Đất Nghệ

Tìm hiểu một số đặc điểm tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An

Đi dọc vùng ven biển Nghệ An, tìm hiểu về phong tục, tập quán, lễ hội, tôn giáo cũng  như các sinh hoạt văn hoá dân gian khác, chúng ta thấy được diện mạo của một vùng văn hoá đậm chất văn hoá làng truyền thống xứ Nghệ cộng thêm những nét riêng của hơi hướng văn hoá biển.

Trong sự phong phú của đời sống sinh hoạt văn hoá dân gian có sự góp mặt của tín ngưỡng thờ thần. Một hệ thống di tích thờ thần dày đặc và một số lượng lớn các vị thần được nhân dân thờ phụng, cho đến sự phong phú của các thần tích được truyền tụng trong dân gian và cũng là nơi phát tích của những vị thần được nhân dân khắp cả nước thờ phụng như Tứ Vị thánh nương, Sát Hải đại vương…, tất cả đã cho thấy vai trò của đời sống văn hoá tâm linh trong lịch sử phát triển của vùng đất này.

Trên cơ sở tổng hợp, hệ thống những vị thần được thờ ở các di tích đền, miếu và tìm hiểu về một số vị thần tiêu biểu, được thờ phổ biến ở vùng ven biển Nghệ An để từ đó rút ra một số đặc điểm cơ bản về tín ngưỡng thờ thần của cư dân nơi đây, bước đầu phát hiện được những nét riêng của tín ngưỡng thờ thần ven biển Nghệ An trong dòng chảy chung của văn hoá tín ngưỡng dân gian ven biển Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, văn hoá Việt Nam nằm trong dòng chảy của nền văn minh Đông Nam á với đặc điểm: “Là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước với một phức thể văn hoá gồm ba yếu tố: văn hoá đồng bằng, văn hoá núi và văn hoá biển, trong đó yếu tố đồng bằng tuy có sau nhưng đóng vai trò chủ đạo, còn yếu tố biển dù cho có nhiều nét khu biệt nhưng vốn là kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển”.

Theo đó, vùng ven biển Nghệ An là vùng văn hoá biển nhưng là “kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển”. Vì vậy, tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An, vừa mang những đặc điểm chung trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt, vừa có đặc điểm riêng của vùng.

Về đặc điểm chung, tín ngưỡng thờ thần ở vùng ven biển Nghệ An cũng mang đặc trưng của văn hóa nông nghiệp. Đó là xu hướng tôn trọng và sùng bái tự nhiên, gắn bó mật thiết với thiên nhiên; hài hòa âm dương; đề cao người phụ nữ và có tính tổng hợp, linh hoạt.

Bên cạnh những đặc điểm của tín ngưỡng người Việt nói chung, tục thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An còn có những đặc điểm riêng.

Đặc điểm thứ nhất là đa số các vị thần được thờ ở vùng ven biển Nghệ An đều là phúc thần. Khi tìm hiểu về tín ngưỡng thờ thần ở làng xã, người ta thường đề cập đến hai loại thần: phúc thần và hung thần. Phúc thần là những vị thần được nhân dân tôn thờ, đề cao bởi họ là những vị thần mang tính thiện, luôn phù hộ, giúp đỡ cho con người trong những hoàn cảnh khó khăn. Qua tìm hiểu về các thần và thần tích ở vùng ven biển Nghệ An cho đến nay chưa thấy có làng nào thờ hung thần. Các vị thần được thờ ở Nghệ An là thần sông, thần núi cai quản một vùng đất, bảo vệ cho vùng đất ấy, hay là những anh hùng dân tộc có công dẹp giặc, bảo vệ đất nước, những vị khoa bảng đỗ đạt, những danh y bốc thuốc cứu người… Tất cả những vị thần ấy đều được nhân dân thờ phụng để thể hiện lòng thành kính và mong thần phù hộ, che chở.

Đặc điểm thứ hai là vùng ven biển Nghệ An là nơi phát tích của hai vị thần biển được nhân dân cả nước tôn thờ là Tứ Vị thánh nương và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Sát Hải đại vương là nhân thần có gốc tích từ làng Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu. Trong khi đó Tứ Vị thánh nương tuy không phải có nguồn gốc từ vùng biển Nghệ An nhưng lại có thần tích gắn với vùng đất cửa Cờn ở xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu. Điều đó đã góp phần khẳng định thêm cho sự ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng thờ thần ở khu vực này. Và đúng như dân gian đã nói: “Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần”.

Đặc điểm thứ ba là trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ thần có hiện tượng nhân thần hóa và nhiên thần hóa diễn ra song song.

Thần ở Nghệ An có nhân thần và nhiên thần. Nhưng trong một số trường hợp rất khó để tách bạch được hai hình thức này bởi giữa chúng có sự giao thoa, thâm nhập lẫn nhau. Nhiên thần là những vị thần của tự nhiên, chủ yếu là có nguồn gốc từ tôn giáo nguyên thủy. Với quan niệm “vạn vật hữu linh”, con người hướng đền thờ tự tất cả các đối tượng tự nhiên xung quanh có liên quan đến cuộc sống của họ. Trong khi đó nhân thần là hình thức thờ cúng xuất hiện muộn hơn, khi nhận thức của con người đã phát triển đến một trình độ nhất định, chủ yếu là ở thời kì phong kiến.

Nhân hóa nhiên thần thành nhân thần là quá trình cá thể hóa, biến đối tượng sùng bái từ một hiện tượng tự nhiên chung chung thành một cá thể với một lí lịch nhân thế cụ thể, rõ ràng. Trong tín ngưỡng thờ thần vùng ven biển Nghệ An chúng ta thấy khá phổ biến hiện tượng này. Đặc biệt hai vị thần được nhân dân vùng ven biển thờ nhiều nhất là Cao Sơn Cao Các và Tứ Vị thánh nương lại là những vị nhiên thần được nhân thần hóa. Cao Sơn Cao Các được nhân dân nhiều làng thờ phụng với thần tích Cao Hiển đời Tống nhưng thực chất đây là những vị thần Núi. Còn Tứ Vị thánh nương từ lâu nay vẫn được biết đến là bốn người phụ nữ từ Nam Tống do biến loạn mà lưu lạc đến cửa Cờn và mất tại đây. Nhưng qua nhiều tư liệu, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng thực chất Tứ Vị thánh nương là thần nước đã được nhân thần hóa thành những con người có tên tuổi cụ thể. Đó cũng là cơ sở để chúng ta lí giải hiện tượng gần như hầu hết các vùng ven biển trên đất nước ta đều có thờ Tứ Vị thánh nương.

Ngược lại với xu thế nhân hóa là xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa. Đó là việc gắn cho những vị thần cụ thể, có tên tuổi, gốc tích rõ ràng những điều linh dị, phi thường. Xu thế huyền thoại hóa, thiên nhiên hóa làm cho thần tích của nhiều thần có nhiều nét linh dị, những tình tiết kì diệu. Các vị thần được nhiên thần hóa thường có mô típ về một sự ra đời lạ, tuổi nhỏ đã hơn người, khi trưởng thành thì làm được những điều tốt đẹp, lập công trạng lớn và khi qua đời thì được gọi là “hóa”, “về trời”. Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn là một trong số những nhân thần vùng ven biển Nghệ An được nhân dân gắn cho những điều linh diệu: mẹ ngài đi gánh nước, nắm cái lông trâu vàng mà có mang, ngài có tài bơi lặn dưới nước, lập nhiều công tích… Chính xu thế này đã làm cho các nhân thần là phúc thần được dân làng thờ phụng lấp lánh các kì tích mà thần ấy đã lập được lúc sinh thời và tôn thêm tính linh thiêng của thần.

Đặc điểm thứ tư là vùng ven biển Nghệ An là nơi giao thoa, dung hoà của tín ngưỡng thờ thần hai miền Nam, Bắc. Yếu tố văn hoá biển trong tín ngưỡng thờ thần ở đây không mờ nhạt như ở miền Bắc nhưng cũng không đậm nét như ở Nam Trung Bộ. Không như những cư dân “xa rừng, nhạt biển” ở ven biển Bắc bộ hay cũng không mang đậm dấu ấn biển của cư dân ven biển Nam Trung Bộ mà cư dân ven biển Nghệ An là những cư dân của làng quê nông nghiệp được bổ sung thêm, làm phong phú thêm bởi một chút văn hoá biển. Cư dân ở đây có niềm tin, tôn thờ thần thánh nhưng không sùng bái một cách mù quáng. Các cơ sở thờ tự, nghi lễ thờ cúng vẫn diễn ra thường xuyên nhưng không đẩy lên đến mức cực đoan.

Về mặt sinh hoạt lễ nghi, điểm đặc biệt của một làng biển chính là tín ngưỡng thờ cá Ông. Trong khi ở miền Bắc không tồn tại tín ngưỡng thờ cá Ông thì đi về phía Nam, yếu tố này đậm nét dần, để đến vùng Nam Trung Bộ, tín ngưỡng thờ này đã có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá tâm linh cư dân ven biển. Nghệ An là khu vực trung gian, có rất nhiều các đền, miếu thờ thần biển như Tứ vị thánh nương, Hà Bá, Long Vương, cá Ông… nhưng từ thời phong kiến, hầu như các nghi lễ thờ cúng đều thuộc vào quy chế tế tự của triều đình phong kiến. Nếu ở Nam Trung Bộ, các đền miếu thờ thần cá Voi, gọi là lăng Ông là một thiết chế đặc biệt, có khi còn quan trọng hơn cả thiết chế đình làng thì ở ven biển Nghệ An, nó chỉ khiêm tốn là một ngôi đền, miếu trong nhiều thiết chế văn hoá, phong phú, chặt chẽ, mang nhiều dáng dấp quen thuộc của một làng quê nông nghiệp truyền thống.

Nói tóm lại, tín ngưỡng thờ thần của cư dân ven biển Nghệ An trước hết vẫn là tín ngưỡng mang tính chất truyền thống của cư dân nông nghiệp, mang những đặc điểm chung của tín ngưỡng văn hoá nông nghiệp, cộng thêm một số đặc trưng vùng văn hoá xứ Nghệ và dấu ấn của văn hoá miền biển phía Nam. Tất cả hội tụ, dung hoà, giao thoa để làm nên cái vừa lạ, vừa quen của văn hoá tâm linh vùng ven biển Nghệ An.


tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511276

Hôm nay

2275

Hôm qua

2359

Tuần này

21650

Tháng này

218149

Tháng qua

121356

Tất cả

114511276