Khởi nguồn là món ăn dân dã, theo dòng thời gian, bánh gai xứ Dừa, thuộc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành món ăn đặc sản, được đưa đến mọi miền đất nước. Nhờ đó, nghề làm bánh gai đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở xứ Dừa.
Đất Nghệ
Lan tỏa hương vị bánh gai xứ Dừa
Một cơ sở làm bánh gai ở xã Tường Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên
1. Sản vật truyền thống
Hành khách xuôi, ngược quốc lộ 7A thường dừng chân ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) thưởng thức và mua bánh gai xứ Dừa. Những chiếc bánh nhỏ, xinh xắn được xếp vào túi xách, ngăn hành lý theo khách về với đồng bằng, phố thị hay ngược lên bản mường, rồi vào Nam, ra Bắc làm quà.
Theo các bậc cao niên ở xứ Dừa, bánh gai ở đây có từ lâu đời, trở thành sản vật truyền thống. Thông thường, bánh gai được dùng để “lót dạ”, ăn vào giữa buổi, xa bữa ăn chính để cảm nhận đầy đủ hương vị thơm ngon. Vì thế, bánh được người dân xứ Dừa dùng đãi khách quý, khách đến từ nơi xa.
Cùng với bánh chưng, mâm cỗ và hoa quả, bánh gai xứ Dừa thường được chọn làm lễ vật cúng gia tiên trong các dịp lễ, tết, đám giỗ và cúng ngày rằm, đầu tháng. Có lúc, bánh còn được nhiều gia đình lựa chọn làm lễ vật cho đám hỏi, nghĩa là nhà chú rể chọn mấy cặp bánh gai kèm sính lễ mang đến xin hỏi cưới cô dâu.
Bánh gai xứ Dừa được chế biến từ những nguyên liệu hết sức gần gũi, gồm bột nếp, lá gai, đậu xanh, cùi dừa và đường kính. Tất cả đều có sẵn ở miền quê trung du đầy nắng gió. Bột nếp được xay từ thứ nếp dẻo, thơm, được người nông dân dày công chăm sóc. Bột nếp được xay mịn, hòa với nước và nhào thật nhuyễn, rồi trộn với nước lá gai.
Bánh gai xứ Dừa được gói bằng lá chuối khô lau kỹ và sạch. Ảnh: Công Kiên
Cây gai mọc nhiều ở chân dãy núi đá chạy dọc theo địa bàn của xứ Dừa. Gần đây, khi bánh gai trở thành sản vật được người dân khắp nơi ưa chuộng, cây gai trên núi không đủ cung cấp lá, người dân mang cây về trồng trong vườn và trên bãi đất màu để đáp ứng nhu cầu. Lá gai được hái về giã lấy nước rồi nấu lên và trộn với bột nếp đã được xay nhuyễn.
Nguyên liệu chính làm bánh gai là bột nếp, nước lá gai, đường kính và đậu xanh. Ảnh Công Kiên
Từ màu trắng, khi được trộn với nước lá gai và lượng đường kính vừa đủ, bột nếp trở thành màu đen. Người làm bánh sẽ vò bột thành khối hình tròn, đậu xanh giã dập, luộc chín và cùi dừa xắt nhỏ được trộn vào làm nhân bánh. Bánh được gói bằng lá chuối khô đã lau sạch rồi cho vào hông cách thủy, đun bằng bếp củi chừng 2 giờ đồng hồ là có thể lấy xuống ăn.
Bánh gai xứ Dừa được gói thành hình khối hình tam giác, cặp bánh gai ghép với nhau thành khối hình vuông. Ảnh: Công Kiên
Về hình dáng, bánh gai xứ Dừa có nét đặc trưng là được gói theo hình khối tam giác. Khi cặp bánh khối tam giác buộc vào nhau bằng vòng dây chun sẽ trở thành khối hình vuông vừa tay cầm, kiểu dáng xinh xinh và giàu tính thẩm mỹ. Với đặc trưng về hình dáng, khi có mặt ở trong Nam, ngoài Bắc, bánh gai xứ Dừa không dễ lẫn với các thứ bánh đến từ khắp mọi miền.
Theo các chuyến xe khách, bánh gai xứ Dừa đã đến với khắp mọi miền đất nước. Ảnh: Công Kiên
Được chế biến từ những thứ gần gũi, thân quen và có phần dân dã, sản vật của xứ Dừa mang đậm hương vị thôn quê. Vị dẻo, thơm của bột nếp hòa cùng vị thơm nồng của lá gai, vị mát lành của đậu xanh, vị thoảng ngọt của đường và phảng phất hương thơm của lá chuối khô. Nghĩa là, ở đây có sự hội tụ hương vị của núi rừng, đồng ruộng, bãi sông và vườn quê để làm nên hương vị của bánh gai xứ Dừa.
2. Lan tỏa khắp mọi miền
Như lời của các bậc cao niên, bánh gai gắn bó với người dân xứ Dừa từ bao đời, cùng đi qua bao cuộc thăng trầm, dâu bể. Những năm chiến tranh, đĩa bánh gai có trong cuộc liên hoan chia tay người trai làng lên đường nhập ngũ, theo bước chân người chiến sĩ trong những ngày đầu.
Rồi có những giai đoạn đói kém, dân gian thường gọi “gạo châu, củi quế” vẫn có những gia đình dành dụm từng cân nếp, chai mật để làm bánh gai. Ở đây, có những người gần như trọn đời gắn bó với sản vật bánh gai quê hương như bà Trần Thị Bảy, Ngô Thị Lịch… Họ không thể nhớ bắt đầu làm bánh từ khi nào và đến bao giờ sẽ ngừng làm bánh.
Cuộc sống ngày thêm khởi sắc, bánh gai lại trở lại với cuộc sống thường nhật, là thức quà hàng ngày được trẻ em yêu thích. Tuyến quốc lộ 7A ngày càng nhộn nhịp, hành khách và các loại phương tiện qua lại đông đúc, bánh gai xứ Dừa có cơ hội vươn xa. “Hữu xạ tự nhiên hương”, hương vị thơm ngon lan tỏa khắp các vùng, miền, bánh gai xứ Dừa được khắp nơi ưa chuộng và từng bước khẳng định thương hiệu.
Hiện nay, ở xã Tường Sơn có khoảng 10 cơ sở chuyên sản xuất bánh gai, đáp ứng nhu cầu của khách ngược xuôi quốc lộ 7A, nhất là khách trên những xe khách tuyến cố định Vinh - Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, những chuyến xe chạy tuyến Bắc - Nam, ra Hà Nội, Hải Phòng; vào tận Sài Gòn, Bình Dương và Tây Nguyên cũng ghé các cơ sở sản xuất bánh gai để khách mua làm quà biếu.
Nhu cầu về bánh gai ngày càng cao, nghề làm bánh gai ở xứ Dừa càng có cơ hội phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Bởi từ khâu trồng cây gai, lấy lá chuối khô, xử lý nguyên liệu và gói bánh cần rất nhiều công sức mới có thể cho “ra lò” những cặp bánh gai dẻo, thơm và đậm đà hương vị.
Nếu có dịp đi qua xã Tường Sơn (Anh Sơn), bạn hãy dừng chân thưởng thức bánh gai xứ Dừa để cảm nhận vị thơm, ngon của sản vật nức tiếng của vùng quê bên dòng sông Lam…
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Giáo trình lịch sử Nhật Bản (Phần hai: Mạc phủ Muromachi và Edo)[4]
Thống kê truy cập
114511016
215
2359
21390
217889
121356
114511016