Đất Nghệ

Thơ các hoàng đế viết về đất Nghệ

Từ vua Lý Thái tổ định đô ở Thăng Long (1010) đến vua Chiêu Thống, nhà Lê mất (1787) ngót tám thế kỷ (chính xác là 777 năm), các triều đại Lý, Trần, Lê đều coi Nghệ An (Nghệ - Tĩnh) là yếu địa, là trọng trấn.

Nhiều vị hoàng đế trên đường tuần du hoặc chinh chiến đã đến đây và để lại dấu ấn đậm nét. Các vua Lý – Trần, tiếp tục công việc của Lê Đại hành, cho đắp đường, đào sông, đến Trần Duệ tông (1373 - 1377) thì hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy, bộ từ Sơn Nam qua Thanh Hoa vào tận đất Hà Hoa, Nghệ An. Sau đó, các vua Hồ Quý Ly, Lê Thánh tông còn sửa đường, nắn sông, và nhà Lê đã tổ chức hệ thống dịch trạm dọc đường thiên lý. Có lẽ đó là công trình xây dựng lớn nhất của các vương triều trên vùng đất này... Tương truyền, Lý Thái tông, sau cuộc Nam chinh năm 1044 đã cho xây dựng nhiều chùa Phật, trong đó có ngôi “Tháp chín mặt” (Cửu diện tháp) trên núi Nghèn; vua Lý Thánh tông, qua đây năm 1069 đã dựng hành cung trên ngọn Lầu, Ngàn Hống; vua Trần Anh tông, đỗ thuyền ở cửa Cờn, sau một giấc mộng, đã sai xây dựng lại ngôi đền Đại Càn (?); các vua Trần Trùng quang, Bình định vương (sau là Lê Thái tổ) đều lấy đất Nghệ An làm căn cứ, chống quân Minh xâm lược...

Và... thơ, đọc sử, đọc văn ai mà không nhớ hai câu của vua Trần Nhân tông viết vào đuôi thuyền khi phải lui quân về Vạn Kiếp, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285):
“Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.”
(Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)
Chắc chắn các vị hoàng đế – thi sĩ từng đến Nghệ An đều có thơ viết về vùng đất này. Rất tiếc là đến nay hầu hết đã thất truyền.
Nhân Đại lễ kỷ niệm “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, chúng tôi xin giới thiệu mấy bài thơ của hai vị vua đời Trần – Lê.
 
I. Bài Nghệ An hành điện của Trần Minh tông.
Trần Minh tông, húy Trần Mạnh (1300 - 1357) ở ngôi 15 năm, từ 1304 đến 1328, rồi nhường ngôi cho con là Hiến tông Trần Vượng, làm Thái thượng hoàng. Ông có “Minh tông thi tập” nay đã mất, chỉ còn 25 bài, chép trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.
“Nghệ An hành điện” làm trong thời gian Thượng hoàng Minh tông tuần thú Nghệ An, đánh Ai Lao năm giáp tuất (1334) dưới triều Hiến tông.
Nghệ An hành điện
Dân sinh nhất thị ngã bào đồng,
Tứ hải hà tâm sử khốn cùng.
Tiêu tướng bất tri Cao tổ ý,
Vị Ương hư phí nhuận thanh hồng.
Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
Hành điện Nghệ An
Dân với ta đều thảy anh em,
Lòng nào nỡ để khốn cùng thêm.
Tiêu Hà chẳng hiểu lòng vua Hán,
Tô Vị Ương cung phí bạc tiền.(1)
 
II. Ba bài thơ của Lê Thánh tông.
Lê Thánh tông, tên là Lê Tư Thành (1442 - 1497), làm vua 37 năm, từ 1460 đến 1497, lấy niên hiệu Quang thuận (1460 - 1469) rồi Hồng đức (1470 - 1497). Dưới triều Thánh tông, đất nước thịnh trị, văn học phát triển. Là một nhà thơ lớn, ông đã sáng lập “Tao đàn” gồm 28 văn thần xuất sắc nhất do ông làm “Nguyên súy” (Tao đàn nhị thập bát tú)(2). Tác phẩm của Lê Thánh tông có hai tập văn Thánh tông di thảo (Hán) và Thập giới cô hồn quốc ngữ ngữ văn (Nôm), các tập thơ chữ Hán Châu cơ thắng thưởng Chinh Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ súy, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, và nhiều bài chưa rõ tập nào. Thơ Nôm được tập hợp chung với thơ của các văn thần trong “Tao đàn”, thành tập Hồng đức quốc âm thi tập. Dưới đây xin giới thiệu ba bài viết về Nghệ An:
 
1. Xước cảng trung thi
Xước cảng vô khúc xứ, luận chí
sổ bách dư lý.
Cốt cốt đào đầu thủy phách thiên,
Cảng trung nhất lộ trực như huyền.
Lâu thuyền hệ lãm hải nhai hiểu,
Ngũ dạ tinh hà ảnh đảo huyền.
 
 
Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
Thơ làm trong kênh Xước
                                                      Kênh Xước thẳng tắp có hơn mấy trăm dặm.
Nước vỗ lưng trời ngọn sóng xao,
Đường kênh một dải hút về đâu.
Tinh mơ góc bể neo thuyền ngự
Mặt sóng năm canh đậu ánh sao.
 
                           2. Thập nhị nguyệt sơ tứ nhật
Tam canh khai thuyền nhập Hoa Cái cảng, tứ canh nhập cảng khẩu, lê minh xuất đại giang, thị Lam giang, Đan Thai hải môn dã. Hành sổ lý chí Nghệ An thành hạ doanh. Lãm sơn khán thủy, khẩu chiếm nhất luật.
Hồng đức quý đông sơ tứ nhật,
Tạm hưu tinh tiết Nghệ An thành.
Đan Thai hải khẩu hàn triều trướng,
Tuyên Nghĩa sơn đầu tịch chiếu minh.
Hàm cổ tung hoành lăng bích lãng,
Tráng tâm đa thiểu tại thương sinh.
Tích nhân tá vấn như hà thất,
Chính thị an cư tiện thỉ binh.
Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
Ngày mồng bốn tháng Chạp
Canh ba dời thuyền tiến vào kênh Gai, canh tư vào tới cửa kênh, rạng sáng ra sông lớn, ấy là sông Lam, cửa bể Đan Thai vậy. Đi vài dặm nữa, tới chân thành Nghệ An, đóng quân. Ngắm cảnh núi sông, ứng khẩu làm một bài thơ.
Mồng bốn tháng chạp năm Hồng đức
Dừng quân tạm nghỉ thành Nghệ An.
Đan Thai cửa bể triều dâng lạnh,
Tuyên Nghĩa sườn non nắng trải vàng
Ngang dọc bước chân đầu ngọn sóng
Ít nhiều tấc dạ cũng vì dân
Người xưa, thử hỏi đâu lầm lẫn?
- Lúc thái bình quên sửa việc quân.
3. Nam giới hải môn.
Nam giới triều đầu tuyết loạn phiên,
Đình châu bả lãm hệ vân côn (căn).
Kiều biên thương bạc long tê hỏa,
Châu ngoại cao nhân độc tỵ côn.
Di miếu mạn truyền kim Võ mục,
Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên.
Tạc triêu ngẫu tỉnh giang hồ mộng,
Chuẩn nghị thừa sà thướng đế hôn.
Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
Cửa bể Nam Giới
Triều lên, cửa Sót sóng tung
Chân mây dây néo thuyền dừng nghỉ lâu.
Vũng Rồng lửa lóe cầu tàu,
Khố leo, mũi Nghé đám phu đẩy thuyền.
Núi xưa kể chuyện Quỳnh Viên,
Mà nay Võ mục còn nguyên miếu thờ.
Sáng qua tỉnh mộng giang hồ,
Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời.
  
____________
(1) Tiêu Hà theo Lưu Bang từ lúc mới khởi binh. Sau khi thắng Sở, Lưu Bang lên làm vua, lập ra nhà Hán với đế hiệu Hán Cao tổ. Tiêu Hà được phong làm Thừa tướng. Ông cho dựng cung Vị Ương để làm vui lòng Hán Can tổ, nhưng (theo người đời sau) thì Cao tổ không đồng ý việc này.
(2) Trong lần làm hướng dẫn viên đưa Tổng thống Pháp Mittơrăng thăm Văn Miếu, nhà thơ Huy Cận đã giới thiệu về “Tao đàn nhị thập bát tú” và bình luận: “Đây là một Viện hàn lâm Văn học hoàng gia”, làm cho Tổng thống vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511152

Hôm nay

2151

Hôm qua

2359

Tuần này

21526

Tháng này

218025

Tháng qua

121356

Tất cả

114511152