Đất Nghệ

Cảm tạ làng quê

Tôi sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Bùng uốn lượn như muốn ôm lấy tre xanh mái rạ trước khi hòa vào biển đông rộng lớn. Tuổi nhỏ cùng bạn đội nắng dong trâu trên những cánh đồng ven đê ngạt ngào hương lúa hương ngô. Ở đó có những điệu dân ca ví dặm quê kiểng lấp lánh ánh trăng hòa vào lời ru của mẹ.

Ở đó có những bài hát về làng quê cứ nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ quê: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, Có sông sâu lơ lững vờn quanh êm xuôi về Nam - Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, Bóng tre ru bên mấy hàng cau, Đồng quê mơ màng...” (Chung Quân), “Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều tiếng chuông nhà thờ rung, Đời đang vui đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một dòng sông” (Văn Cao), “Làng tôi sau lũy tre mờ xa, Tình quê yêu thương những nếp nhà”  (Hồ Bắc)… Vâng, những câu hát ấy đã nâng bước lớp trẻ chúng tôi hòa vào mọi làng quê đất nước. Dù năm tháng chiến tranh đạn bom ác liệt, nhiều ngôi làng bị đốt cháy tan hoang, nhưng những câu hát êm đềm ấy thì mãi mãi thắp sáng trái tim con người luôn hướng về làng quê yêu dấu.

 
Tôi trở về cuộc sống thanh bình sau một cuộc chiến tranh dài, không hiểu là mình đã thành Nhà thơ, thành Nhạc sĩ từ bao giờ. Thi ca và âm nhạc như một cứu cánh trong những tháng ngày luôn cận kề cái chết. Chính vì vậy mà chúng tôi đã sáng tác ra thơ ra nhạc để tâm hồn luôn mở cánh. Rồi đến một ngày, tôi thấy 2 bài hát của mình được bình chọn trong 20 bài hát hay về nông thôn Việt Nam hơn 60 năm qua, đó là “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”. Vậy là đứa con bé nhỏ của làng đã không phụ bóng mát chở che của tre xanh, mái rạ…
 
Nếu có người nước ngoài vì khâm phục sức sống của dân tộc trồng lúa nước này mà đặt ra câu hỏi “Tại sao Việt Nam?” thi chính tôi cũng đã có lần tự ngạc nhiên về mình mà đặt ra câu hỏi “Tại sao Làng quan họ…?”. Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến xứ quan họ lần nào mà lại nhận vơ “Làng quan họ quê tôi”? Vâng, đúng vậy, tôi đã coi Làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân lên đất Bắc Ninh.
 
Tại sao tôi lại coi Làng quan họ như chính làng mình? Tôi mê những điệu hát dân ca quan họ. Từ thời máy bay Mỹ ném bom xuống những trận địa pháo phòng không đặt ở làng tôi, tôi đã được nghe những anh chị văn công xung kích của quân đội đến làng hát cho bộ đội và dân làng tôi nghe những điệu hát quan họ mượt mà tơ lụa. Một liền chị trẻ đẹp đội nón ba tầm mặc áo tứ thân đẹp mê hồn đã hát “Bèo dạt mây trôi” và “Người ở đừng về”. Quan họ chinh phục tôi từ đó. Mỗi khi nghĩ đến quan họ, tôi lại thấy hiện lên sông Cầu giống dải bao xanh mà liền chị đã thắt ngang lưng thuở ấy. Và tôi sợ cái làng quê tươi đẹp của chị cũng sẽ bị bom Mỹ dội xuống tan hoang như làng tôi. Và tôi mơ thấy làng quan họ của chị luôn rộn rã hội hè dưới rợp bóng cây xanh cùng những lời hát long lanh cất ra từ đôi môi “lúng liếng” của chị… Tôi cũng bị quan họ chinh phục bởi phim “Đến hẹn lại lên”. Vâng, bộ phim ấy đã dấy lên trong tôi tình yêu thương những con người xứ ấy, những con người suốt đời làm lụng và ca hát, nhưng bao biến động đã vỗ sóng lên số phận không may của họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc sớm bản thảo “Về Kinh Bắc” của ông: “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…” Nhưng tôi đâu biết một ngày mình sẽ viết ra bài hát “Làng quan họ quê tôi”!
 
Cho đến khi nhà thơ Nguyễn Phan Hách đưa tôi bài thơ “Làng quan họ” của anh… Hôm ấy tôi đến làm việc với nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và tình cờ gặp lại anh Hách mới chuyển về làm việc ở đấy. Anh rất vui vì đêm qua tình cờ nghe được một bài hát mới của tôi, bài “Nụ cười Việt Nam”, phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Để cho chắc hơn, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: “Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé”. Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn anh: “Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ”. Chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ (Hà Nội) nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ. Được nửa bài hát thì kẻng báo giờ ăn cơm tập thể. Nhà thơ Nguyễn Hoa ở cùng nhà với tôi từ đâu về lấy bát đũa định rủ tôi đi ăn cơm, nhưng thấy tôi đang say sáng tác, anh lặng lẽ đi một mình. Phải nói là Nguyễn Hoa rất hiểu tôi, anh sợ tôi sẽ dang dở mạch cảm xúc. Còn tôi thì hiểu rằng, Nguyễn Hoa sẽ lấy suất cơm lính về cho tôi. Thế là yên tâm tôi ngồi viết một mạch. Khi tôi viết nốt nhạc kết thúc thì Nguyễn Hoa cũng đưa cơm về. Tôi bảo xong rồi, và cám ơn bạn. Anh cười và bảo hát xem nào? Tôi hát cho anh nghe “Làng quan họ quê tôi”. Anh lặng người run rẩy trong xúc động, rồi nói: “Tôi không biết nhạc. Nhìn vào bản nhạc chỉ thấy như giá đỗ. Nhưng bài này hay lắm Tạo ạ”. Lời nhận xét đầu tiên của người bạn khiến tôi rất vui. Lúc đó là một chiều tháng 9 năm 1978.
 
Ca sĩ đầu tiên hát “Làng quan họ quê tôi” là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi đang học năm thứ nhất tại trường Âm nhạc Việt Nam, và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ. Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên đài TNVN vào tháng 6.1979. Từ đó nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa VN tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trinh karaoke của Nhật.
 
Trường hợp tôi viết bài hát “Khúc hát sông quê” cũng là một bất ngờ.
 
Năm 2002 hội Nhạc sĩ VN tổ chức trại sáng tác hợp xướng ở Vũng Tàu, tôi tham gia trại và dồn thời gian viết hợp xướng “Hạt bụi”. Trong khi đang bí thì ông bạn thơ Lê Huy Mậu rủ đi nhậu. Nhậu khuya lắm mới về. Trước khi ra về, Lê Huy Mậu đưa tôi mấy bài thơ nhờ xem và đưa in báo Văn Nghệ cho anh. Tôi về phòng đóng cửa ngủ vùi. Sáng dậy chạy ra biển tắm cho “giã rượu”. Khi trở về, tôi thấy trên bàn những bài thơ của Mậu. Chợt nhớ là phải đọc xem sao. Tôi ngồi vào bàn đọc, và khi đọc đến bài thơ dài “Khúc hát sông quê” thì lặng người xúc động. Thì ra quê Mậu cũng giống quê tôi. Cũng con sông đôi bờ phù sa. Cũng những kiếp người lam lũ. Cũng lòng yêu thương và nhân hậu.
 
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người      
 
Những câu thơ khiến tôi ứa nước mắt.
 
Tôi đọc lại bài thơ và chính những câu thơ đầu tiên đã ngân lên âm nhạc. “Quá nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê”. Rồi tôi đọc lần thứ ba, chọn lọc và viết lại một số câu thơ của anh cho hợp với sự phát triển của âm nhạc. Lần này thì toàn bộ bài hát đã ngân lên trong tôi. Tôi lấy giấy nhạc ra, và chỉ cần chép lại bản nhạc đã lưu vào bộ nhớ trong đầu tôi. Trong bản thảo đầu tiên của bài hát này được ghi “Vũng Tàu, ngày 2.9.2002”. Lúc ấy mới gần 8 giờ sáng.
 

Tôi vui mừng gọi điện thông báo cho Lê Huy Mậu và bảo anh đến nghe rồi cùng đi ăn sáng. Mậu đến, ngồi trên chiếc giường trải drap trắng phẳng lì. Tôi pha ấm trà nóng rồi hát cho Mậu nghe. Mậu nghe chăm chú, đến câu kết thúc thì bất ngờ anh nằm ngã ngửa trên giường, hai tay giang ra như một cây thánh giá. Tôi nhìn mặt anh như sưng lên với tình cảm khó tả. Tôi hỏi: “Sao ông lại nằm đuỗn ra thế? Phổ vậy được không?”. Chợt anh ngồi vùng dậy, và nói một câu khá bất ngờ với tôi: “Anh làm tôi nổi tiếng đến nơi rồi! Bài hát này tôi tin là mọi người sẽ hát…”. Chúng tôi đi ăn sáng cho đến chiều tối thì nhận được điện của nhóm ca sĩ Hà Nội đang hát ở Vũng Tàu. Cuộc gặp gỡ đêm ấy bên bờ biển, NSND Thu Hiền đã cầm bản nhạc hát cho mọi người nghe và chị nói vui “Anh cho Thu Hiền độc quyền bài này nhé”. Sau đó Thu Hiền thu thanh ở Sài Gòn và lấy tên Allbum là “Khúc hát sông quê”.
 
Khi trở lại Hà Nội, tôi đưa bài này cho VTV và chọn giọng hát Anh Thơ. Tôi có nghe Anh Thơ hát vài lần và nghĩ giọng Anh Thơ sẽ hợp với bài hát này, sự trong sáng và chuẩn mực sẽ làm cho bài hát đẹp hơn. Tôi đem bản nhạc đến nhà cho Anh Thơ. Anh thơ vừa nấu bếp vừa tập. Khi thu thanh, các kỹ thuật viên của đài vì quá thích nên đã “cóp” đĩa về nhà nghe. Và bài hát được giới thiệu lần đầu tiên trong chương trình Tác phẩm mới của VTV năm đó. Tôi không ngờ nó lại được công chúng yêu chuộng đến thế. Hầu như suốt 8 năm qua, ngày nào bài hát này cũng được hát. Tôi đến châu Âu, châu Mỹ vẫn được nghe “Khúc hát sông quê” với thật nhiệu thiện cảm.
 
Đời một người sáng tác, hạnh phúc nhất là tác phẩm của mình được công chúng đón nhận và yêu thích. Nhưng hạnh phúc nhất với tôi là nó lại được người làng tôi tâm đắc. Vâng, làng quê, nơi cất dấu và hiến dâng cho ta bao tài sản tinh thần vô giá… Xin mãi mãi cảm tạ làng quê!...
 
Hà Nội, 12.2010 
KHÚC HÁT SÔNG QUÊ
LÊ HUY MẬU
 
Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi! !
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che…
*
Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành…

*
Em ơi!

quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lươm mà thôi
lại nghe nói
thở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước…

*
Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bồi rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta…

*
Này dòng sông !
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam ?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng…
Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng ba…tháng năm…tháng chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng…

*
Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đên thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đên trọn đời ta sống
quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người
trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…

*
Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm…
trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng
!…
 
 
 
 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511267

Hôm nay

2266

Hôm qua

2359

Tuần này

21641

Tháng này

218140

Tháng qua

121356

Tất cả

114511267