Diễn đàn

“Dại văn bia” hay là thiếu cẩn trọng?!

Vừa qua, nhiều facebooker ở Nghệ An chia sẻ (bài thơ) “Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt được khắc trên khối đá Sapphire nặng 25 tấn được đặt trên đảo Trường Sa. Đây được coi là Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền trên các vùng đất của mình. Khối đá Sapphire hay còn gọi là đá phong thủy Corindon do Công ty Đá quý và Khoáng sản Phủ Quỳ sưu tầm được lấy từ núi Pu Coóc, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp” (1).

Trước hết, chủ quyền quốc gia là quyền làm chủ đối với đất nước mình. Đây là thuộc tính chính trị - pháp lý không thể tách rời của một đất nước, bao gồm nhiều nội dung, trong đó có các quyền cơ bản là quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ, quyền tự quyết định những công việc của quốc gia, và quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại. Chính vì vậy, việc Công ty Đá quý và Khoáng sản Phủ Quỳ khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” - (được xem là) bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam lên khối đá quý (tặng cho Bộ Tư lệnh Hải quân) đặt trên đảo Trường Sa là việc làm hết sức ý nghĩa và rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, mỗi cá nhân, công dân cần phải có nền tảng tri thức cũng như nắm rõ những quyền nghĩa vụ cơ bản, ít nhất là trong lĩnh vực của mình. Khi thực hiện một công việc nào đó cần phải nghiên cứu kĩ lưỡng dưới góc độ chuyên môn, đồng thời tiếp thu đầy đủ các quy định để không trái với hiến pháp và pháp luật. Việc làm của Công ty Đá quý và Khoáng sản Phủ Quỳ nói trên xét về mục đích không có gì phải bàn, tuy nhiên, sẽ hoàn hảo hơn khi tránh những lỗi sau đây:

Quốc huy in thừa 2 chữ "Việt Nam"

Quốc huy Việt Nam hiện nay (nguyên thủy là Quốc huy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) được Quốc hội Việt Nam khóa I, kỳ họp Quốc hội thứ VI (từ 15 tháng 9 tới 20 tháng 9 năm 1955), phê chuẩn từ mẫu quốc huy do Chính phủ đề nghị. Mẫu quốc huy này do họa sĩ Bùi Trang Chước vẽ và họa sĩ Trần Văn Cẩn chỉnh sửa. Năm 1976, khi đất nước Việt Nam thống nhất, mẫu quốc huy được sửa đổi phần quốc hiệu (theo phê chuẩn của Quốc hội Việt Nam khóa VI). Vì vậy, Quốc huy Việt Nam chính thức mang dòng chữ (in hoa) “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”. Hiến pháp 2013 có quy định: “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Quốc huy, cùng với Quốc kỳ và Quốc ca là một trong những biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, là niềm tự hào của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy phải tuyệt đối chính xác khi sử dụng biểu tượng này. Trên tảng đá quý nói trên, Quốc huy Việt Nam có ghi dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VIỆT NAM” ("Việt Nam" ở trên chữ nhỏ, còn "Việt Nam" ở dưới chữ to). Như vậy, Quốc huy này đã in thừa 2 chữ “Việt Nam”, điều này trái với Hiến pháp. Trường hợp in thừa chữ "Việt Nam" trên Quốc huy cũng không phải ít. Ví dụ như Bằng Đại học của sinh viên K30 (2006-2010) Trường Đại học Khoa học Huế cũng in thừa 2 chữ "Việt Nam" trên Quốc huy như vậy. Điều này đã làm mất đi vẻ đẹp, sự chuẩn mực, trang trọng của Quốc huy Việt Nam.

Viết hoa chưa chuẩn & lỗi chính tả

Bài thơ chỉ 28 chữ nhưng nhiều chữ mắc lỗi chính tả thông thường.

Chữ “Nam” trong bài thơ để chỉ nước ta bởi thời xưa người Việt xem Trung Hoa là phương Bắc, thì nước ta là phương Nam, nước Nam. Chính vì vậy tầng lớp Nho sĩ trí thức thường dùng “Nam” để chỉ nước ta. (Cũng như người Hàn Quốc cũng tự xem nước họ ở phương Đông, nên gọi là Đông Quốc). Vua Lý Nhân Tông trong bài “Truy tán Sùng Phạm thiền sư” có câu: “崇范居南國 Sùng Phạm sinh Nam quốc” (thiền sư Sùng Phạm sinh ở nước Nam); hay như Văn Huệ vương Trần Quang Triều thời Trần trong bài thơ “Đề Liêu Nguyên Long tống họa cảnh phiến 題寥元龍送畫景扇 có câu: “Nam quốc na kham nhập họa đồ南國那堪入畫圖 (Phong cảnh nước Nam khó có thể đưa vào tranh vẽ).

Vì vậy, tất cả các chữ “Nam” trong bài thơ đều phải được viết hoa. Tuy nhiên, bản khắc đá chỉ viết hoa chữ “Nam” ở chữ thứ nhất (Nam quốc) mà chưa viết hoa ở chữ thứ 5 (nam đế).

- Chữ “Lai” có nghĩa là tới, đến. Chữ này không phải danh từ riêng chỉ tên người, tên địa lý, cũng không phải tên cơ quan tổ chức nào. Chính vì vậy, chữ “Lai” trong bản khắc đá viết hoa là không chính xác.

- Chữ “Thiên” nghĩa là trời, “thiên thư” là sách trời. Đây không phải danh từ riêng nên cũng không cần phải viết hoa.

Bên cạnh đó, font chữ của bài thơ và font chữ của tên tác giả ở phía dưới là 2 font chữ khác nhau - không đồng nhất. Chưa kể, dấu ngoặc đơn cũng sử dụng chưa chuẩn xác.

Lý Thường Kiệt chưa hẳn là tác giả của bài thơ

Bài thơ này có rất nhiều dị bản, với hoàn cảnh ra đời, câu chữ, nội dung ý nghĩa phần nhiều giống nhau. Đầu tiên là trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 1 (981) cũng đã xuất hiện bài thơ tương tự, chép trong sách 嶺南摭怪 “Lĩnh Nam chích quái”. Còn bài thơ khắc đá nói trên xuất hiện trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Tống lần 2 (1076) gắn liền với những chiến công của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, được Chính sử Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) ghi lại. Đây cũng là văn bản được biết đến rộng rãi hơn cả. Tuy nhiên, trong ĐVSKTT (hay một sách nào khác) lại không hề ghi chép Lý Thường Kiệt (hay một người nào khác) viết nên bài thơ này, cho nên chưa thể khẳng định Lý Thường Kiệt là tác giả. Hơn nữa, nếu đúng tác giả là Thái úy Lý Thường Kiệt thật, thì ngài cũng chỉ là người chỉnh sửa lại bài thơ xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 1 (năm 981) như đã nói ở trên mà thôi. Ngay cả tên gọi “Nam quốc sơn hà” cũng xuất phát từ sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1976) chứ không phải là tên vốn có.

Bản khắc đá không hướng đến một đối tượng nào

Thông thường một tác phẩm văn học đều chuyển tải một thông điệp đến một đối tượng tiếp nhận nào đó. Bài thơ này thời điểm bấy giờ vốn được viết bằng Hán văn - một thứ ngoại ngữ, nhưng Hán văn lại là chữ viết chính thức của nước ta lúc bấy giờ, nên bài thơ sẽ truyền tải thông điệp về tính độc lập tự chủ và sự ngang hàng của nước ta trong mối quan hệ đối sánh với nhà Tống (sông núi nước Nam, hoàng đế nước Nam ở, Sách trời đã phân chia rõ ràng rồi), khiến cho tinh thần quân sĩ nước ta thêm hăng hái, phấn chấn; còn binh lính nhà Tống thì hoang mang, lo sợ (cớ sao giặc nghịch tới xâm phạm, chúng mày sẽ nhận lấy thất bại).

Nhưng hiện nay, bài thơ này chỉ khắc mỗi phiên âm (tức cách đọc chữ Hán bằng âm Hán Việt) chứ không phải nguyên tác chữ Hán được ghi trong chính sử, lại cũng không phải bản dịch tiếng Việt. Chính vì vậy mà thông điệp của bài thơ không chuyển tải tới được bất cứ một đối tượng nào: quân lính nước Tàu nhìn vào cũng chẳng nắm rõ nội dung, mà chiến sĩ nước ta đọc lên cũng không hiểu hết được.

Mặc dù nguyên tác của bài thơ là chữ Hán, và đối tượng mà bài thơ muốn chuyển tải thông điệp trong thời điểm lúc bấy giờ là quân lính nhà Tống; nhưng hiện nay nước ta đã bỏ chữ Hán, dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức; nên sẽ là trọn vẹn nhất nếu tảng đá quý này khắc bản dịch tiếng Việt của bài thơ, để thay lời các chiến sĩ hải quân nước ta đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước.

Bài thơ hay chỗ nào?

Chúng ta đều biết rằng, trong suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ Tần, Hán, Tùy, Đường, Nam Hán khi xâm chiếm và đặt chế độ cai trị ở nước ta, chúng không bao giờ xem nước ta là một quốc gia độc lập, mà chúng chỉ xem nước ta là một đơn vị hành chính cấp quận huyện, phủ hay châu mà thôi. Như nhà Tần đặt nước ta làm quận, gọi là Tượng quận 象郡, nhà Hán lại chia đất Tượng quận ra làm 3 quận là Giao Chỉ 交趾, Cửu Chân 九真và Nhật Nam 日南thuộc bộ Giao Chỉ交趾部. Đến cuối thời Đông Hán, nhà Hán lại đổi Giao Chỉ làm Giao Châu 交州, đến thời nhà Đường thì đặt là An Nam Đô hộ phủ 安南都護府, còn thời Minh thì đặt là quận Giao Chỉ交趾.

Nhưng người Việt thời bấy giờ, với ý thức tự cường độc lập dân tộc đã kiên quyết đứng lên đấu tranh lật đổ mọi ách thống trị của người phương Bắc, trải qua các đời, chúng ta vẫn luôn luôn tự xem mình là một quốc gia riêng biệt, độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ bất khả xâm phạm, mà bài Nam quốc sơn hà là một minh chứng, một tuyên ngôn cho ý chí sắt đá đó.

Chữ “Quốc” trong bài thơ bao gồm: “一”, biểu thị giới hạn không gian, sau này khi có con người thì được thêm bộ “khẩu 口” để biểu thị cho sự tồn tại của con người trong giới hạn không gian đó. Sau đó khoảng trên dưới 2.000 năm trước đây, chữ “quốc” được gắn thêm một phù hiệu nữa là bộ “qua” 戈, tượng trưng cho giáo mác, vũ khí, lực lượng vũ trang, và chữ “quốc” trở thành chữ 或, biểu thị một giới hạn về không gian có con người sinh sống, được bảo vệ bằng lực lượng vũ trang. Rồi đến khoảng trên dưới 1.500 năm trước đây, chữ “quốc” được gắn thêm một phù hiệu nữa là bộ “vi” 囗, thành chữ 國, biểu thị sự cố định về cương giới, sự hoàn chỉnh của một quốc gia, sự gắn bó của tập thể người sống trong quốc gia đó, sự toàn vẹn và bất khả xâm phạm của lãnh thổ đất nước,v.v…

Chính vì vậy, tác giả dùng chữ “Quốc” mang ý nghĩa nội hàm khác biệt hoàn toàn khi so với hàng loạt chữ khác biểu thị một đơn vị đất đai - con người như gia, bang, châu, quận, huyện, phủ, vực.

Qua phân tích chữ “quốc” để chúng ta thấy được ý nghĩa của chữ “quốc” trong từ Nam quốc. Có nắm vững được lai lịch ý nghĩa của chữ “quốc” như vậy thì chúng ta mới hiểu được tại sao cha ông chúng ta đã cương quyết gạt bỏ - nhiều khi phải gạt bỏ bằng đấu tranh vũ trang - những cái gọi là quận, huyện, châu, phủ, để giành lấy chữ “quốc” khi nói về đất nước mình. Chúng ta muốn gửi một thông điệp tới người nước Tàu rằng “chúng ta là một quốc gia độc lập, có đầy đủ chế độ, người lãnh đạo đất nước, Nhân dân, quân đội và cương vực lãnh thổ”.

Bên cạnh chữ Quốc là chữ Đế. “Đế” vốn chỉ thượng đế và những ông vua trong thần thoại cổ đại Trung Quốc mà các nhà Nho cho đó là những vị có đức độ tuyệt vời, như đế Nghiêu, đế Thuấn,v.v… Từ Tần, Hán về sau vua Trung Quốc mới dùng “đế” làm hiệu cho mình. Từ khi nước ta khôi phục được nền tự chủ, các triều đại phong kiến Trung Quốc cao nhất cũng chỉ phong “vương” cho vua nước ta mà thôi. Tác giả gọi vua nước ta là Nam đế là đặt địa vị nước ta, vua ta hoàn toàn ngang hàng với nước Trung Quốc và người đứng đầu nước Trung Quốc.

Thông qua phân tích những từ trên để chúng ta thấy được, tác giả của bài thơ phải là một người có học vấn cao, biết cách chọn lọc từ ngữ. Bài thơ theo thể tứ tuyệt ngắn gọn nhưng nội dung hàm súc, âm điệu hào hùng, khí phách. Tuy viết bằng chữ Hán nhưng lại chứa đựng tinh thần dân tộc và ý thức về chủ quyền quốc gia hết sức sâu sắc, xứng đáng có một vị trí cao trong nền văn học dân tộc.

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” là kiệt tác trong kho tàng văn học dân tộc, Quốc huy là biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, khối đá sapphire là vật phẩm có giá trị kinh tế lớn lao, nhưng rất tiếc, khi hội vào nhau thì lại có nhiều hạt sạn. Đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi phải hết sức cẩn trọng.

Xin nói thêm, trên địa bàn Nghệ An, đây không phải là trường hợp duy nhất mà ở không ít các công trình văn hóa, các di tích lịch sử việc khắc bia, câu đối… vẫn có những sai sót hoặc thiếu chuẩn xác về nội dung và hình thức thể hiện.

Chú thích:

 

  1. https://vietnamanhhung.com/de-day-va-khong-noi-gi-nhieu.html

(Bài được đăng trên Bản tin văn hoá - Thể thao Nghệ An số 05, năm 2022)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114515850

Hôm nay

2188

Hôm qua

2340

Tuần này

21451

Tháng này

213789

Tháng qua

121009

Tất cả

114515850