội
Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Nhân dân, Ban đã từng bước khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu liên quan làm cơ sở phối hợp, hướng dẫn các địa phương phục dựng lại các lễ hội vừa đảm bảo tính truyền thống nhưng đồng thời thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại, trả lại diện mạo và sức sống cho di sản, hướng đến thu hút được đông đảo Nhân dân cùng tham gia sáng tạo, thụ hưởng và giữ gìn di sản. Nghệ An có hàng trăm lễ hội truyền thống được kiểm kê, bao gồm cả lễ hội làng, lễ hội dòng họ. Trong đó, có 29 lễ hội truyền thống đã và đang được cấp phép hoạt động, 06 lễ hội đã được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Bạch Mã, Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Hoàng Mười. Hàng năm, cán bộ chuyên môn của Ban đều trực tiếp tham gia chỉ đạo, hướng dẫn phần lễ trong các lễ hội truyền thống. Nhờ đó, các lễ hội tiêu biểu, kể cả những lễ hội mới được phục hồi trong những năm gần đây ngày càng được tổ chức bài bản, trình thức lễ chặt chẽ, tiệm cận nhất với trình thức lễ cổ truyền và phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Cũng chính từ quá trình hướng dẫn tổ chức lễ hội nói riêng và công tác bảo tồn, phát huy di tích nói chung, bản thân các cán bộ trải qua thực tiễn ở cơ sở có điều kiện tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn và nhiệt tâm với nghề.
Tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích
Tỉnh Nghệ An không chỉ có diện tích rộng mà địa hình còn phức tạp, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng lắm, mưa nhiều, lũ lụt, hạn hán thường xuyên xẩy ra. Trong khi đó, số lượng di tích nhiều lại chủ yếu được xây dựng bằng chất liệu gỗ truyền thống, dễ bị hư hỏng, lại trải qua thời gian tồn tại hàng trăm năm nên hầu hết các di tích đều ở trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Nhiều di tích có kiến trúc đẹp, nguyên gốc, với những mảng chạm khắc tinh tế, điêu luyện bậc thầy như Đình Hoành Sơn, Đình Trung Cần… đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Để có thể tu sửa các hạng mục, cấu kiện di tích đảm bảo gần nguyên vẹn giá trị ban đầu, cần một nguồn kinh phí tương đối lớn và đòi hỏi trình độ kỹ - mỹ thuật cao và sự am hiểu của cán bộ chuyên môn.
Trong thời gian qua, Ban đã tham mưu giám sát, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc trùng tu, tôn tạo, phục dựng cho hàng trăm di tích trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Sở VH&TT và đề nghị của các địa phương; Trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi cho khoảng 20 di tích bằng nguồn xã hội hóa nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của tỉnh nhà. Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, Ban đã tiến hành tu sửa cấp thiết cho 182 di tích đảm bảo tuân thủ đúng quy trình quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, Ban đã triển khai các nhiệm vụ chuyên môn khác để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, như: cắm mốc khoanh vùng bảo vệ, phòng chống mối, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, dựng bia dẫn tích và biển chỉ dẫn, cấp bình phòng cháy chữa cháy,điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ cho di tích. Đó là những kết quả đáng khích lệ, góp phần giúp di tích được bảo tồn, phát huy ngày càng hiệu quả.
Số hóa di sản văn hóa
Ban Quản lý Di tích là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác số hóa của ngành. Từ năm 2015, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, tư liệu và đạt được những kết quả khả quan với số lượng lớn tài liệu Hán - Nôm, tài liệu kiểm kê, hồ sơ xếp hạng di tích… được số hóa. Hiện nay, Ban cũng đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu di tích, đã và đang số hóa tư liệu, tài liệu cho toàn bộ các di tích quản lý; bước đầu xây dựng bản đồ di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An, xác định tọa độ GPS, cập nhật đường đi và thông tin khái quát về di tích đối với 21 di tích trọng điểm. Nhờ đó, người dùng có thể thông qua bản đồ tra cứu, xem thông tin về di tích, dẫn đường tới di tích theo Google map. Về quy trình hoạt động nội bộ trong những năm qua, Ban đã ứng dụng phần mềm quản lý số hóa trong quá trình làm việc, cho phép xử lý công việc trực tuyến. Công tác số hóa di sản đã góp phần quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, đồng thời giúp việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu một cách dễ dàng trên các phương tiện thông tin, trên phần mềm quản lý, trang website của Ban.
Tuyên truyền, phát huy giá trị di tích
Công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di tích được Ban thường xuyên chú trọng, từ tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến việc xây dựng, quảng bá các điểm đến và các sản phẩm du lịch.
Bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ chuyên trách; tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu với quần chúng Nhân dân ở các địa phương; phát hành các tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, sử dụng hệ thống phát thanh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Ban, website… Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan được tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân. Từ đó, nhận thức của các cấp chính quyền, đội ngũ cán bộ và các tầng lớp Nhân dân về việc bảo tồn và phát huy di sản được nâng lên, đồng thời khơi dậy trách nhiệm của toàn dân trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa.
Nghệ An với số lượng di tích nhiều, phong phú và đa dạng về loại hình, đây chính là tài nguyên quan trọng để hình thành các điểm, khu du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch. Trong thời gian qua, Ban đã xây dựng các điểm đến du lịch cho các di tích, hỗ trợ địa phương xây dựng và tạo các tour, tuyến du lịch hấp dẫn gắn kết các di tích các danh thắng và các loại hình di sản khác trên địa bàn. Đến nay, nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là điểm đến du lịch, như:Đền Cờn, Đền Cuông, Đền Quả Sơn, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung và di tích Phượng Hoàng Trung Đô, Khu di tích Truông Bồn, Chùa Đại Tuệ…
Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục nghiên cứu,xây dựng các sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn, có chất lượng để thu hút du khách đến với di tích. Thiết kế các sản phẩm lưu niệm phù hợp với di tích và thị hiếu thị trường du lịch. Lựa chọn các di tích tiêu biểu và có khả năng liên kết thành các loại hình sản phẩm văn hóa du lịch theo từng vùng địa lý nhằm biến di sản văn hóa Nghệ An từ dạng tiềm năng và tài nguyên thành những sản phẩm, điểm đến du lịch có sự khác biệt và hấp dẫn.
Nghiên cứu khoa học
Trong những năm qua, cùng với các hoạt động chuyên môn đặc thù, Ban cũng đã từng bước khẳng định là đơn vị đi đầu của ngành về công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Ban được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác nhau theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn. Ban đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh được đánh giá xuất sắc như đề tài: “Các giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc gỗ truyền thống ở tỉnh Nghệ An”, “Nghiên cứu các giải pháp bài trí thờ tự - sắp xếp đồ tế khí tại các di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, “Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An” và “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế di sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Bên cạnh đó, Ban còn tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu, thám sát khai quật khảo cổ học tại các di tích: Hang Đồng Trương, Hang Thẩm Ồm… nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu về các giá trị khảo cổ học trên địa bàn tỉnh nhà. Đồng thời, cán bộ của Ban còn tích cực viết bài tham luận tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài ngành, từ cấp tỉnh đến cấp trung ương; viết bài đăng trên các báo, tạp chí,… Đó là những tài liệu trực tiếp cung cấp các thông tin, số liệu, tư liệu xác thực, khoa học trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nhà, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
20 năm - chặng đường chưa phải là dài nhưng những kết quả đạt được của Ban thật đáng tự hào. Kết quả đó có được từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp trên, sự đồng lòng, thống nhất trong chỉ đạo của đội ngũ lãnh đạo Ban và sự tận tâm, nhiệt tình,trách nhiệm, đoàn kết của cán bộ, viên chức, người lao động. Những thành quả đạt được trong 20 năm qua là nền tảng vững chắc để Ban tiếp tục đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức nhằm xây dựng đơn vị ngày càng phát triển vững mạnh, góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh nhà.
tin tức liên quan
Videos
Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phùng Khắc Khoan với miền núi Nghệ An
Tâm thức hậu hiện đại với bản thể văn hóa dân tộc trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại
Thống kê truy cập
114528514
2170
2291
2787
215210
0
114528514