Nhức ngối cái nghèo cái khổ "phận đàn bà" : bé Mũ 9 tuổi làm mẹ, đi học với em trên vai
Niềm vui thường giống nhau nhưng đau khổ thì chẳng ai giống ai, một văn hào Nga đã từng nhận xét như vậy. Đây là tình cảnh làm rơi nước mắt của em Hoàng Thị Mũ mới lên 9 được đưa lên các báo mấy hôm nay: Từ ngày mẹ và một đứa em mất trong trận lũ trên sông Gâm, ông bố nghiện rượu ít khi về nhà, Mũ đã phải làm mẹ. Trong tay Mũ là hai đứa em trai, đứa tám tháng đứa sáu tuổi cùng toàn bộ lo toan cho cuộc sống một gia đình nghèo đang tan nát. Hàng ngày đến bữa phải pha “sữa” ( thực ra chỉ là nước chắt từ nồi cơm độn sắn) cho “đứa con”, tắm giặt, cơm nước, chăm nó lúc ốm, dỗ nó lúc khóc và ai cũng biết là còn bao nhiêu công việc khác trong một gia đình có con mọn như thế. Mũ phải xin nghỉ học vì không thì cả nhà chết đói. Nhưng em của Mũ thì không thể bỏ học. Sáng sáng, trên con đường mòn men theo vách núi, vẫn là cảnh "hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước…cọ xòe ô che nắng, thơm mát đường em đi” như trong bài hát rất hay kia, nhưng đây là bà mẹ mới lên chín, vai địu em bé, tay dắt em lớn. Liệu còn cảnh nào dễ làm ta rơi nước mắt cho sự “đau khổ lạc quan” và “hy sinh thầm lặng” hơn nữa không?
Và chăm em ở nhà(Ảnh: Dantri.com
Và nhiều báo cũng đã đưa lên một hoàn cảnh “bé làm mẹ” khác. Đó là bé Thảo Vân ở Hà Tĩnh. Khi mẹ bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường, Thảo Vân mới lên hai. Tám năm lớn lên trong hoàn cảnh một gia đình tưởng như Trời tạo ra để thử thánh đức độ cưu mang của con người. Gia sản chỉ là vài sào ruộng “cày lên cát trắng” của đất Thạch Hà, bố của Thảo Vân đã tám năm nay phải xoay xở trăm đường để gánh lên vai một mẹ già, một ông chú bị “đao” ngớ ngẩn và đặc biệt là người vợ ngày dài lại đêm thâu nằm bất động trên giường. Lên hai khi tai nạn xẩy ra, rồi lên ba, nay đã lên mười, đứa con gái hiếu thảo nhất mực phải đỡ đần gánh nặng “nội trợ” để bố chạy vạy kiếm ăn, kiếm thuốc cho năm miệng ăn và người vợ ốm. Gánh “làm mẹ” của em có lẽ còn nặng hơn gánh những bà mẹ nông dân trong làng. Cơm nước, quét dọn, giặt dũ cho cả nhà và còn thêm một việc bất đắc dĩ nhưng không thể không làm là đi ăn xin để phụ giúp bố. Và hơn tất cả những thứ đó, em còn đi học, lại là học sinh giỏi bốn năm liền, đạt giải ba học sinh giỏi cấp huyện, là thành viên của đội học sinh giỏi chuẩn bị thi tỉnh. Cô học sinh giỏi ấy phải đi ăn mày trong ngày nghỉ và chỉ được mặc những bộ quần áo cũ, những quyển vở cũ của người khác bố thí cho.
Cám ơn các phóng viên đã phát hiện, các báo đã và đang tổ chức quyên góp giúp các “bé làm mẹ”. Lòng nhân ái không bao giờ hiếm hoi dù hoàn cảnh giá cả leo thang củi châu gạo quế. Nhưng những mảnh đời buồn trên đây còn gợi lên những gì quan trọng hơn cả lòng nhân ái. Các bà mẹ nước ngoài đến Việt Nam chơi thường nói: “ Sao thấy phụ nữ Việt Nam khổ thế!” Mấy cô chiêu cậu ấm thành thị đi píc níc về nông thôn cũng hay cám cảnh: “ Sao phụ nữ nông thôn mình khổ thế!” Hãy nghĩ tới những em bé mồ côi kể cả khi mẹ còn sống hay đã mất. Các em có thể phải đi ăn xin nhưng đó là những thiên thần của lòng hiếu thảo và đức hy sinh. Hành động cao cả của các em thì những tấm gương xưa trong “Nhị thập tứ hiếu” hay “Tấm lòng vàng” của Edmondo De Amicis cũng khó hay hơn. Nhưng nó làm lòng ta xát muối vì một câu hỏi đặt ra: hệ thống an sinh xã hội đã làm được gì, còn phải làm gì, có cách gì san bớt cái hố giàu nghèo để các em bị rơi vào cảnh khốn cùng không phải “làm mẹ” bất đắc dĩ?
Chắc chúng ta vẫn chưa quên một bé Mai Xuân Trường, “mẹ trai” lên năm, con của cô giáo Võ Thị Mến ở Tây Ninh, chăm sóc mẹ bên giường bệnh, sắc thuốc cho mẹ uống, thức đưa võng và hát ru mẹ ngủ trong căn nhà rách nát khi người bố đã tệ bạc bỏ đi. Bé Nguyễn Thị Thảo Uyên ở Huế, bản thân mang bệnh u xơ vòm ngực, đang học lớp 4 nhưng một mình em phải chăm mẹ ung thư, cha bị “gút”. Em thường không ngủ vì sợ nếu ngủ thì sáng mai” có thể mãi mãi không nhìn thấy ba mẹ nữa”. Bé Nguyễn Thị Tường Vy nay lên chín, ở Bến Tre, phải nghỉ học từ lớp một để chăm sóc người mẹ bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, căn bệnh của quãng đời lầm lỡ rời quê lên tỉnh nên bị cả người thân kỳ thị xua đuổi. Trong cái chòi che lá dừa nước góc vườn, Tường Vy được các nhà báo khen là xinh đẹp, đã “làm mẹ” mấy năm nay cùng những công việc chẳng dễ dàng gì như cơm nước, tắm rửa, đi lĩnh thuốc, với một bệnh nhân AIDS ở giai đoạn mù lòa, liệt giường./.
Nguồn: nguyenquangthan blog