|
Cầu treo trên sông Mã |
Chủ nhật, thời tiết tốt, nắng vàng và gió vương nhè nhẹ. Bãi đỗ xe của khu tham quan có cả những biển số từ những tỉnh khá xa như Yên Bái, Thái Nguyên… chứng tỏ tiếng đồn về “dòng suối cá thần” đã lưu truyền khắp chốn. Con đường vào "Suối cá thần" men theo một đoạn suối nước trong veo, xung quanh râm mát bởi tán lá rừng và một dãy hàng bán đồ lưu niệm. Một cây cầu bằng gỗ có tay vịn bắc ngang dòng suối dùng làm nơi ngắm cảnh của khách tham quan, không xa phía trên là một cây cầu tre lắc lẻo.
Ở “Suối cá thần”, hầu như tất cả du khách đều có chung cảm giác kinh ngạc. Chỉ với một đoạn suối ngắn khoảng 60m mà số lượng cá chung sống dưới mặt nước xăm xắp lên đến hàng nghìn con. Suối cá nằm sát chân núi, rộng chừng 3m, bắt nguồn từ lòng dãy Trường Sinh. Từ một cửa hang rất bé nằm lơ lửng giữa mặt nước, hàng đàn cá chen chúc đi ra đi vào. Và thật kì lạ khi chúng cứ kiên nhẫn xếp hàng đều tăm tắp chờ đến lượt, không hề tỏ thái độ vội vã, cũng không hề sợ người dù du khách đứng xem quanh suối rất đông.
|
|
Khách du lịch xem cá thần ở khu vực cửa hang |
Một "thổ địa" người Mường cho biết cá ở đây thuộc họ cá dốc nhưng có màu xanh đen chứ không phải màu trắng như cá dốc sống ngoài sông. Môi con nào cũng đỏ hồng như cánh sen, con to con nhỏ chen vây bơi lội, chủ yếu là ăn lá cây và có lẽ có một nguồn thức ăn dự trữ nào đó nằm sâu trong hang động.
Đàn cá có lối sinh hoạt đều đặn theo kiểu “sáng ra bờ suối, tối vào hang”, tức là cứ 6g sáng thì bơi ra kín đặc đoạn suối, chen nhau đớp thức ăn của người dân và du khách thả xuống, đến chiều, trước khi mặt trời lặn là tất cả vào hang, tịnh không còn một con nào lang thang bên ngoài. Chính vì sự kỳ lạ và đặc biệt này mà bà con quanh vùng đã coi đây là giống "cá thần”, tuyệt đối không ăn thịt vì họ tin sẽ gặp điềm gở và lập bàn thờ Thần Rắn - vị thần che chở cho đàn cá ngay bên cửa hang.
Từ “Suối cá thần”, du khách có thể dành khoảng 1 giờ để vượt núi Trường Sinh khám phá hệ thống núi đá vôi và một số hang động được bà con đặt tên khá ấn tượng như Động Tơ Duyên (cho rằng trai gái vào đây sẽ tìm thấy sợi tơ hồng của mình), Động Đài Sen (với thạch nhũ hình đóa sen)… Một bữa trưa đặc biệt tại chỗ với càri đồ nước dừa, lợn Mường nướng mật ong, cá cỏ sông Mã hấp lá lốt, canh chuối rừng, xôi nếp dừa sẽ làm bạn thêm nhớ về một vùng đất lạ kỳ.
Rời Cẩm Thủy, đọng lại trong những khuôn hình là dòng sông Mã thanh bình trù phú và hiền hòa, với những mái nhà thuyền nằm nép mình bên bờ sông cong cong như một mảnh trăng lưỡi liềm. Nước sông Mã đỏ rực màu phù sa, đôi bờ sóng sánh nắng, xa xa là những dãy núi nằm gối lên nhau về phía chân trời.
|
Sông Mã ở Cẩm Thủy |
|
Một góc thành nhà Hồ |
Hành trình tiếp theo đưa chúng tôi đi về huyện Vĩnh Lộc, cách Cẩm Thủy khoảng 25km, nơi có di sản thành cổ bằng đá duy nhất còn lại trên đất nước ta, thành nhà Hồ hay còn có tên gọi chính thống khác là thành Tây Đô.
Thành nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 dưới thời Hồ Quý Ly và được gọi là Tây Đô để phân biệt với Thăng Long thành - Đông Đô.
Thành được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ nhật, mặt Bắc Nam dài chừng 900m, mặt Đông Tây dài chừng 700m, có chiều cao trung bình khoảng 7m. Thành có bốn cổng chính ở bốn mặt khác nhau, bên ngoài được xây bằng đá và bên trong được đắp bằng đất. Cổng Bắc và cổng Nam được nối với nhau bằng một con đường sỏi đá, đi ngang qua những ruộng lúa đang vào đòng. Hiện cổng Bắc còn khá nguyên vẹn với ba mái vòm uốn cong và tường thành phía Nam vẫn đứng thi gan với đất trời...
|
Chúng tôi dừng lại tại một quán nước nhỏ bên ngoài cổng thành phía Nam, nơi còn lưu giữ được khá nguyên vẹn một hệ thống tường thành khổng lồ. Những phiến đá xanh được đẽo vuông vức, mài phẳng lỳ và xếp chồng lên nhau một cách khéo léo. Dấu vết chiếc bản lề của cửa thành xưa vẫn còn nguyên trên vòm đá ở cổng thành.
Hơn 600 năm đã trôi qua, các bức tường đá vẫn đứng sừng sững, vương vấn bên mình là những mảng rêu phong và dây leo. Di tích mà sử sách ghi lại rằng đã được xây dựng trong một thời gian nhanh kỷ lục ba tháng này, giờ đây khoác trên mình tấm áo cũ và vẻ trầm buồn. Phía xa bên ngoài, một đoạn thành đã và đang sụp đổ dưới sức nặng mưa nắng và thời gian...
Bên cốc nước dừa xứ Thanh ngọt lịm và mát lạnh, bỗng dưng ai cũng trở nên trầm mặc...
Nhưng cuộc sống nơi này vẫn đang diễn ra một cách bình dị. Ngày ngày, những người nông dân vẫn thong dong đạp xe ngang qua Tây Đô thành trên con đường đầy nắng...
Theo dulich.tuoitre.com.vn