Cuộc sống quanh ta

Mấy vấn đề từ di sản văn hoá Hồ Chí Minh

 1.   Phương pháp tạo dựng lâu dài tri thức

Phạm Văn Đồng đã từng khái quát: “Hồ Chí Minh, người tiểu tư sản nông thôn bởi nguồn gốc xuất thân, trở thành người công nhân bởi cuộc sống và lập trường giai cấp, người có hiểu biết rộng lớn và sâu xa về nhiều mặt bởi quá trình học tập, người chiến sĩ cách mạng quốc tế hội tụ được trong mình cả sức vùng lên của các dân tộc bị áp bức và chất tiền phong của giai cấp công nhân châu Âu”(1).

Do đặc tính đó, Hồ Chí Minh là tấm gương tiếp thu tinh hoa dân tộc và thế giới, vì mục tiêu giải phóng dân tộc, xã hội và con người. Kinh qua Hồ Chí Minh, “tinh hoa của thế giới đã Việt Nam hóa rồi, đã mượn hình dáng, bộ điệu, ngôn ngữ Việt Nam, cho đến tinh thần Việt Nam nữa” (Phạm Văn Đồng).

Nhà sử học Charles Fourniau, nguyên Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt, trong tác phẩm Hồ Chí Minh - người đồng chí của chúng ta(2), cũng hết sức ca ngợi tinh thần Việt Nam hóa của Hồ Chí Minh, khi phân tích bài Kính cáo đồng bào (6/1941) của Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) sau khi mặt trận Việt Minh ra đời. Theo tác giả, những lời hiệu triệu quốc dân trong bài Kính cáo này “có sức sáng tạo kỳ lạ, vừa bắt nguồn từ truyền thống phong cách Khổng học, vừa kết hợp truyền thống Jacobins của Pháp; một số câu chữ trong bài không thể không nhớ tới lời kêu gọi quần chúng nổi dậy 1793” (tức 4 năm sau cách mạng Pháp 1789).

Những lời bình luận tương tự như vậy có khá nhiều trong dư luận thế giới đối với Hồ Chí Minh về sự kết hợp nhuần nhị nhiều yếu tố và kiểu dáng tinh hoa của dân tộc và quốc tế, xưa và nay; không phải chỉ qua văn bản, phương châm hành đồng mà với cả phong cách sống của bậc “hiền triết hiện đại - Hồ Chí Minh” (Sékou Touré). Trong buổi tiếp truyện nhà văn I. Taber (7/10/1965) - người dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Đức - Hồ Chí Minh đã nói rõ quan điểm truyền thống - hiện đại của mình: “Người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có những ngọn suối tiến bộ chảy từ ngọn núi tiến bộ đó. Càng thấm nhuần chủ chủ nghĩa Mác - Lênin càng phải coi trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông”(3).

Sự tích hợp phong phú trí thức nào về Đông - Tây, kim cổ cũng đòi hỏi một sự kiên trì tìm tòi học tập; và sự kết hợp nhuần nhị các dạng tinh hoa nào cũng đòi hỏi tinh thần sáng tạo bền bỉ. Hồ Chí Minh là một con người như vậy. Đối với Người, trường học mới chỉ là cánh cửa đầu tiên giúp con người đi vào lâu đài văn hóa. Từ những cánh cửa này con người bước tiếp vào những cánh cửa của cuộc đời, thấy được ánh sáng tỏa ra trong hàng hàng pho sách, trong cái xô bồ, bề bộn, phức tạp và tinh vi của hiện thực mình đang sống, đang vật lộn để sinh tồn và phát triển. Và từ những tích lũy tri thức để trở thành kho kiến thức, kho kinh nghiệm, Hồ Chí Minh tự soi rọi mình và nâng cao mình, cho mình một quan niệm sống và lẽ sống, một cách nhìn đối với thế giới xung quanh và xác định một hướng đi trên con đường mình lựa chọn. Thu nhận kiến thức từ sáng tạo của lịch sử, của con người, rồi với thiên tài nhiều mặt, Hồ Chí Minh lại sáng tạo nên một kỳ tích, mang đậm dấu ấn riêng, giúp ích cho đời và thúc đẩy lịch sử theo qui luật tiến hóa.

Hồ Chí Minh đã tự khẳng định với mình và khuyên các đồng chí của mình: học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Trả lời một câu hỏi: “Học ở đâu?” Người nói: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(4). Đạt được mục đích ấy, ở Người là một nghị lực phi thường cộng với tinh thần sáng tạo đổi mới để có thể nghe được, thấy được, nhìn nhận được và xác định được con đường phải đi và đến. Vượt trên tất cả những mặt ấy là sự thôi thúc của tình yêu dân tộc, đất nước, tình nhân ái bao la đối với lớp người cùng khổ, sự cảm thông và chia sẻ với các bộ phận nhân loại còn bị đè nén và sống kiếp cơ hàn. Từ gia đình và những nho sĩ bạn thân của gia đình, từ trường học và trường đời diễn ra trên đất nước nô lệ, đến mọi thủ đô, kinh thành, thị trấn, hải cảng và làng mạc mà Người đã sống, đã đi qua trên khắp các lục địa, đều để lại những dấu ấn sâu sắc trong kho tàng tri thức Hồ Chí Minh. Từ những nghề lao động chân tay và lao động trí óc mà Người đã kinh qua, từ đủ mọi loại người mà Người gặp gỡ, giao thiệp và kết bạn trên khắp các nẻo đường Á, Âu, Phi, Mỹ, từ các tôn giáo chính thống mà Người có quan tâm, từ các phong trào cách mạng và phong trào công nhân mà Người đã nghiên cứu, từ các tác phẩm văn hóa, văn học tiêu biểu qua nhiều thời đại của phương Đông và phương Tây mà Người đã đọc… đều góp phần tạo nên một vóc dáng vĩ nhân Hồ Chí Minh.

Là người có chí khí, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo, Hồ Chí Minh thường xuyên đặt câu hỏi và quyết tâm tìm lời giải đáp cho kỳ được. Tham gia phong trào Duy Tân ở Huế lúc còn là học sinh ít tuổi, nhưng rồi Hồ Chí Minh không tán thành con đường cứu nước của các sĩ phu trong các phong trào Cần Vương, Văn Thân. Chịu ảnh hưởng của cụ thân sinh là nhà khoa bảng Nguyễn Sinh Sắc, Hồ Chí Minh đã thấy được chế độ quân chủ không còn thích hợp, nhưng vẫn tìm thấy cái mới trong việc đề cao tân học, bác bỏ cựu học của phong trào cải cách theo hướng quân chủ lập hiến, do Khang Hữu Vi và Lương Khải Phiêu đề xướng. Đả phá tư tưởng thiên mệnh, định mệnh nhưng Hồ Chí Minh đưa nội dung mới vào quan điểm nhân - nghĩa… của đạo Nho. Không tán thành chế độ tư sản nhưng Hồ Chí Minh thiết tha với phương châm “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp 1789, với chủ trương “Tam dân” (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) của cách mạng Tân Hợi ở Trung Hoa (1911) do Tôn Trung Sơn làm thủ lĩnh. Sau này, khi tìm được cẩm nang trong Luận cương chính trị của Lênin về vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh nhìn thấy được ánh sáng thật sự ở chân trời và từ đấy, mở ra con đường cứu nước cứu dân, sát hợp với thực tiễn dân tộc.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh đã cảm thấy được rằng, chân lý tuy có một nhưng chính nghĩa có nhiều, phải biết chắt lọc những tinh hoa từ chính nghĩa để bổ sung cho chân lý. Một tình thương người bao la của Giê-su, của Thích Ca, một đức tính khiêm nhường, bình dị của Găng-đi, một Lênin nhân hậu và triệt để cách mạng, một lối sống thanh thản trong tâm hồn và tình yêu thiên nhiên ở các nhà hiền triết phương Đông, v.v… đều đi qua cuộc đời Hồ Chí Minh, một vĩ nhân vào loại đặc biệt của thế kỷ XX.

Nhiều người đã gọi Hồ Chí Minh bằng nhiều danh vị văn hóa khác nhau và danh vị nào cũng đúng: nhà thơ, nhà văn, nhà sinh ngữ, nhà văn hóa, nhà báo, nhà chính luận, nhà viết kịch, cây bút châm biếm. Không hẳn phải có sự lịch lãm nhiều mặt của văn hóa mới thành nhà văn hóa lớn, nhưng rõ ràng ở nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh có bao trùm nhiều lĩnh vực rộng lớn của văn hóa.

Hồ Chí Minh đã trở thành một hiện tượng văn hóa, như nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã nhận định. Đó là sự kết hợp hài hòa nhiều phong thái rất khác nhau trong một con người, dù trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử: “vừa dân tộc vừa quốc tế; vừa rất mực nhân từ vừa triệt để cách mạng; rất uyên bác và cực kỳ khiêm tốn; rất nguyên tắc và chiến lược lại rất linh hoạt về sách lược; vừa nhìn xa trông rộng vừa thiết thực, cụ thể; vừa vĩ đại vừa vô cùng bình dị; vừa là chiến sĩ vừa là nhà thơ” (Võ Nguyên Giáp).

Các giá trị văn hóa tinh thần của Hồ Chí Minh, về cơ bản vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay, soi rọi vào mọi chủ trương, hành động trong công cuộc đổi mới. Tất nhiên lịch sử đã sang trang, các giá trị tinh thần ấy phải được phát triển và nâng cao cho mọi phù hợp với giai đoạn cách mạng, nhất là đối với các luận điểm cụ thể của Người về văn hóa nghệ thuật, văn hóa đạo đức, văn hóa lối sống, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa quản lý, v.v…

2.   Phong cách lý luận: từ thực tiễn “cây đời”

Có người băn khoăn: Hồ Chí Minh là nhà thực tiễn, nhà hành động, hay còn là nhà lý luận? Hiểu vấn đề này một cách tương đối chính xác, không gì bằng trở lại với những nguyên tắc tạo thành lý luận và quan điểm lý luận như thế nào là đúng đắn. Đó là cơ sở triết học của một hệ tư tưởng chủ đạo trong một lĩnh vực hoạt động; là kinh nghiệm của loài người được đúc kết thành một quan niệm khái quát; là tổng hợp các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người được tích lũy. Lý luận nào cũng được kiểm nghiệm qua thực tiễn đời sống của mọi lĩnh vực. Rồi kinh qua thực tiễn, lý luận được bổ sung và điều chỉnh, làm phong phú kho tàng hệ tư tưởng. Do đó, thực tiễn là bầu sữa nuôi sống thực tiễn. Từ nguyên tắc chung về lý luận, sắc thái lý luận của một hệ tư tưởng, mỗi nền văn hóa có khác nhau; hoặc cùng chung một hệ tư tưởng song phong cách lý luận của mỗi người có khác nhau do nhiều yếu tố chi phối, chủ yếu là phương pháp tư duy và nghệ thuật khái quát…

Lý luận mang tính tư biện để trở thành lý thuyết suông là hoàn toàn xa lạ với quan niệm về lý luận gắn với thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh từ sớm đã thấu triệt quan niệm đó. Cách đây trên 40 năm, nhà nghiên cứu Pháp Gabriel B. Nonnet trong tác phẩm Việt minh - Hồ Chí Minh(5) đã nhận xét: Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều ở các nền văn hóa, giáo dục phương Tây nhưng hoàn toàn không đi vào con đường kinh viện. Do đọc nhiều, đi nhiều, và sử dụng thông thạo các tiếng Pháp, Anh, Hoa, Nga… đã hình thành ở ông một kiểu tiếp nhận hiệu quả và sâu sắc. Giáo sư triết học và xã hội học Nhật Bản, trong bài Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng, đọc trong cuộc mít tinh ở Tokyo ngày 25-9-1969, tỏ lòng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cũng đã viết đại khái như thế: “Đọc các tác phẩm của cụ Hồ Chí Minh, tôi thấy các tác phẩm ấy đã phát triển lý luận không theo một cách uyên bác xa xôi, mà viết bằng những lời lẽ giản dị và những câu ngắn gọn. Những viên ngọc quý nhất được khảm trong các tác phẩm của Người (…) bao gồm lý luận về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, lý luận về công tác quân sự, về chủ nghĩa xã hội, về Đảng, v.v…”(6).

Thực ra, với các luận điểm triết học trong nhiều hệ tư tưởng, các trào lưu giải phóng dân tộc và giai cấp, các nền văn hóa, giáo dục mà Hồ Chí Minh đã có dịp học hỏi, cọ xát và suy ngẫm, đều có ảnh hưởng đến phong cách lý luận của Người, một người Việt Nam mẫu mực thấm nhuần truyền thống và tinh hoa dân tộc.

Hồ Chí Minh tuy không có những tác phẩm và chuyên đề lý luận, song nếu không xuất phát từ lý luận giải phóng dân tộc gắn với giải phóng xã hội, thì làm sao Người có thể đề ra luận cương, chiến lược và sách lược cho cách mạng Việt Nam, từ Dân chủ nhân dân đến Chủ nghĩa xã hội. Chính là xuất phát từ lý luận, gắn với nhãn quan chính trị nhạy bén và thực tiễn dân tộc, ngay từ năm 1942 Hồ Chí Minh đã khẳng định là Việt Nam sẽ dành được độc lập trong năm 1945. Đó là lúc mặt trận Việt Minh sau khi ra đời đã hoạt động trong hoàn cảnh phát xít Nhật đã tràn vào Đông Dương, và ở châu Âu mặt trận Đồng minh đang bắt đầu phản công quyết liệt phe Trục phát xít. Lời khẳng định của Người đã trở thành tiên tri. Cho đến bây giờ, các giới nghiên cứu Việt Nam chưa ai lý giải được sâu sắc là Hồ Chí Minh bằng lý luận như thế nào để có được lời dự báo chính xác đó. Hệ thống các luận điểm của Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa - văn nghệ đều xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin theo đặc điểm dân tộc trong nhiều giai đoạn. Hồ Chí Minh đã nổi tiếng trong tranh luận về việc thành lập Đệ tam quốc tế và thành lập các tổ chức quốc tế về công nhân, nông dân, thanh niên các nước thuộc địa và Hội các dân tộc bị áp bức ở Á Đông. Hồ Chí Minh cũng nổi tiếng là một nhà bút chiến với nhiều chính khách thực dân và nhiều nhà cách mạng theo tư tưởng cải lương, dưới các bút danh Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy… Chả nhẽ tranh luận và bút chiến lại tách rời lý luận? Hơn nữa, Người thường nhắc nhở: “Phải học tập lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày…”(7).

Có điều, lý luận ở Hồ Chí Minh không đi vào khái niệm trừu tượng, thuật ngữ và cách diễn đạt không theo ngôn ngữ triết học như các nhà lý luận xưa nay. Với một phong cách tư duy khoáng đạt, bình dị và trong sáng như Hồ Chí Minh, điều đó thật dễ hiểu. Đó cũng còn là quan điểm lý luận của Người. Thời gian hoạt động cách mạng ở Trung Quốc, trong một bài phê phán các luận điểm sai lầm của ông H. trong tập bản thảo Cách mệnh, Người có nói: “Dùng điển tích là tốt nhưng nếu quá lạm dụng sẽ làm cho độc giả khó chịu. Bởi vì tính chất sâu xa, thâm thúy của các điển tích thường cũng hay bao hàm những ý nghĩa mơ hồ, có thể làm người ta hiểu nhầm(8).

Hồ Chí Minh thích dùng hình ảnh hoặc diễn tả thành hình tượng mang tính triết lý để khái quát bản chất một vấn đề hơn là lý luận cao siêu, như gọi chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XX là con đỉa có hai vòi: “một vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một vòi bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa”; hoặc nói về bọn quan lại sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân: “Khi một con vật cá biệt đã đạt đến trình độ ăn cả tiền thì thường coi là thoái hóa, vì nó đã mất hết đặc tính tinh thần của nòi giống nó rồi”. Cũng như Lênin và các nhà kinh điển của học thuyết Mác, Hồ Chí Minh mong muốn các nhà văn có tài sáng tạo nên những tác phẩm điển hình hóa, phù hợp với quy luật đặc biệt của cách mạng, vì chân lý của cuộc sống và lợi ích của nhân dân, chứ không phải là thứ minh họa, ghi chép sự việc một cách dễ dãi, song Người chỉ nói một cách tế nhị: “Phải sáng tác cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn con người mới, cuộc sống mới”. Xoay quanh lập luận đó, có bao nhiêu là vấn đề mỹ học được đặt ra. Mỗi từ, mỗi ý từ cái cô đúc của lập luận đã bao chứa một nội hàm rộng lớn… Sau này, nhiều câu nói của Hồ Chí Minh trở thành phương châm hành động, cũng đều mang tính triết lý, lẫn tính chất hình tượng như thế. (“Vì hạnh phúc mười năm trồng cây, vì hạnh phúc trăm năm trồng người”; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”, v.v…).

Phong cách tư duy luận lý ở Hồ Chí Minh là sự vận dụng tư tưởng biện chứng trong triết học của Mác, tư tưởng tổ chức cách mạng và phương pháp luận nhận thức thực tiễn của Lênin, kết hợp với triết lý mang tính cộng đồng vốn có trong văn hóa truyền thống của dân tộc được kết tinh ở Người. Dù mang theo trong tư tưởng nhiều dòng văn hóa được tiếp thu và chắt lọc, thì Hồ Chí Minh trước hết và trên hết vẫn là con người Việt Nam, mà lịch sử tư tưởng Việt Nam là truyền thống về những mặt thuộc nhân sinh quan cụ thể và thực tiễn.

Phong cách lý luận - thực tiễn của Hồ Chí Minh rất phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh dân tộc ở những giai đoạn cách mạng đã qua, có tác dụng thúc đẩy quy luật phát triển theo tinh thần biện chứng Macxit. Ở Hồ Chí Minh là sự kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần, trong đó có phương pháp nhận thức và cải tạo hiện thực theo tầm vóc và phong cách của Người. Từ thực tiễn được đúc kết, rút ra được vấn đề và lý giải được nó, để thúc đẩy hiện thực tiến lên, đó chính là bài học về lý luận mà Người đã để lại cho chúng ta. Còn lý luận như thế nào, do phong cách nhà lý luận quyết định. Tất nhiên là lý luận không đứng im trong thời gian, vì đời sống phát triển theo quy luật vận động, do đó lý luận cũng không ngừng đổi mới và sáng tạo, theo hướng tiến lên của lịch sử, của chủ nghĩa xã hội khoa học chân chính.

Lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bình sinh, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã bắt đầu phát triển, tuy chưa phát triển đến mức như hiện nay, nên các luận điểm về văn hóa của Người đều hướng đến một tinh thần khoa học kết hợp với tinh thần nhân văn, để thúc đẩy những nhiệm vụ trước mắt: giải phóng dân tộc đi đôi với giải phóng xã hội; xây dựng con người gắn với nền văn hóa mới; tinh thần dân tộc hòa hợp với tinh thần quốc tế; xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong bước đi ban đầu theo hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu và đất nước còn tạm chia cắt… Đất nước và thời đại hôm nay đã khác trước về nhiều mặt, lý luận phải lần lượt giải đáp những vấn đề trong hoàn cảnh mới, theo tinh thần cơ bản mà ý thức lý luận gắn với thực tiễn của Hồ Chí Minh đã gợi mở.

3.   Di sản văn hóa gắn với dân tộc và thời đại

Qua hoạt động trong sự nghiệp cách mạng ở Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của giao lưu và phương pháp tiếp thu văn hóa với vấn đề bản sắc dân tộc của văn hóa, trong một thời đại đầy biến động và không ngừng biến động. Không một nền văn hóa dân tộc nào không chịu ảnh hưởng lẫn nhau bởi các nền văn hóa khác mà có thể trường tồn và phát triển. Xưa đã thế và nay lại càng hơn thế. Hoàn cảnh quốc tế và phương tiện quyết định sự mở rộng giao lưu văn hóa. Khép kín văn hóa là đồng nhất với dân tộc trì trệ và ngưng đọng. Trong cái nghĩa bôn tẩu đó đây trên khắp các châu lục để tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, có bao hàm cái nội dung là Người sẽ mang về cho dân tộc một kiểu văn hóa gì vừa giải phóng và phát triển dân tộc, vừa thích ứng với thế giới văn minh. Và Người đã mang về cho ta một hệ tư tưởng kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo lý làm người của cha ông với tinh thần quốc tế trong sáng, vì tình hữu nghị giữa các dân tộc; một ý thức tự hào và trách nhiệm giữ gìn, khai thác di sản văn hóa tinh thần của tổ tiên truyền lại cho ta và của loài người tiến bộ; một lối sống “Trung với nước, hiếu với dân”, một tình yêu thương rộng lớn đối với con người, trước hết là các lớp người đã từng chịu nhiều đau khổ, tủi nhục; một phong cách tôn trọng dân chủ, công bằng và tín ngưỡng của nhân dân; một quan niệm phát triển kinh tế trên cơ sở một nền khoa học kỹ thuật; một hoài bão về dân giàu, nước mạnh, đất nước đẹp đẽ và đàng hoàng hơn xưa…

Tư tưởng bách khoa ở Người đã trở thành một chủ nghĩa nhân văn bao trùm gắn với những giá trị dân tộc trong thời đại mới. Một chân lý khoa học đã khẳng định rằng, khi một dân tộc không biết nhào nặn và chuyển hóa những cái đã tiếp thu thành cái của mình, như sự phát triển tự thân, thì dân tộc đó sẽ chết đi về mặt chính trị. Nhào nặn trên cơ sở tính dân tộc và tạo thành bản sắc dân tộc của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển các giá trị tinh thần. Sự kết tinh nhiều dòng văn hóa ở Hồ Chí Minh là sự nhào nặn tinh hoa văn hóa loài người với truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc. Đúng như tổ chức UNESCO đã xác nhận: Hồ Chí Minh “là hiện thân của những khát vọng các dân tộc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Hồ Chí Minh là một nhân vật quốc tế lỗi lạc nhưng ở Người không bao giờ mang theo một thứ chủ nghĩa thế giới xa lạ với những giá trị tinh thần chân chính. Văn hào Gorki đã từng nói: “Những bậc vĩ nhân xưa nay đều là con đẻ của đất nước họ, bao giờ cũng có tính cách dân tộc của nhân dân mình, vì họ sở dĩ vĩ đại ở chỗ đại biểu được cho nhân dân. Khi một vĩ nhân vật lộn với nhân dân thì đó không phải là một cuộc đấu tranh giữa nhân tố nhân loại với nhân tố dân tộc mà cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa ý niệm với chủ nghĩa kinh nghiệm, giữa lẽ phải với thành kiến”(9). Nhân dân là nền tảng của quốc gia, là gốc rễ sâu bền của dân tộc, là đối tượng phải phục vụ của một chế độ chính trị chân chính, nhưng nhân dân không phải là một khối thuần nhất. Vật lộn với một bộ phận nhân dân thoái hóa, lạc hậu, biến chất để cho cái tiến bộ, cái tinh lọc, cái cao cả chiến thắng, còn khó khăn, gian khổ hơn cả “vật lộn” với kẻ thù bằng mọi thứ vũ khí. Hồ Chí Minh hiểu rõ hơn ai hết những chỗ mạnh chỗ yếu, những mặt cần phát huy và những mặt cần hạn chế của nhân dân nên Người đề ra cho văn hóa những bước đi, những nhiệm vụ trong từng hoàn cảnh. Người yêu cầu “văn hóa phải đi sâu vào tâm lý quốc dân, đi vào cuộc sống mới”, rằng “văn hóa phải sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”, “văn hóa phải làm thế nào cho mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình nên được hưởng”.

Nền văn hóa mới mà Người khởi công xây dựng là mở mang dân trí đi đôi với trau dồi đạo đức, nhân cách của con người, trên cơ sở tính dân tộc và bản lĩnh dân tộc. Giáo dục, văn chương, nghệ thuật và thông tin đại chúng góp phần đắc lực vào việc xây dựng con người; từ đó quyết định sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của nền văn hóa bác học, đồng thời quyết định vị trí của dân tộc trên trường quốc tế. Nền văn hóa mới của chúng ta đạt đến trình độ và thành quả như hiện nay không thể tách rời với sự nghiệp to lớn của Hồ Chí Minh, với một đường lối khoa học, thực tiễn, rất dân tộc và hiện đại.

Chúng ta đang xây dựng nền văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế văn hóa với nước ngoài, tức là vừa phát huy tinh thần đổi mới trong di sản tư tưởng - văn hóa của Hồ Chí Minh, vừa tạo ra những nhân tố mới trong giao lưu mà trước đây chưa đặt ra tiền lệ. Giao lưu văn hóa tốt, có nghĩa rằng ta phải có cái gì là tinh hoa và đặc điểm Việt Nam để góp phần vào kho tàng văn hóa của loài người chứ không phải suy nghĩ theo cái đầu của người ngoài cuộc. Giao lưu theo kiểu đó là một sự lặp lại, một lối sao chép hoặc lai căng. Mà như thế là phá hoại và hạ thấp văn hóa dân tộc, đi ngược lại một xu thế của văn minh loài người. Không phải ngẫu nhiên mà khoa học kỹ thuật càng phát triển, thế giới càng đề cao bản sắc dân tộc của các nền văn hóa. Đề cao để chứng minh sự phong phú, đa dạng của trí tuệ, tâm hồn con người, để thật sự khác biệt nhưng không tách biệt giữa các nền văn hóa khác nhau. Tất cả những mặt ấy nhằm thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa mọi dân tộc và chủng tộc trên khắp hành tinh. Sự ảnh hưởng lẫn nhau về những yếu tố nào đó qua giao lưu văn hóa là một tất yếu, nhưng không thể nào tất yếu khi nó không được nhào nặn, nhuần nhuyễn qua bản sắc dân tộc trong nền văn hóa dân tộc. Không ngừng hoàn thiện và nâng cao tầm vóc văn hóa dân tộc trong nền văn hóa thế giới đang trong thời hội nhập. Bảo vệ văn hóa dân tộc còn là sự ngăn ngừa những nọc độc văn hóa có thể xảy ra.

Nhà học giả nữ - bà Marala Lonbado - Giám đốc trung tâm nghiên cứu triết học, chính trị và xã hội Mehicô đã có một lập luận đáng tham khảo khi bà cho rằng, khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba, cuộc đấu tranh giữa hai kiểu triết học về cuộc sống trên thế giới sẽ diễn ra rõ rệt hơn bao giờ hết: một kiểu nhìn thế giới như một cái gì bất biến, mọi thay đổi chỉ có tính chất hình thức; và một kiểu nhìn thế giới như một quá trình mà ở đó những thay đổi là cội nguồn của sự giàu có, tiến bộ và đạo đức. “Vì thế, những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ là những người đã cho chúng ta lý do sống và khả năng để thực hiện những ước mơ của mình” về một nền văn minh chân chính(10).

Hồ Chí Minh đã vận dụng tinh thần biện chứng Macxit để tìm đường đi cho dân tộc, do đó bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh rất xa lạ với mọi thứ giáo điều, trì trệ, cơ hội, cực đoan và đặc quyền đặc lợi. Cũng từ đó đặc điểm nổi bật của Hồ Chí Minh là sự tích hợp phong phú nhiều kiểu dạng tinh hoa và sự kết hợp tinh tế, nhuần nhị các kiểu dạng tinh hoa ấy, từ thế đứng và đặc điểm dân tộc. Nền văn minh xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang trở thành hiện thực, khi Di sản của Người được vận dụng một cách sáng tạo trong tình hình đổi mới của đất nước, và trước những diễn biến tư tưởng phức tạp của thời đại, rất khác với thời điểm khi quả tim Hồ Chí Minh ngừng đập cách đây hơn 40 năm. Văn học, nghệ thuật và thông tin đại chúng, những bộ phận nhạy cảm của đời sống đang giữ một vai trò hết sức quan trọng trong định hướng văn hóa phát triển, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập trước xu thế toàn cầu hóa. Đó chính là “văn hóa phải soi đường cho quốc dân” như Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến./.

___________
(1) Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Nxb. Sự thật, H, 1990.
(2) Hồ Chí Minh, notre camarade – Theo tư liệu thư viện Báo Nhân dân.
(3) Bác Hồ như chúng ta đã biết. Nxb. Thanh niên, H, 1985.
(4) Theo Trường Chinh: Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Nxb. Sự thật, H, 1966.
(5) Le Vietminh - Hồ Chí Minh. Ed. Payot, Pari, 1952.
(6) Tạp chí Lịch sử Rokixi Hyeron, số 232, tháng 9-1969. Đăng lại trên báo Thống nhất, H, số 194 ngày 19-5-1973.
(7) Những lời kêu gọi của Hồ Chí Minh. Nxb. Sự thật, H, 1992.
(8) Tổng tập văn học, Tập 36. Nxb. KHXH, 1980.
(9) Gorki bàn về văn học. Nxb. Văn học, H, 1992.
Nguồn: t.c văn học

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513144

Hôm nay

2245

Hôm qua

2436

Tuần này

21081

Tháng này

220017

Tháng qua

121356

Tất cả

114513144