Cuộc sống quanh ta

Vô ngôn minh triết Hồ Chí Minh về trí thức

Hồ Chí Minh với các trí thức ngành y

1.Hồ Chí Minh và định hướng trí thức

Chúng ta vừa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong 1000 năm ấy có mạch lịch sử vấn đề trí thức. Trong mạch lịch sử ấy vấn đề trí thức và thân phận người trí thức cũng chìm nổi vô thường. Sự định hướng trí thức bên cạnh nhân tố, trạng thái và trình độ văn minh của xã hội thì sự định hướng của nhà vua, của triều chính lại có vai trò rất quyết định. Khi triều đình định hướng vào Phật giáo, trong lịch sử xuất hiện những trí thức uyên bác về Phật học, những tác phẩm Phật học đầy chất trí tuệ, trác tuyệt. Khi xã hội định hướng vào thơ, phú, chúng ta có những nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất. Khi nhà vua coi trọng thi cử, khẳng định một đỉnh cao tuyệt đối là nho gia thì mọi tài năng đều lại đóng khung không ai muốn và dám vượt rào, vượt khung đi tìm một chân trời văn hóa mới. Đến nỗi kiểu định hướng ấy khi xã hội đã bước qua một thời kỳ văn minh mới nó vẫn ăn sâu trong tâm thức kẻ cầm quyền, đóng lại một khung mới, ấn định một cái trần mới, cấm kỵ sự vượt qua.

Trong những thăng trầm lịch sử ấy, chúng ta phải thừa nhận cái tổng kết của cha ông về vấn đề trí thức và vai trò trí thức đối với dân tộc, với xã hội, với lịch sử là cực kỳ siêu hạng:

            “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia ...”

Bước vào thời kỳ mới, Hồ Chí Minh đã biết ứng dụng những bài học lớn của lịch sử, đã có những ứng xử với vấn đề trí thức rất sáng rõ.

2. Vô ngôn Minh triết Hồ Chí Minh về trí thức

Hồ Chí Minh không lý giải, không viết chuyên luận (như chúng ta) về trí thức và vấn đề trí thức. Nhưng qua sự đối đãi với trí thức, chúng ta có thể nhận ra trong cái minh triết vô ngôn ấy của Hồ Chí Minh nhiều bài học rất lớn và quý.

            - Biết chơi với trí thức. Người ta còn kể rằng khi đi làm bồi ở Anh, ở Mỹ, Nguyễn Tất Thành rất có ý thức tìm những khách sạn hạng sang để làm việc. Vì ở đó có nhiều cơ hội để Nguyễn Tất Thành có thể tiếp xúc với trí thức thượng lưu. Việc Nguyễn Ái Quốc kết bạn với Charlie Chaplin, với Nehru và với nhiều trí thức tên tuổi của Pháp tỏ rõ điều ấy. Ở trong nước, trước khi xuất dương, Nguyễn Tất Thành đã gặp gỡ giao lưu thân mật với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và nhiều trí thức bạn bè của thân phụ mình. Sau này khi đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành luôn biết “chơi” với trí thức. Những hồi ký của Vũ Đình Hòe, Phan Anh v..v.. đã chững tỏ điều ấy. Cụ Hồ biết coi công – nông là tiềm lực cách mạng và rất biết “chơi” với trí thức để thu hút họ vào sự nghiệp cách mạng. Việc dựa vào trí thức đủ mọi thành phần để đề ra chủ trương, đường lối, chính sách để xây dựng Nền Dân chủ Cộng hòa đến nay còn để lại những dấu ấn có tầm tư tưởng cao, khoa học và trí tuệ.

            - Biết chơi với trí thức cũng có nghĩa là biết tôn trọng phong cách trí thức, phương thức trí thức. Hồi ký của Nguyễn Mạnh Tường kể lại cuộc đàm đạo “tự do” giữa hai người về những vấn đề lớn của đất nước. Người trí thức rất ghét loại cán bộ lãnh đạo chỉ biết thao thao bất tuyệt thuyết giàng và dạy dỗ người khác.

            - Đối đãi tinh tế, ý nhị đạt tới nghệ thuật ứng xử với trí thức. Câu chuyện bữa cơm chia tay với họa sĩ Dương Bích Liên đúng là một giai thoại (câu chuyện đẹp). Những cuộc lẩy Kiều, làm thơ thù tạc với Phan Anh, với Bùi công (Bằng Đoàn), với Huỳnh Thúc Kháng, v.. v.. để lại những dư vị ngọt ngào ấm áp tình đồng đội, đồng chí, là dấu ấn khôn phai một thời.

Vì thế nhiều kẻ sĩ sẵn sàng vượt qua mọi gian nguy, khổ sở, khó khăn thử thách để cùng Hồ Chí Minh đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Tôi có cảm giác mối quan hệ Hồ Chí Minh – Trí thức đã đạt tới tầm triết lý: “Kẻ sĩ sẵn sàng chết vì người tri kỷ”. Và cũng chứng minh cho câu ngạn ngữ của Pháp “Hãy cho tôi biết bạn anh là ai tôi sẽ thưa anh là người thế nào?”

3. Hồ Chí Minh nêu một chân lý: Đạo đức tự do của kẻ sĩ (trí thức)

Vấn đề Tự do, Tự do tư tưởng, tự do sáng tạo của trí thức là điều rất nhạy cảm, lại là một vấn đề ở tầm cốt lõi trong mối quan hệ với Trí thức. Nó là hòn đá thử trước hết về trình độ và thái độ của kẻ cầm quyền trong xã hội đối với hoạt động tinh thần. Nó cũng là hòn đá thử đối với một nền dân chủ, một xã hội muốn vươn lên tìm con đường phát triển của chân, thiện, mỹ. Khoa học, nghệ thuật có phát triển không? Việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội có tiến bộ hay trì trệ, liêm chính hay tham nhũng, dân trí, đạo đức và văn hóa của xã hội, của đất nước có thăng hoa hay không v..v... đều tùy thuộc ở thái độ đối với vấn đề đạo đức của tự do, tư do tư tưởng, tự do sáng tạo của trí thức như thế nào. Có một thời, có nơi, có người, do không tin trí thức, sợ trí thức đến nỗi bế môn tỏa cảng không cho đi học, không cho giao lưu đối với lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế. Hậu quả là khoa học xã hội, nhân văn và quản lý kinh tế lạc hậu.

Trong tình hình như vậy tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự do tư tưởng của trí thức trở nên như một ánh sao băng lóe sáng trong đêm tối.

Tại một cuộc chỉnh huấn trí thức vào năm 1956 Hồ Chí Minh đã nêu ra vấn đề Tự do tư tưởng. Có hai mệnh đề đáng chú ý. Một là Tự do tư tưởng là mọi người có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình về mọi vấn đề của khoa học, văn hóa, của chính trị xã hội ...

Hai là Tự do tư tưởng hóa ra là tự do phục tùng chân lý.

Nếu mệnh đề thứ nhất cũng chỉ là diễn đạt một định nghĩa thông thường và đó là một chân lý giản đơn.

Mệnh đề thứ hai là sự đúc kết sâu sắc hơn nhiều. Hàm nghĩa và phương thức tư duy duy lý, triết học đạt tới trình độ khái quát hóa, trừu tượng hóa rất cao. Trong mệnh đề ấy vừa có chính đề: Tự do phục tùng chân lý. Nghĩa là chân lý tìm thấy rồi, được chỉ ra rồi thì .... tự do phục tùng. Nhưng phản đề mới lại càng uyên bác. Như thế có nghĩa là tự do phục tùng chân lý đồng dạng với tự do không phục tùng ngụy lý. Ý nghĩa của phản đề rất sâu sắc, giá trị rất lớn, đáng tiếc nó ít được suy luận đề cập.

Để đạt tới được trạng thái ấy: tự do phục tùng chân lý và tự do không phục tùng ngụy lý, tức là đạt tới vương quốc của tự do như Mác và Ăng Ghen quan niệm. Hai ông nghĩ ra được quan niệm Vương quốc của Tự do nhưng chỉ Hồ Chí Minh mới chỉ ra cái gì làm nền, làm nên cái thể và cái dụng của vương quốc tự do. Cái thể và cái dụng chính là người ta có quyền nghĩ đúng và làm đúng và cũng có quyền không nghĩ theo cái sai và làm cái sai.

Sự phát triển nhanh, mạnh và tốt đẹp lại vừa kịp thời điều chỉnh hành vi cá nhân và hoạt động xã hội ở các nước phát triển và mới phát triển sở dĩ có được chính là nhờ biết ứng xử tốt với chân lý mà Hồ Chí Minh phát hiện. Lẽ nào ở chính cái xứ sở phát hiện ra chân lý ấy lại thua em, kém chị, chịu thiệt thòi vì không biết tôn vinh cái tố chất cao quý nhất của Hiền tài là đạo đức tự do – Tự do tư tưởng – Tự do sáng tạo.

Tuy nhiên điều đáng suy ngẫm là không chỉ nêu đạo đức, nêu chân lý. Cái quan trọng hơn là có thể chế văn minh, khoa học và tiến bộ làm môi trường cho chân lý và đạo đức ấy bám rễ và sinh sôi tốt đẹp. Có học giả từng nói, một lý tưởng chính trị tốt đẹp nhưng một thể chế tồi thì kết quả cũng bằng không.

Bước vào thế kỷ XXI, thiết nghĩ, Việt Nam sẽ tăng cường những thể chế tốt đẹp khiến cho một vương quốc của tự do từng bước hình thành làm nền cho một trạng thái phục hưng mới của dân tộc.

Bài học Minh triết Hồ Chí Minh và vấn đề trí thức phải trở nên bản lĩnh ít ra là của hai người: Người cầm quyền và Người trí thức./.  

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513144

Hôm nay

2245

Hôm qua

2436

Tuần này

21081

Tháng này

220017

Tháng qua

121356

Tất cả

114513144