Nghe chồng nên không học văn
Cả nhà theo nghề văn, sao bà lại không học văn?
Lúc học phổ thông mình học giỏi, được cử đi học ở Liên Xô (cũ). Nhưng anh Tâm đến xin cưới, thế là không đi được nữa (cười). Rồi chồng bảo, cả nhà làm văn, em nên học khoa học, thế là mình đăng ký học sinh vật, hồi đó gọi là lớp Vạn.
Vậy cụ Huy cũng đồng ý?
Thì lúc trước mình xin học văn, ba mừng lắm. Nhưng khi chồng bắt học sinh vật, cụ cũng đồng ý vì lấy chồng thì phải theo chồng. Dù khi lấy chồng cụ vẫn phải nuôi mình, nuôi con mình (vì lúc đó anh Tâm đang phải làm gia sư, phải ở lại nhà người ta) mà cụ cũng không có ý kiến gì. Ba hiền lắm, như là Phật.
Bà có tiếc không, nếu học văn chắc giờ đây bà đã có sự nghiệp của riêng mình?
Không hề tiếc gì cả. Tôi nghĩ, ba mình, anh mình, chồng mình giỏi như thế, mình viết gì cũng vô duyên. Không khác gì một anh làm xiếc ngoài đường mà lại vào biểu diễn trong rạp xiếc. Hơn nữa, có lẽ tôi là lớp phụ nữ cũ, rất nghe chồng. Chồng nói là nghe. Tính tôi lại giống ba, hiền lành, tốt bụng, không tranh giành gì với ai hết, bao giờ cũng nhường. Khi còn bé, các em tranh gì cũng nhường hết. Khi lấy chồng lại càng nhường.
Nhiều người gọi bà là thư ký của nhà văn Văn Tâm?
Khi anh Tâm bị tai biến lần thứ nhất, không đi lại được, về nhà tự tôi tập đi cho anh, tập 1 năm thì đi lại được. Từ đó khi viết sách thì nhà tôi lại đọc cho tôi chép lại. 9 năm sau (2004) thì bị lần nữa, khi đó biết là không qua được. Trước khi mất anh đã chuẩn bị bản thảo làm tuyển tập, tôi theo đó mà làm tiếp thôi. May mà trời thương, mình cũng biết làm sách, sửa bông nên cũng giúp được.
Nhường nhịn, hy sinh cho chồng, cho con là bản tính của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người lại cho rằng, nếu nhường nhịn quá, mình sẽ phải chịu thiệt?
Tôi không thấy thế là thiệt. Mỗi người có một số phận, dù mình có tranh giành đến mấy đi nữa, thì số phận vẫn là số phận. Mà tranh giành thế sẽ mệt cho mình. Còn nếu chấp nhận thì nó sẽ êm ả, trước hết là cho mình.
Ví dụ, tôi thích con dâu phải như thế này, nhưng giờ con trai lại yêu một người không giống thế, nếu mình cũng bực bội thì được cái gì. Đối với tôi con dâu là nhất, không nuôi một ngày nào, mà cô ấy về nhà mình chăm sóc mình, nhường nhịn hết cho con, cho cháu mình.
Biết chập nhận thì sẽ sung sướng
Khi đã nhiều tuổi bà nhận ra điều đó và không thấy mình phải chịu thiệt thòi, còn hồi trẻ, khi mà phải bỏ mơ ước của mình để làm theo ý chồng, có lúc nào bà thấy ấm ức không?
Ngày xưa có biết gì đâu, nhưng đúng là chưa bao giờ nghĩ là mình phải chịu thiệt thòi hay ấm ức gì cả. Có lẽ đó là tính cách. Cũng có thể khi bố mẹ sinh ra tôi là lúc hai người đang rất vui, rất tốt bụng, rất thương yêu nhau cho nên mình được hưởng cái đó. Không biết tức giận bao giờ, thế mới buồn cười. Hàng xóm láng giềng họ không đổ rác thì mình đổ, không giận dỗi gì họ hết. Về sau đọc nhiều sách thì hiểu ra rằng nếu mình biết chấp nhận tất cả những cái gì đến với mình thì sẽ sung sướng.
Chả lẽ nếu người ta đối xử không tốt với mình, vẫn phải chấp nhận?
Không biết người khác thế nào, nhưng với tôi chồng là người thầy, không chỉ về học vấn mà còn trong nhiều mặt của cuộc sống cũng vậy. Khi về ở căn nhà này, tiền thuê nhà bằng nửa số lương của tôi. Lo lắm, không biết lấy gì mà trả, nhưng anh Tâm bảo đã quyết thế rồi, không phải lo. Thế là cũng nghe theo. Tôi nghĩ, ngay cả nếu chồng bạc bẽo với mình thì cũng là số phận, mình chấp nhận và bằng lòng thì vẫn thương ông chồng đấy. Còn nếu mình căm thù thì đầu tiên là lòng mình uất ức, khó chịu thì mình khổ trước và người ta cũng khổ, con cái cũng ảnh hưởng theo. May phúc là tôi đã lấy được người chồng xứng đáng để mình dồn hết sức lực vào. Tôi thấy bằng lòng với mình.
Mình cứ sống đúng với lòng mình
Bằng lòng với mình hình như cũng là nét tính cách của lớp người cũ?
Bà Cao Thị Xuân Cam sinh năm 1936. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sinh vật, Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà về công tác tại Ban Sinh vật địa, Ủy ban Khoa học Nhà nước, sau chuyển sang Nhà Xuất bản Khoa học. |
Đúng là thế hệ bây giờ khác trước nhiều, bình đẳng hơn, có lẽ như thế hay hơn. Vợ chồng là phải tôn trọng, phải chia sẻ công việc, thế mới là tình yêu. Nhưng dù có nhiều thay đổi, nhưng bản tính của phụ nữ Việt Nam vẫn là nhường nhịn chồng con. Quanh đây tôi vẫn thấy phụ nữ dù có học hay không có học, buôn bán hay không buôn bán... vẫn rất chăm lo công việc gia đình. Hạnh phúc của họ là khi đi làm về được nấu bữa cơm có những món mà chồng con thích. Thấy chồng con vui mà mình vui. Ở đời là thế, cứ cho đi là không bao giờ mất.
Nhưng chả lẽ cứ cho đi, cho mãi mà chẳng nhận được gì thì sẽ phải chịu khổ suốt đời ư?
Ví dụ, bạn ở cạnh một ông hàng xóm rất tồi, chỉ biết vứt rác sang nhà bạn, rồi bật ti vi to, ồn ào... nếu mình giữ quan hệ tốt thì mình sẽ được. Mình cứ đổ rác đi, mình cứ làm những việc tốt đẹp với họ đi, họ sẽ cảm nhận được. Không phải tôi ra đổ rác để cho nhà bên kia nhìn thấy mà họ làm ngay đâu, nhưng tôi cứ đổ đi, dần dần họ sẽ thấy và sẽ làm.
Nhưng nếu họ vẫn cứ không đổ rác, thì mình đổ mãi à?
Nếu mà người ta cũng không đổ thì đành vậy vì mình không thể nói được người ta đâu. Tức là số phận của mình phải ở một chỗ xấu như thế. Mình chỉ sống như thế nào để con cháu mình sống theo thôi, chứ không dạy bằng lời được đâu. Dạy bằng lời, nhất là người lớn, rất dễ tự ái. Người ta đi làm về rất mệt, mình lại bảo người ta để rác chỗ này, chỗ kia thì họ sẽ rất bực. Một là mình làm hộ người ta, hai là mình mặc kệ người ta. Mình cứ sống với lòng tốt. Tuy sống đúng, nhiều khi người ngoài cho rằng mình thiệt, nhưng sống đúng thì mình bằng lòng với mình, tức là trước hết vì mình chứ không phải vì ai cả.
Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện thú vị này!
Các tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Văn Tâm: Vũ Trọng Phụng - nhà văn hiện thực; Tản Đà - khối mâu thuẫn lớn; Đoàn Phú Tứ- con người và tác phẩm; Góp lời thiên cổ sự; Vườn khuya một mình làm thành; Tuyển tập Văn Tâm. |
Nguồn: Bee.net.vn