Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đại thắng quân Thanh xâm lược, đưa đất nước trở lại thái bình. Nhớ khi đưa đại quân ra Bắc, dừng chân ở Lam Thành, để tuyển thêm quân xứ Nghệ và tổ chức duyệt binh, vua Quang Trung được tiếp kiến Tiên sinh Phu Tử hỏi kế đánh quân Thanh. La Sơn Phu Tử đã bàn bạc việc tiêu diệt quân Thanh rất hợp với chủ ý của vua Quang Trung, nên rất được nhà vua trọng vọng. Năm 1791, vua hạ chiếu cho mời Phu Tử Tiên sinh vào kinh đô Phú Xuân để cùng bàn quốc sự. Chiếu viết:
"Tiên sinh tuổi đức đều cao, đáng làm tiêu biểu cho đời. Nguyên trước Tiên sinh tới yết ở Hành tại, mấy phen bàn bạc bày vẽ rất được hợp lòng Trẫm. Từ sau khi nhung sa về Nam, Trẫm mơ tưởng không dứt.
Nay thiên hạ đã bình, kỷ cương đã định. Trẫm đoái trông tới kẻ có đức lớn, tuổi già, rất lấy làm chú ý. Tiên sinh nên vụt dậy, bằng lòng tới đây. Chúng ta sẽ có nhiều điều bàn nghị. Đã ban sức cho Trấn quan liệu đồ hành lý và phu lính, sửa soạn ít nhiều, đơn sơ đón rước tiên sinh. May mà tiên sinh không lấy điều hạc oán vượn khinh làm thẹn, thì khỏi phụ lòng Trẫm rất trọng già, cầu hiền vậy"
Khâm tai ! Đặc chiếu
Quang Trung năm thứ 4, ngày 10 tháng 7 (1791).
La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp nhận chiếu, thấy lời lẽ chân thành và cung kính, nên đã nhận lời vào kinh. Cuộc hội kiến giữa người anh hùng Nguyễn Huệ với nhà trí thức ẩn dật Nguyễn Thiếp lần này là lần thứ tư. Tiên sinh Phu tử đã tâu lên vua Quang Trung một bản tấu, nội dung đề cập đến 3 vấn đề: Một là "Quân đức" nói về đạo đức nhà vua; hai là "Dân tâm" nói về lòng dân và ba là "Học pháp" nói về giáo dục. Ba vấn đề này có nội dung quan hệ mật thiết với nhau và đều lấy quan niệm "Dân là gốc nước" làm cơ sở. Tiên sinh viết : "Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên". Về việc học, tiên sinh cho rằng học là để biết đạo : "Đạo là những lẽ thường theo để làm người". Tiên sinh khuyên nhà vua nên lấy sự học làm trọng, vì "Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức" và "Sự đạo thành thì người tốt nhiều; người tốt nhiều thì triều đình chính và thiên hạ trị".
Những lời tấu của La Sơn Tiên sinh là vàng ngọc, nên vua Quang Trung đã nhanh chóng tiếp nhận. Chưa đầy 10 ngày sau, cuộc hội kiến với Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung đã ban chiếu lập "Sùng chính Thư viện" ở nơi Tiên sinh Phu Tử ở ẩn và mời cụ làm Viện trưởng. Tờ chiếu viết :
"Chiếu cho La Sơn dật sĩ Nguyễn Thiếp được biết : "Ông tuổi, đức đều cao, tất cả sĩ phu đều trông ngóng như núi Thái Sơn, sao Bắc Đầu. Nay trong nước đã yên. Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện rõ bên tà bên chính trong phép học. Trẫm rất vui lòng.
Trẫm định đặt Sùng chính Thư viện ở Vĩnh Kinh, tại núi Nam Hoa, ban cho ông làm chức Sùng chính viện Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn Tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định phải theo phép học Chu Tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp.
Từ rày, phàm trong các viên tư nghiệp, đốc học, mỗi năm nếu có ai học hay hạnh tốt thì sẽ kê quê quán, tên họ đạt đến thư viện, giao cho ông khảo xếp đức nghiệp và hạnh nghệ tấu lên triều đình để chọn mà dùng.
Ông nên giảng rõ đạo học, rèn đúc nhân tâm để cho xứng với ý Trẫm khen chuộng kẻ tuổi cao, đức lớn
Khâm tai ! Đặc chiếu.
Quang Trung năm thứ 4, ngày 20 tháng 8 (1791).
Sùng chính Thư viện là một cơ quan giáo dục Trung ương, đáng ra phải đặt ở Kinh đô Phú Xuân, nhưng để tỏ lòng tôn kính Tiên sinh Phu tử La Sơn và muốn tạo điều kiện cho cụ cộng tác giúp việc cho triều đình, nên vua Quang Trung đã cho xây dựng ở Nam Hoa, nơi cụ ở ẩn. Có thể vua Quang Trung cũng có ý muốn Sùng chính Thư viện sẽ có cơ sở - trung tâm giáo dục phục vụ cho chính sách cải cách đất nước, khi Kinh đô mới được chuyển về xây dựng ở Nghệ An.
Sùng chính Thư viện còn là cơ quan thu thập, tàng trữ sách vở của cả nước, cùng nhiệm vụ tổ chức dịch các sách "Tiểu học" và "Tứ thư" của Trung Quốc ra Quốc ngữ "Chữ Nôm" để dạy học. Căn cứ vào gia phả họ Nguyễn Thiếp "Nay nhà thờ họ ở xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh" và sách "Lê Mạt tiết nghĩa lục" (theo khảo cứu của La Sơn - Hoàng Xuân Hãn), nhất là tờ chiếu ban ra sau đó vào ngày 01 tháng 6 (1792) về việc dịch các kinh : Thi, Thư, dịch thì việc Sùng chính Thư viện được giao dịch sách là điều khẳng định.
Chiếu viết :
"Chiếu cho Sùng chính Thư viện Viện trưởng La Sơn Tiên sinh Nguyễn Khải Xuyên được biết :
"Nguyên kỳ trước diễn dịch các sách tiểu học đã đệ tiến nộp, kỳ này diễn dịch Tứ thư đã xong. Cộng được 32 tập, Trấn quan đã chuyển đệ về Kinh tiến nộp. Trẫm đã từng xem, Tiên sinh giảng bàn phu diễn kể đã chăm chỉ? Những viên giúp việc là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công.
Vậy đặc ban thưởng cổ tiền 100 quan do Trấn quan chiếu theo mà cấp, lĩnh để chung hưởng ân tứ.
Khi xong công việc bộn bề, Trẫm nghỉ ngơi, vui ý đọc sách. Tiên sinh học vấn uyên bác, nên vì Trẫm mà phát huy những ý thư, khiến cho bổ ích thêm.
Nay chiếu giao Tiên sinh việc giải thích 3 kinh : Thi, Thư, Dịch. Thể theo kinh văn và tập chú mà lấy từng chữ, từng câu diễn ra quốc âm, cứu xét tinh tường, để đọc cho hay. Tiên sinh nên thúc dục những viên hàn lâm, Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch theo lệnh bản viên mà làm việc. Và nói với bản quán bản trấn giao cho 20 tên văn thuộc từ lại, giúp việc biên lục chi viện, để cho tiện công việc. Kinh thư thì dịch gấp đi, dịch xong, soạn gửi trước để tiến nộp. Còn 2 kinh Thư, Dịch sẽ gửi theo sau:
Cẩn thận chớ chậm trễ. Khâm tai! Đặc chiếu.
Quang Trung năm thứ 2 ngày 01 tháng 6 (1792)
Việc dịch sách phục vụ cho công cuộc giáo dục của triều đình được làm rất khẩn trương và được giao cho các vị hàn lâm như chiếu đã viết. Tờ chiếu truyền việc dịch sách ban ra chừng khoảng cuối năm Quang Trung thứ 4 (1791), mà theo tờ truyền của triều đình (đề ngày 14 tháng 4 nhuận (1792) thì các sách Tiểu học và tiếp đó là các sách Tứ thư cũng đã dịch xong, được nhà vua đọc và khen thưởng. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì ngày 20 tháng 9 (1792), vua Quang Trung mất đã kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng của triều Tây Sơn.
Nguyễn ánh, sau khi diệt được quân Tây Sơn, lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, cuộc thế đổi thay. Vua Gia Long ra lệnh tiêu huỷ hết các công trình của triều Tây Sơn, trong đó có Sùng chính Thư viện. Tất cả sách vở, tài liệu của Viện cũng bị thủ tiêu sạch. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trở lại cuộc sống ẩn dật ở tại Bùi Phong, trên dãy Thiên Nhẫn cho đến cuối đời. Cụ mất năm 1804, thọ 81 tuổi.
Nền nhà Sùng chính Thư viện hiện còn lưu tại núi Bùi Phong với ngổn ngang gạch xây, đá ong... Di tích chỉ còn lại duy nhất bức phong xây gạch có khoét nguyệt hình, nơi nhìn ngắm Lục Niên Thành (thành bình ngô của Lê Lợi) và đập Lục Niên xanh trong, chứa đầy nước từ thác Bộc Bố như một dải lụa trắng đổ xuống. Bên cạnh phế tích Sùng chính Thư viện là khu mộ của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp và bà chính thất phu nhân họ Đặng (song táng) đã được xếp hạng là Di tích Quốc gia. Thiết nghĩ nếu di tích Sùng chính Thư viện được phục dựng thì sẽ thành một điểm lưu niệm, du lịch có nhiều ý nghĩa với khách tham quan và cho việc giáo dục truyền thống cho nhân dân hiện nay và các thế hệ trẻ mai sau.
Tài liệu tham khảo :
1. Hoàng Xuân Hãn.- La Sơn Phu Tử.-H; Minh Tâm, 1952, gồm các tờ chiếu, biểu triều Tây Sơn (Thái Đức, Quang Trung)
2. Điền dã thực tế tại núi Bùi Phong, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.